share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Nepal - Vùng đất của những huyền thoại


ADVERTISEMENT

Chuyến đi Nepal của tôi đến chớp nhoáng và không hề được sắp xếp trước. Như là định mệnh vậy. Tôi đã đón sinh nhật 30 tuổi của mình ở Nepal. Một điều xảy ra như số phận đã an bài.

Hạ cánh xuống Kathmandu vào một ngày đầu thu, sân bay quốc tế thành phố này nhỏ và có phần lộn xộn, “Hơi giống bến xe nhà mình”, tôi tự nghĩ rồi mỉm cười.

Bước chân ra tới ngoài, trong cái náo nhiệt nơi đây, tôi vẫn thoảng ngửi được mùi đàn hương, lá thông và các loại lá thảo mộc thường được người dân ở đây đốt thay nhang.

Panauti - Ngôi làng nơi thời gian đứng lại

Rời khỏi sân bay, tôi đi thêm một đoạn đường hơn một tiếng đồng hồ để đến làng Panauti. Ngôi làng duy nhất tại Nepal đã thoát khỏi thảm hoạ động đất năm 2015 bởi địa hình của nó nằm trên một nền đá rắn chắc. Những ngôi nhà ở đây rất nhỏ, nhưng bù lại, các ngôi đền và chùa lại rất rộng và luôn mở cửa chào đón người dân và du khách.

Nhịp sống hiện đại hầu như không thể chạm đến ngôi làng này. Mọi người ở đây không xem tivi, họ thậm chí không có máy giặt hay máy vi tính. Những ngày đầu đến đây, tôi đã khá chật vật để có thể hòa nhập với nhịp sống này. Như một chiếc xe đang chạy tốc độ cao bỗng nhiên phải chậm lại, tôi khá khó chịu. Điều này có lẽ đã hiện lên nét mặt của tôi, chủ của homestay nơi tôi ở giục tôi đi ngủ để dậy sớm vào ngày hôm sau.

du-lich-tam-linh-nepal-vung-dat-linh-thieng-himalaya-wwk

Sáng sớm hôm sau, khi màn sương còn phủ mờ những con đường đất nâu và mặt trời vẫn chưa hé rạng, ngôi làng như mang một vẻ hoàn toàn mới. Tiếng rì rầm đọc kinh vang lên mọi nẻo đường, mùi hương thảo mộc hòa với hương đất.

binh-minh-du-lich-nepal-vung-dat-tam-linh-wwk

Phụ nữ trong làng lục đục kéo lên những ngôi đền. Họ choàng vòng hoa cho linh vật, rải hoa xuống sông và rì rầm cầu nguyện. Đến khi họ về nhà để chuẩn bị bữa sáng cho gia đình thì những ánh mặt trời đầu tiên mới ló rạng. Lúc này cánh đàn ông bắt đầu đi lễ. Khác với phụ nữ, họ ngồi thành nhóm trong đền, chơi nhạc cụ và hát to những bản nhạc với âm hưởng tươi sáng. Họ cười nói với nhau đến khi mặt trời lên cao rồi ai mới về nhà đấy.

Trước khi bữa ăn đầu ngày được dọn lên, tôi thấy những người phụ nữ ở đây cầm chén nhỏ đựng cơm trộn mật đi quanh nhà, rải lên những nơi kiến đi lại để cho chúng ăn. Họ chỉ bắt đầu làm việc, buôn bán khi đã gần trưa. Ngôi làng bình yên này tự cung, tự cấp nông sản cho người dân trong làng. Mỗi ngày họ chỉ bán ra một số lượng thịt và sữa rất nhỏ ở những cửa hàng được định sẵn trong khoảng vài tiếng. Một phần rất lớn thời gian trong ngày của dân làng dành cho những hoạt động cộng đồng và tín ngưỡng.

Sau hơn một tháng ở Nepal, tôi mới nghiệm được rằng, ngôi làng Panauti - nơi có rất nhiều đền thờ Dakini (nữ thần tượng trưng cho tính nữ) chính là chốn bình yên và hạnh phúc nhất ở đất nước này.

du-lich-trai-nghiem-nepal

Boudhanath

Rời Panauti, tôi ghé qua trung tâm du lịch của Nepal - Thamel nơi đặt tháp Boudhanath, hay còn gọi là Boudha. Ngôi tháp này mang một tầm ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Tây Tạng. Bao quanh là rất nhiều truyền thuyết về sự ra đời của nó. Một trong những câu chuyện ấn tượng nhất là ngôi tháp này đã được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên thể theo thỉnh cầu của một bà nông dân già với vua. Vị vua đã đưa bà một tấm da trâu và hứa sẽ cho bà bất cứ phần đất nào mà miếng da trâu này che phủ được. Bà đã cắt tấm da trâu thành những dải rất mỏng và xếp thành một đường tròn. Vị vua cảm phục sự nhanh trí của bà đã cho xây nên ngôi tháp như ta thấy ngày hôm nay.

Không khí nơi đây khác hoàn toàn với Panauti. Tuy không đô hội như những thành phố lớn nhưng nhịp sống ở đây nhanh hơn và đầy những hàng quán dành cho khách du lịch. Lại một lần nữa, tôi dậy thật sớm để đến stupa này.

Khoảnh khắc sớm nhất trong ngày nơi đây thường dành cho người dân bản xứ. Họ đến từ những thành phố khác nhau, đa phần đều mang đậm những âu lo. Tôi để ý có một người phụ nữ trong bộ kurta khá sang trọng và đeo nhiều trang sức. Bà giàn giụa nước mắt và luôn lầm rầm điều gì đó bằng tiếng Nepalese. Người bạn đồng hành của tôi giải thích rằng: bà ấy đang cảm thán cho sự thống khổ.

nepal-du-lich-trai-nghiem-tam-linh

Theo truyền thuyết Phật giáo tại đây, tháp Boudha là trung tâm của vòng pháp tạng. Nếu bạn đi quanh tháp này 108 lần và cầu nguyện thì tất cả những nghiệp quả của bản thân sẽ được xóa bỏ.

Khi đám đông đã dần kéo đến quanh tháp để thiền hành, tôi đi lên tầng cao nhất của ngôi chùa gần đó. Ngày hôm ấy là ngày đầu tiên ở Nepal của tôi mà trời quang mây.

du-lich-tam-linh-nepal-tay-tang

Mặt trời mọc lên và lần đầu tiên trong đời tôi phóng tầm mắt nhìn rặng Himalaya. Một nỗi niềm bi tráng bất chợt trào dâng. Một tiếng gọi thôi thúc khiến lòng tôi dậy sóng...

Sau khi book vé máy bay và ghé qua Pokhara, cũng là một khu dành cho khách du lịch ở chân rặng Himalaya vài ngày. Những hoạt động như chèo thuyền ở chân núi hay bay dù lượn tuy rất phấn khích nhưng vẫn không làm thoả lòng tôi. Tôi quyết đến những ngôi làng ở quận Mustang dưới chân đỉnh Annapurna thuộc dãy Himalaya.

Marpha - Vườn táo xinh đẹp dưới rặng Himalaya

Khác với đỉnh Everest nổi tiếng, ít người biết đến Annapurna hơn bởi đây là một đỉnh núi thiêng, cấm hoàn toàn những hoạt động leo núi hay thám hiểm. Tuy nhiên, dân bản địa vẫn kể rằng trong các hang đá trên vách núi này là những yogis đang tu hành, nguyện cầu cho sự bình an của cả thế giới. Tôi đã dành rất nhiều ngày lang thang tại những ngôi làng ở chân núi Annapurna và nói chuyện với người dân, với những nhà sư ở đây về cuộc sống nơi này.

nui-himalây-tay-tang-du-lich-nepal

Vùng Mustang này được xem là nơi linh thiêng của phật Rinpoche, vị phật tượng trưng cho tính nam. Nếp sống ở nơi đây trầm mặc và có phần khắc khổ. Những con đường trải nhựa hầu như không có, phương tiện đi lại khá đắt đỏ, vì thế mọi người chủ yếu là đi bộ. Đi bộ hai đến ba tiếng để thăm quan hay đến nhà nhau ở đây là chuyện bình thường. Tôi lưu lại lâu nhất ở làng Marpha, thủ đô của giống táo Marpha nổi tiếng.

du-lich-nepal-tay-tang

Ngôi làng với những bức tường đá trắng này đón tôi trong nồng nàn hương hoa táo vào những ngày cuối thu. Phía trước mỗi căn nhà luôn là những xâu táo khô được treo lủng lẳng. Rượu táo, mứt táo cũng là một phần không thể thiếu của bữa ăn nơi đây.

du-lich-nepal-vung-dat-tam-linh

Và trong một chuyến đi bộ dài 7 tiếng ở chân núi Himalaya không có một vạch sóng điện thoại, không người qua lại, không có sự lựa chọn để bỏ cuộc và gọi...Grab hay Uber.

Khi ấy chỉ có tôi và những suy nghĩ trong đầu mình, người bạn đồng hành không cùng ngôn ngữ và rặng Himalaya bi tráng, tôi chợt ngộ ra câu nói của thầy Thích Nhất Hạnh:

“There is no way home. Home is the way.”

(Không có đường về nhà. Nhà chính là con đường).


ADVERTISEMENT