Skin-fasting: Khi làn da cũng cần... “ăn kiêng”
Việc cố gắng sử dụng thật nhiều sản phẩm chăm sóc da chưa hẳn đã tốt, bởi làn da đôi khi cũng cần được “nghỉ ngơi”. Lúc này, hãy nghĩ đến skin-fasting – một liệu pháp “ăn kiêng” dành riêng cho làn da.
Skin-fasting và lợi ích mang lại
Chế độ chăm sóc da hàng ngày của bạn thường gồm những sản phẩm nào? Kem chống nắng, sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm, serum, toner... thậm chí danh sách này còn dài hơn thế. Khi sử dụng nhiều sản phẩm như vậy nhưng không thực sự hiểu rõ cơ chế hoạt động của chúng đối với làn da, ta có thể vô tình gây căng thẳng cho da, nặng hơn là xuất hiện tình trạng viêm hoặc kích ứng do “quá tải” sản phẩm.
Từ đây, skin-fasting là phương pháp cho phép làn da tạm thoát khỏi chu trình chăm sóc thông thường để thiết lập lại các chức năng tự nhiên, điển hình là việc tiết dầu và khả năng tự trẻ hóa làn da. Hiểu đơn giản, skin-fasting tức là giảm thiểu một phần hoặc toàn bộ các sản phẩm để da được “thở” và thúc đẩy chức năng tự nhiên hoạt động hiệu quả hơn.
Một số lợi ích tuyệt vời khác mà skin-fasting mang lại:
- Hiểu rõ loại da: Khi không có sự trợ giúp của các sản phẩm chăm sóc, da sẽ hoạt động theo tốc độ riêng để cân bằng lượng dầu tiết ra và phục hồi từ bên trong. Đây là cơ hội để bắt đầu quan sát và tìm hiểu về da.
- Hiểu thêm về cách da phản ứng: Cắt bỏ sản phẩm và quan sát cách da phản ứng sau đó sẽ cung cấp thêm thông tin về tác dụng của sản phẩm đối với làn da. Từ đây, bạn sẽ biết chu trình chăm sóc da hiện tại có phù hợp và hiệu quả hay không.
- Giúp da mau lành: Tình trạng khô da, nổi mụn hay kích ứng là không tránh khỏi nếu dùng một số sản phẩm không phù hợp với làn da. Do đó, skin-fasting sẽ giúp da dần thoát khỏi những vấn đề trên.
Làm thế nào để skin-fasting?
Trước khi skin-fasting, cần xác định rõ da đang trong tình trạng nào và có thể cắt giảm sản phẩm chăm sóc được không. Hơn nữa, chuyên gia da liễu không khuyến khích loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm chăm sóc da khỏi thói quen hàng ngày. Tốt hơn hết là giữ lại những sản phẩm cơ bản như kem chống nắng, kem dưỡng ẩm và sữa rửa mặt với thành phần chiết xuất từ thiên nhiên để bảo vệ da.
Các bước cơ bản để bắt đầu làm quen với skin-fasting trong 1-2 tuần đầu:
- Kiểm tra toàn bộ sản phẩm hiện dùng.
- Chọn thời điểm thích hợp để skin-fasting, ưu tiên khoảng thời gian ở trong nhà.
- Có thể ngừng sử dụng tất cả sản phẩm hoặc cắt bỏ từ từ, chỉ giữ lại sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm và kem chống nắng.
- Rửa mặt thật kỹ trước khi ngủ (có thể dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ hoặc nước sạch).
- Không thoa bất kỳ sản phẩm nào vào ban đêm để da được tự do “thở”.
- Rửa mặt bằng nước ấm vào sáng hôm sau để dầu tự nhiên không mất đi.
- Chú ý uống nhiều nước trong khi thực hiện skin-fasting để làn da ngậm nước và tươi sáng hơn.
- Bổ sung chất dinh dưỡng tốt cho da như vitamin, chất béo lành mạnh v.v.
- Đảm bảo độ ẩm trong phòng phù hợp.
Ngoài giúp da thực sự “nghỉ ngơi” như đã đề cập ở trên, skin-fasting tiếp tục phát huy lợi ích trong việc đánh giá tác động của sản phẩm khác lên da sau đó. Chẳng hạn, sau 1-2 tuần skin-fasting, hãy sử dụng lại một sản phẩm đã cắt giảm và kiểm tra xem làn da phản ứng như thế nào. Cứ thế sau 1-2 tuần nữa, hãy thoa thêm một sản phẩm khác, miễn là làn da có khả năng chịu đựng.
Nếu nhận thấy da có phản ứng không mong muốn sau mỗi lần sử dụng sản phẩm nào đó hoặc đơn giản là không thấy rõ hiệu quả, đã đến lúc cân nhắc loại bỏ sản phẩm khỏi thói quen làm đẹp hàng ngày. Lưu ý, 3 sản phẩm không được thay đổi trong quá trình thử và đánh giá tác dụng sản phẩm là sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm và kem chống nắng để tránh nhầm lẫn nguyên nhân da phản ứng.
Ai nên và không nên skin-fasting?
Thông thường, bất cứ ai cảm thấy làn da đang “quá tải” và cần “tái khởi động” đều có thể áp dụng skin-fasting. Còn với từng loại da, các chuyên gia cho rằng da nhạy cảm sẽ hưởng lợi từ liệu pháp này để hạn chế viêm bởi bất kỳ hoạt chất nào trong các sản phẩm làm đẹp. Trong khi đó, da thường, da hơi khô hay dễ kích ứng hơn bình thường cũng có thể “ăn kiêng” để cân bằng lại độ ẩm, củng cố hàng rào bảo vệ da.
Tuy nhiên, những ai đang rơi vào tình trạng nghiêm trọng hơn như chàm, mụn trứng cá, nám v.v thì không nên skin-fasting, bởi rất có thể làn da cần được sử dụng hoạt chất điều trị dành riêng cho các vấn đề này. Vì thế, hãy trao đổi với bác sĩ da liễu chứ không nên tự ý cắt bỏ sản phẩm nào. Ngoài ra, những ai đang duy trì thói quen chăm sóc da hiệu quả thì cũng có thể bỏ qua skin-fasting.
Cuối cùng, mức độ thành công khi cho da “ăn kiêng” sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bởi phương pháp này không phù hợp cho tất cả loại da và tình trạng da. Do đó, điều quan trọng là lắng nghe nhu cầu làn da trước khi tiến hành skin-fasting.
>> Xem thêm: Cải thiện vẻ đẹp làn da với phương pháp Breathwork