share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Hành trình đến Phát Diệm trong màn sương sớm


ADVERTISEMENT

“Ai đến Ninh Bình mà không đi nhà thờ đá Phát Diệm thì chỉ có tiếc ngùi ngụi mà quay về thôi”. Đó là câu nói đầy gợi mở của chị chủ của “homestay” khi chúng tôi tá túc tại Tam Cốc, Ninh Bình.

Vì thế, tạm gác kế hoạch lên Mộc Châu sớm, theo lời người dân địa phương, tôi dành thêm một ngày ở lại Ninh Bình để khám phá vùng đất Phát Diệm nổi tiếng với nhà thờ đá đẹp và lâu đời nhất Việt Nam. Và theo sự chỉ dẫn nhiệt tình của họ, thứ mà không một sách báo, blogger nào có thể truyền tải hết được, chúng tôi bon bon trên hành trình dài 28km từ thành phố Ninh Bình đến địa phận xã Lưu Phương, Kim Sơn. Khung cảnh hai bên đường - đó là cả một bữa tiệc cho những tâm hồn rong chơi.

Hành trình đầy thơ mộng đến nhà thờ đá Phát Diệm trong màn sương sớm

Khởi hành từ sớm, dọc theo những thửa ruộng xanh ngát là hương vị của lúa mạ non và không khí trong lành ủ dưới màn sương đặc quánh của mùa xuân miền Bắc. Mùi thơm của ruộng đồng, của bùn đất, tiếng của ếch nhái, những giọt sương tinh khiết buổi sớm mai vương trên áo, trên mí mắt, trên con đường quê buổi sáng sớm, bất chợt xuất hiện những cảm xúc không thể nói hết bằng lời.

Hành trình đầy thơ mộng đến nhà thờ đá Phát Diệm trong màn sương sớm

Chạy thật chậm để cảm nhận thật lâu không khí nông thôn dân dã, ánh mắt vô tình bắt gặp hình ảnh người đàn ông với chiếc nón cối và chiếc xe đạp cũ kỹ chạy ra thăm ruộng sáng sớm, hay đàn cừu lông loang lổ màu được một phụ nữ trung niên lùa đi tìm kiếm thức ăn nạp năng lượng cho ngày mới khiến tâm hồn yêu đời và tươi vui đến lạ. 

Mặt trời lên xé toạc màn sương sớm. Khi những tia nắng đầu tiên của ngày ấm như rót mật chiếu thẳng xuống con đường quê cũng là lúc chúng tôi đến trung tâm huyện Kim Sơn. Thiên nhiên dần nhường chỗ cho những dãy nhà cổ kính mọc lên san sát nhau. Hai bên đường là những nhà thờ nhỏ nằm rải rác với lối kiến trúc khá ấn tượng như lời dân địa phương hết mực ca tụng “kinh đô Công giáo Việt Nam", phần nào làm chúng tôi nôn nao được đặt chân đến một ngôi nhà thờ lớn hơn, đích đến của hành trình - nhà thờ đá Phát Diệm 120 tuổi. 

Trước mắt tôi đây là một công trình khá vững chãi và sừng sững với thời gian

Xa xa đích đến đã hiện ra trước mặt. Khung cảnh ngay lối vào gây ấn tượng mạnh mẽ với hồ nước rộng 4 ha được kè đá xung quanh, giữa hồ có một hòn đảo nhỏ đặt tượng chúa Giê-su đứng dang tay chào đón mọi người. Theo như trong Kinh Thánh, muốn vào nhà thờ để thờ phượng Thiên Chúa thì đôi bàn chân cần sạch sẽ, phủi hết bụi để bên ngoài, nên hồ nước ở đây giống như nơi để mọi người rửa chân trước khi vào thánh điện, thân thể sạch sẽ và gội rửa tâm hồn thật trong sạch, thanh tịnh. 

Hồ nước phía trước nhà thờ, trong xanh không gợn đục

Phát Diệm xưa vốn là vùng biển được phù sa bồi đắp, nền đất nên người ta phải đóng xuống hàng triệu cọc tre và hàng nghìn khối đất đá mới đặt được nền móng vững chắc cho công trình này. Vì thế, thời gian xây dựng là cả một chặng đường dài - hơn 30 năm.

Bản đồ Quần thể nhà thờ Phát Diệm (Nguồn ảnh: https://nhathoconggiao.com)

Chúng tôi tham khảo bảng chỉ dẫn được đặt ngay cổng vào mới giật mình vì độ hoành tráng của Quần thể. Nơi đây gồm một nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ, phương đình, ao hồ và 3 hang đá nhân tạo. 5 nhà thờ nhỏ lần lượt là nhà thờ Thánh Rô-cô, nhà nguyện Thánh Giuse, nhà thờ trái tim Chúa Giê-su, nhà thờ Trái tim Đức Mẹ và nhà nguyện Thánh Phê-rô. Mỗi nhà thờ là một tác phẩm kiến trúc tuyệt mỹ, trong đó đặc biệt nhất là nhà thờ Trái tim Đức Mẹ được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên và 14 bức phù điêu tích trong nhà thờ nguyện thánh Giuse - kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá Việt Nam.

Quần thể kiến trúc này được chủ trì xây dựng bởi linh mục Phê-rô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu, 1825-1899) - linh mục chính xứ Phát Diệm từ năm 1965. Khi cụ mất, mọi người xây dựng Lăng mộ của cụ trong khu Quần thể Phát Diệm để tưởng nhớ, trên mộ có ghi mấy dòng chữ: “Người kiến thiết nhà thờ đá Phát Diệm, sinh năm 1825 tại làng Mỹ Quan, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, xứ Kẻ Dừa”. Công lao của cụ không chỉ được nói đến với Giáo hội nói chung mà còn với xứ Phát Diệm nói riêng.

Cổng đá lớn phía đông chào đón hành khách thập phương đến thờ lạy

Nhà thờ thánh Rô-cô là một trong 5 nhà thờ nhỏ của Quần thể Phát Diệm. Trước kia nhà thờ dâng kính thánh Gioan tiền hô. Trong quá khứ, vùng đất này có dịch tả lớn, giáo dân kêu cầu thánh Rô-cô mà được khỏi nên đổi tên thành nhà thờ thánh Rô-cô. Vào bên trong, bàn thờ từ trên xuống dưới là một phiến đá toàn khối, những nét chạm, những đường cong như đã chạm đến của tuyệt đỉnh thẩm mỹ, có chỗ nhẹ nhàng tinh tế, có chỗ mạnh mẽ, uy nghiêm, tính toán kỹ lưỡng để tạo thành một
tổng thể hài hòa

Phía sau nhà thờ thánh Rô-cô là nhà thờ dâng kính trái tim Chúa Giê-su. Bên trong nội thất hoàn toàn bằng gỗ lim, dường như toàn bộ nghệ thuật của chạm trổ điêu khắc gỗ hàng nghìn năm của văn hóa Việt đã về đây hội tụ, những hoa lá cỏ cây, vân mây uốn lượn, tất cả như phảng phất nét uy nghi, đường bệ của chốn cố đô, cung đình của lăng vua Đinh, vua Lê

Nhà thờ thánh Giu-se nằm ở Tây Nam của nhà thờ lớn, được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim. Các cột hình bát giác trổ hoa lá quấn quít, những sợi dây mảnh mai rủ xuống trông như tấm rèm kín đáo. Nét thẩm mỹ của ngôi nhà thờ nói lên tính cách của thánh Giu-se, trầm lặng và ít nói. Hai bên cung thánh là 14 bức phù điêu nói lên cuộc đời thăng trầm của Ngài từ lúc thiên thần báo tin, rồi khi bị xua đuổi, trốn sang Ai Cập, hay cuộc sống nghề thợ mộc nuôi Chúa Giê-su lớn khôn, cho đến lúc Ngài qua đời

Phía sau là nhà thờ thánh Phê-rô với toàn bộ cột kèo được dựng bằng gỗ mít và chạm trổ hoa lá
cầu kỳ, hai bên tường là bức phù điêu chân dung 12 thánh Tông đồ

Như đã giới thiệu phía trước, tinh hoa của kiến trúc Phát Diệm như hội tụ cả về nhà thờ Trái tim Đức Mẹ. Hầu như tất cả mọi thứ ở đây đều làm bằng đá xanh có độ bền với thời gian, từ nền, tường, cột, xà, tường, chấn song cửa cho đến tháp hay bàn thờ, tất cả đều được làm chỉ với bàn tay tài hoa của người thợ và dụng cụ đục đá nhỏ. Nhà thờ được xây dựng đầu tiên trong cụm 5 nhà thờ nhỏ

Phía trong nhà thờ Trái tim Đức Mẹ được chạm nhiều bức phù điêu độc đáo và sống động đến lạ thường. Phía trên tượng Đức Mẹ có bức phù điêu với hình trái tim bị đâm xuyên qua tượng trưng cho trái tim Mẹ vô nhiễm nguyên tội

Điểm nhấn mang tính quy mô nhất ở quần thể tôn giáo này là Phương Đình (tháp chuông).
Phương Đình có nghĩa là nhà vuông, hình dáng như cái đình làng rộng lớn, gồm 3 tầng, tầng dưới cùng được xây dựng bằng đá xanh, chính giữa đặt một sập làm bằng đá nguyên khối

Tầng thứ hai của Phương Ðình treo một trống lớn. Tầng ba treo một quả chuông cao 1,4m, nặng gần 2 tấn. Tiếng chuông vang xa được ví như cả ba tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa đều nghe thấy.  Hơn 100 năm nay, tiếng chuông vẫn rung sáng chiều để nhắc nhớ giờ lễ cho giáo dân

Mái cong hình mũi thuyền được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam, một phần nói lên tinh thần tôn trọng và gìn giữ những nét đẹp di sản mà cha ông để lại

Trên 4 đỉnh tháp và phía trước Phương Đình có 4 pho tượng của bốn vị Thánh sử Tin Mừng chuyên chép Kinh Thánh là Luca, Mat-thêu, Mac-cô, Gioan với những tư thế cầm sách ghi chép Tin Mừng

Nhà thờ chính được xem là trung tâm của hoạt động Giáo hội tại đây vì thường xuyên diễn ra các thánh lễ và các hoạt động khác. Không gian bên trong thực sự làm tôi bị choáng ngợp với kiến trúc dát vàng và những cột chống khổng lồ. Độ hoành tráng của nhà thờ còn được bác Hội đồng giới thiệu qua đơn vị khối lượng “tấn”

“Có những súc gỗ nặng đến 7 tấn, đá nguyên phiến nặng đến 20 tấn, được khai thác từ những địa điểm rất xa như Thanh Hóa, Nghệ An, được vận chuyển nhờ thuyền bè kết lại thành từng mảng lớn xuôi ngược trên những dòng kênh”, bác Hội đồng kể với đôi mắt đầy tự hào. 

Cung thánh được sơn son thiếp vàng theo quan điểm “đẹp vàng son, ngon mật mỡ” truyền thống của người Việt Nam. Bàn thờ làm bằng đá nguyên khối, được chạm trổ các loài hoa đặc trưng của bốn mùa làm cho bàn thờ như được phủ một chiếc khăn màu thạch sáng. Toàn bộ phần mộc nhà thờ được làm bằng gỗ lim thân lớn, với 6 hàng 52 cột đỡ lấy 4 mái, mỗi cột nặng gần 10 tấn.

Bên trong nhà thờ chính (Nguồn ảnh: KimsonK)

Điều đọng lại nhất của chuyến hành trình là không khí buổi lễ ngày hôm đó. Thật may mắn khi ngồi cạnh tôi đây là những con người của miền quê Phát Diệm, hiền lành chân chất, đàn ông thì mặc những bộ vest cũ, phụ nữ thì áo len và khăn quấn cổ, miệng vang lên những lời kinh quen thuộc nhưng đã được chuyển đổi âm điệu theo vùng miền nghe sao hay ho đến thế. Tan lễ, tôi nán lại ít lâu để dâng lời cầu nguyện cho gia đình và người thân, cũng như tìm một chiếc riêng tư cho tâm hồn đang thật sự cần chút thanh thản và bình yên. 

Đoạn đường về, lại vẫn ngồi xe, miệng lại vẫn hát nghêu ngao, nhưng trời tối rất nhanh, sương mù bắt đầu phủ kín, ếch nhái lại kêu và những con bọ nhặng của miền quê từng đàn lũ lượt đập thẳng vào mắt thật khó chịu. Nhưng tâm hồn thì vẫn vui lắm, trong lòng cứ tấm tắc khen các cụ nhà ta quá giỏi. 

Thế đó, Ninh Bình không chỉ có Tam Cốc, Bích Động, Tràng An như trên sách báo, hay blogger du lịch không ngớt lời ca tụng, mà còn có hành trình đến Phát Diệm với cảnh sắc ven đường đầy thơ mộng và một Quần thể Công giáo Phát Diệm với kiến trúc hài hòa Đông - Tây. Nơi đây thật sự có quá nhiều thứ để tìm hiểu, khám phá, tất cả, thực sự làm con người ta nhớ mãi và quyến luyến không rời.


ADVERTISEMENT