Giày Superstar: biểu tượng thời trang chưa từng lỗi mốt của adidas
Từ sàn đấu bóng rổ của thập niên 70 đến những buổi biểu diễn âm nhạc, từ nơi đường phố sôi động cho tới những chiến dịch thời trang cao cấp, adidas Superstar đã chứng minh sức sống bền bỉ của mình và được xem như một trong những biểu tượng thời trang mang tính toàn cầu của mọi thời đại. Không đơn thuần chỉ là một đôi giày thể thao, Superstar là một phần của dấu ấn văn hóa và là hiện thân của sự giao thoa giữa thể thao, âm nhạc và lối sống. Hành trình ấy không hề tình cờ – mà là kết quả đầy tích cực của sự đổi mới, thấu hiểu thị trường, và đặc biệt là khả năng kể chuyện của một thương hiệu mang tầm vóc lịch sử.
Ảnh: The Beat Asia
Từ sân bóng rổ đến biểu tượng văn hoá đại chúng
Năm 1969, adidas lần đầu tiên giới thiệu mẫu giày Superstar ra thế giới với một mục tiêu rõ ràng: cải tiến giày bóng rổ chuyên nghiệp. Điểm nổi bật của đôi giày này chính là phần mũi vỏ sò (shell toe) bằng cao su, một thiết kế hứa hẹn sẽ giúp bảo vệ ngón chân, chống trượt và tăng độ bền cho đôi giày. Đây được xem là một bước đột phá trong thời kỳ mà giày vải canvas vẫn chiếm ưu thế.
Ảnh: The Beat Asia
Kể từ khi được ra mắt, không mất nhiều thời gian để Superstar chiếm trọn được cảm tình từ giới vận động viên NBA. Huyền thoại Kareem Abdul-Jabbar từng là một trong những người tiên phong mang đôi giày này lên sàn đấu, từ đó mở đường cho sự phổ biến rộng rãi của nó trong làng bóng rổ chuyên nghiệp Mỹ.
Ảnh: Streetwear.gr
Nhưng bước ngoặt lớn thực sự đến khi đôi giày này bắt đầu rời xa sân đấu bóng rổ để bước vào đời sống thường nhật của giới trẻ. Nhờ kiểu dáng cổ thấp dễ phối đồ, độ bền cao và phong cách năng động, Superstar nhanh chóng trở thành món đồ không thể thiếu trong tủ đồ của thanh thiếu niên ở các thành phố lớn như New York, Los Angeles hay Chicago.
Run-D.M.C và thời điểm định hình lịch sử
Nếu chỉ dừng lại ở tính năng thể thao, Superstar có lẽ đã là một mẫu giày thành công nhưng chắc chắn chưa thể trở thành một huyền thoại. Sự kiện làm thay đổi tất cả xảy đến vào thập niên 1980, khi nhóm nhạc hip-hop đình đám Run-D.M.C. công khai diện adidas Superstar trên sân khấu, với dây giày được thả lỏng như một cách thể hiện rõ rệt cá tính đường phố và phong trào "bứt phá khỏi chuẩn mực" của band nhạc này.
Ảnh: Authentic Shoes
Ca khúc "My Adidas" ra mắt năm 1986 đánh dấu một bước ngoặt lớn khi đây không chỉ là một bản hit, mà là bản tuyên ngôn văn hóa đầu tiên biến một đôi giày thể thao thành biểu tượng đường phố. Đáng chú ý, bài hát đã dẫn đến việc adidas ký hợp đồng tài trợ chính thức trị giá 1 triệu USD với Run-D.M.C. đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử có một thương hiệu thể thao ký kết với nghệ sĩ âm nhạc.
Ảnh: Wikipedia
Sự kiện này không chỉ tạo ra cú hích thương mại cho doanh số của những đôi Superstar, mà còn khiến ra cây cầu gắn kết mối quan hệ giữa thời trang, âm nhạc và văn hóa đại chúng trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Superstar không chỉ còn là giày thể thao, giờ đây, nó trở thành tiếng nói, bản sắc và đại diện cho lối sống thời thượng, bứt phá của cả một thế hệ.
Đổi mới không ngừng song vẫn giữ vững tinh thần nguyên bản
Vượt khỏi hào quang của thập niên 80, adidas không để Superstar rơi vào lãng quên. Thay vào đó, thương hiệu này không ngừng làm mới hình ảnh của mẫu giày này qua từng thời kỳ. Dù thiết kế tổng thể vẫn trung thành với bản gốc đã ra mắt trước đó, mũi vỏ sò, ba sọc đặc trưng, form low-top, nhưng chất liệu, màu sắc và thông điệp luôn được làm mới để phù hợp với xu hướng thời đại.
Một trong những bước đi thông minh nhất của adidas là chiến lược hợp tác với các nghệ sĩ, nhà thiết kế và thương hiệu thời trang nổi bật. Vào năm 2015, chiến dịch "Superstar is not what you think it is" được triển khai toàn cầu nhằm kỷ niệm 45 năm ra đời của dòng giày này. Chiến dịch khổng lồ này với sự góp mặt của Pharrell Williams, Rita Ora, David Beckham... đã tạo lên tiếng vang lớn trên toàn cầu. Đặc biệt, Pharrell Williams còn phát triển một bộ sưu tập 50 màu Superstar, nhấn mạnh tính cá nhân hóa và sự đa dạng đúng với tinh thần "Original".
Bên cạnh đó, Jeremy Scott, một nhà thiết kế nổi tiếng với tư duy sáng tạo dị biệt, đã biến hóa Superstar bằng những chi tiết táo bạo như hình cánh thiên thần, tạo làn sóng tranh luận và yêu thích trong giới một điệu. Các phiên bản hợp tác giới hạn cùng BAPE, Prada, Human Made, hay gần đây là Gucci, không chỉ làm dày thêm di sản của Superstar mà còn đưa mẫu giày này trở lại tâm điểm của ngành thời trang đường phố.
Ảnh: Working Not Working
Việc Superstar có thể duy trì thiết kế kinh điển nhưng vẫn liên tục làm mới hình ảnh cho thấy khả năng thích nghi bền bỉ, hay cũng chính là yếu tố quan trọng giúp nó trở thành biểu tượng vượt thời gian.
Superstar và di sản văn hoá sneakers toàn cầu
Ngày nay, văn hóa sneakers (sneaker culture) là một ngành công nghiệp trị giá hàng chục tỷ đô, được yêu thích bởi những cộng đồng đam mê, sưu tầm và tôn sùng giày thể thao như vật phẩm văn hóa. Trong bức tranh rộng lớn ấy, adidas Superstar giữ vị trí như một cột mốc lịch sử, được coi là đôi giày đặt nền móng cho phong trào "giày không chỉ để đi".
Ảnh: The Face
Superstar góp phần định nghĩa lại giày thể thao như một biểu hiện của sự cá tính, một tuyên ngôn thời trang. Nó không hề bị bó hẹp bởi giới tính, độ tuổi hay tầng lớp, bất cứ ai, từ sinh viên nghệ thuật đến ngôi sao Hollywood, từ rapper đến người mẫu thời trang cao cấp, tất cả đều có thể chọn Superstar như một cách khẳng định bản thân.
Không chỉ dừng lại ở đó, Superstar còn được trưng bày trong các triển lãm về văn hóa đương đại, được phân tích như một biểu tượng của chuyển dịch văn hóa từ thể thao sang đời sống. Khi một đôi giày thể thao có thể xuất hiện cả trên thảm đỏ lẫn trong các bộ sưu tập bảo tàng, đó chính là minh chứng rõ ràng nhất cho giá trị vượt thời gian của nó.
Khi những ngôi sao thế giới đồng hành cùng Superstar
Đằng sau sức sống của Superstar là sự đồng hành bền bỉ từ các ngôi sao nổi tiếng, những người không chỉ là đại sứ thương hiệu, mà còn là những người thực sự yêu thích, mến mộ và góp phần to lớn trong việc định hình lại hình ảnh đôi giày qua mỗi lần xuất hiện.
Pharrell Williams không chỉ là gương mặt quảng bá, mà còn là người định hình tinh thần tự do và sáng tạo cho Superstar trong thế kỷ 21. Trong khi đó, Beyoncé mang Superstar vào chiến dịch Ivy Park, kết hợp giữa nữ quyền, thể thao và thời trang đương đại. Hay David Beckham, người từng gắn bó cả đời với các thiết kế adidas, luôn trung thành với Superstar như một phần của phong cách lịch lãm pha chút nổi loạn. Ngay cả G-Dragon, biểu tượng K-pop, cũng góp phần không nhỏ đưa Superstar vào văn hóa đại chúng châu Á, làm sống lại hình ảnh đôi giày theo cách rất riêng. Những ngôi sao như Naomi Osaka, Bad Bunny, Jonah Hill, …. mỗi người một phong cách, một nền văn hóa, nhưng đều gặp gỡ ở tình yêu với biểu tượng của thời trang đường phố này.
Ảnh: adidas
Sức hút vượt thời gian
Trong một thế giới thời trang luôn đòi hỏi sự thay đổi chóng mặt, nơi mà các xu hướng xuất hiện rồi biến mất theo mùa, Superstar vẫn giữ vững chỗ đứng của mình suốt hơn nửa thế kỷ. Đó là điều rất hiếm, và lại càng hiếm hơn với một sản phẩm vốn không được sinh ra để chạy theo thị hiếu.
Ảnh: Footwear News
Superstar thành công vì nó đại diện cho thứ vượt trên cả thời trang: bản sắc. Nó không cầu kỳ, không hào nhoáng, nhưng mang trong mình một lịch sử đủ sâu, một hình ảnh đủ mạnh, và một tinh thần đủ linh hoạt để thích nghi với mọi thế hệ.
Hơn 50 năm sau ngày ra mắt, Superstar không còn là đôi giày của riêng vận động viên bóng rổ, của riêng Run-D.M.C., hay của riêng bất kỳ cá nhân nào. Nó là di sản của nhiều thế hệ – một thiết kế giúp mọi người cảm thấy mình là chính mình. Dù thế giới thời trang có chuyển mình theo bao trào lưu mới, adidas Superstar vẫn ở lại như một điểm tựa.
Ảnh: adidas
Trong kỷ nguyên mà mọi giá trị đều có thể bị thay thế chỉ bằng một cú nhấp chuột, sự hiện diện liên tục của Superstar qua năm tháng không chỉ là bài học về xây dựng thương hiệu, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của một sản phẩm khi nó gắn kết sâu sắc với văn hóa, ký ức và cảm xúc con người.
>>Xem thêm: Xu hướng giày loafer 2024 dẫn lối phong cách thời trang