Cuisine Bánh phu thê - Hương vị nồng đượm tình nghĩa vợ chồng
Không chỉ nổi tiếng với những làn điệu quan họ ngọt ngào, Bắc Ninh còn được biết đến với món bánh phu thê chan chứa nghĩa tình. Thứ bánh dẻo ngọt và hết sức giản dị này lại chính là biểu tượng của lòng chung thuỷ trong hôn nhân, là thức quà thơm thảo của người con vùng Kinh Bắc.
Ảnh: Instagram the.eventstudiosyd
Sự tích về bánh “vợ chồng”
Tương truyền, khi vua Lý Anh Tông chinh chiến nơi sa trường, hoàng hậu ở nhà vì thương lo đã tự tay vào bếp làm bánh và trao gửi đến chồng. Lúc bấy giờ, nhà vua vô cùng xúc động vì vợ vẫn dành cho mình một tấm lòng son sắt thuỷ chung. Do đó, khi trở về triều đình, nhà vua quyết định đặt tên cho món ăn hoàng hậu làm là “bánh phu thê” với ngụ ý thể hiện cho niềm hạnh phúc lứa đôi.
Mặt khác, theo thuyết xưa ở làng Đình Bảng, huyện Bắc Ninh, khi vua Lý Thánh Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan đến viếng thăm Đền Đô trong một lễ hội làng, người dân địa phương đã tặng họ một món bánh đặc biệt. Ngay lập tức, nhà vua đã bị chinh phục bởi hương vị thơm ngon của loại bánh này và biết rằng nó được làm từ một đôi vợ chồng trẻ. Vì vậy, ông đã đặt cho cái tên bánh “phu thê” để tỏ bày tấm lòng mến mộ họ. Từ đó, công thức làm bánh phu thê được lưu truyền trong làng Đình Bảng và trở thành một đặc sản của vùng Kinh Bắc.
Ảnh: Minh Thu
Dù với giả thiết nào đi chăng nữa, bánh phu thê vẫn là một lời nhắc nhớ về “nghĩa nặng tình dày” trong hôn nhân. Vì thế, món bánh này thường được nhà trai dùng làm vật đựng tráp trong lễ dạm ngõ để bày tỏ nguyện ý kết duyên với nhà gái. Ở một số vùng miền, bánh phu thê còn là món tráng miệng trong tiệc cưới.
Quá trình làm kỳ công
Tuy là một sản vật mộc mạc nhưng quá trình làm ra bánh phu thê khá kỳ công và đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo. Cụ thể, thức quà này có sự tổng hòa của các nguyên liệu: bột nếp, đậu xanh, dừa sợi, đu đủ xanh, hạt sen… Trong đó, bột làm từ gạo nếp cái hoa vàng đã được tuyển chọn một cách kỹ càng. Tiếp đến, người ta đem vo gạo, để cho ráo nước rồi dùng cối xay và chắt lấy 4 lạng tinh bột. Bột phải được tiếp tục mang đi phơi khô trong hơn 2 tuần mới có thể bắt tay vào sản xuất.
Bột làm từ gạo nếp cái hoa vàng là nguyên liệu chính của bánh. Ảnh: Nông sản Dũng Hà
Theo những nghệ nhân làm bánh phu thê, nhào bột là công đoạn khó nhất. Nếu không cẩn thận, mẻ bánh sẽ dễ bị nhão và ảnh hưởng không tốt đến chất lượng sản phẩm. Sau đó, người ta sẽ trộn bột với nước cốt lá dứa, đu đủ xanh, dừa sợi, đường trắng, đồng thời dùng nước hoa quả dành dành vàng óng để tạo màu cho bánh. Hỗn hợp này được khuấy đều rồi đem sên trên lửa nhỏ đến khi đặc sệt thì mới có thể làm vỏ bọc nhân.
Về phần nhân, đậu xanh dùng làm bánh phu thê phải đãi sạch vỏ. Tiếp đến, đậu được nghiền mịn, hấp chín tới lúc khô ráo. Lúc này, người ta bỏ bột bánh vào khuôn, cho nhân vào chính giữa, thêm hạt sen rồi bọc kín lại bằng cách vo thành những viên tròn. Bánh được gói bằng lá chuối hoặc lá dong, cột bằng lạt hồng.
Ảnh: Dasavina
Có thể nói, bánh phu thê hấp dẫn ngay từ phần nhìn. Vỏ bánh có màu vàng trong tựa hổ phách, ăn vào sẽ thấy độ dai dẻo, thơm mát, tiếp đến là vị béo bùi của đậu xanh và vị giòn sật của dừa sợi, đu đủ. Bánh còn thêm phần khó cưỡng khi cho vào đó nước ép bưởi. Ngoài ra, người ta còn rắc lên bánh một chút hạt mè để thành phẩm thêm phần bắt mắt. Vị bánh ngọt ngào, tinh tế, ăn không hề ngấy, hệt như tình cảm nồng đượm của đôi vợ chồng.
Giờ đây, bánh phu thê cũng đã có sự biến tấu trong nguyên liệu và hình thức ở nhiều nơi để phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ thời hiện đại. Chẳng hạn, bánh phu thê ngày nay đã được “khoác” lên mình những màu sắc sặc sỡ như đỏ (từ gấc chín), trắng (từ bột năng nguyên chất), xanh (từ matcha), tím (từ đậu biếc). Song song là rất nhiều những hương vị phong phú, chẳng hạn: chocolate, vani, sầu riêng,...
Ảnh: Mỗi màu mang một hương vị khác nhau. Ảnh: Ngô Thanh
Bên cạnh đó, thay vì gói bằng lá, bánh phu thê giờ đây có thể gói trong giấy bóng kính hay đựng trong hộp giấy có hoạ tiết trang trí đẹp mắt. Dù vậy, giá trị của món bánh phu thê truyền thống vẫn âm ỉ tồn tại trong lòng mỗi con người Bắc Bộ nói riêng và người Việt nói chung.
Phân biệt bánh phu thê với bánh cốm
Thoạt nhìn, bánh phu thê và bánh cốm có hình thức nhang nhác giống nhau, vì vậy nhiều người sẽ dễ nhầm tưởng giữa hai loại bánh. Điểm chung giữa chúng chính là phần nhân được làm từ đậu xanh. Tuy nhiên, lượng đường trong nhân bánh cốm thường ít hơn so với bánh phu thê để tạo ra độ ngọt dịu nhẹ, không quá béo. Nhân đậu xanh của bánh cốm cũng được sên khô hơn nhân của đặc sản làng Đình Bảng.
Ngoài ra, nếu phần vỏ của bánh phu thê làm từ gạo nếp thì vỏ của bánh cốm lại ra đời từ lúa nếp cái hoa vàng non. Bánh cốm chỉ có một màu xanh non truyền thống và được gói bằng lá sen, gợi lên sắc thái của mùa thu Hà Nội.
Bánh cốm được gói từ lá sen. Ảnh: Bánh cốm Hà Nội
Đặc biệt, phần đông còn nhầm lẫn bánh phu thê và bánh xu xê ở Huế là một. Thực chất, bánh xu xê cũng được du nhập từ Bắc Ninh và dần dần đã được thay mới để trở thành một món ăn độc lập với bánh phu thê. Theo cuốn Đại Tự Điển Chữ Nôm của Trương Đình Tín - Lê Quý Ngưu, bánh xu xê lại được làm từ bột lọc, có màu trắng trong đục và được gói bằng lá dừa. Bánh này có thể tạo trong khuôn hình vuông hoặc ngũ giác.
Bánh xu xê được gói bằng lá dừa. Ảnh: Eggyolk Coffee
Ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Ẩn sau chiếc bánh phu thê nhỏ bé là biết bao nhiêu thông điệp sâu sắc mà người xưa gửi gắm. Theo đó, vỏ bánh vuông bao bọc lấy phần nhân hình tròn tượng trưng cho sự ấp ôm, che chở của người chồng dành cho vợ trước sóng to gió lớn.
Ngoài ra, những sắc màu hội tụ trong bánh phu thê cũng phản ánh triết lý âm dương ngũ hành: màu trắng của dừa sợi - tượng trưng cho sự trong trắng, màu xanh của lá chuối - tượng trưng cho sự sinh sôi, màu vàng của quả dành dành và nhân đậu - tượng trưng cho sự nuôi dưỡng, màu đỏ của sợi lạt buộc bánh - tượng trưng cho hạnh phúc, màu đen của hạt mè - tượng trưng cho sự sâu thẳm.
Ảnh: Eva.vn
Tựu trung lại, tất cả đều hướng đến hình ảnh đất trời giao hoà, âm dương quân bình, đời sống hôn nhân khăng khít bền chặt. Và bánh phu thê âu cũng là lời nhắc con người về lối sống có tình có nghĩa để chung tay xây dựng một hạnh phúc vững bền.
>>Xem thêm: Ngọt ngào vị bánh Tết miền Trung