Explore Ngoảnh lại Hoa Lư
Đã ghé qua Hà Nội ngàn năm văn hiến, cùng đã đến Huế trầm mặc dịu dàng, nhưng không đâu khiến tôi thấy đượm hồn đất kinh kỳ như cố đô Hoa Lư. Quê hương xứ sở của "Cờ Lau Vạn Thắng Vương" nằm lọt thỏm trong lòng núi hiểm trở, ngàn năm lắng hồn sông núi để gầy nên hình hài tráng lệ mà trữ tình ngày nay. Cũng như bao người say mê văn hóa, lịch sử nước nhà, Cố đô Hoa Lư là điểm đến tôi không thể bỏ qua trong chuyến ra Bắc đầu tiên trong đời.
Hoa Lư, quê hương xứ sở của Cờ Lau Vạn Thắng Vương
Thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cố đô Hoa Lư cách Hà Nội khoảng 100km, khiến tôi cùng bạn đồng hành - hai cô gái trong Nam lần đầu ra Bắc tốn 3 tiếng rong ruổi trên xe máy. Trong khoảng thời gian eo hẹp của chuyến đi, chỉ có một ngày ở Ninh Bình, chúng tôi quyết định ghé thăm hai nơi là Danh thắng Tràng An và Hang Múa sau nhiều lần cân nhắc.
Đất cố đô ngàn năm lắng hồn sông núi
Không mất quá nhiều thời gian để chạy xe từ bến đến khu du lịch Tràng An. Ở đây, du khách sẽ được ngồi thuyền thăm thú một vòng danh thắng theo 3 chuyến đường tùy chọn. Sau khi tham khảo, chúng tôi quyết định chọn đi tuyến số 2 - tuyến đò sẽ đưa chúng tôi băng qua Hang Lấm, Hang Vạng, Hang Thánh Trượt đến Đền Suối Tiên, rồi lại xuyên qua Hang Đại để đến Hành Cung Vũ Lâm, Phim trường Kong rồi quay lại bến thuyền.
Mang bao hân hoan ngóng đợi bước lên thuyền, chiếc thuyền nan bềnh bồng từ từ đưa chúng tôi vào lòng Tràng An. Lọt thỏm giữa non xanh nước biếc như thủy mặc, ngỡ mình đã biết đến bồng lai.
Mang nhiều ngóng đợi, chúng tôi lên thuyền đi vào lòng Tràng An
Không hổ danh là "Hạ Long trên cạn", Tràng An là một dải núi non trùng điệp in mình trên mặt hồ xanh ngọc bích, trong núi ẩn chứa những hang động hoang sơ, núi núi non non khoét nên những thung lũng kỳ bí và đền đài tựa mình vào lưng núi vẫn còn vẹn nguyên nét cổ kính uy nghiêm. Xuôi dòng Sào Khê, tay chèo điêu luyện của cô lái đò đưa chúng tôi vào những hang động mát lạnh, bỏ lại cái nắng trưa Bắc Bộ oi ả bên ngoài. Khác với hang động ở quần thể Phong Nha Kẽ Bàng, những hang động Tràng An thấp bé đến nỗi có những nơi buộc chúng tôi phải cúi đầu mới có thể băng qua. Chui vào lòng núi đá tách biệt với nhân gian, hơn cả nỗi sợ bóng đêm là cảm giác phiêu lưu hồi hộp. Quay về giấc mộng thuở bé con, tôi tưởng tượng mình là một nhà thám hiểm đang trôi dạt giữa chốn xa lạ, và ai ngờ đâu dòng nước đen thăm thẳm còn ẩn giấu một nền văn minh xưa cũ nào đó. Rồi thoát khỏi chút viễn vông mơ mộng trong đầu, chúng tôi trêu nhau bằng truyền thuyết bản địa, rằng ai hứng được giọt nước nhỏ từ thạch nhũ trong động, sẽ gặp được nhân duyên như ý. Hai đứa cười đùa giơ tay hứng lấy hứng để, không rõ xác suất nước rơi trúng tay là bao nhiêu mà chẳng đứa nào hứng được, chắc là trời chưa ban duyên.
Những hang sâu hun hút, vừa bí hiểm lại vừa tạo cảm giác phiêu lưu
Xuyên qua những hang kỳ, đá lạ,thế núi tầng tầng, chúng tôi vào đền Suối Tiên, nơi dòng nước sạch có tiên nữ hạ phàm tắm gội theo truyền thuyết xa xưa. Đến nay, ngày 18/03 âm lịch hằng năm, lễ hội truyền thống Tràng An vẫn được tổ chức tại đền này.
Đền Suối tiên nơi tổ chức lễ hội truyền thống Tràng An hằng năm
Tiếp tục cuộc hành trình, ngang qua núi Kim Quy phía xa xa, xuyên qua Hang Đại với diện tích lòng hang rộng nhất khu du lịch, cô lái đò khua nhẹ mái chèo đưa chúng tôi cập bến Hành cung Vũ Lâm. Tôi lạc bước vào quần thể những đền đài cổ xưa để tìm về một thời vàng son dựng và giữ nước trong lịch sử dân tộc. Nơi đây là một cụm tâm linh đặc biệt với nhiều di tích đền thờ các vị tướng có công trấn ải xứ sở, đền thờ Mẫu, đền thờ các vị vua Trần, chùa thờ Phật. Đây cũng là di tích ghi lại dấu ấn thuở các vua Trần lập căn cứ địa củng cố lực lượng, tích trữ lương thảo, rèn luyện binh khí nhằm chờ thời phản công chống giặc Mông Nguyên. Mảnh non nước hùng vĩ mà trữ tình Vũ Lâm cũng là nơi xuất gia tu Phật đầu tiên của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Có tận mắt chiêm ngưỡng, bạn mới hiểu được vẻ đẹp say sưa được Phật hoàng lưu lại trong những áng thơ "Chiều thu Vũ Lâm" ở nơi này:
Lòng khe in ngược bóng cầu treo
Hắt sang bờ khe vệt nắng tà
Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ
Mây giăng như mộng tiếng chuông xa.
Từ Hành cung Vũ Lâm ngắm nhìn non xanh nước biếc
Sau khi đã thỏa lòng chiêm bái và tham quan Hành cung Vũ Lâm, chúng tôi men theo dòng Sào Khê về lại bến thuyền, kết thúc cuộc hành trình theo một tròng tròn kín. Dòng nước đã chứng kiến thăng trầm tang thương của lịch sử vẫn giữ mình tươi mát trong lành, tôi thấy được cả những ngọn tảo sum suê và đàn cá nhỏ tung tăng lội nước bên dưới. Hy vọng rằng dù nơi đây kinh trải bao bể dâu, nhân gian vẫn bền lòng chiêm bái, hệ sinh thái duy trì ổn định, núi non vẫn đời kỹ vĩ rạng ngời.
Dòng nước kinh trải nhiều thăng trầm của lịch sử vẫn giữ mình thanh mát trong lành
Rời Tràng An, chúng tôi có một bữa trưa ngon lành với đặc sản thịt dê núi trước khi đến với Hang Múa nổi danh. Theo truyền thuyết dân gian, cái tên Hang Múa có từ xa xưa, khởi nguồn từ tích vua Trần Thái Tông thường lui tới đây nghe cung tần mỹ nữ múa hát khi về vùng Hoa Lư lập Am Thái Vi.
Hang Múa, được mệnh danh là Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam
Được ví như Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam, chúng tôi phải chinh phục gần 500 bậc thang theo kiến trúc đường dẫn thành quách để lên đỉnh núi Ngọa Long. Để kịp chiêm ngưỡng toàn thể bức tranh Tam Cốc vào độ hoàng hôn đất trời chuyển mình, chúng tôi phải tức tốc leo lên, không dám buông lơi phút nào. Trong lúc leo trèo, cô bạn đồng hành tình cờ gặp lại người bạn Tây trong mới làm quen trong chuyến Hà Giang trước đó, cuộc trò chuyện câu có câu không khiến quãng đường chinh phục đỉnh núi của chúng tôi thêm vui vẻ và bớt gian nan đi nhiều.
Cuộc trò chuyện với người bạn mới quen khiến đường lên núi bớt phần gian nan
Đường dẫn tạc từ đá trắng theo thời gian đã phủ màu rêu phong trầm mặc. Dù vội vàng, tôi vẫn không quên nhìn ngắm những hình thú Nghê, đại bàng, rồng... những con vật có dấu ấn trong văn hóa kiến trúc tâm linh người Việt được tạc hai bên đường dẫn.
Và rồi cũng đặt chân lên đỉnh núi, tôi không khỏi choáng ngợp với cảnh quan hùng vĩ xung quanh. Dải Tam Cốc nên thơ trữ tình đang hiển hiện ngay trước mắt. Ấn tượng hơn cả là tượng rồng uốn lượn trên đỉnh núi chầu phía sau tượng Phật bà Quan Âm. Nhìn từ phía chân núi, cảm tưởng như con rồng cao nhất Ninh Bình này đang ngày ngày vươn mình đón đưa bình minh và hoàng hôn.
Tam Cốc đang vào mùa gieo mạ non
Rồi thời khắc người người người ngóng đợi cũng đến, hoàng hôn buông xuống, nhuộm đất trời một màu cam đỏ. Quay đầu ngoảnh mặt là bạt ngàn đồng lúa ôm ấp những dải đá voi. Một vùng Tam Cốc như nàng thơ đang đà ngái ngủ, biếng nhác mà quyến rũ không nguôi. Tôi, cũng như bao kẻ lữ khách quanh mình ra sức chiêm ngưỡng, ghi tạc thời khắc động lòng này. Đứng giữa bao la đất trời, cảm tưởng mình bé mọn như chiếc lá giữa rừng, nhưng tâm tư lại tự do như gió.
Người lữ khách tận hưởng khoảnh khắc mặt trời lặn trên đỉnh Hang Múa
Đôi vợ chồng son cũng quyết định lưu lại bộ ảnh cưới ở chốn nên thơ này
Rồi mặt trời trời cũng khuất núi, người người lũ lượt ra về trước khi hết thảy chìm nghỉm vào đêm đen. Người leo lên non cao, tắm đến giọt nắng cuối cùng, ngỡ ngàng nước non mình đắm say đến vậy. Rồi người về, khi trời nhuộm tối, trả lại nước non ngàn dặm đó cho sớm mai, cho ánh mắt người si mê đến sau chiêm ngưỡng.
Trời nhuộm tối, người lũ lượt ra về, trả lại nước non ngàn dặm cho người đến sau chiêm ngưỡng
Chúng tôi lái xe về lại Hà Nội ngay trong đêm, để lại nhiều bồi hồi về một Hoa Lư ngàn năm lịch sử phía sau lưng. Chuyến ghé thăm vội vàng không làm chúng tôi mất đi ấn tượng về nét đẹp cổ kính của nước non đền đại nơi đây. Vẫn hẹn một ngày trở lại, dẫu xa hay gần.
Vẫn hẹn một ngày trở lại Hoa Lư cổ kính