Environmental Movement Ngành hàng không đang hướng tới mục tiêu bền vững như thế nào?
Ngành hàng không chiếm gần 2,5 phần trăm lượng khí thải carbon trên toàn cầu và con số này dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Đứng trước mục tiêu bảo vệ Trái Đất đang được toàn cầu tập trung thực hiện, tại Đại hội đồng thường niên lần thứ 77 của IATA diễn ra ở Boston, Hoa Kỳ năm 2021, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc Tế IATA (với 320 hãng hàng không thành viên) đã thông qua nghị quyết cam kết đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để thực hiện hóa tham vọng này cần có sự phối hợp của toàn bộ ngành, bao gồm các hãng hàng không, sân bay, nhà cung cấp dịch vụ điều hướng hàng không, nhà sản xuất và sự hỗ trợ đáng kể của Chính phủ. Mặc dù trước mắt vẫn còn nhiều việc cần làm, nhưng hãy cùng WOWWEEKEND tìm hiểu những phương pháp hướng đến phát triển bền vững mà 5 hãng hàng không dưới đây đã đưa ra trong hành trình “xanh hóa” bầu trời.
Top 5 hãng bay nổi bật trong hoạt động bền vững
United Airlines (Mỹ)
Năm 2018, United Airlines đã trở thành một trong những hãng hàng không đầu tiên công bố kế hoạch giảm 50% lượng khí thải carbon vào năm 2050. Và chỉ một năm sau, vào 2019, công ty đã triển khai thành công chuyến bay được coi là bền vững nhất vào thời điểm đó có tên gọi Chuyến bay vì Hành tinh (Flight for the Planet).
Sáng kiến này là một bước đột phá của ngành hàng không thương mại, giúp United Airlines giành được danh hiệu hãng hàng không đầu tiên cung cấp nhiên liệu sinh học trung tính carbon cho tàu bay. So với một chuyến bay thông thường, Flight for the Planet tiết kiệm được tới 40 tấn khí thải carbon và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu xuống 3,3%.
Chưa dừng lại ở đó, United Airlines còn là đơn vị tích cực hỗ trợ công ty khởi nghiệp Heart Aerospace của Thụy Điển sản xuất máy bay điện và mua nhiều nhiên liệu bền vững hơn (SAF). Được biết, hãng đang ấp ủ kế hoạch đưa 100 máy bay hybrid-điện với sức chứa 30 hành khách vào khai thác năm 2028.
Virgin Atlantic (Anh)
Năm 2014, đồng phục tổ bay của Virgin Atlantic được nhà thiết kế danh tiếng Vivienne Westwood cải tiến với chất liệu làm từ 25% nhựa tái chế. Năm 2018, hãng thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên trên thế giới sử dụng nhiên liệu bền vững. Năm 2023, hãng hoàn thành chuyến bay đầu tiên sử dụng nhiên liệu SAF hoàn toàn băng qua Đại Tây Dương.
Bằng nhiều cách, Virgin Atlantic từng bước hướng đến mục tiêu bền vững. Đây cũng là hãng hàng không vận hành một trong những tàu bay hai động cơ tiên tiến và sạch nhất trên bầu trời. Virgin Atlantic thay thế tàu bay Boeing 747 và Airbus A340 bốn động cơ bằng các tàu bay Boeing 787 và Airbus A350 tiết kiệm nhiên liệu hơn. Hãng tuyên bố rằng động thái này đã giúp giảm 20% lượng khí thải carbon của đội bay.
Etihad Airways (UAE)
Etihad Airways, hãng hàng không quốc gia của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã cắt giảm được 1/4 lượng khí thải CO2 kể từ năm 2019 nhờ cải thiện hiệu quả hoạt động và cũng đã giảm 80% lượng nhựa dùng một lần.
Etihad đã hợp tác với Boeing để tạo ra Chương trình Etihad Greenliner nhằm thử nghiệm và triển khai các công nghệ xanh mới, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu bền vững (SAF) và các sản phẩm thân thiện với môi trường trên chuyến bay. Nỗ lực của Etihad đã được vinh danh tại lễ trao giải Airline Ratings thường niên hạng mục “Hãng hàng không thân thiện với môi trường của năm 2022, 2023”.
Cathay Pacific (Hồng Kông)
Cathay Pacific không chỉ đầu tư vào các sáng kiến giảm thiểu carbon, hãng này còn thể hiện cam kết bền vững của mình thông qua thực đơn. Ý tưởng này được gọi là Omnipork, phục vụ thịt lợn làm từ thực vật trên máy bay. Theo một cách nào đó, điều này hoàn toàn hợp lý vì công ty có trụ sở tại Hồng Kông - khu vực có chế độ ăn chay rất phổ biến.
Bên cạnh đó, hãng thường xuyên quyên góp thực phẩm không sử dụng cho tổ chức từ thiện để chống lãng phí và hầu như không sử dụng bất kỳ hộp nhựa dùng một lần nào trên các chuyến bay.
Ngoài ra, Cathay Pacific đã đầu tư vào Fulcrum BioEnergy, một loại nhiên liệu bền vững được làm từ chất thải, kể từ năm 2014 và tính đến năm 2022, Cathay Pacific đã trở thành hãng hàng không hàng đầu châu Á về mức sử dụng SAF.
KLM Royal Dutch Airlines (Hà Lan)
KLM là đơn vị tiên phong trong việc sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường kể từ năm 2009 và đã thực hiện các chuyến bay thương mại bằng nhiên liệu sinh học.
Cam kết bền vững của KLM được biết đến rộng rãi. Hãng đặt mục tiêu đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, cam kết giảm 15% lượng khí thải carbon vào năm 2030 bằng cách đổi mới tàu bay, đội bay và sử dụng nhiên liệu bền vững. Thêm nữa, họ hỗ trợ dự án tái trồng rừng ở Panama, Uganda và Colombia, đồng thời thực hiện các hoạt động kích thích sự quyên góp của hành khách.
Một số thông tin thêm
Có hãng hàng không nào cung cấp chuyến bay xanh 100% không?
Có! Hiện tại hai hãng United Airlines và Virgin Atlantic đang khai thác một vài đường bay thực hiện hoàn toàn bằng nhiên liệu sinh thái.
Bù đắp tín chỉ carbon có nghĩa là gì?
Bù đắp tín chỉ carbon là hành động quyên góp một số tiền cho tổ chức từ thiện để “bù đắp” và giảm thiểu thiệt hại về môi trường do các chuyến đi gây ra. Ngày nay, rất nhiều hãng hàng không cung cấp tùy chọn này, điển hình như Etihad và KLM.
Có máy bay điện nào không?
Có, và sắp tới sẽ có thêm nhiều lựa chọn nữa. Điển hình như Widerøe, một hãng hàng không địa phương của Scandinavia sẽ bắt đầu sử dụng máy bay điện vào năm 2026 cùng với máy bay chạy bằng hydro. Ngoài ra hãng hàng không United Airlines cũng đang thực hiện kế hoạch sản xuất máy bay điện.