share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Automobile Formula 1: Lịch sử thăng trầm của giải đua đắt giá nhất hành tinh


ADVERTISEMENT

Là cấp độ đua ô tô thể thao cao nhất của Liên đoàn Ô tô quốc tế (FIA), Giải đua Công thức 1 (Formula One - F1) ra đời từ năm 1950 đã trở thành giải thể thao danh giá và tốn kém nhất hành tinh. Chi phí nghiên cứu, sản xuất xe đua của mỗi đội F1 có thể lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Lịch sử và những thăng trầm

Sau khi Karl Benz và Gottlieb Daimler phát minh ra động cơ đốt trong vào năm 1886, các công nghệ phục vụ cho ngành công nghiệp xe hơi ngày càng được chú trọng, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập thể lẫn cá nhân đam mê tốc độ và cơ khí dấn thân vào cuộc chơi non trẻ đầy tiềm năng này. Sự cạnh tranh đã khởi nguồn cho những giải vô địch Grand Prix lần đầu được tổ chức tại châu Âu những năm 20 và 30 của thế kỷ trước - nền móng hình thành giải đua Công Thức 1. 

Xe đua Alfa Romeo gần như thống trị các chặng thi đấu những năm 1950

Mặc dù rất nhiều cuộc đua đã được tổ chức, song phải đến năm 1946, các quy tắc giải đấu mới được chuẩn hóa bởi Liên đoàn Xe hơi Quốc tế FIA (Federation Internationale de l’Automobile). Các bộ tiêu chuẩn này cũng là tên gọi của giải đua. Chẳng hạn, tên giải đua Formula One (F1) (trước đây là Formula A) đại diện cho một bộ quy tắc mà tất cả người tham gia phải tuân thủ, tương tự giải F2 và F3. Lịch sử thăng trầm của F1 song hành cùng vô số thay đổi về “luật chơi" để tăng tính công bằng, thích nghi với công nghệ đương thời và tăng độ hấp dẫn cho giải đua.

Giải F1 lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1950 tại Silverstone (Anh), với chặng đua F1 đầu tiên diễn ra một tháng trước đó tại Pau (Pháp). Những năm đầu, giải F1 có tổng cộng 20 chặng được tổ chức từ cuối mùa xuân đến đầu mùa thu tại châu Âu. Đa số xe đua tham gia là những chiếc xe sản xuất hồi trước Thế chiến. Hầu hết các đội đua tới từ Italia, trong đó đội Alfa Romeo gần như thống trị các chặng đua những năm 1950.

Tay đua Farina chiến thắng giải đua đầu tiên tổ chức năm 1950 tại Silverstone (Anh quốc)

F1 không ngừng tiến hóa qua từng thời kỳ. Năm 1958 đánh đấu nhiều thay đổi lớn khi tổng chiều dài vòng đua được rút gọn từ 483 km (300 dặm) xuống còn 322 km (200 dặm). Điểm được phân bổ theo mức 8, 6, 4, 3, 2, 1 cho 6 chiếc xe về đích đầu tiên, trong khi xe đua bắt buộc phải sử dụng xăng máy bay thay vì hỗn hợp nhiên liệu methanol. Giải đấu cũng tiếp cận các hãng sản xuất xe, tạo tiền đề cho những khoản đầu tư vô tiền khoáng hậu về sau. Các đội đua cũng bắt đầu đạt được những đột phá về công nghệ, khiến cuộc đua càng trở nên khốc liệt và đắt đỏ hơn.

Stirling Moss cầm lái chiếc Cooper giành quán quân chặng Argentine Grand Prix

Năm 1958, Stirling Moss cầm lái chiếc Cooper giành quán quân chặng Argentine Grand Prix, đánh dấu chiếc xe đua trang bị động cơ đặt giữa lần đầu tiên giành chiến thắng tại giải. Việc tái sản xuất xe đua trang bị động cơ cỡ trung của Cooper đã giúp tay đua Jack Brabham vô địch thế giới vào các năm 1959, 1960 và 1966. Ấn tượng với sức mạnh của thiết kế cơ khí này, từ năm 1961, tất cả đội tham gia thi đấu đã chuyển sang sử dụng các loại xe có động cơ cỡ trung.

Xe đua do Honda chế tạo lần đầu tiên giành chiến thắng tại Mexican Grand Prix 1965

Chặng đua Mexican Grand Prix 1965 đánh dấu cuộc đua F1 cuối cùng sử dụng động cơ dung tích 1.5L, cũng như lần đầu tiên và duy nhất một chiếc xe đua trang bị động cơ đặt giữa phía sau (và do người Nhật chế tạo) giành chiến thắng. Năm 1966, giải đua xe Công thức 1 tiếp tục thay đổi quy định về động cơ khi cho phép sử dụng các cỗ máy dung tích lên đến 3.0 lít. 

Từ cái nôi Châu Âu, F1 dần lan tỏa đến cộng đồng hâm mộ tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Á, trở thành giải đua xe hàng đầu thế giới. Những chặng đua F1 đầu tiên tại châu Á diễn ra năm 2008, tại Trung Quốc, Malaysia và Singapore, tiếp nối bởi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 2009. Việt nam từng có kế hoạch ghi danh trên bản đồ Công thức 1 với chặng đua đầu tiên năm 2020 song do nhiều yếu tố khách quan, dải đất hình chữ S vẫn lỡ hẹn với sự kiện tầm cỡ này.


Jim Clark cầm lái chiếc Lotus 25 tại Giải British Grand Prix 1963

Cuộc đua công nghệ điên cuồng & đắt đỏ

Những màn thi đấu nảy lửa trên đường không chỉ đến từ nỗ lực bám đuổi sít sao của các tay đua mà đó là thành quả của một cuộc đua không kém phần điên cuồng khác diễn ra trong garage: công nghệ chế tạo xe đua. Cải tiến về công nghệ, kỹ thuật luôn là nét đặc trưng của giải F1 và sự phát triển của F1 luôn song hành cùng những tiến hóa công nghệ trong lĩnh vực xe cộ.

Năm 1962, đội Lotus tạo đột phá công nghệ với bộ khung gầm liền thân từ nhôm nguyên khối thay thế cho khung "spaceframe" truyền thống, giúp chiếc xe ổn định hơn, khởi đầu cho Kỷ nguyên Lotus với tay đua Jim Clark của đội đã vô địch giải F1 hai lần trong vòng 3 năm tiếp theo. Cuối thập niên 1970, Lotus tiếp tục ứng dụng động lực học vào thiết kế xe với cảm hứng từ sự xuất hiện của cánh máy bay. Từ năm 1976, đội đua thử nghiệm chiếc Tyrrell-Ford với 6 bánh. 

Thiết bị bảo vệ vùng đầu Halo trang bị trên xe F1

Một tai nạn thảm khốc khiến tay đua Jim Clark tử vong tại chặng đua Germany Formula One 1968 đã buộc ban tổ chức giải F1 thắt chặt hơn nữa các quy định an toàn. Công nghệ nâng cao khả năng “sinh tồn" cho tay đua cũng phát triển đáng kể. Gần đây nhất là sự xuất hiện của Thiết bị bảo vệ đầu và cổ HANS (Head and Neck Support) đã giúp Fernando Alonso bình an vô sự sau khi lao vào rào chắn với tốc độ 240 km/h ở đường đua Interlagos, Brazil Grand Prix 2003; hay Thiết bị bảo vệ vùng đầu Halo đã cứu sống Lewis Hamilton trong pha va chạm với Max Verstappen tại Italian Grand Prix 2021. 

Halo lắp đặt trên xe đua đã cứu sống Lewis Hamilton trong pha va chạm Italian Grand Prix 2021

Ngày nay, các đội đua vẫn đang đổ hàng triệu USD mỗi năm vào các hoạt động nghiên cứu phát triển để tăng cường khả năng vận hành của xe đua, đôi khi chỉ thêm một phần trăm giây. Từ thử nghiệm vật liệu mới, kết cấu lốp, khung mới cho đến thích ứng với đường đua mới và thể lệ giải thay đổi. Tất cả tạo tiền đề phát triển ngành công nghiệp ô tô với nhiều ứng dụng vào các mẫu xe thương mại.


Scuderia Ferrari là đội đua F1 giàu thành tích lẫn giá trị

Những cái nhất tại Giải đua Công thức Một

Đội đua lâu đời (và đắt giá) nhất: Không cái tên nào khác ngoài Scuderia Ferrari. Lần đầu tham gia giải Công thức 1 từ năm 1950, đây là đội đua lâu đời nhất hiện vẫn thi đấu và cũng là đội thành công nhất trong lịch sử với 16 lần vô địch đồng đội, cùng 15 chức vô địch cá nhân. Scuderia Ferrari cũng đội đua đắt giá nhất giải F1 với giá trị lên đến 3,9 tỷ USD (2023), theo Statista.

Monaco Grand Prix là chặng đua F1 có lịch sử lâu đời

Đường đua Grand Prix ngắn nhất: Monaco Grand Prix là một trong những chặng đua quan trọng nhất trong lịch thi đấu của giải F1 kể từ khi bắt đầu vào năm 1929. Chặng đua diễn ra lâu đời nhất này sở hữu vòng đua ngắn nhất giải, với chiều dài chỉ 3,3 km.

Tay đua huyền thoại người Đức Michael Schumacher với 6 lần giành chiến thắng chung cuộc Giải F1

Những tay đua xuất sắc nhất: Nhắc đến các tay đua giàu thành tích nhất, đầu tiên phải kể đến Juan Manuel Fangio. Thời sơ khởi của F1, tay đua người Argentina đã cầm lái chiếc xe Alfa Romeo 159 lần đầu giành vị trí quán quân vào năm 1951, trước khi liên tiếp chiếm lĩnh đỉnh cao từ năm 1954 đến 1957. Phải đến 45 năm sau, kỷ lục đó mới bị tay đua Michael Schumacher người Đức phá vỡ khi vô địch lần thứ 6 vào năm 2003, đồng thời giữ nhiều kỷ lục khác như 91 chiến thắng chặng, 68 lần giành vị trí pole, số điểm ghi được cao nhất trong sự nghiệp. Là cái tên sáng giá kế tục Michael Schumacher, tay đua Lewis Hamilton đã và đang lần lượt san bằng thành tích của huyền thoại người Đức khi vô địch thế giới lần thứ 7 vào năm 2023, trở thành tay đua giàu thành tích nhất trong lịch sử giải F1 tính đến thời điểm hiện tại. 


Đường đua Marina Bay của Singapore Grand Prix

Đường đua đêm đầu tiên của F1: Đó chính là Singapore Grand Prix với Đường đua Marina Bay. Singapore Grand Prix 2008 là cuộc đua thứ 800 của Giải vô địch Thế giới Công thức Một kể từ khi ra mắt vào năm 1950, và là đường đua đường phố đầu tiên ở châu Á được thiết kế cho các cuộc đua F1.

>>Xem thêm: Những điều có thể bạn chưa biết về Singapore Grand Prix


ADVERTISEMENT