share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Đuổi cò trên dòng Serepok


ADVERTISEMENT

Nhân chuyện được “nằm vùng” ở DakLak mà có cơ duyên thưởng thức mảnh đất Tây Nguyên nhiều cái nắng, nhiều cái gió nhưng không hề khô cằn mà luôn mang lại cảm giác dễ chịu, tươi mát. Những câu chuyện được các già, các bác, các cô ở trong buôn và cả bạn lái xe kể lại mới biết Tây Nguyên không chỉ có cà phê, cacao, cây trái hay những cánh rừng của đất đại ngàn mà cội rễ của mảnh đất đỏ trù phú này là ở những dòng sông.

Một sáng lạc lối giữa rừng cao su

Lúc ban đầu ở Krong Ana đã thấy được thỏa mãn lắm lắm bởi café độ này đang nở hoa trắng muốt, cả bơ và sầu riêng đang chuẩn bị vào mùa, trái lúc lỉu rợp cả một vườn. Cái cảm giác buổi sáng thức giấc là hương hoa café như sà vào theo gió mơn man khắp không gian. Theo đồng bào lên rẫy, gọi là thăm vườn thôi chứ “vườn” rộng cả vài ha, mắt nhìn không biết đâu là điểm dừng. Rồi cũng từ đấy là được kể nghe bao câu chuyện về những dòng sông huyền thoại và biết huyện Krong Ana được lấy tên từ một con sông.

Krong Ana và Krong Kno bên đục bên trong, là hai phụ lưu của dòng Serepok rộng lớn nhất DakLak, cứ hào phóng mà đưa nguồn nước về cho buôn làng, mải miết tháng ngày đưa đẩy phù sa màu mỡ vào khắp miền đất cao nguyên này nuôi dưỡng hàng trăm ngàn ha lúa nước và cây công nghiệp. Bởi vậy Serepok cùng những dòng phụ lưu có ý nghĩa sống còn trong đời sống đồng bào và người dân nơi đây.

Trời Tây Nguyên cao xanh vời vợi

Tranh thủ ngày nghỉ là vèo một cái quãng hơn 50km từ Buôn Mê Thuột xuống bản Đôn để tận mục sở thị dòng Serepok huyền thoại và là điểm có dòng thác bảy nhánh tráng lệ kỳ vĩ vẫn được xem qua các hình ảnh được chụp từ trên không trung xuống. Trước đó, từ đường lớn dẫn vào qua vườn điều chín đỏ ruộm là tới điểm chính đón khách đi tham quan mộ voi, được dạy cách bước lên ngôi nhà sàn hơn trăm năm của vua voi như một vị khách quý được đón vào nhà theo quan điểm của người đồng bào.

Chiếc cầu treo nối ra điểm gặp thác bảy nhánh

Qua chiếc cầu treo bằng gỗ lắc lư theo bước chân người, đưa tới bên kia bãi đá trước khi lên thuyền máy chạy dọc dòng Serepok. Đoạn mong chờ nhất cũng đã tới, cái nắng, cái gió giữa sông nước mây trời khoáng đạt thật khiến cả tâm hồn như rộng mở, bên bờ là cả cánh rừng nguyên sinh xanh mướt mát màu lá mới. Anh lái thuyền là dân làng dân tộc bản địa M’Nông, nên anh thuộc tới từng viên đá trên dòng chảy, nhìn cách anh lách tay lái tránh thuyền va vào tảng đá ngầm mới thấy điệu nghệ làm sao, người con của đại ngàn sinh ra giữa núi rừng Yook Đôn cứ say sưa kể chuyện về voi, về rừng bằng cả ánh mắt môi cười. Anh cũng như người đồng bào yêu voi tới mức tôn thờ, voi không chỉ là người bạn, người giúp việc, mang lại một phần nguồn sống cho buôn làng nên sẽ chẳng khi nào đồng bào quát mắng, đánh đập những chú voi.

Bãi đá dẫn lối ra dòng Serepok mùa nước cạn

Thuyền rẽ nước tới đâu, cò trắng từng đàn bay lên tới đấy. Trên các mỏm đá trắng xóa cứ như đàn cò đánh dấu lãnh địa của mình. Dòng Serepok chưa tới đoạn thác ghềnh nhưng nhìn làn nước đủ thấy dòng chảy cuộn siết nhưng vẫn ngọt lành và trong vắt, là nguồn sống của cả khối rừng nguyên sinh và muôn loài. Chẳng khác gì người đồng bào nơi đây, tuy to lớn trông có phần dữ dằn nhưng hiền hậu và phóng khoáng vô cùng.

Đuổi cò trên dòng Serepok

Serepok đoạn này còn hiền hòa nhất, những đoạn vắt qua vùng lõi rừng Yook Đôn còn núi đá gập ghềnh. Bởi vậy mới tạo nên 4 con thác kỳ vĩ bậc nhất Dray Sáp Thượng, Dray Sáp Hạ, Dray Nur và Trinh Nữ. Và nhất định rồi, sau chuyến đuổi cò trên dòng Serepok là phải “tranh thủ” ghé thăm Dray Nur, không kể mùa khô hay mưa, lúc nào cũng ầm ầm cuồn cuộn tung khói đẹp tới mơ màng.

Thác Dray Nur hùng vĩ mơ màng

Mảnh đất Tây Nguyên này với biết bao câu chuyện sử thi huyền thoại cứ hút mãi, không khỏi khiến người ta thêm ước ao được một lần xuôi dòng Serepok mà ngược lên thượng nguồn tới biên giới Việt Nam – Campuchia.


ADVERTISEMENT