share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Fashion Những thương hiệu thời trang và sức mạnh của màu sắc


ADVERTISEMENT

Khoa học đã chứng minh, màu sắc có khả năng ảnh hưởng đến cảm xúc và truyền tải những thông điệp mà không cần bất cứ từ ngữ nào để diễn tả. Qua nhiều thế kỷ, chúng đã trở thành một phần quan trọng của các thương hiệu lớn. Đặc biệt là các thương hiệu thời trang.

Từ màu be vương giả của Burberry đến màu đen quyền lực của Chanel, màu vàng năng động của Fendi đến màu xanh sang trọng của Tiffany… Không chỉ là những màu sắc biểu tượng, các thương hiệu này cùng với mã màu đặc trưng của họ còn là câu chuyện về di sản và hành trình phát triển với thời gian.

Ảnh: Fendi 

Màu xanh Tiffany

Vào thế kỷ 19, sự phổ biến của sắc xanh ngọc lam trong trang sức đã ảnh hưởng đến ngôn ngữ thiết kế của Charles Lewis Tiffany. Năm 1845, nhà sáng lập đã công bố màu sắc này trở thành đại diện thương hiệu của mình thông qua cuốn catalogue giới thiệu BST trang sức mới. Năm 1998, Viện Sắc màu Pantone đã ra mắt hệ màu chính thức mang tên “xanh Tiffany 1837”. Cái tên này cũng được đặt dựa theo năm thành lập của Tiffany & Co.

Ảnh: Tiffany & Co.

Màu xanh Tiffany được pha trộn giữa màu xanh trứng chim (robin’s egg blue) với xanh da trời non (baby blue). Xuyên suốt hành trình lịch sử, màu xanh lục nhạt này đã đồng hành cùng thương hiệu trang sức Mỹ đối mặt với thử thách của thời gian. Đến hiện tại, sắc xanh Tiffany chính là một biểu tượng không thể thay thế, là tiếng nói của thương hiệu mà không cần thông qua bất kỳ một đại diện nào khác. Màu xanh Tiffany trong thời trang chính là đại diện của sự sang trọng, tinh tế và quý phái mà những quý cô trong giới mộ điệu khao khát có được.

Tiffany & Co. và màu xanh đặc trưng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sức mạnh của màu sắc có tác động mạnh mẽ đến thương hiệu và cảm xúc của khách hàng như thế nào.

Ảnh: Tiffany & Co.

Màu cam Hermès

Mối lương duyên giữa Hermès và màu cam quýt xảy ra một cách rất tình cờ. Năm 1945, khi mà đội quân Đức đang chiếm đóng thành Paris trong Thế chiến thứ hai. Lúc này, một số vật liệu bắt đầu trở nên khan hiếm dần và đương nhiên ảnh hưởng đến cả quá trình sản xuất tại xưởng bao bì của Hermès.

Ảnh: Hermès

Thời điểm đó, bao bì của thương hiệu Pháp vốn dĩ được làm giả da, có màu mù tạt và viền màu nâu. Chính vì sự thiếu thốn của vật liệt cũng như thuốc nhuộm, xưởng sản xuất buộc phải tận dụng tất cả những gì còn sót lại để cung cấp cho khách hàng. Và vô tình, thuốc nhuộm có màu cam quýt – đó cũng chính là bước ngoặt thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của Hermès cho đến ngày nay.

Vượt qua mọi khó khăn, màu cam quýt đã tồn tại cùng thương hiệu suốt quãng thời gian dài phát triển và trở thành một biểu tượng không thể thay thế. Màu cam mang lại cảm giác ấm áp, tươi vui và trạng thái tích cực khiến cho những khách hàng cũng cảm thấy tự tin hơn khi mua hàng. Cam Hermès trong thời hiện đại cũng chính là đại diên cho những tạo tác đầy chất lượng đến từ nhà mốt.

Ảnh: Hermès

Màu be Burberry

Khi chỉ mới 21 tuổi, Thomas Burberry đã lập nên thương hiệu của riêng mình. Hơn 20 năm sau, ông phát minh ra loại vải gabardine, được xem là loại vải không thấm nước đầu tiên trên thế giới. Gabardine nhanh chóng tạo nên một cuộc cách mạng cho trang phục đi mưa thời điểm đó và đưa Burberry lên một tầm cao mới. Đồng thời, chất vải này cũng được ứng dụng rộng rãi trong môi trường quân đội. Từ đó, Burberry nổi danh với những thiết kế mạnh mẽ, lịch lãm với họa tiết kẻ sọc trên nền màu be đặc trưng.

Ảnh: Burberry

Hơn 160 năm sau, màu be Thomas Burberry sử dụng ngày đó vẫn trường tồn với Burberry như một lời khẳng định vị thế cũng như chất lượng của thương hiệu. Những đường kẻ sọc màu đen - đỏ - trắng trên nền vải màu lông cừu chính là một biểu tượng không thể nhầm lẫn. Màu be Burberry dù là 160 trước hay thời điểm hiện tại vẫn luôn là một xu hướng. Kết hợp cùng phong cách thiết kế thanh lịch, mạnh mẽ và phóng khoáng, Burberry vẫn luôn giữ được những đặc trưng thuở ban sơ và thể hiện được tinh thần thời trang Anh quốc một cách ấn tượng.

Màu đen Chanel

Chanel chính là thương hiệu đã khiến màu đen trở thành gam màu quyền lực bậc nhất giới thời trang. Những năm 1920, Chanel tạo nên một cuộc cách mạng khi cho ra mắt chiếc váy mini màu đen (little black dress) đầu tiên trên thế giới. Thiết kế này đã thổi một làn gió mới vào thời trang phái nữ thế kỷ 20.

Ảnh: Chanel 

Đây là một ý tưởng đầy táo bạo vì thời điểm đó, màu đen chủ yếu chỉ được mặc để tỏ lòng tiếc thương và đau buồn, là màu của tang thương và chết chóc. Chiếc váy đen Chanel xuất hiện, phá vỡ mọi quy tắc, là bước đầu của hành trình đập tan những định kiến cổ hủ vốn đã tồn tại ở phương Tây từ lâu đời. Chanel từng nói:

“Phái nữ nghĩ về đủ loại màu sắc trên đời, ngoại trừ những gam màu không sắc. Trong khi đó, màu đen hội tụ đủ tất cả những yếu tố cần có, và màu trắng cũng vậy. Vẻ đẹp của chúng là không thể bàn cãi. Đó là sự hài hòa hoàn hảo.”

Màu Chanel kết hợp với những thiết kế tinh tế, sang trọng tượng trưng cho sự vùng dậy đầy mạnh mẽ của người phụ nữ thời bấy giờ. Đối với Coco Chanel, sắc màu này đại diện cho vẻ đẹp sang trọng, thanh lịch, quyền lực, mạnh mẽ và “vượt thời gian”.

Ảnh: Chanel 

Màu đỏ Christian Louboutin

Đế giày cao gót màu đỏ của Christian Louboutin chính là một trong những tuyên bố ấn tượng nhất về sức mạnh của màu sắc trong thời trang. Năm 1992, khi bản mẫu của đôi giày hoàn thành, nhà thiết kế cảm thấy chưa hài lòng với tạo phẩm thật của mình khi so với bản thảo trên giấy.

Một cách tình cờ, ông nhìn thấy lọ sơn móng tay màu đỏ của cô trợ lý bên cạnh và quyết định phủ màu lên phần đế của đôi giày. Từ đó, nhà mốt đã tìm ra điểm nhấn khác biệt cho thương hiệu. Sắc đỏ bắt mắt, nổi bật đầy quyến rũ trên những đế giày cao gót nhanh chóng gây ấn tượng và trở thành nỗi khao khát của biết bao phụ nữ trên Thế giới. Sắc đỏ Louboutin cũng được coi là đại diện của tình yêu, đam mê và sức mạnh của quyền lực.

Ảnh: Christian Louboutin 

Màu vàng Fendi

Lấy cảm hứng từ ánh nắng mặt trời tại thành Rome, kể từ năm 1993, màu vàng đã gắn bó chặt chẽ với Fendi và đồng hành cùng thương hiệu đến tận bây giờ. Thời điểm đó, Fendi ra mắt Pergamena, một loại da có màu cói tự nhiên, đánh dấu sự xuất hiện của màu vàng đặc trưng tại nhà mốt.

Màu vàng thường tạo nên cảm giác vui vẻ. Theo Fendi, màu vàng cũng tượng trưng cho danh dự và lòng trung thành. Fendi đã sử dụng màu sắc này trên hầu hết các mã thiết kế của thương hiệu. Từ những chiếc túi biểu tượng cho đến nước hoa cũng mang màu sắc liên tưởng đến mặt trời nước Ý. Sự năng động của màu sắc này cũng phản ánh phần nào sức sống và phong cách của nhà mốt – không ngừng đổi mới, tiến bộ và sáng tạo.

Ảnh: Fendi


ADVERTISEMENT