Cầu tàng hình Moses dẫn vào pháo đài Fort de Roovere, Hà Lan
Cách đây hàng ngàn năm trước Công Nguyên, trong Kinh Thánh Cựu Ước, ông Môsê đã từng giơ gậy để tách biển Đỏ, rẽ đường cho dân Do Thái chạy trốn khỏi đất Ai Cập. Ngày nay, chúng ta lại được một lần nữa thấy hình ảnh ấy ở ngoài đời qua cầu tàng hình nối hai bên bờ hào nước West Brabant. Cây cầu dẫn vào pháo đài Fort de Roovere ở làng quê vùng Halsteren, Hà Lan. Đó cũng là lý do vì sao, người ta đặt tên cho cây cầu này là Moses Bridge.
Công trình: Moses Bridge
Kiến trúc sư: RO&AD Architecten
Diện tích: 50 m²
Vật liệu chính: Gỗ Accoya
Địa chỉ: Halsteren, Hà Lan
Vào thế kỷ 16, người Hà Lan nhận ra rằng mạng lưới hào nước rộng lớn sẽ giúp họ tránh được những cuộc xâm lược của quân Pháp và Tây Ban Nha. Kẻ thù không thể xâm nhập vì nước ở các hào ngập lụt quá sâu để bộ binh vượt qua, nhưng lại quá nông cho thuyền đi. Hố gai được ẩn ngay dưới các con hào lại thêm phần nguy hiểm. Nhờ vậy, người Hà Lan tạo ra một rào cản tự nhiên kéo dài từ Amsterdam đến đồng bằng sông Rhine, bảo vệ cho những pháo đài trung tâm ở giữa. Họ gọi đó là "Đường ranh giới nước West Brabant".
Đường ranh giới này chạy qua một loạt pháo đài ở khu vực ngập lụt vùng Halsteren, Hà Lan, đã ngăn chặn quân đội Pháp xâm lược vào năm 1672. Phải đến một thế kỷ sau đó, vào mùa đông năm 1794, khi nước đóng băng, người Pháp mới qua được ranh giới này.
Cùng với hào nước West Brabant, pháo đài trung tâm Fort de Roovere được xây dựng từ thế kỷ 17 cũng là một địa điểm mang nhiều giá trị lịch sử, nhưng rơi vào tình trạng hư hỏng từ thế kỷ 19. Thông qua đóng góp, vào năm 2010, người Hà Lan đã cải tạo pháo đài này để biến nó trở thành một điểm tham quan.
Các kiến trúc sư đã đưa ra ý tưởng tạo đường đi kết nối đôi bờ, băng ngang qua hào nước dẫn vào pháo đài. Tuy nhiên, vì không muốn phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và ý nghĩa phòng thủ của các con hào, việc xây dựng một cây cầu nổi là điều không thể. Đội thiết kế đề xuất một cây cầu chìm dưới nước với mực nước tràn lên đến mép. Nhìn từ xa, bạn hầu như không nhìn thấy cây cầu này. Khi đến gần hơn, bạn sẽ thấy một rãnh hẹp dẫn lối vào pháo đài. Vì thế, người ta gọi nó là cầu "tàng hình". Hình ảnh này khiến nhiều người còn liên tưởng đến hình ảnh nhà tiên tri Moses và phép lạ rẽ nước biển Đỏ dẫn dân Do Thái thoát khỏi Ai Cập.
Để thiết kế được cây cầu đặc biệt này, các kiến trúc sư đã lựa chọn vật liệu hoàn toàn bằng gỗ Accoya với lá cao su chống thấm EPDM, đảm bảo không bị hư hỏng trong vòng 50 năm. Gỗ Accoya không phải gỗ thông thường. Nó là loại gỗ đã qua biến đổi trong một quá trình gọi là acetyl hóa, một công nghệ tiên tiến đã được cấp bằng sáng chế. Gỗ Accoya có tuổi thọ cao với những tính chất tuyệt vời như khả năng ổn định chiều cao, khả năng chống mục nát, mối mọt tấn công, kháng tia UV, cách nhiệt, âm thanh, thân thiện với môi trường. Khi xây dựng các công trình trên mặt đất, gỗ Accoya có thể bền tới 50 năm và 25 năm khi nằm trong đất hoặc nước ngọt.
Cao su EPDM (ethylene propylene diene monomer (M-class)), là một loại vật liệu đàn hồi, có thể chịu được nhiệt độ từ -50°C tới 120°/150°C. Cao su EPDM thường được sử dụng cho các sản phẩm làm kín trong sản xuất công nghiệp như các loại nắp bồn, đệm làm kín, vòng đệm cao su. EPDM có khả năng kháng được rất tốt với các loại dung môi, axit loãng, kiềm loãng, hơi nước, ánh sáng mặt trời, tác động của tia ozon và làm việc được trong môi trường nhiệt độ cao.
Nhóm kiến trúc sư đã tính toán chiều cao hay độ sâu của cây cầu để an toàn khi có lũ đi qua. Khi nước dâng thì dòng chảy sẽ tràn vào những đập nhỏ hai bên đường hào. Người ta cũng lắp đặt máy bơm để phòng trường hợp nước tràn khỏi đập.
Hiện tại, cây cầu là một địa điểm tham quan thú vị. Moses Bridge ẩn mình như một rãnh nước biến mất dưới hào nước, hòa quyện với cảnh quan xung quanh.
Pháo đài trung tâm Fort de Roovere được xây dựng từ thế kỷ 17 nhưng rơi vào tình trạng hư hỏng từ thế kỷ 19 (Ảnh: Martin Leveneur )
Công trình được làm hoàn toàn bằng gỗ Accoya được xử lý với lá cao su chống thấm EPDM, đảm bảo không bị hư hỏng trong vòng 50 năm. Gỗ Accoya có tuổi thọ cao, là vật liệu hàng đầu với những tính chất tuyệt vời như khả năng ổn định chiều cao, khả năng chống mục nát, mối mọt tấn công, kháng tia UV, cách nhiệt, âm thanh, thân thiện với môi trường
Cây cầu ẩn mình như một rãnh nước biến mất dưới hào nước, hòa quyện với cảnh quan xung quanh
Nhóm kiến trúc sư đã tính toán chiều cao hay độ sâu của cây cầu để nó vẫn an toàn khi có lũ. Khi nước dâng thì dòng chảy sẽ tràn vào những đập nhỏ hai bên đường hào, trước khi tràn vào cầu. Người ta cũng lắp đặt máy bơm để phòng trường hợp nước tràn khỏi đập.
Mùa đông nước đóng băng, mọi người có thể dễ dàng đi lại trên mặt nước để băng qua hào