Mùa xuân chu du muôn nẻo đường Cao Bằng
Mùng 10 tháng Giêng, không khí mùa xuân vẫn còn vương vấn khắp đất trời miền Bắc. Trong cái lạnh mùa đông với nhiệt độ khoảng 120C, với một người sống ở miệt hai mùa mưa nắng như tôi, cái lạnh càng cắt da cắt thịt hơn. Tôi những tưởng mình chẳng thể rời khỏi chiếc chăn ấm. Vậy nhưng, ngoài kia những vệt nắng nhẹ, những cơn gió lùa bay cánh đào phai như mời gọi, quyến rũ. Vậy là khăn là áo và găng tay, tôi bắt đầu hành trình rong ruổi đất Bắc với điểm đến là vùng biên ải Cao Bằng của mình.
Trên chiếc xe ô tô chạy êm ru, tôi lơ mơ trong giấc ngủ chập chờn cho đến khi xe bắt đầu vào địa phận Bắc Kạn thì tỉnh hẳn. Không phải tôi đã qua cơn chếnh choáng đường dài, không phải tôi không mệt, mà bởi con đường tôi đang đi khiến tôi không thể rời mắt một phút giây nào. Những ngọn núi trùng điệp, đèo nối tiếp đèo, quanh co trên những sườn núi. Trên xe của tôi, năm người - cả tài xế - đều chưa lần nào đặt chân đến vùng đất này nên ai cũng trầm trồ trước cung đường quá “đỉnh”. Khi nhìn lên ngọn núi phía trước, ở tít trên cao ấy, chiếc xe tải bé tẹo đang ì ạch leo dốc, chú tài xế còn hỏi: “Đường đó đi đâu nhỉ, cao tít. Hay là đường mình đang đi. Mà chắc không phải”. Rồi thì cũng chỉ vài phút sau, chúng tôi là những người ì ạch “bò” lên con đường đèo cao tít ấy. Ai cũng phải bật cười.
Qua hết 5 con đèo Giàng, Gió, Khau Khoang, Cao Bắc rồi cuối cùng là đèo Tà Hồ Sìn, chúng tôi vào tới đất Cao Bằng khi trời ngả về chiều. Nhiệt độ ở Cao Bằng ấm áp hơn tôi tưởng tượng. Chúng tôi quyết định sẽ nghỉ ngơi và chỉ đi dạo ở mấy bản gần ngay thành phố, chứ không đi chơi thêm một điểm du lịch nào. Và đây là một quyết định sáng suốt mà đến ngày hôm sau tôi mới biết được vì sao lại như vậy.
Sau khi cất đồ và nghỉ ngơi, tôi khoác áo ấm và choàng thêm chiếc khăn mỏng bắt đầu vượt con dốc đi dạo quanh nơi mình ở. Khung cảnh ở đây bình yên và trong lành vô cùng. Chỉ những cánh đào rực rỡ trước những mái nhà đơn sơ thôi cũng đủ đặc biệt và ấn tượng lắm rồi. Bước chân tôi cứ thế mải miết theo những cánh hoa đào của những ngôi nhà ven đường. Thỉnh thoảng vài vườn mận trắng tinh khôi cũng khiến tôi phải dừng chân ngắm nghía mãi. Rồi tôi cứ thế “lang thang” đúng nghĩa trên con đường làng. Đôi khi đi vô định theo cái đẹp, không kế hoạch, không tìm hiểu trước, lại mang đến cho ta những cảm xúc vô cùng mới mẻ, bất ngờ. Đó là điều mà tôi rút ra được sau chuyến đi này. Tôi để cho mình thoải mái tận hưởng khung cảnh bình dị nên thơ ấy cho tới tối mịt, khi trời bắt đầu lạnh hơn.
Khi tôi về, bữa cơm thịnh soạn với gà nướng thơm lừng, cải ngồng luộc nhân nhẩn đắng, cá kho dưa và canh măng rừng ngâm chua đã được dọn ra. Điều tuyệt vời nhất khi ở nhà người quen chứ không phải khách sạn chính là việc này. Và theo tôi biết, không nhất thiết phải có người quen, nếu chọn hình thức homestay, bạn cũng sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời không kém. Bạn sẽ được cùng nấu, cùng ăn với người dân. Rồi tất nhiên những câu chuyện bất tận về vùng đất này sẽ được chính những người dân bản địa chia sẻ với bạn bên đống lửa bập bùng sưởi ấm. Bạn cứ thế vừa tí tách bóc hạt dẻ nhấm nháp vừa nghe chuyện đến khuya mà chẳng muốn ngủ chút nào đâu.
Đó chính là những chuyện của tôi trong ngày đầu tiên đặt chân đến đất Cao Bằng. Cuộc ngao du của tôi chính thức bắt đầu từ ngày hôm sau, lúc mặt trời còn khuất sau những đám mây bảng lảng sương sớm. Chúng tôi bắt đầu xuất phát từ thành phố Cao Bằng hướng về Trùng Khánh với điểm dừng chân là con thác ở biên giới lớn nhất thế giới, thác Bản Giốc.
Từ thành phố vào thác hơn 90km, nhưng chúng tôi chẳng thể đi thẳng một mạch tới nơi được. Cảnh sắc bên đường quá quyến rũ, nào là hoa cải trắng, cải vàng; nào là những ngôi nhà xây bằng đá nhỏ xinh dưới chân núi; nào là hoa mận rừng nở trắng trên những sườn núi cao… nên cứ đi một chút, chúng tôi lại dừng xuống chụp hình và trò chuyện với người dân địa phương.
Và chuyện sáng suốt mà tôi nói trước đó chính là ở điểm này. Nếu đi chơi vào chiều muộn thì tôi chẳng thể được la cà như bây giờ - khi thời gian thật sự thoải mái. Vậy nên, nếu các bạn có đi Cao Bằng thì cứ chậm thôi để tận hưởng trọn vẹn chuyến đi của mình. Và vì đây là quãng đường khá xa nên có thể bạn chọn xe khách tốc hành hay xe buýt để đi, nhưng như thế bạn chỉ có thể ngồi trong xe ngó ra ngoài mà tiếc nuối vì không được chạm tay vào những điều xinh đẹp ở ngoài kia. Thế nên, nếu có sức khỏe, hãy thuê một chiếc xe máy rồi cùng bạn đồng hành của mình vi vu tới đây. Nếu đi đông, bạn có thể liên hệ taxi theo chuyến để tiết kiệm chi phí cho chuyến đi của mình.
Quanh co núi rừng mãi rồi chúng tôi cũng tới được ngọn thác nằm giữa biên giới Việt – Trung đẹp nhất thế giới này. Hôm tôi đến, thác bên mình không đông lắm, phía nước bạn cũng vậy, thỉnh thoảng mới có chiếc xe điện đưa khách xuống thác. Mùa này nước ít, nhưng không vì thế mà ngọn thác mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Hơi nước vẫn trắng xóa trong một khoảng không rộng. Sau khi đã thỏa thuê với những bức ảnh đủ dáng đủ kiểu, chẳng có gì sảng khoái bằng ngồi bên chiếc ghế đá lắng nghe bản tình ca của thác, đón những cơn gió mang hơi nước mát lạnh và ngắm ngôi chùa Phật Tích Trúc Lâm thanh tịnh giữa núi rừng biên ải.
Cứ thế chẳng mấy chốc ánh chiều lại buông. Chúng tôi rời thác Bản Giốc, đến khám phá hang động huyền bí – một báu vật của vùng biên ải cách thác chỉ 3km. Đó là động Ngườm Ngao ở bản Gun. Tôi sẽ chẳng diễn tả cảm giác của mình khi đến động này, vì chẳng câu từ nào có thể diễn tả hết được sự huyền bí, tráng lệ trong gần 2km ở dưới thế giới ngầm ấy. Chỉ có thể nói rằng, nếu đến Cao Bằng mà bỏ qua việc đến động Ngườm Ngao thì chuyến đi của bạn sẽ mất nửa phần thành công.
Ở Cao Bằng còn có một điểm mà tôi cũng như bất cứ vị khách nào đến mảnh đất này đều phải ghé thăm, đó là khu di tích lịch sử đặc biệt Pác Bó. Dù chưa hết ngày, nhưng tôi sẽ không tới đây trong ngày hôm nay nữa. Tôi sẽ dành thời gian cuối ngày đi chợ chiều và thử những món ăn địa phương. Tôi thường nghe nói rằng nếu muốn hiểu rõ hơn về văn hóa của một vùng đất, hãy đến những khu chợ, hãy ăn món ăn của họ. Và quả là như thế thật. Chợ vùng cao dù sáng hay chiều cũng vẫn rực rỡ sắc màu, đủ loại hàng hóa. Riêng tôi lại bị thu hút bởi những mớ rau non mơn mởn của người dân tộc. Tôi mua ngồng bắp cải, ngồng su hào và may mắn mua được một mớ rau dạ hến, loại đặc sản rừng ở đất Cao Bằng.
Sáng hôm sau chúng tôi bắt đầu xuất phát đến Pác Bó – cội nguồn của cách mạng ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Từ thành phố Cao Bằng đến vùng đất lịch sử đặc biệt này khoảng 50km và cũng có xe buýt để thuận tiện cho du khách tham quan. Khu di tích Pác Bó núi non hùng vỹ, sơn thủy hữu tình, không khí vô cùng trong lành dễ chịu. Đi dọc dòng suối Lê Nin xanh biếc, qua từng bậc đá phủ rêu trong tán cây rừng mát mẻ, tôi cảm thấy như mình đang theo dấu chân Bác. Tôi cũng ngồi vào nơi Bác từng ngồi câu cá, vào hang Pác Bó đặt tay lên tấm phản gỗ nhỏ nơi Người từng nghỉ ngơi. Tôi cũng đứng thật lâu trước chiếc bàn đá chông chênh nơi Bác dịch sử Đảng và đọc bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” Bác viết ở đây. Tất cả những gì được trải nghiệm ở khu di tích đặc biệt này đã mang đến cho tôi một cảm giác bồi hồi, một niềm tự hào vô cùng thiêng liêng.
Ba ngày ở Cao Bằng dù chưa nhiều, nhưng cũng là khoảng thời gian tuyệt vời của đoàn chúng tôi. Tôi chưa được thăm từng ngóc ngách, chưa được leo núi để tận tay sờ vào cánh mận rừng, cũng chưa được thưởng thức đủ vị ẩm thực… Vậy nhưng, tất cả những gì tôi nhận được từ chuyến đi này rất đặc biệt. Và vì đặc biệt như vậy nên mùa xuân của tôi vô cùng mới mẻ, đáng nhớ!