Watches Royal Oak Offshore: “Quái thú” nhà Audemars Piguet
Khi khái niệm “oversized” vẫn còn khá mới mẻ trong ngành công nghiệp chế tác đồng hồ thì sự ra mắt của Royal Oak Offshore từng bị coi là thiết kế đi ngược truyền thống khi ra mắt năm 1993. Với kích thước 42mm, Royal Oak Offshore còn được đặt cho biệt danh “The Beast” – Quái thú, cùng sự hoài nghi lớn về thành công, để rồi sau đó thay đổi cả góc nhìn của những người yêu đồng hồ thế giới.
Chinh phục thế hệ tiếp theo
Sau thành công vang dội của Royal Oak, bài toán của ngài giám đốc Audemars Piguet Stephen Urquhart là làm thế nào để tạo ra một thiết kế dành cho thế hệ trẻ hơn cả lớp khách hàng đương thời. Quả là một đầu bài không dễ và Steve Urquhart biết chính xác phải tìm đến ai khi muốn cải tiến Royal Oak, vì đã có một nhà thiết kế (NTK) tài năng mới vừa gia nhập vào đội sáng tạo của đội Jacqueline Dimier – Emmanuel Gueit. Lúc này Gueit mới độ 22 tuổi, và nhiệm vụ của anh là mang chính tuổi trẻ và trí tưởng tượng của mình vào làm mới một huyền thoại.
Emmanuel Gueit – Cha đẻ của Royal Oak Offshore
Lúc này thì mức độ thành công của Royal Oak đã rất chắc chắn và một NTK trẻ như Gueit đương nhiên không muốn cũng như không dám đánh mất bất kì chi tiết nào là biểu tượng của huyền thoại này. Royal Oak vốn đã được ca ngợi bởi sự hoàn hảo, hài hoà thì thực sự Gueit không có nhiều lựa chọn để thay đổi, mọi thứ đều đã được đặt đúng chỗ và ăn nhập tuyệt vời. Suy đi tính lại, thứ đầu tiên ông quyết định làm mới là kích thước, 42mm là sự thay đổi đầu tiên ông đặt cho Royal Oak Offshore.
Emmanuel Gueit cho biết:
“Khi tôi ở Audemars Piguet, Steve Urquhart đã yêu cầu tôi thiết kế Royal Oak Offshore. Ông ấy muốn sản xuất một chiếc đồng hồ đầy biểu tượng của sự nam tính, đặc biệt là dành cho những người trẻ. Ý tưởng của tôi lúc bấy giờ là một thiết kế mang vẻ đẹp cơ bắp, to và dày hơn. Vì tại thời điểm đó, phái nữ cũng đã và đang bắt đầu mua nhiều chiếc đồng hồ phóng khoáng hơn. Vì vậy, tôi đã tăng kích thước cho cả bộ vỏ và các chi tiết để phù hợp với cổ tay lớn của phái mạnh.”
Emmanuel Gueit, với sự hướng dẫn của Giám đốc sáng tạo Jacqueline Dimier, đã có những bản vẽ phác thảo đầu tiên. Tuy nhiên, quá trình lên ý tưởng và phát triển của Royal Oak Offshore đã gặp rất nhiều trở ngại, khi thị hiếu của phần lớn nhà sưu tầm lúc bấy giờ là những chiếc đồng hồ mỏng và nhỏ. Cứ sau 6 tháng, Emmanuel Gueit đều bị yêu cầu phải dừng dự án của mình lại. Mặc dù vậy, với lòng nhiệt huyết và tinh thần tiên phong của mình, ông đã tiếp tục bí mật nghiên cứu và cho ra những bản phác thảo đầu tiên của chiếc Royal Oak Offshore.
Sự xoay chuyển ngầm trong tư duy
Vào thời điểm đó, chiếc Royal Oak lớn nhất dành cho nam chỉ có đường kính 36mm và dày 7,7mm (Model 14700). Vì vậy, việc tăng kích thước lên 42mm và 14,05mm độ dày là một quyết định vô cùng táo bạo. Thậm chí Steve Urquhart đã thốt lên “Chà, to thật!” khi ông thấy những phác thảo đầu tiên.
Mãi cho đến năm 1993, chiếc Royal Oak Offshore đầu tiên mới được trình làng giới mộ điệu tại triển lãm Basel với ngoại diện hoàn toàn khác biệt. Sở hữu độ dày (14,05mm) và giá (16.600 CHF) gần gấp đôi so với một chiếc Royal Oak vốn đã là biểu tượng của thương hiệu, Royal Oak Offshore đã phải đón nhận vô số những hoài nghi và tranh cãi, không khác gì khi Royal Oak trình làng. Doanh số cũng không mấy khả quan khi chỉ có 61 chiếc Royal Oak Offshore được bán vào năm 1993, và chỉ vài trăm chiếc được bán những năm sau đó; thấp hơn đáng kể so với người anh Royal Oak.
Nhưng thế cờ đã được lật ngược trong những năm cuối của thế kỷ XX, khi mà con người ngày càng độc lập hơn trong suy nghĩ và thị hiếu, tôn trọng tính cá nhân hơn thì Royal Oak Offshore mới chính thức quay trở lại “cuộc đua” của mình. Vào năm 1997, lần đầu tiên doanh số bán hàng vượt mốc 1.000 chiếc, đánh dấu cột mốc Audemars Piguet tiếp tục cho ra đời của các phiên bản Offshore với chất liệu và màu sắc mới đa dạng hơn. Có thể nói rằng cùng với văn hoá Hip Hop, nghệ thuật đương đại nhen nhóm, đây mới bắt đầu là thời của tinh thần Offshore.
Cột mốc tiếp theo diễn ra vào năm 1999 kỷ niệm lần đầu tiên thương hiệu Audemars Piguet kết hợp với một lĩnh vực nghệ thuật – phim ảnh khi cùng diễn viên người Mỹ Arnold Schwarzenegger cho ra mắt phiên bản kết hợp Royal Oak Offshore End of Days và góp mặt trong nhiều bộ phim bom tấn của ông.
Nếu Royal Oak đem lại cho Audemars Piguet thị trường Châu Âu thì Royal Oak Offshore đem tới hai thị trường lớn khác, lần lượt là Nga và Mỹ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Điều này giải thích vị thế và sức ảnh hưởng không phải bàn cãi của Audemars Piguet trong làng đồng hồ thế giới giai đoạn mấy chục năm qua, cũng như ngày nay đây là một trong ba công ty độc lập hiếm hoi gia nhập câu lạc bộ tỉ đô doanh thu khi số lượng sản xuất chỉ nằm ở mức khoảng 50,000 chiếc.
Những chi tiết ẩn dụ mang tính khai mở
Kích thước không phải là điểm khác biệt duy nhất giữa Offshore và Royal Oak. Tương lai của Offshore được Gueit gửi gắm trong những chi tiết rất nhỏ. Ví dụ như ngay dưới bezel đa giác là một viền cao su nhỏ. Quay trở lại khung cảnh những năm đầu thập niên 90s, khi mà các chất liệu truyền thống là vua thì lần đầu một chất liệu mang hơi hướng công nghiệp và đương đại như cao su được đưa vào mặt tiền của một chiếc đồng hồ, quả là không thuận mắt.
Cho đến tận ngày nay điều này vẫn là không phổ biến. Nhưng nếu là nhà sưu tầm nhìn vào toàn cảnh quá trình thay đổi thẩm mĩ của nhiều cộng đồng tinh hoa trên thế giới, chi tiết nhỏ này nói với chủ nhân chiếc đồng hồ rằng: “Tôi là một chiếc đồng hồ thể thao, và tất nhiên tôi chống được nước ở mức 100m, đó là lý do vì sao viền cao su này tồn tại.” Sâu xa hơn nữa, chi tiết này tôn vinh công năng, tinh thần khám phá. Một chiếc đồng hồ thể thao để di chuyển, để chơi và để sống.
Không có giải thích chính xác nào về mục đích mà Gueit sắp đặt chi tiết này. Cũng có thể đó là một trong những xu hướng Postmodern khi mà người trẻ muốn chống lại những luật lệ, cách làm hoặc đơn giản là lối suy nghĩ đóng khung của thế hệ trước rằng phải làm như đã học mới là đúng. Chưa hết, các chi tiết nút bấm chronograph bằng cao su càng góp phần tăng thêm yếu tố mới lạ, đưa diện mạo của Offshore trở thành một chiếc đồng hồ xa xỉ khác biệt.
Cụ thể hơn thì vật liệu này không hẳn là cao su thông thường mà có tên là Therban, một loại vật liệu tổng hợp có khả năng kháng nước, đặc biệt là nước nóng và hơi nước cao. Nó có thể chịu được mức biến nhiệt từ biên độ -45 độ C cho tới 165 độ C, thậm chí giới hạn cao nhất là 180 độ C. Vật liệu này được tập đoàn Bayer bắt đầu nghiên cứ năm 1975 và ra mắt vào năm 1986, trong đó năm 1993, Gueit đã đưa nó lên thiết kế của mình.
Những chi tiết rất nhỏ ấy đã gieo hạt cho vô vàn những chân trời sáng tạo sau này, cho tương lai của Offshore. Phiên bản Offshore đầu tiên chỉ là những bật mí cho những gì sắp tới, là tham vọng của những bộ não đứng sau Audemars Piguet với bước đi đầu tiên trong quá trình nắm bắt chuyển biến trong nhận thức của giới sưu tầm đồng hồ, và họ chọn cách tạo ra một thiết kế khá quen thuộc nhưng lại nhiều ẩn số, ở một kích thước lớn hơn.
Tổng thể lớn, dày dặn, xù xì, mạnh mẽ là những ấn tượng đầu tiên về Royal Oak Offshore. Chiếc đồng hồ này không phải là phát minh siêu phức tạp nhưng lại là cánh cửa đưa ngành chế tác đồng hồ vào tương lai của những giới hạn mới, không bị níu chân bởi những suy nghĩ và ranh giới truyền thống.
Nếu không có Offshore, có lẽ chúng ta không thấy hệ tư tưởng này thay đổi, và không thấy ngành đồng hồ ở diện mạo như hiện nay. Ngày nay chúng ta sẵn sàng đón nhận những vật liệu mới như ceramic, titanium để tăng khả năng chịu lực và công năng hiệu suất của những chiếc đồng hồ.
Ngay cả kích thước đồng hồ 42mm bây giờ là một điều đương nhiên, rất vừa vặn và được giới yêu đồng hồ các nơi yêu thích. Và những bộ não ở Audemars Piguet đã có tầm nhìn này từ 30 năm trước với Royal Oak Offshore.
Royal Oak Offshore 43mm – lần “facelift” đương đại
Có thể nói đây là lần face-lift gần nhất của Offshore, mà lần cuối cùng đã diễn ra từ đầu những năm 2000. Vẹn nguyên những tính cách nguyên bản của Royal Oak Offshore, bộ vỏ và mặt số đã được cải thiện hơn để tăng cường tính tối ưu. Bên cạnh đó, series Offshore 43mm đi cùng Calibre 4401 flyback chronograph phức hợp của Audemars Piguet – một bộ chuyển động sẵn sàng cho mọi chuyến phiêu lưu. Đặc biệt hệ thống thay dây mới giúp những chiếc Royal Oak Offshore 43 mm biến hình nhanh hơn bao giờ hết.
Titanium, thép không gỉ hoặc vàng hồng kết hợp khéo léo và tinh tế ở các đường nét đầy phóng khoáng của Offshore. Các đường đánh bóng, gọt cạnh được phô diễn rõ nét hơn với thiết kế vỏ rộng, độ cong nhẹ trên viền bezel, núm crown và các nút chức năng tạo sự thu hút thị giác nhẹ nhàng. Ngoại trừ phiên bản hoàn toàn bằng titanium, bốn mẫu đồng hồ còn lại trong bộ sưu tập đều được trang bị phần viền bezel bằng ceramic tương phản mạnh mẽ với phần vỏ.
Bộ máy Calibre 4401 là cỗ máy chronograph in-house mới nhất của thương hiệu. Bộ chuyển động chronograph lên cót tự động này được trang bị bánh xe cột và có chế độ flyback cho phép khởi động lại tính năng bấm giờ mà không cần dừng hoặc đặt lại trước. Calibre 4401 sở hữu hệ thống ly hợp thẳng đứng giúp kim không bị nhảy khi tính năng chronograph được khởi động hoặc dừng, cũng như cơ chế đặt lại số không đã được cấp bằng sáng chế đảm bảo tất cả các kim của bộ đếm giờ lập tức nhảy về số 0 khi được reset.
Cùng với đó là sự xuất hiện của Royal Oak Offshore Diver 42mm với bộ vỏ từ thép không gỉ được trang bị bộ chuyển động mới 4308, một sự bổ sung tuyệt vời cho những hành trình khám phá hoang dã nhất dù ở trên hay dưới mặt nước.
Vẻ đẹp của các mẫu đồng hồ Royal Oak Offshore Diver 42mm
Sở hữu cơ chế trợ lực cùng tính năng nhảy ngày lập tức “instant-jump”, Calibre 4308 trang bị cơ chế cài đặt đã được cấp bằng sáng chế, mang lại tính ổn định và chính xác cao khi điều chỉnh các chức năng đồng hồ. Thang đo thời gian lặn hiện nổi bật trên vòng xoay bên trong của mặt số được kích hoạt bằng cơ chế nhấp một chiều, liên kết với núm vặn hướng 10 giờ.
Lời kết
Xét trên nhiều phương diện, sự phát triển của chiếc Royal Oak đầu tiên vào năm 1972 dường như đối xứng ngược lại với hậu duệ Offshore năm 1993.
Royal Oak được đặt tên chỉ vài tháng trước khi ra mắt, trong khi Offshore được sinh ra từ một cái tên đã được đăng ký trước cả bản phác thảo đầu tiên. Royal Oak đã đạt được vô số những thành công thương mại ngay lập tức ở mọi nơi, trong khi Offshore bắt đầu hành trình của mình với nhiều ý kiến trái chiều.
Tuy nhiên, cả 2 bộ sưu tập lại có nhiều điểm chung hơn là khác biệt. Cả hai đều ra đời xuất phát từ nhu cầu tiềm ẩn của thị trường, đều được lên ý tưởng và phát triển bởi công sức của nhiều người, từ nhà thiết kế, nhà cung cấp, các nhà đại lý từ những thị trường khác nhau, nghệ nhân đồng hồ ,… và đã chứng tỏ được sức ảnh hưởng lớn của mình ngay khi xuất hiện.
Royal Oak đã hình thành khái niệm “đồng hồ thể thao” bằng thép, trong khi Royal Oak Offshore mở đường cho những mẫu đồng hồ thể thao oversized phát triển. Cả 2 đều làm kinh ngạc giới mộ điệu và chuyên môn – trở thành biểu tượng xứng đáng được nhắc tới trong dòng chảy của thế giới đồng hồ.
>>Xem thêm: The Royal Oak: Kiệt tác đồng hồ ở tuổi 50