share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Cuisine Ngọt ngào vị bánh Tết miền Trung


ADVERTISEMENT

Bánh thuẫn, bánh ít lá gai, bánh nổ, bánh tổ, bánh đậu xanh… là những thứ bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Trung. Các thức bánh này trước tiên sẽ được dâng lên bàn thờ tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính và cảm tạ một năm mùa màng bội thu. Sau đó, chúng trở thành niềm vui cho trẻ nhỏ thưởng thức, là món quà ngọt ngào mang đậm hương vị ngày Tết.

Bột bình tinh - Nguyên liệu gần gũi và quen thuộc trong ẩm thực miền Trung​

Cách làm bánh truyền thống của người miền Trung thường sử dụng bột bình tinh thay cho bột mì. Là loại bột được mài từ những củ bình tinh (hay còn gọi là củ dong) thơm ngọt. 

Với đặc tính dễ trồng, cho nhiều củ, nên hầu như nhà nào cũng trồng vài bụi bình tinh để dành nấu nướng. Bột bình tinh có đầy đủ các đặc tính độc đáo: nào là sánh sệt của bột năng, vừa kết dính và dẻo như bột mì, lại có độ giòn xốp của bột chiên giòn. Nhờ đó, người miền Trung có thể chế biến vô số món ngon như chè, súp, mì sợi, hay các loại bánh đặc trưng như bánh lọc, bánh phục linh, và bánh thuẫn.

Củ bình tinh ngọt mát nhiều công dụng. Nguồn: Instagram nguyenthanh23842020

Bánh thuẫn - cầu mong năm mới tốt lành

Mang hình dáng như bông hoa mai năm cánh vàng ươm, bánh thuẫn được xem là biểu tượng của sự may mắn và sung túc trong năm mới. Thế nên, vào rằm tháng Chạp, nhà nào nhà nấy cũng tất bật đổ bột làm bánh. 

Tên gọi “bánh thuẫn” bắt nguồn từ hình dạng khuôn bánh - khuôn hình thuẫn, trong phương ngữ Trung Bộ có nghĩa là hình bầu dục. Ngoài ra chữ “thuẫn” trong từ “mâu thuẫn” chỉ sự đối lập giữa cái đơn giản và cầu kỳ tồn tại song hành trong món bánh.

Bánh thuẫn ngon là phải nở như hoa mai. Nguồn: Instagram amavietnam.blog

Nguyên liệu làm bánh thuẫn khá đơn giản: bột bình tinh, trứng gà, trứng vịt, đường và gừng. Tuy nhiên, công đoạn làm bánh lại khá kỳ công và gian nan, đặc biệt là khâu đánh trứng khuấy bột.

Truyền thống làm bánh thường không sử dụng máy móc, mà dùng “máy đánh trứng” tự chế, gồm: hai bó đũa tre, mỗi bó khoảng mười chiếc. Trứng được đánh đến khi bông mịn như bông gòn, nhẹ tay mới đạt yêu cầu. Sau đó, bột bình tinh, đường, gừng được trộn vào, tạo thành hỗn hợp vàng kem, sánh mịn đẹp mắt.

Đổ bánh thuẫn là một nghệ thuật đòi hỏi sự khéo léo. Thế nên, người làm bánh cũng được xem như một nghệ nhân thực thụ. Khuôn bánh bằng gang (gồm 8 hoặc 16 ô) được đặt trên bếp củi đỏ rực. Bột được đổ đầy khuôn đã thoa dầu phộng, đậy nắp, và phủ thêm than nóng. Bánh chín được nhận biết qua mùi thơm ngào ngạt. Bằng cách nghe mùi thơm, người nghệ nhân sẽ biết được lúc nào bánh chín. Khi mở nắp khuôn, những chiếc bánh thuẫn bung nở như hoa mai rực rỡ trong nắng sớm.

Khéo léo đổ bột vào khuôn. Nguồn: amavietnam.blog

Sân khấu trình diễn bộ môn nghệ thuật đổ bánh thuẫn thì đặc biệt không thể thiếu các khán giả nhi đồng, từ đám con cháu trong nhà cho đến mấy đứa nhóc hàng xóm. Như một thú vui dễ thương, tụi nhỏ ở quê thường len lỏi đi khắp từng nhà để xem đổ bánh. Nhờ vậy mà nhà nào bánh nở đẹp thì cả xóm đều hay tin.

Dùng chĩa ngọn lấy bánh ra khỏi khuôn. Nguồn: pexels

Bánh thuẫn vừa ra lò nóng hổi mềm mịn giống như bánh bông lan, gọi là bánh thuẫn ướt. Nhưng để ăn được lâu hơn, người ta đem bánh thuẫn ướt đặt trên nia và sấy bằng lửa than, và thế là bánh thuẫn khô ra đời bằng cách đó. 

Bánh thuẫn khô lắng đọng vị béo của trứng, ngọt ngào của đường mía và cay cay của gừng. Ăn bánh thuẫn uống nước trà là cách thưởng thức vừa thú vị vừa làm dịu đi độ khô của bánh. Bánh thuẫn khô luôn là món quà quê được các bà, các mẹ gửi đến những đứa con phương xa, chứa đựng biết bao yêu thương và tâm huyết.

Ăn bánh thuẫn uống trà nóng làm cho hương vị của bánh ngon hơn hẳn. Nguồn: i.love.bep

Bánh ít lá gai - Món quà thơm thảo từ quê hương

Miền Trung có một loại bánh đặc biệt với lớp vỏ đen tuyền bóng bẩy, được gọi là bánh ít lá gai. Loại bánh này chỉ xuất hiện trong những dịp đặc biệt như giỗ chạp, cưới hỏi. Chủ nhà thường gói bánh ít để làm quà tặng khách, thể hiện lòng thơm thảo và sự hiếu khách.

Trẻ nhỏ đặc biệt yêu thích bánh ít lá gai bởi lớp vỏ dẻo mịn cùng nhân bánh béo bùi từ đậu xanh, đậu phộng, dừa nạo, kèm theo chút cay ấm của gừng, quế và mùi thơm dịu của mè rang.

Tết tới là tha hồ ăn bánh ít lá gai. Nguồn: Instagram icecream.killer

Công đoạn làm bánh ít lá gai gồm hai phần là vỏ bánh và nhân bánh. Nguyên liệu làm vỏ bánh là lá gai, nếp ngon xay thành bột, đường và muối. Lá gai xanh mướt được hái ở sau vườn, phải là lá gai vừa tới, không quá già và không quá non. Đem lá đi rửa sạch, tước bỏ gân lá, rồi luộc qua nước sôi như luộc rau, vắt ráo nước rồi đem đi giã. Càng giã lá nhuyễn chừng nào thì vỏ bánh càng ngon chừng nấy.

Tiếp đến, cho bột nếp vào quết cùng lá gai, dùng chày nện khối bột trong cối cho đến khi bột nếp và lá gai thành một khối màu xanh óng ánh. Lấy khối bột ra khỏi cối, đặt xuống tấm bạt sạch trải trên nền gạch, cho muối đường và dầu đậu phộng, lại nhồi khối bột cho thật kỹ. Có nơi còn tung bột lên không trung cho rơi tự do, mục đích là tăng độ kết dính và làm vỏ bánh dẻo hơn. Công đoạn làm vỏ bánh tuy cực nhọc nhưng các bà các mẹ luôn có cách để khích lệ chính mình:

 “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người, sỏi đá cũng thành cơm.” 

Câu hát cứ thế được ngân nga trong suốt buổi làm bánh.

Nhân bánh có hai loại, đậu xanh dừa nạo và mè rang đậu phộng. Người lớn thường chuộng đậu xanh, trẻ nhỏ thì mê mẩn các vị còn lại. Đậu xanh chọn mua loại đã đãi vỏ, vàng như màu bắp. Sau khi hấp chín đậu thì trộn với cơm dừa già béo, cho đường để có vị ngọt, gừng lấy vị cay. Bắt chảo cho nhân bánh lên bếp, trộn đều tay đến khi khô ráo và dẻo mịn. Tranh thủ khi nhân còn nóng ấm, kết dính tốt, người ta vo tròn thành từng viên vừa ăn, rồi bước sang công đoạn tiếp theo.

Bánh ít lá gai ăn một cái rồi thêm vài cái nữa mới đã. Nguồn. Instagram tanpham246

Lấy một phần bột bánh để vào lòng bàn tay, vo tròn, tán mỏng ra, đặt phần nhân vào chính giữa, xếp vỏ bánh bọc lấy nhân. Lá chuối được gấp thành hình tam giác, đặt bánh vào trong lòng, gói bánh thành hình tháp hoặc hình viên kẹo. Sau đó lại đem đi luộc. 

Bánh sau khi luộc, nhờ có lá gai mà vỏ bánh chuyển màu, từ xanh biến đổi thành sắc đen bóng bẩy, mịn trơn. Cắn một miếng, cảm nhận độ dẻo mà không dính của vỏ, cái béo thơm của nhân đọng lại nơi đầu lưỡi. 

Bánh tổ dẻo ngọt ngày Tết. Nguồn: Da Nang International Terminal

Bánh của người miền Trung vào ngày Tết rất phong phú. Ngoài bánh thuẫn và bánh ít lá gai, ngày Tết miền Trung còn có nhiều loại bánh đặc sản khác:

Bánh nổ: Làm từ nếp rang giòn sên với nước đường và gừng, mang lại vị ngọt thanh, giòn tan.

Bánh tổ: Là sự kết hợp giữa bột nếp, đường bát mật (phiên bản cô đặc của mật mía) với mè rang và gừng, tạo nên món bánh dẻo ngọt, thơm lừng.

Bánh đậu xanh nướng: Với lớp vỏ bánh giòn rụm và nhân đậu xanh bùi béo, đây là món bánh gợi nhớ hương vị tuổi thơ.

Bánh in: Được nén từ bột nếp rang trộn đường, bánh có độ giòn xốp nhẹ nhàng, thường được làm thành các hình dáng đẹp mắt để dâng cúng tổ tiên.

Những món bánh này không chỉ là hương vị truyền thống mà còn là nét văn hóa đặc sắc của người miền Trung. Chúng mang theo hơi thở của đất trời, chứa đựng bao tâm huyết và tình cảm của người làm bánh, gửi gắm lời chúc tốt đẹp cho một năm mới an lành và sung túc.


>> Xem thêm: Hoa trong ẩm thực: “Ngôi sao” sáng giá thăng hạng món ăn


ADVERTISEMENT