Bí mật chỉ người sưu tập đồng hồ mới biết
Sưu tầm đồng hồ cũng như "đạp gió rẽ sóng, vượt ngàn chông gai". Quyết định lựa chọn đồng hồ cho bộ sưu tập cá nhân không phải lúc nào cũng trải hoa hồng nhưng luôn hứa hẹn đầy ắp trải nghiệm.
Ít ai biết rằng, đằng sau những bộ máy phức tạp và thiết kế tinh xảo là vô vàn bí mật thú vị đang chờ được khám phá trong mỗi chiếc đồng hồ.
Đồng hồ chính xác nhất cũng... không chính xác hoàn toàn
Ngay cả khi được thiết kế và chế tạo bằng công nghệ tối tân nhất, đồng hồ vẫn dựa vào nhiều yếu tố để đo thời gian, dẫn đến sai số. Góp phần đáng kể vào sự không chính xác này là ảnh hưởng từ nhiệt độ, áp suất và các yếu tố môi trường khác như độ ẩm hay thay đổi về hướng vị trí.
Zenith Defy Lab - chiếc đồng hồ cơ chính xác nhất thế giới tính tới thời điểm ra mắt. Ảnh: Zenith
Tuổi thọ của các bộ phận, vốn trải qua quá trình mài mòn theo thời gian, cũng có thể dẫn đến sai lệch khi đo thời gian. Dù không thể đạt được sự chính xác tuyệt đối, những chiếc đồng hồ cao cấp thường được điều chỉnh và kiểm tra cẩn thận để đảm bảo chính xác cao nhất. Đó là sự kết tinh kỹ nghệ chế tác đồng hồ ngày càng tiến bộ cũng như nỗ lực không ngừng nghỉ của các thương hiệu nhằm giảm thiểu sai số.
Sưu tầm giá trị nguyên bản
Một trong những điều hiển nhiên với các nhà sưu tầm kỳ cựu nhưng lại mới mẻ với người mới bước vào con đường sưu tầm các mẫu đồng hồ cổ điển (vintage watch): Tôn trọng tính nguyên bản, hạn chế tối đa những thay đổi nguyên trạng.
Chiếc Rolex Daytona Ref. 6239 của tài tử Paul Newman chốt giá hơn 17,8 triệu USD ở phiên đấu giá năm 2017. Ảnh: Phillips
Đồng hồ giữ trọn thẩm mỹ nguyên bản so với thời điểm ra mắt sẽ duy trì giá trị. Vì vậy, nếu đồng hồ có dấu hiệu can thiệp, về bộ máy lẫn thẩm mỹ bên ngoài, làm mất đi những dấu ấn ban đầu, sẽ càng làm vị chủ nhân tiếp theo thêm phần cảnh giác.
Chi tiết nhỏ - bí mật lớn
Các tiểu tiết thường nói lên nhiều điều. Chẳng hạn với đồng hồ cổ điển, việc bảo dưỡng đồng hồ quá đà làm các chi tiết phát quang có vẻ rực rỡ như mới, trong khi đáng lẽ sẽ trở nên "mờ mờ ảo ảo" theo thời gian. Tương tự, với bộ vỏ đồng hồ thường xuyên được đánh bóng làm mới, các góc cạnh, bề mặt nhám, khe rãnh nhiều khả năng sẽ "mềm mại" bất thường so với hình ảnh nguyên bản. Tất cả đều có thể làm giảm sức hấp dẫn với các "thợ săn" đồng hồ đượm màu thời gian.
Phiên bản giới hạn
Tạo tác càng hiếm lại càng giá trị. Thú sưu tầm cỗ máy đếm thời gian cũng không ngoại lệ. Những chiếc đồng hồ hiếm góp phần gia tăng đáng kể giá trị cho bộ sưu tập. Ngoài các phiên bản đặc biệt "Special Edition", phiên bản giới hạn "Limited Edition" thì những chiếc đồng hồ gắn liền với một nhân vật mang tính biểu tượng, cột mốc lịch sử hay ẩn chứa câu chuyện thú vị trong lịch sử cũng mang trong mình không ít giá trị tinh thần, tạo nên sự khác biệt.
>>Xem thêm: BST Patrimony kỷ niệm 20 năm với phiên bản giới hạn mang dấu ấn NTK Ora ïto
Đòi hỏi hơn 6.000 giờ chế tác, Greubel Forsey Hand Made 2 chỉ xuất xưởng từ 2-3 chiếc mỗi năm. Ảnh: Greubel Forsey
Ngoài ra, các mẫu đồng hồ từ những nhà chế tác độc lập như Konstantin Chaykin, Hajime Asaoka, hay Voutilainen và F. P. Journe, dù không phải phiên bản giới hạn song số lượng xuất xưởng ít ỏi hàng năm cùng nhu cầu sở hữu cao, vô tình tạo nên lực hấp dẫn chẳng hề thua kém phiên bản giới hạn.
Giá trị lịch sử
Nếu là người yêu thích các cỗ máy đếm thời gian và đắm chìm trong dòng chảy lịch sử của ngành chế tác đồng hồ, hẳn bạn sẽ biết một vài mẫu sở hữu tính năng mang tính cách mạng, hoặc đánh dấu sự thay đổi lớn về thiết kế hoặc chiến lược của các thương hiệu. Những câu chuyện bên lề này góp phần không nhỏ vào giá trị sưu tầm của chiếc đồng hồ, đặc biệt những tín đồ yêu thích thương hiệu.
>>Xem thêm: Những sự kiện đồng hồ không thể bỏ qua trong năm 2025
Dấu ấn đặc trưng
Rolex là một trong những thương hiệu đồng hồ bị làm giả nhiều nhất trên thế giới. Vì vậy, hãng đã ứng dụng nhiều kỹ thuật để tạo dấu hiệu bí mật chống lại thực trạng này. Trong đó có dòng chữ khắc "ROLEXROLEXROLEX" ở mặt trong khung vỏ đi kèm với số seri, hay khắc laser hình logo vương miện nét đứt ở vị trí 6h trên mặt số. Những dấu hiệu này chỉ xuất hiện ở những chiếc đồng hồ Rolex sản xuất từ năm 2000, không góp mặt trên các mẫu Rolex cổ điển.
Trong khi thương hiệu Omega tạo dấu "Ω" tí hon ở trung tâm mặt số đồng hồ từ năm 1950, thì đồng hồ Breguet thường khắc chữ ký của người sáng lập lên mặt số để hạn chế hàng giả. Chữ ký này ở gần vị trí 6h hoặc 12h, chỉ xuất hiện khi ánh sáng chiếu vào theo góc xiên.
>>Xem thêm: Bí mật ít người biết trong thế giới đồng hồ xa xỉ
Đồng hồ Breguet thường khắc chữ ký của người sáng lập lên mặt số, ở vị trí 6h hoặc 12h. Ảnh: Breguet
Khác với Breguet, biểu tượng của Blancpain không được khắc mà xuất hiện trên mặt số tráng men ở một số dòng đồng hồ, thường đòi hỏi cần xem nghiêng một góc nhất định mới nhận ra. Dấu hiệu này là hai chữ cái "JB" thường được khắc ở vị trí 4h, 5h, 7h hoặc 8h. Đây là tên viết tắt của người sáng lập thương hiệu Jehan-Jacques Blancpain.
Người Nhật lại có cách tiếp cận khác biệt, cũng giàu thẩm mỹ không kém. Mặt số đồng hồ Grand Seiko có hình ngôi sao 8 hoặc 5 cánh để tạo nét đặc trưng riêng. Ngôi sao 8 cánh cho biết mặt số, kim hoặc thang đo thời gian được làm bằng vật liệu đặc biệt, trong khi biểu tượng ngôi sao 5 cánh cho biết sai số của đồng hồ sẽ không quá 5 giây/năm. Đồng hồ còn có đường viền trên mặt số theo hình ảnh núi Phú Sĩ.
Khách hàng thân thiết
Bất chấp các nỗ lực trau dồi để có thể tự thân thẩm định, người mới sưu tầm vẫn có nguy cơ khó lòng phân biệt được đồng hồ chính hãng, giữa bối cảnh "vàng thau lẫn lộn" hiện nay, và nhiều khi rước vào lòng về những cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, điều quan trọng không kém là quyết định "chọn mặt gửi vàng" với các đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín về thẩm định, mua bán cũng như sửa chữa, bảo dưỡng để đảm bảo khoản đầu tư cảm xúc này không rơi vào tình huống "dở khóc dở cười".
>>Xem thêm: Khai trương cửa hàng độc lập đầu tiên của Girard-Perregaux tại Việt Nam