Những bộ phim độc lập không thể bỏ lỡ (Phần 2)
Từ những rạp chiếu phim Art House khiêm tốn ở nhiều thành phố văn hoá toàn cầu, cho đến việc tạo tiền đề cho sự nghiệp hàng loạt đạo diễn nổi tiếng thế giới, phim độc lập song hành cùng dòng phim thương mại để vẽ lên bối cảnh chân thực hơn về sự phát triển của nghệ thuật thứ bảy đương đại.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của ngày càng nhiều các hãng phim nhỏ như A24, Janus Films, Mubi hay Neon lại mang đến “hơi thở” mới cho phim độc lập, điểm chạm linh hoạt giữa những tác phẩm độc đáo hơn, có nhiều tự do sáng tạo hơn với tiềm năng phòng vé vô hạn. Trong nhiều mùa giải phim ảnh diễn ra gần đây, ngày càng có nhiều sự xuất hiện của các dự án độc lập. Ngoài số lượng, chất lượng của những tác phẩm này cũng được giới phê bình công nhận, và người yêu phim ảnh trên khắp thế giới quan tâm.
Anora đã chạm đến đỉnh cao của phim độc lập, với nhiều giải Oscar danh giá cho các hạng mục lớn trong năm 2025, nhưng đây không phải trường hợp duy nhất. Trước Anora, phim độc lâp vẫn có chỗ đứng nhất định trong thế giới điện ảnh. Sau Anora, đây liệu có thể là đòn bẩy đưa phim độc lập trở về thời kỳ nơi điện ảnh có thể trở về bản chất của một loại hình nghệ thuật sáng tạo? Hay là mảnh đất màu mỡ cho thế hệ đạo diễn mới của tương lai, như cách Christopher Nolan, Sofia Coppola hay Greta Gerwig đã làm được?
Memento
Một trong những bộ phim đầu tay của đạo diễn nổi tiếng Christopher Nolan - Memento đến giờ vẫn là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất mọi thời đại. Nếu nhìn vào thành công của Nolan với hàng loạt các dự án bom tấn, hiếm ai có thể ngờ tới việc đạo diễn này cũng như những đạo diễn khác khi mới vào nghề và sản xuất những bộ phim với kinh phí eo hẹp, nhưng sự sáng tạo đáng nể. Memento (2000) có thể loại kinh dị tâm lý neo - noir, kể câu chuyện phi tuyến tính về cuộc tìm kiếm ký ức của nhân vật chính Leonard Shelby (Guy Pearce thủ vai). Cách kể chuyện thông minh, lồng ghép những thông điệp sâu sắc về ký ức, nhận thức, nỗi đau… thông qua các góc quay nghệ thuật đã khiến Memento Mori nhận được ngợi ca không ngớt của giới phê bình, đưa Nolan lên một danh vọng mới, và hàng loạt giải thưởng cao quý. Dù chỉ được sản xuất với kinh phí 9 triệu USD, bộ phim đã thu về 40 triệu USD, đủ để thấy sức hấp dẫn của các dự án độc lập với người ra rạp lúc bấy giờ.
Ảnh: Summit Entertainment
Lost in Translation
Bộ phim chỉ được quay trong 27 ngày của nữ đạo diễn tài năng Sofia Coppola cũng nằm trong danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Lost in Translation khám phá chủ đề về nỗi cô đơn và sự mất kết nối giữa một cá nhân với xã hội rộng lớn hơn, được ẩn dụ thông qua cuộc gặp gỡ giữa một ngôi sao hết thời (do Bill Murray thủ vai) và cô gái mới tốt nghiệp đại học (do Scarlett Johansson thủ vai) ở Tokyo. Cách kể chuyện đơn giản tựa như cuốn nhật ký tái hiện bầu không khí phức tạp của thành phố Tokyo vào buổi đêm, khi con người đối diện sâu sắc nhất với sự cô đơn, nhưng cũng là nguồn cảm hứng cho sự lãng mạn. Lost In Translation không phải là câu chuyện tình yêu, và thách thức nhiều quy ước tường thuật phổ biến trong cách diễn giải về sự lãng mạn. Bộ phim dù chỉ có ngân sách 4 triệu USD nhưng đã đạt thành công phòng vé kỷ lục khi thu về 118,7 triệu USD, cùng giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất vào năm 2004, và là khởi đầu đầy hứa hẹn cho sự nghiệp chói sáng sau này của Sofia Coppola.
Ảnh: Focus Features
Frances Ha
Sức hấp dẫn của phim độc lập, là sự tự do không giới hạn, không sức ép dành cho các nhà làm phim. Vì thế, không chỉ với thể loại đa dạng, phim độc lập cũng đến cùng với nhiều cách kể chuyện, góc máy, hay thậm chí màu phim. Một trong những dự án đó là Frances Ha (2012) của đạo diễn Noah Baumbach. Lấy bối cảnh thành phố New York sôi động, Frances Ha lược bỏ màu sắc để mang đến bầu không khí hoài niệm đen - trắng, vừa gợi nhớ về những bộ phim kinh điển, vừa “đánh lạc hướng” khán giả vào một vở bi hài kịch về cuộc khủng hoảng hiện sinh của vũ công trẻ Frances. Bộ phim đạt 92% trên Rotten Tomatoes không chỉ nhờ câu chuyện đời thường có thể kết nối với số đông người trẻ tuổi, mà còn bởi thủ pháp nghệ thuật dòng phim hài gợi tới phim của Woody Allen, Jim Jarmusch hay François Truffaut. Phim cũng nhận được nhiều đề cử cho nữ diễn viên Greta Gerwig, và giới thiệu những diễn viên mới (đã trở nên nổi tiếng) như Adam Driver hay Mickey Sumner.
Ảnh: IFC Films
Slumdog Millionaire
10 đề cử Giải Oscar, 8 giải Oscar gồm Giải Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất… đã đủ chứng minh sự thành công vang dội của Slumdog Millionaire. Đạo diễn Danny Boyle vốn đã có nhiều tiếng vang trước đó, chạm đến nấc thang mới khi quyết định chuyển thể câu chuyện độc đáo về một thí sinh tham gia chương trình Ai là triệu phú Ấn Độ và chiến thắng “đáng ngờ” của anh nhờ vào câu chuyện cuộc đời có một không hai. Bộ phim được sản xuất chỉ với kinh phí 15 triệu USD, nhưng thu về tới 378,4 triệu USD, cùng với hoan nghênh tuyệt đối của cả giới phê bình lẫn khán giả. Nhờ Slumdog Millionaire và vai diễn đầu tay trong sự nghiệp, nam diễn viên người Anh gốc Ấn Dev Patel đã trở thành cái tên được săn đón của Hollywood.
Ảnh: Pathé Distribution
The Worst Person in the World
Bộ phim hài - lãng mạn Na Uy của đạo diễn Joachim Trier là một bất ngờ với điện ảnh thế giới 2021, không chỉ bởi đây là một trong những bộ phim không nói tiếng Anh hiếm hoi được công chúng toàn cầu nhiệt liệt đón nhận, mà còn là sản phẩm phá vỡ nhiều chuẩn mực khuôn mẫu của thể loại hài - lãng mạn thông thường nhờ vào diễn xuất tinh tế và thuyết phục của dàn diễn viên, và cách tiếp cận chủ đề nữ giới theo cách không khoan nhượng. Phim nhận được nhiều đề cử các liên hoan phim lớn, và mang về cho nữ diễn viên chính Renate Reinsve giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes.
Ảnh: Oslo Pictures
>>Xem thêm: Ngoài Anora, những bộ phim độc lập nào bạn không thể bỏ lỡ? (Phần 1)