Environmental Movement Tính bền vững đã thay đổi ngành công nghiệp lưu trú thế nào?
Trong khi các xu hướng hưởng thụ của con người thay đổi theo từng thời kỳ, mong muốn khám phá những vùng đất mới thông qua các chuyến đi là một trong những mưu cầu bất biến. Ở thời đại thế giới phẳng, việc di chuyển giờ đây không chỉ giới hạn trong một kỳ nghỉ, mà còn cả với những chuyến công tác… tất cả đều là lực đẩy cho sự phát triển của ngành dịch vụ lưu trú.
Thách thức bền vững của ngành khách sạn
Cùng với sự phát triển ngày càng lớn, ngành dịch vụ khách sạn cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như thói quen của du khách, nền kinh tế biến động, và đặc biệt là trách nhiệm với môi trường. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, ngành dịch vụ lưu trú ước tính góp 3% lượng khí thải carbon toàn cầu trong năm 2022, trong đó, một phần ba lượng khí thải này đến từ các hoạt động của khách sạn.
Phần còn lại là những “carbon hữu hình” - lượng carbon phát ra trong giai đoạn phát triển cũng như cải tạo khách sạn. Dù không được nhắc đến trong chiến lược phát triển bền vững của ngành này, carbon hữu hình tạo ra từ quá trình xây dựng và cải tạo do thiết kế, quy mô, phương pháp xây dựng và vật liệu lại chiếm phần đáng kể trong lượng khí thải trọn đời của khách sạn.
Ảnh: Topas Ecolodge
Biến đổi khí hậu cũng tác động trực tiếp đến khả năng kinh tế của ngành dịch vụ lưu trú. Thời tiết khắc nghiệt đang ngày càng dẫn đến việc tăng chi phí hoạt động và giảm lượng khách du lịch. Bên cạnh đó, theo Deloitte, 51% người tiêu dùng toàn cầu cân nhắc các lựa chọn thân thiện với môi trường cho các quyết định chi tiêu của mình, bao gồm cả hoạt động du lịch đồng nghĩa với việc các khách sạn cũng phải thay đổi hướng tiếp cận và truyền thông của mình để thích ứng với thị trường và tăng khả năng cạnh tranh.
Ảnh: Anantara Hoi An Resorts
Theo nghiên cứu của World Sustainable Hospitality Alliance, khách sạn cần giảm tới 66% lượng khí thải carbon trên mỗi phòng vào năm 2030 và hơn 90% trên mỗi phòng vào năm 2050 để đạt được mức khí thải ròng bằng 0 cho toàn ngành. Để đạt được những con số này, ngành khách sạn buộc phải có những biện pháp và nỗ lực nhằm chuyển đổi mô hình của mình theo hướng xanh và bền vững hơn.
Giải pháp bền vững đã thay đổi ngành khách sạn thế nào?
Không phải đến thế kỷ 21, ngành dịch vụ lưu trú mới để mắt đến tính bền vững. Từ những năm 1960, tác động của ô nhiễm đã dẫn đến gia tăng nhận thức trong ngành. Cuộc khủng hoảng năng lượng vào năm 1973 cũng thúc đẩy ngành khách sạn tìm ra các giải pháp bảo tồn năng lượng để tiết kiệm chi phí.
Với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu đang đặt gánh nặng lên tất cả các ngành công nghiệp, hoạt động bền vững tuy không dễ dàng thực hiện, nhưng lại mang đến lợi ích lâu dài trong quá trình vận hành khách sạn và thúc đẩy lợi nhuận.
Ảnh: Zannier Bai San Ho, Phu Yen
Các xu hướng chính định hình ngành dịch vụ khách sạn bền vững bao gồm nguyên tắc ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị); Giảm thiểu lãng phí thực phẩm để giảm lượng chất thải lớn đến từ hoạt động Nhà hàng, Quầy bar, Phục vụ nhân viên…; Giảm thiểu tối đa mức tiêu thụ năng lượng và thay thế các tiện ích dịch vụ thông thường với các lựa chọn “xanh” và an toàn hơn… Những biện pháp sử dụng tài nguyên bền vững có thể cắt giảm tới 78% mức sử dụng năng lượng, 20-30% mức sử dụng nước và 81& lượng khí CO2 phát thải của các khách sạn, đồng nghĩa với việc tiết kiệm được khoản chi phí khổng lồ cho hoạt động kinh doanh.
Với các công cụ đo lường cụ thể, ngành khách sạn giờ đây có thể đo lường tính bền vững của mình và thể hiện cam kết chiến lược thông qua các Hiệp hội chính thức. vào tháng 8/2024, Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới công bố có hơn 5,000 cơ sở lưu trú tại 80 quốc gia bao gồm nhiều tập đoàn khách sạn lớn nhất thế giới như Louvre Hotels Group, Choice Hotels, Radisson Hotel Group và Accor đã áp dụng chương trình Cơ bản về tính bền vững của khách sạn. Chương trình này được thiết lập với tiêu chí toàn diện gồm 12 bước nhằm giảm lượng khí thải carbon, quản lý năng lượng, nước, chất thải, đồng thời đảm bảo lợi ích của cộng đồng địa phương.
Ảnh: Six Senses Ninh Van Bay, Nha Trang
Bằng việc cung cấp dịch vụ và cơ sở lưu trú bền vững, khách sạn cũng đang có cơ hội hướng đến phân khúc thị trường lớn hơn, đặc biệt là tệp khách du lịch sẵn sàng chi trả cho những dịch vụ cao cấp, hay nhóm khách hàng đang tìm kiếm nơi lưu trú có trách nhiệm. Trong những năm tới đây, thế giới sẽ chào đón một làn sóng khách sạn bền vững mới, và đơn vị được hưởng lợi từ xu thế này không chỉ dừng lại ở khách du lịch, nhân viên khách sạn, mà còn chính ngành dịch vụ lưu trú và trên hết là khí hậu toàn cầu.
>>Xem thêm: Những sáng kiến bền vững cho tương lai của ngành du lịch