share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Ghé thăm Vịnh Hạ Long trên cạn nơi Tam Chúc


ADVERTISEMENT

Đầu xuân, trời nắng vàng ửng, nhận được lời mời từ một người anh quen “Đến ngôi chùa lớn nhất thế giới không?”, tôi chẳng thể chối từ và háo hức chờ ngày lên đường.

Cả tuần nắng hửng thì đến ngày tôi đi trời lại mưa. Mưa lất phất rồi dần nặng hạt hơn. Nhưng mưa chẳng làm tôi quên đi niềm ham mê cảnh lạ. Tôi vẫn đi. Đoạn đường 60km từ Hà Nội đến với Hà Nam - là làng quê Việt Nam dung dị, là những con đê dài thật dài, chỉ là khởi đầu cho những kỷ niệm khó quên.

11h sáng, mưa ngớt dần. Hà Nam ôm tôi trong chút tia sáng đang ló. Chúng tôi mua vé xe điện và di chuyển đến chùa - nơi cách cổng 7 km. Và rồi, thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ ngút ngàn mang vẻ đẹp như tạc vào thơ phú, như trong mộng cảnh đầy hữu tình ẩn hiện giữa mây trời, lòng người cũng yên ả thanh bình thuần khiết đến kỳ lạ.

Tam Chúc là một nơi mênh mông, mênh mông của sơn và thủy. Mặt trước là hồ nước ngọt tự nhiên, cái mà ban đầu tôi còn tưởng là hồ nhân tạo, hóa ra là một trong số những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nước ta. Điều kì lạ là trên hồ có 6 quả núi nhô lên, hình thế kỳ vĩ đến nao lòng. Người dân nơi đây bảo với tôi “Dân gian truyền là 6 quả chuông nhà trời đưa xuống, gọi là lục nhạc. Đằng sau, hậu thất tinh, 7 quả núi có thể phát sáng khi có ánh trăng vào ban đêm”.

“Tiền lục nhạc, hậu thất tinh”

Những bậc thang đưa chúng tôi đi tiếp đến “hậu thất tinh” – nơi có chính chùa. Mỗi một phần bậc sẽ đến một địa điểm trên trục thần đạo bao gồm: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan, Phòng họp Quốc tế. Thiết kế của mỗi ngôi điện rất đẹp, có những điện được bao quanh bởi những bức tranh đá núi lửa điêu khắc tỉ mỉ điêu luyện, có những điện lại mang những bức tượng khổng lồ được đúc bằng đồng nguyên khối. Những mái điện cong vút công phu mang dáng dấp đôi bàn tay của người nghệ nhân tài hoa. Dường như những nét đẹp của tôn giáo, những linh thiêng của tôn giáo đều hội tụ và nằm lại tại nơi này. Tôi vốn chẳng phải người theo Phật giáo, nhưng đứng trước tượng đài của một trong những nền tôn giáo lớn nhất thế giới, lại ngưỡng mộ và trong lòng an yên đến lạ.

Những mái chùa cong vút đầy tinh tế

Điều tuyệt vời nhất không chỉ là những tinh tế trong chạm khắc và thiết kế, tôi yêu nhiều hơn là toàn cảnh Tam Chúc từ trên cao. Bạn càng chinh phục được nhiều điện, bạn sẽ càng lên tới độ cao lớn hơn. Mây trời ngút ngàn dường như chẳng còn điểm giao nhau. Sương trắng phủ đầy trời giăng mờ mờ hư ảo, nhìn từ trên cao, sương như lập lờ bao trọn chiếc hồ, sương như lấn lướt nhẹ nhàng mơn trớn mặt hồ.

Mây khói mờ nhân ảnh trên điện cao Tam Chúc

Lên cao, lên cao nữa. Cả Tam Chúc là một bức tranh thủy mặc của các tao nhân mặc khách từ ngàn xưa trở về, ẩn hiện trong câu thơ Nguyễn Trãi: "Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan/ Nhất bàn lam bích trừng minh kính/ Vạn hộc nha thanh đọa thúy hoàn”.

Đứng trước thiên nhiên quá đỗi mênh mông vô hạn, con người tôi hóa ra chỉ là hữu hạn, thấy mình trong sáng hơn, thấy mình thanh thản hơn, thấy mình hòa mình giữa chốn hoang sơ để quên đi bụi bặm ồn ào nơi thành thị.

An yên miền Tam Chúc

Cuối ngày. Gió mát lạnh. Bâng khuâng nhìn lại trên con đường vắng, hướng tầm mắt lên ngọn núi cao tít tắp mình đã chinh phục. Hẹn một mai.


ADVERTISEMENT