share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Inspiration Journey 15 ngày ở Mông Cổ: Kỳ diệu, cổ tích và bất tận


ADVERTISEMENT

Từ trước đến nay, tôi biết đến Mông Cổ là một thảo nguyên xanh bất tận. Dù đã xem rất nhiều hình ảnh về Mông Cổ vào hạ hay sang thu, nhưng tôi vẫn luôn tự hỏi, ngoài những lúc tiết trời đẹp tựa tranh đó, thì mùa đông, trên thảo nguyên có gì? Có những chú tuần lộc như trên phim không? 

Thảo nguyên xanh Mông Cổ mở cửa trở lại đúng lúc tôi đang tìm kiếm một kỳ nghỉ dài. Thế là tôi tuyển người đi cùng, tự lập team. Tôi phải vật vã 2 tháng để tuyển đủ người, vì hầu như ai cũng e ngại "chẳng ai lại đi Mông Cổ vào mùa đông cả?"

Sát tới ngày khởi hành, số thành viên tham gia đã vượt chỉ tiêu: 14 người "điên" từ dọc miền Bắc tới miền Nam, cùng tần số gặp nhau và lên đường trong hồi hộp, háo hức. Chúng tôi gặp nhau vào ngày khởi hành mà chưa từng quen nhau trước đó.

Cùng với sự hỗ trợ của bạn Mai Hương, người sáng lập Mertrip tours, chúng tôi chuẩn bị hành trang và lên đường.

Máy bay dần hạ cánh ở thủ đô Ulaanbaatar, đập vào mắt là một màu tuyết trắng xoá phủ lên cả thành phố, núi non và thảo nguyên bao la. Bác tài dặn chúng tôi mặc thêm quần áo ấm trước khi bước ra khỏi sân bay để vào thành phố. Con đường dài nằm giữa bốn bề tuyết phủ dày cùng với hoàng hôn đỏ rực và… tắc đường.

Những ngôi làng chúng tôi đi qua đều bị tuyết phủ trắng xoá

Khung cảnh bình yên nên thơ giữa không gian tĩnh lặng

Thảo nguyên xanh và đàn ngựa chăn nuôi du mục

Mông Cổ lúc này khoác lên mình màu áo trắng chần bông. Thời tiết càng khắc nghiệt bao nhiêu thì thiên nhiên lại càng xinh đẹp bấy nhiêu. Đàn cừu trắng hoà lẫn với màu tuyết. Đàn tuần lộc con nào con nấy mập ú nô đùa trong thời tiết lạnh. Thỉnh thoảng, cả đoàn lướt qua một vài thị trấn nhỏ nép mình sau dãy núi tuyết và được mãn nhãn chứng kiến một dòng sông không bao giờ đóng băng, dù mọi thứ xung quanh đều bị băng tuyết phủ kín.

Ngày đầu tiên, chúng tôi bắt đầu làm quen với cái lạnh -15°C. Ai cũng trang bị đầy đủ từ áo quần giữ nhiệt, miếng dán nhiệt và vì các khách sạn trong thị trấn đều trang bị máy sưởi nên mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ. 

Trước cửa khách sạn ở Ulaanbaatar, Mongolia

Khu cắm trại ven hồ mà chúng tôi dừng chân và ngủ lại một đêm với những túp lều Ger (hay Yurt) - kiểu nhà ở du mục truyền thống của người dân nơi đây

Dòng sông không bao giờ đóng băng dù ở nhiệt độ -41°C, chúng tôi là những người Việt đầu tiên đặt chân đến đây

Tôi bên hàng "cây thuỷ tinh". Sở dĩ có cái tên như vậy vì cây cối hoá trắng tinh do tuyết bao phủ

Check-in cùng xích đu trước cổng khách sạn

Tự do nô đùa trên mặt hồ đóng băng hoàn toàn

Sân bóng rổ duy nhất ở ngôi làng biên giới, "view 360°" đều là tuyết trắng

Tượng đài Thành Cát Tư Hãn (Tsonjin Boldog) cưỡi ngựa to khổng lồ, nặng 250 tấn, một địa điểm nhất định phải ghé thăm khi đến Mông Cổ

Sau khi nghỉ ngơi ở khách sạn một đêm, chúng tôi rời thành phố và bắt đầu đi dọc lên miền Bắc, xuyên qua những thảo nguyên trắng xoá bất tận để tiến vào rừng Taiga sát biên giới Mông Cổ - Nga, nơi người Tsaatan - bộ lạc tuần lộc cuối cùng với nền văn hóa du mục độc đáo hơn 2.000 năm lịch sử. Đây là một trong những bộ lạc hiếm hoi trên thế giới vẫn giữ lối sống du mục. Họ sinh sống tách biệt trong rừng Taiga. 

Thế là tôi đã được tận mắt trông thấy tuần lộc, loài động vật xuất hiện trong những câu chuyện thường kéo xe cho ông già Noel. Một thế giới đẹp như cổ tích. Chúng tôi được sống trong túp lều của những gia đình du mục, bên ngoài tiết trời lạnh giá, -35°C, có khi đỉnh điểm xuống tới -41°C. Mọi người giữ ấm bằng cách giữ lửa luôn cháy trong lều. Cả đoàn (trong đó cô Huệ U60) luôn vui vẻ tận hưởng, xuýt xoa về cảnh đẹp trong rừng… May mắn thay, cả đoàn, không ai bị ốm.

Ngược lại, ai nấy đều thích thú khi được trải nghiệm các trò chơi trên tuyết như kéo xe chó sói, cưỡi ngựa, cưỡi lạc đà, cưỡi tuần lộc… hay thưởng thức những món ăn "độc lạ" chế biến từ thịt bò và thịt cừu, ngựa.

Trải nghiệm xe chó kéo trên tuyết

Không ngờ tôi cũng có ngày được chụp cùng những chú tuần lộc mà trước đây tôi chỉ thấy trên phim

Cả đoàn hầu như ai cũng có chiếc ảnh với tuần lộc từ trong lều ra như thế này

Túp lều của gia đình chăn tuần lộc. Chúng tôi ăn sáng-trưa-tối ở đây

Tổng thiệt hại cho chuyến đi lần này của tôi khoảng 60 miếng dán nhiệt. Mỗi ngày bình thường tôi cần 4 miếng dán, khi vào rừng Taiga, thời tiết xuống sâu nên tôi dùng gấp đôi số miếng. Ngoài ra, tôi chuẩn bị thêm nhiều lớp quần áo giữ nhiệt và các gia vị quen thuộc như nước mắm, vitamin, rau củ, kẹo gừng, trà gừng, bình giữ nhiệt để luôn được uống nước ấm. Ở Mông Cổ, mọi người chủ yếu ăn thịt bò, thịt cừu, thịt ngựa… Các loại rau cũng không đa dạng, chủ yếu là bắp cải. Ngày thứ 8 trong hành trình 15 ngày, tôi bắt đầu nhớ đồ ăn Việt Nam. 

Xuyên suốt hành trình, hầu hết cả đoàn đều di chuyển bằng xe hơi. Chúng tôi có 4 bác tài xế người Mông Cổ đi cùng, mỗi xe là một bác tài siêu đáng yêu. Các bác tài gắn bó với Mông Cổ đủ lâu để không ai cần xem bản đồ. Có lần xe bị hỏng giữa xung quanh bốn bề tuyết phủ, không bóng người qua lại. Không gọi điện nhờ trợ giúp được, thế là các bác tài đành tự sửa xe. Đây như một kỹ năng cần có khi sống ở vùng đất mênh mông nhưng lại thưa dân số này. 

Đến một vùng đất xa xôi, gặp nhiều rào cản về ngôn ngữ và thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng may mắn trong hành trình ấy, chúng tôi được đồng hành với Zolo Zolkhuu - hướng dẫn viên người Mông Cổ lớn lên từ vó ngựa trên thảo nguyên, rất sành sỏi tiếng Việt và vui tính, đã giúp chúng tôi có những trải nghiệm không bao giờ quên.

Nếu dùng 3 từ để mô tả về Mông Cổ, đó sẽ là: kỳ diệu, cổ tích và bất tận. 

Tôi là Phạm Hoài Thương (11/02/1994), quê ở Nghệ An. Hiện tại tôi là phiên dịch viên tiếng Nhật và là Co-founder của tiệm cafe Cây Cam Ngọt ở Đà Lạt.


ADVERTISEMENT