Environmental Movement Chuyện chiếc ống hút và sự báo động về môi trường sống
Mấy hôm trước hay tin Việt Nam lọt Top 5, nhưng là Top 5 quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất, mới giật mình bởi hóa ra đất nước này tuy nhỏ bé nhưng lại làm nên một chuyện “tày đình” bị cả thế giới nhớ mặt đặt tên. Thôi thì không dám luận bàn chuyện thế giới, tôi chỉ xin nói chút chuyện nhỏ về chiếc ống hút nhựa - món đồ tưởng vô hại nhưng lại vô-cùng-hại.
Ống hút nhựa - món đồ tưởng vô hại nhưng lại vô-cùng-hại
Hại ở đây tất nhiên là hại cho môi trường. Bởi với các chị em, thì đây là một dụng cụ cứu cánh cho đôi môi son đỏ lựng, hay là giúp răng đỡ bị ê buốt khi uống đồ lạnh. Ống hút nhựa muôn hình vạn trạng, đủ kích thước đủ màu sắc, có khi còn là một yếu tố giúp trang trí đồ uống thêm đẹp mắt. Thế nhưng, nhựa nào thì cũng là nhựa, bất kể là nhỏ như ống hút hay lớn như một chiếc giỏ đựng đồ.
Nhựa nào thì cũng là nhựa, bất kể là nhỏ như ống hút hay lớn như một chiếc giỏ đựng đồ
Người ta thường nghĩ đến những việc lớn lao để bảo vệ môi trường, như trồng thêm cây xanh, tuyên truyền khẩu hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia những sự kiện vì môi trường mà ít ai nghĩ đến chuyện tự mình bỏ đi những thói quen nhỏ như dùng ống hút nhựa có thể giúp ích rất nhiều cho việc giảm tải rác thải, giảm tải ô nhiễm trong sản xuất.
Bỏ đi thói quen dùng ống hút nhựa có thể giúp ích rất nhiều cho việc giảm tải rác thải
Bạn có tin không, trong 9 triệu tấn rác thải nhựa ra biển hàng năm, có đến hơn 8,3 tỷ ống hút nhựa. Chỉ tính đơn giản trong thành phố bạn sống, số lượng ống hút nhựa đã gấp hàng trăm lần số quán xá được mở ra. Vô tư dùng ống hút, cũng giống như bạn đang vô tình góp phần “xóa sổ đại dương” đằng sau những ly nước xinh xắn ngon lành.
Bạn đang vô tình góp phần “xóa sổ đại dương” đằng sau những ly nước ngon lành
Ống hút không gây hại, người dùng nó mới gây hại, phải không? Đúng là như vậy đấy, tôi không nói rằng chúng ta nên hoàn toàn bỏ đi việc dùng ống hút, bởi có vẻ một số trường hợp bắt buộc không thể cầm ly nước uống dễ dàng, ta cần có nó để hỗ trợ. Có chăng, là nên phân loại nó như thế nào, tái chế nó ra sao để việc sử dụng ống hút luôn là hợp lý nhất.
Một cửa hàng dùng ống hút tre rất được yêu thích ở một điểm du lịch
Có một tín hiệu đáng mừng, là việc tái chế ống hút và các loại vật liệu khác đang được đông đảo người dân luận bàn để cho ra những sản phẩm tiện ích. Một tín hiệu khác, tôi cho rằng cũng được dựa trên một phần nào đó của yêu môi trường (tất nhiên, đi kèm là lợi ích), đó là các loại ống hút bằng thủy tinh, inox, cỏ bàng, tre, gạo và ống hút giấy.
Ống hút thủy tinh cũng khá bắt mắt và thân thiện
Ngoại trừ ống hút giấy gây tranh cãi - bởi dù sao giấy cũng là vật liệu không nên bị lạm dụng, cùng với đó là quy trình sản xuất cũng gây ô nhiễm không kém việc bạn thải nhựa ra môi trường, thì các vật liệu khác cũng đang mang lại hiệu ứng khá tốt, được đưa vào ứng dụng ở nhiều cửa hàng, và các bạn trẻ, cũng đã “ưu tiên” những quán có dùng vật liệu bảo vệ môi trường.
Nhưng, không dùng ống hút mới là tối ưu nhất
Tuy nhiên, nếu hỏi tôi loại vật liệu nào tối ưu nhất cho ống hút, tôi sẽ không ngại ngần trả lời KHÔNG DÙNG ỐNG HÚT MỚI LÀ TỐI ƯU NHẤT. Bạn giảm nhu cầu, tức là bạn đã giảm đi cho môi trường rác thải. Bạn không dùng ống hút, bạn sẽ không cần mất công tái chế, cũng không tốn thêm chút nước nào để rửa lại sau khi dùng. Nói vậy thôi, tôi từ lâu đã sắm cho mình một chiếc bình giữ nhiệt kèm một chiếc ống hút thủy tinh để sẵn trong túi, và câu cửa miệng vẫn là “Cho chị ly bạc xỉu, không ống hút, em nhé!”.
Bạn thấy không, ly bạc xỉu của tôi vẫn rất ngon, lên hình vẫn đủ đẹp, mà đâu cần thêm chiếc ống hút nào!