Explore Lang thang Hà Nội một ngày cuối thu
Tôi thích ghé Hà Nội vào những ngày cuối thu. Lần này cũng thế, cái lạnh se sắt của buổi giao mùa luôn làm những người lữ khách như tôi da diết khôn nguôi.
Sáng hôm ấy, mới 6h30 bọn tôi đã khởi hành để chuẩn bị ra thăm phố cổ. Có lẽ vì là dân Sài Gòn, nên vẫn còn giữ thói quen café sáng. Dù thế chúng tôi vẫn không quên tạt ngang qua Hồ Gươm để kịp ngắm cảnh Hà Nội ban mơ. Với nhiều người, có lẽ Hồ Gươm đẹp nhất là về đêm, khi Tháp Rùa đổ bóng xuống lòng hồ phẳng lặng và bốn bề điểm xuyến bởi ánh đèn. Nhưng với chúng tôi, mùa thu Hồ Gươm đẹp vì phảng chiếu được cảnh sắc thu, nơi những tán lá đã bắt đầu nhuốm vàng.
La cà mãi ở Hồ Gươm gần 8h cả bọn mới kéo được đến thăm phố cổ. Phố cổ Hà Nội mang nét hoài niệm nhưng vẫn không kém phần sôi nổi. Dạo quanh phố cổ, với tôi điều thú vị nhất là nhìn quang cảnh tất bật chuẩn bị hàng quán của người dân nơi đây. Cuộc sống mưu sinh vẫn thấp thoáng nét lam lũ dù ngay giữa lòng thủ đô xa hoa chăng nữa.
Những phút giây tĩnh lặng giữa lòng Hà Nội, lặng ngắm những vệt nắng thu đổ dài trên bức tường vàng vọt theo dấu thời gian. Phố cổ thật sự ra làm nên cái hồn 4000 năm lịch sử của đất Thăng Long. Dù cuộc sống có “bức bách”, thủ đô phải phát triển, hiện đại hóa như một nhu cầu tất yếu của thời hội nhập. Nhưng chính cuộc sống chậm rãi, nhẹ nhàng cùng nét trầm lắng của phố cổ, đã giữ lại cho Hà Nội những chất thật riêng.
Buổi trưa chúng tôi dừng lại một quán nhỏ để dùng bún chả. Ra Hà Nội, không dùng bún chả có vẻ thật không vẹn tròn cho một chuyến đi. Buổi chiều 1h chúng tôi khởi hành đi làng gốm Bát Tràng.
Làng gốm Bát Tràng cách Hà Nội chỉ 10 km, nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm. Đây là một trong những làng gốm lâu đời và nhiều truyền thống nhất nước ta. Thật ra, lũ chúng tôi cũng chẳng đứa nào thật sự hiểu về nghề gốm. Đến đây, cũng không tránh khỏi cưỡi ngựa xem hoa. Nhưng tất nhiên bạn không thể một sớm một chiều, hoặc chỉ một chuyến đi mà hiểu được “cốt cách” của một vùng đất. Chúng tôi đến Bát Tràng, hơn hết là để được tận mắt chiêm ngưỡng những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân gốm.
Ở Bát Tràng, đa phần người dân đều sử dụng các kỹ thuật truyền thống để chế tác gốm, qua đó dựng xây nên hồn của một sản phẩm. Ngoài việc, xem nghề gốm như một kế sinh nhai, người dân Bát Tràng cũng xem như đây là phương thức để lưu giữ và kết nối tinh hoa nghề gốm dân tộc. Nếu làng gốm Bát Tràng không tồn tại và phát triển thì liệu những người trẻ như chúng tôi có cơ hội tìm về để hiểu và yêu thêm văn hóa dân tộc. Thú thật, khi nhắc đến gốm Bát Tràng, dù chưa thật sự thấu hiểu hết những tinh hoa nghệ thuật bên trong, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy tự hào vì đó là sản phẩm được chế tác từ bàn tay tài hoa của con người Việt.
Lang thang phố Bát Tràng thì phải vào tận sâu những con hẻm, nơi những bức tường phủ đầy rêu xanh. Thời gian qua đi, nơi đây vẫn mang dáng dấp của cuộc sống làng xã ngày xưa. Đây là điều mà những đứa phố thị như tôi khó lòng hiểu được. Du lịch với tôi, như một cách đi để trưởng thành, nhưng có lẽ Bát Tràng tôi phải đi thêm lần nữa mới hiểu hết được cuộc sống chân phương, tĩnh tại nơi đây.
Rời Bát Tràng cũng đã hơn 17h, ráng chiều trải dài theo bóng chúng tôi. Hà Nội là vùng đất của cổ kính, của văn hóa và lịch sử, nơi để đến và hiểu. Nhưng tiếc thay tôi vẫn chưa hiểu dù đã ra Hà Nội 3 lần, hoặc giản dị một điều, khi đã quá mến cảm một vùng đất nào, ta thấy nơi ấy thật nhiều điều vương vấn, để tìm thêm lý do một lần nữa đến thăm…