Marcello Gandini: thiên tài chấp bút những thiết kế xe kinh điển
Nhắc đến Marcello Gandini, giới mộ điệu thường liên tưởng đến các cỗ máy tốc độ thấm đẫm chất vị lai như Alfa Romeo Carabo hay dữ dội như Lancia Stratos. Những cái tên đã trở thành huyền thoại của Lamborghini như Miura và Countach đều mang dấu ấn của Gandini.
Mẫu xe Lancia Stratos 1975. Ảnh: Stratas Auctions
Trung tuần tháng 3 vừa qua, giới mộ điệu khắp thế giới tiếc thương trước sự ra đi ở tuổi 85 của Marcello Gandini. Ông là một tượng đài thiết kế lẫy lừng trong ngành ô tô, tác giả đằng sau vô vàn thiết kế đã đi vào lịch sử của nhiều thương hiệu.
Khởi đầu của một hành trình vĩ đại
Ông chào đời tại Turin, một đô thị nằm phía Tây Bắc nước Ý, giữa những ngọn đồi nhỏ dẫn tới dãy Alps, quê hương của những chiếc xe hơi Fiat quen thuộc với người dân Âu châu đương thời. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật với bố là chỉ huy dàn nhạc, Marcello Gandini dấn thân vào lĩnh vực thiết kế xe hơi với trái tim tràn đầy cá tính nghệ sĩ, để rồi sản sinh ra những thiết kế xứng tầm tác phẩm nghệ thuật của thời đại.
Một sự trùng hợp thú vị là Marcello Gandini, cùng với Giorgetto Giugiaro và Leonardo Fioravanti - bộ ba tên tuổi lừng danh của nước Ý đã định hình nên ngành thiết kế xe hơi, đều sinh cùng năm 1938.
Alfa Romeo 33 Carabo. Ảnh: Heritage
Sớm bộc lộ niềm đam mê với thiết kế mà đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô, ông sáng tạo mẫu xe concept đầu tiên khi mới độ 20 tuổi. Bảy năm sau, Gandini gia nhập công ty thiết kế của Gruppo Bertone, nơi ông gắn bó trong suốt 14 năm tiếp theo, ra mắt trên dưới 100 dự án, phần nhiều trong số đó là những thiết kế đã làm rung chuyển thế giới xe cộ.
Kỷ nguyên sáng tạo của Marcello Gandini
Năm 1966, Lamborghini ghi dấu lịch sử với Miura - một chiếc xe bộc lộ chất táo bạo mà cũng đầy duy mỹ của Gandini. Lần đầu tiên một khối động cơ V12 mạnh mẽ được đặt nằm giữa hai trục bánh xe, sau lưng ghế lái, thiết lập một tiêu chuẩn mới trong ngành mà các thương hiệu chế tạo siêu xe lẫn xe đua về sau vẫn tuân thủ nghiêm ngặt. Giới truyền thông đương thời cũng dành nhiều lời tán tụng Miura như một chiếc xe thể thao đẹp nhất từng xuất xưởng.
Marcello Gandini bên chiếc Lamborghini Miura. Ảnh: Lamborghini
Sau Miura, Gandini cũng tạo nên bản concept xe thể thao coupe Alfa Romeo Montreal được giới thiệu lần đầu tại triển lãm Expo 67 tổ chức ở thành phố Montreal, Canada, thu hút sự quan tâm đặc biệt của lớp công chúng hiếu kỳ tại sự kiện. Không chỉ mê hoặc Lamborghini và Alfa Romeo, tài năng đặc biệt của Gandini cũng lọt vào mắt xanh của nhiều thương hiệu khác như BMW, Ferrari và Lancia. Họ gõ cửa công ty thiết kế của Bertone chỉ để tiếp cận tài năng sáng tạo vô tiền khoáng hậu của Gandini.
Ferrari Dino 308 GT4 . Ảnh: Ferrari
Sau khi Gandini hoàn thành thiết kế chiếc xe thể thao coupe 2+2 Urraco cho Lamborghini, Ferrari đã mời ông về chấp bút tạo nên Dino, một thiết kế quá ư khác biệt so với những cỗ xe “ngựa chồm” khác. Dino 308 GT4 không giống những chiến mã trong gia phả nhà Ferrari: một thiết kế dành cho đường phố đầu tiên trong lịch sử của hãng, trang bị cỗ máy V8 đặt giữa cùng thiết kế 4 chỗ ngồi đầy ắp phong thái thể thao phóng khoáng. Ferrari 308 GT4 nằm trong số ít mẫu xe được tạo ra từ cái bắt tay giữa Ferrari và công ty thiết kế Bertone, bên cạnh chiếc 208 GT4 có dung tích động cơ nhỏ hơn.
BMW cũng ngỏ lời mời Gandini xây dựng một mẫu concept thú vị và ông đã đáp lại bằng thiết kế kinh điển của chiếc BMW 2200 TI Garmisch ra mắt tại triển lãm Geneva Motor Show 1970. Garmisch đã trở thành khởi nguồn cảm hứng thiết kế cho những mẫu xe BMW trong suốt hai thập kỷ tiếp theo của thương hiệu Đức, tiêu biểu như 5-Series thế hệ đầu tiên. Ngay cả chi tiết lưới tản nhiệt hình quả thận ngoại cỡ mà ông tiên phong tiến cử cũng đang trở lại sau năm thập kỷ ra mắt. Sau khi trình diễn tại triển lãm xe ở Geneva, chiếc xe như biến mất vào hư không, trước khi được BMW bất ngờ tái tạo và trưng bày ở sự kiện Concorso d’Eleganza Villa d’Este 2019. Mẫu xe concept cổ điển Garmisch được BMW hồi sinh tựa như một cử chỉ tôn vinh “nhà thiết kế xe hơi của thế kỷ”, đồng thời họa thêm một chương thú vị vào dòng chảy lịch sử của thương hiệu Đức.
Nhắc đến phong cách của Gandini, có lẽ các thiết kế hình nêm mạnh mẽ đã trở thành thương hiệu của nhà thiết kế. Đặc biệt là sự mạnh tay sử dụng cửa cắt kéo - một thiết kế thú vị, xoay mở lên trên thay vì ra ngoài như thông thường. Tạo hình đặc biệt này lần đầu tiên được giới thiệu trên mẫu xe concept Alfa Romeo 33 Carabo ra mắt tại Triển lãm Ô tô Paris năm 1968. Tên gọi lạ lùng của chiếc xe thực ra lấy cảm hứng từ loài bọ rùa Carabidae với bộ cánh màu xanh và cam đặc trưng, cũng là hai sắc màu chủ đạo trên Carabo.
Lamborghini Countach. Ảnh: Lamborghini
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến Lamborghini Countach trong bộ sưu tập di sản của Marcello Gandini. Mẫu ô tô cổ điển này không chỉ góp phần vào DNA thiết kế đặc trưng của Lamborghini mà còn định hình chuẩn mực thiết kế cho nhiều siêu xe sau này. Vào năm 1974, giới đam mê tốc độ thế giới choáng ngợp trước sự xuất hiện của chiếc siêu xe Countach LP 400 - một hậu duệ xứng tầm với di sản của Miura. Kế thừa phong cách đậm chất vị lai táo bạo từ bản concept Alfa Romeo Carabo, Countach là mẫu Lamborghini sở hữu cơ cấu cửa cắt kéo mang tính biểu tượng, vốn hiện diện trên hầu hết mẫu xe đầu bảng của thương hiệu Ý như Diablo, Murcielago, Aventador và mới đây là Revuelto.
>>Xem thêm: Lamborghini Revuelto chính thức ra mắt tại Việt Nam
Một trong những thiết kế đáng chú ý của Gandini ở giai đoạn này phải kể đến chiếc Audi 50 thời những năm 1970. Thoạt trông, mẫu xe Đức có thể gây cảm giác nhàm chán ít nhiều. Nhưng chiếc ô tô siêu nhỏ (supermini) này lại hấp dẫn người Đức hơn cả, trở thành tiền thân của mọi cỗ xe hơi hình hộp thập niên 80, chẳng hạn như thế hệ đầu tiên của Volkswagen Polo và Citroën BX - những chiếc xe “best-seller” thực thụ. Trong đó, Volkswagen Polo được hãng xe Đức chế tạo với 6 thế hệ cùng doanh số hơn 12 triệu xe toàn cầu.
Nhà thiết kế “không nghỉ hưu”
Rời công ty của Bertone vào năm 1979 khi ở đỉnh cao sự nghiệp, hành trình của Gandini bước sang một trang mới mang tính độc lập hơn, khi cùng người vợ thành lập nên đơn vị thiết kế riêng mang tên Clama Srl. Ông tiếp tục hành trình cộng tác với nhiều hãng xe khác nhau, từ Renault đến Maserati, thậm chí cả những tên tuổi đến từ xứ sở mặt trời mọc như Nissan, Toyota và Subaru.
Marcello Gandini cũng là người góp phần tạo nên thiết kế mẫu mực của mẫu xe cỡ nhỏ khác là Renault 5 Turbo cũng như Renault 5 Supercinq. Trong đó, Renault 5 Turbo là một thiết kế rất được yêu mến của Gandini. Thay vì những đường cong và dáng xe hình nêm, chiếc xe sở hữu những góc cạnh như chiếc hộp chắc chắn. Cỗ xe mang sứ mệnh đặc biệt, được tạo ra để cạnh tranh với siêu xe của người Pháp đã chiến thắng chặng Monte Carlo của giải World Rally Championship năm 1981 cũng như giành chức vô địch giải đua French Supertouring Championship năm 1987.
Năm 1990, một kiệt tác nữa của Gandini ra đời: Lamborghini Diablo. Những chi tiết đã trở thành DNA thiết kế của các mẫu xe Lamborghini cá tính tiếp tục hiện diện trong siêu phẩm thời đại này: Đầu xe đầy đặn mà hầm hố, kính chắn gió vát cạnh dứt khoát, và không thể thiếu cặp cửa cắt kéo di sản.
Gần 80 tuổi, nhà thiết kế xứ Turin vẫn chưa có dấu hiệu muốn ngừng công việc sáng tạo để “nghỉ hưu”. Ông bắt tay với hãng Tata của Ấn Độ để tạo nên thiết kế cho mẫu xe thể thao Tamo Racemo, thu hút sự quan tâm của giới mộ điệu khi ra mắt tại Triển lãm Ô tô Geneva 2017.
Nhà thiết kế lừng danh Marcello Gandini. Ảnh: Lamborghini
Trước làn sóng xe điện làm khuynh đảo thị trường ô tô những năm gần đây, Gandini cũng có những gợi mở thú vị về “tấm canvas” này. Ông cho rằng xe điện mở ra một lãnh địa màu mỡ chưa được khai phá, đầy hứa hẹn cho các nhà thiết kế sáng tạo và khẳng định mình. “Khối động cơ điện tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sáng tạo kiến trúc và hoàn thiện chiếc xe, từ đó mở ra vô số phương án cải tiến kiểu dáng và ý tưởng thiết kế chung cho toàn bộ phương tiện,” ông chia sẻ.
Di sản còn mãi cho hậu thế
Sau hàng thập kỷ cống hiến và thăng hoa, Marcello Gandini đã tạo nên những ngôn ngữ thiết kế chuẩn mực không chỉ trong ngành ô tô mà còn lan tỏa dấu ấn trong nhiều lĩnh vực khác. Mỗi tạo tác của ông đều thể hiện một triết lý, mà theo như ông chia sẻ là “luôn cố gắng tạo nên sự khác biệt cho từng dự án so với những sản phẩm trước đó.”
Đối với Gandini, thiết kế và công năng là hai khía cạnh không thể tách rời. “Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của thiết kế, chính là nét thẩm mỹ cuốn hút nhất luôn song hành cùng công năng,” ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. Hành trình của phù thủy thiết kế xứ Turin đã dừng lại, nhưng di sản của ông sẽ vẫn còn mãi.
>>Xem thêm: Dakar Rally: Giải đua xe địa hình khốc liệt chinh phục thiên nhiên hùng vĩ