Lợi ích của vỏ gối lụa đối với tóc và da
Chúng ta dành một phần ba cuộc đời để tựa đầu và mặt vào vỏ gối, thế nhưng liệu bạn có biết chất liệu của nó tác động rất lớn đến tóc và da? Như vỏ gối bằng lụa, góp phần cải thiện độ ẩm của tóc và da, ngăn ngừa nếp nhăn, đồng thời mang lại mái tóc mượt mà, không bị xoăn vào mỗi buổi sáng. Cùng WOWWEEKEND khám phá sâu hơn về lợi ích cũng như cách lựa chọn và bảo quản vỏ gối lụa nhé!
Lợi ích của vỏ gối lụa đối với tóc và da
Giảm gãy rụng tóc và mất độ ẩm
Đây là một trong những lợi ích chính của việc sử dụng vỏ gối bằng lụa so với cotton hoặc polycotton. Khi ngủ, sự ma sát của tóc với các sợi bông thô hơn sẽ khiến tóc bị xơ, rối và xoăn vào buổi sáng, từ đó tóc sẽ có nguy cơ bị chẻ ngọn và gãy rụng theo thời gian. Không chỉ vậy, khả năng thấm hút tốt hơn của bông còn hút đi độ ẩm khỏi tóc, làm mất nước và góp phần khiến tóc dễ gãy hơn.
Ngủ trên vỏ gối bằng lụa sẽ ngăn ngừa được tổn thương này theo hai cách. Thứ nhất, lụa được dệt chặt đến mức giúp tóc bạn lướt qua mượt mà trên bề mặt mà không bị vướng vào giữa các sợi vải, giúp tóc bớt xoăn và rối vào buổi sáng, ít gãy hơn và cũng có thể làm giảm số lượng tóc chẻ ngọn.
Ảnh: Freepik
Thứ hai, lụa là chất liệu có khả năng thấm hút kém hơn đáng kể so với vỏ gối vải thông thường. Điều này có lợi là vì sẽ giảm độ hấp thụ độ ẩm vào vỏ gối vào ban đêm, thay vào đó giữ lại nhiều độ ẩm hơn cho tóc, giúp tóc luôn mềm mại và óng ả. Đặc biệt là đối với những ai có mái tóc khô và tổn thương do tác động của hóa chất hoặc các liệu pháp tạo kiểu bằng nhiệt.
Giảm thiểu nếp nhăn và da khô
Thay vì những sợi thô ráp hơn kéo theo làn da mỏng manh trên khuôn mặt từ đêm này qua đêm khác và hút ẩm, vỏ gối lụa lại có tác dụng ngược lại, các sợi lụa mềm mại có thể giúp giảm nếp nhăn và giúp làn da ngậm nước và mềm mại.
Lụa không hút ẩm mạnh như các loại vải khác, do đó, khi mặt tiếp xúc với vỏ gối lụa, da không mất quá nhiều độ ẩm. Điều này giữ cho da luôn được cân bằng độ ẩm tự nhiên, ngăn chặn tình trạng da khô, bong tróc và kích ứng.
Ảnh: Endy
Ngăn đổ mồ hôi và tắc nghẽn lỗ chân lông
Tơ lụa có khả năng điều chỉnh nhiệt độ một cách tự nhiên, làm mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Khi đổ mồ hôi, lụa sẽ hút ẩm và giữ bạn mát mẻ. Khi thời tiết lạnh, lụa tạo ra một lớp cách nhiệt mỏng giúp giữ ấm. Đây sẽ là một lựa chọn rất có giá trị đối với mọi làn da và lứa tuổi, nhất là phụ nữ mãn kinh.
Việc ít mồ hôi đọng lại hơn sẽ khiến làn da sạch vào thời điểm thức dậy. Ngoài ra, không giống như polyester satin, lụa là một loại vải thoáng khí. Bằng cách cho phép không khí lưu thông và hơi ẩm tiêu tan, vỏ gối lụa giúp ngăn mồ hôi và dầu tích tụ bám trên da qua đêm, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và góp phần gây ra mụn trứng cá và đốm.
Kháng khuẩn và không gây dị ứng
Lụa có khả năng kháng khuẩn, không gây dị ứng, không chứa hóa chất và không gây dị ứng. Vì được dệt chặt nên lụa sẽ không giữ lại bụi, nấm, mạt giường, cũng như phấn hoa và nấm mốc. Đây là tin vui cho những ai có làn da dầu, ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn gây mụn.
Đối với những người có làn da nhạy cảm, ngủ trên vỏ gối lụa sẽ đảm bảo chất liệu gần mặt bạn nhất mỗi đêm có khả năng bảo vệ tốt nhất có thể. Các loại vải khác có thể trở thành nơi sinh sản của mạt bụi, có thể làm tăng tình trạng viêm và kích ứng trên da của bạn, đồng thời gây ra dị ứng.
Ảnh: Freepik
Hấp thụ sản phẩm dành cho tóc hiệu quả
Sợi lụa mềm mại và không hút nước giúp sản phẩm chăm sóc tóc được hấp thụ một cách hiệu quả hơn. Khi sử dụng các sản phẩm lên tóc và tiếp xúc với vỏ gối lụa, sợi lụa sẽ giữ lại lượng tinh chất cần thiết trên bề mặt tóc, giúp thẩm thấu sâu vào sợi tóc và da đầu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần chăm sóc tóc như dầu dưỡng, dưỡng ẩm và các dưỡng chất khác thẩm thấu vào tóc một cách tối ưu, tăng cường hiệu quả của quá trình chăm sóc.
Cách lựa chọn và bảo quản vỏ gối lụa
Hãy chọn vỏ gối làm từ lụa tự nhiên, không phải lụa tổng hợp. Bởi lụa tự nhiên có chất lượng cao hơn, mềm mại và thoáng khí.
Momme là thước đo trọng lượng của vải lụa, tương tự như số lượng sợi trong tấm vải cotton. Loại lụa có số lượng momme cao hơn sẽ nặng với kiểu dệt dày đặc và các sợi tơ riêng lẻ dày hơn so với lụa có số lượng momme thấp. Vì thế, loại lụa có số lượng momme cao hơn thường có giá thành đắt hơn.
Gợi ý dành cho bạn là mật độ của lụa càng dày thì càng tốt. Hầu hết vỏ gối lụa trên thị trường thường giao động ở kích thước từ 19-22 momme, trong khi đó 25 momme là chất lượng tốt nhất. Bởi một chiếc vỏ gối lụa nguyên chất 100% có momme cao hơn thường có chất lượng vượt trội, mềm hơn và bền hơn.
Ảnh: Bed Bath and Table
Về cách bảo quản, nếu bạn cho vỏ gối lụa vào máy giặt, nên cài đặt chế độ giặt nhẹ nhàng, sử dụng nước giặt trung tính, nước để giặt không được quá 30 độ C và không nên giặt quá lâu. Cho vỏ gối lụa vào túi lưới sẽ tránh hiện tượng lụa cọ vào các loại cúc, móc khóa và làm rách chúng. Tốt hơn hết nên giặt riêng vỏ gối lụa với các loại quần áo khác.
Để yên tâm, bạn nên làm theo hướng dẫn trên nhãn, vì một số vỏ gối bằng lụa có thể không phù hợp để giặt bằng máy. Để làm khô, có thể treo vỏ gối và để chúng khô tự nhiên, tránh sử dụng máy sấy và tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, nhằm bảo vệ độ bền và màu sắc.
Nhìn chung, việc chăm sóc cơ thể từ những vật liệu tự nhiên không chỉ giúp chúng ta tiết kiệm chi phí về lâu dài mà còn giúp bảo vệ sức khỏe. Hãy đầu tư vào những sản phẩm tự nhiên như vỏ gối lụa để trải nghiệm sự khác biệt và cảm nhận sức mạnh của tự nhiên trong việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.
Ảnh: Freepik
>> Xem thêm: Lợi ích của việc sử dụng dầu gội và sữa tắm không chứa sulfate
>> Xem thêm: Cải thiện vẻ đẹp làn da với phương pháp Breathwork