Fashion Dior Haute Couture Thu Đông 2022: Điển tích Ukraine, sự kết nối và chế tác thủ công
Nhìn vào bầu trời mịt mù khói và bối cảnh ở Ukraine hiện tại, Giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri muốn gửi đi một thông điệp, một lời nhắn, một cái nhìn về cuộc sống lạc quan, tươi đẹp hơn đến thế giới. Thông qua BST Dior Haute Couture Thu Đông 2022, nhà thiết kế mở ra một cầu nối giữa nghệ thuật và khái niệm sống có ý nghĩa.
Dior Haute Couture và cây sinh mệnh
Tại Dior Haute Couture Thu Đông 2022, Maria đã bắt tay hợp tác cùng một nữ nghệ sĩ người Ukraine, Olesia Trofymenko, để thực hiện một BST không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn đậm tính nhân văn này. Những bức vẽ của Olesia về cây sinh mệnh (The tree of life) chính là khởi đầu cho cảm hứng của các thiết kế.
Các tác phẩm của Olesia Trofymenko được treo dọc theo đường băng.
Từng tác phẩm đều lấy cảm hứng từ cây sinh mệnh.
Cây sinh mệnh – không chỉ xuất hiện trong những điển tích Ukraine, hình ảnh này chính là biểu tượng của “sự kết nối giữa các nền văn hóa, thần thoại và mọi hình thức sáng tạo”, theo giám đốc Maria Grazia Chiuri. Nêu lên thông điệp một cách trực tiếp và dễ hiểu thông qua nghệ thuật sáng tạo và thời trang từ lâu đã là phong cách đặc trưng của Maria Grazia Chiuri.
“Cây sinh mệnh là một lời kêu gọi, một lời cảnh báo, để làm cho các truyền thống và cử chỉ tỏa sáng, cho phép chúng ta khôi phục sự cân bằng, mặc dù chỉ trong giây lát”, theo thông cáo báo chí của nhà mốt.
Giám đốc sáng tạo của ngôi nhà cũng nói thêm: “Chúng ta phải lạc quan, nhưng đồng thời, chúng ta cũng cần phải tạo ra những hành động nào đó.”
BST Dior Haute Couture Thu Đông 2022: truyền thống, cổ điển và chế tác thủ công
Tại Bảo tàng Rodin tọa lạc nơi thành phố Paris hoa lệ, Dior giới thiệu BST thời trang cao cấp như một lời tôn vinh đến giá trị nghệ thuật thủ công từ bao đời. BST chiết trung này tái hiện các thiết kế họa nên dáng dấp của một thế giới xưa, từ trang phục phong cách thần thoại cho đến hình bóng của New Look cổ điển. Trên bức tường dọc đường băng, các bức tranh của Olesia như bổ sung cho những tà áo tung bay phấp phới, tô điểm thêm cho khung cảnh của buổi trình diễn.
BST Dior Haute Couture Thu Đông 2022 sở hữu những trang phục được thực hiện thủ công với hàng triệu mũi khâu nhỏ tỉ mỉ, những chi tiết thêu tinh xảo được đính kết trên hầu hết các thiết kế. Hình ảnh cây sinh mệnh luôn xuất hiện đâu đó trên những họa tiết dân gian tràn ngập sàn diễn. Chất liệu len crepe, cotton, lụa chiffon và cashmere cũng như kỹ thuật chắp vá được áp dụng một cách tinh tế. Trong giai điệu mang hơi hướng chính kịch, khơi gợi lịch sử, những người mẫu sải bước với bím tóc kiểu cũ, tóc buộc thấp, áo opera, trim jacket và những chiếc váy dài tay phồng.
Có thể thấy gam màu trung tính chiếm ưu thế trong bảng màu của BST lần này với các màu đen, xanh biển và chartreuse. Những thiết kế thêu phong phú trở thành ngôi sao của sàn diễn. Đáng chú ý là trang phục phối vải tartan với chi tiết khâu tay, một chiếc maxi xếp tầng chiết eo và một tà váy dài có cổ áo kiểu Mao. Bên cạnh đó, những chiếc áo khoác mềm mại bằng lụa khoác ngoài chiếm được nhiều sự chú ý.
Tại BST Dior Haute Couture lần này, các kỹ thuật xưa như punto croce, cross stitch hoặc các biến thể của nó cũng được phát hiện. Những đường may khâu trên satin tỉ mỉ tạo nên cách sắc thái bóng mờ tinh tế được bộc lộ qua từng đường kim mũi chỉ. Những chiếc váy dạ hội mềm mại, nhẹ nhàng với phần tà lả lướt gợi nhớ đến những tiểu thư quý tộc từ ngàn xưa. Quý cô Dior thanh lịch, nhẹ nhàng, sang trọng, sẵn sàng lan tỏa sức ảnh hưởng đến cộng đồng và cuộc sống.
Càng về cuối, những trang phục ấn tượng nhất cũng đã dần xuất hiện.
Những chi tiết nhỏ không hề bị bỏ lơ. Từ những chiếc hoa tai, nhẫn đến vòng tay và những đôi giày thắt dây cũng đã gây được ấn tượng mạnh.
Sự giao hòa giữa nghệ thuật, văn hóa thông qua thời trang
Hình tượng người phụ nữ nhẹ nhàng, nữ tính nhưng kiên định, mạnh mẽ hiện lên tinh tế qua bàn tay của Maria Grazia Chiuri và cảm hứng từ nghệ nhân Olesia Trofymenko. Để tạo ra cầu nối giữa các văn hóa, Maria sử dụng các đường thêu đính được thực hiện không chỉ tại xưởng của hãng ở Paris, mà còn bởi các nghệ nhân đến từ trường nghề Chanakya ở Mumbai, Ấn Độ.
“Việc có sự trao đổi văn hóa và kỹ thuật rất quan trọng”, theo Giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri.
Bà cho rằng haute couture là cách để đơn giản hóa việc bắc cầu giữa các nền văn hóa khác nhau. Bằng cách kết hợp đặc biệt với nghệ nhân tại Chanakya, Dior tôn vinh, hơn bao giờ hết, vẻ đẹp đa nguyên và sự trường tồn của savoir-faire, ở giao điểm của nghệ thuật, chế tác thủ công và thời trang cao cấp.