share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Watches Giữ đồng hồ “bền như mới”: Gợi ý từ các thương hiệu hàng đầu


ADVERTISEMENT

Dù theo phong cách cổ điển thanh lịch hay thể thao khỏe khoắn, được thấu hiểu và chăm sóc theo đặc điểm riêng sẽ giúp đồng hồ hoạt động ở trạng thái tốt nhất khi diện trên cổ tay cũng như trú ngụ trong tủ đồ.

Không chỉ là phụ kiện đo thời gian, đồng hồ còn là lời tuyên ngôn thời trang mạnh mẽ, thậm chí mang giá trị tinh thần lớn với chủ nhân. Khi được sử dụng và bảo quản tốt, đồng hồ có thể hoạt động ổn định trong thời gian dài, trở thành kỷ vật truyền đời qua các thế hệ. Sau đây là gợi ý từ các nhà chế tác để bạn tham khảo trong quá trình sử dụng đồng hồ, đặc biệt là các thiết kế cao cấp cần được "nâng niu" đặc biệt.


Với đồng hồ lên cót bằng tay, bạn nên vặn cót vào mỗi buổi sáng. Ảnh: Patek Philippe

Hãy lên cót đều đặn cho đồng hồ

Theo Patek Philippe, với đồng hồ lên cót bằng tay, bạn nên vặn cót vào mỗi buổi sáng để tối ưu hoạt động của các chức năng của bộ máy, đồng thời làm đồng hồ chống chịu tốt hơn với các chấn động, hạn chế các bộ phận bị sai lệch vị trí. Cỗ máy lên cót tự động thường dự trữ năng lượng từ 38 - 48 giờ (ngoại trừ các mẫu đồng hồ phức tạp), sau thời gian này đồng hồ sẽ ngừng hoạt động. Để hồi sinh cỗ máy đếm thời gian, bạn có thể tự tay lên dây cót bằng cách xoay nhẹ núm vặn nhiều vòng cho đến khi đồng hồ bắt đầu hoạt động lại.

Audemars Piguet có gợi ý như sau: Bạn nên lên dây cót cho đồng hồ cơ ít nhất một lần mỗi tháng. Với đồng hồ lên dây cót bằng tay, hãy xoay núm điều chỉnh cho đến khi cảm giác vừa đủ chặt thì dừng lại. Với đồng hồ tự lên cót, nên xoay núm điều chỉnh ít nhất 30 vòng để giữ cho các chi tiết trong bộ chuyển động được bôi trơn hoàn hảo (theo Piaget, bạn nên xoay núm điều chỉnh ít nhất 20 lần).


“Mỗi chiếc đồng hồ Vacheron Constantin đều có khả năng hoạt động đáng kinh ngạc theo thời gian, miễn là được thường xuyên chăm sóc và bảo dưỡng,” - lời giới thiệu trong mục Adjust & Care, Vacheron Constantin.


Một lưu ý khác mà bạn có thể sẽ cần lưu tâm khi sử dụng các mẫu đồng hồ phức tạp: tránh điều chỉnh thời gian hoặc ngày, tháng, lịch mặt trăng vào buổi chiều tối. Cụ thể, tự tay điều chỉnh ngày (date) khi kim ở một số vị trí trong khoảng thời gian từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng sẽ có rủi ro làm hỏng các chi tiết máy, theo Piaget. Ngoài ra, bạn nên lưu ý một số dấu hiệu để "ứng phó" kịp thời. Chẳng hạn như khi chiếc đồng hồ cơ của bạn chạy lúc nhanh lúc chậm, rất có thể cần được thăm khám và khử từ. Nếu đồng hồ quartz ngừng hoạt động, bạn có thể cân nhắc thay pin. Tuy nhiên với đồng hồ cơ, nhiều khả năng bộ máy bị "sốc" dẫn đến hư hỏng và cần bảo dưỡng toàn bộ cỗ máy.


Bạn nên sử dụng vải mềm để vệ sinh đồng hồ. Ảnh: Audemars Piguet

Làm sạch đồng hồ đúng cách

Audemars Piguet gợi ý người đeo nên thường xuyên vệ sinh đồng hồ và dây kim loại bằng nước ấm: đơn giản là rửa bằng nước sạch và lau khô bằng vải mềm. Tất nhiên lời khuyên này không dành cho các mẫu đồng hồ không chống nước hay đi kèm bộ dây da.

Theo Vacheron Constantin, dây đeo kim loại khá “dễ tính”: không cần bảo dưỡng đặc biệt, chỉ thỉnh thoảng dùng bàn chải mềm để nhẹ nhàng làm sạch. Vào mùa hè, bạn nên thường xuyên vệ sinh dây đeo do cát và muối biển có thể bám vào giữa các mắt xích gây xước. Nên dùng nước rửa sạch dây sau khi tắm biển hoặc hồ bơi.

Người đeo cần lưu tâm nhiều hơn để "bảo tồn" vẻ đẹp của dây da theo thời gian. Ảnh: Audemars Piguet

Hãy nâng niu dây da

Dây da cao cấp thường chế tác bằng chất liệu tự nhiên, mềm mại và vô cùng tinh tế khi ngự trên cổ tay, song người đeo cũng cần lưu tâm nhiều hơn để "bảo tồn" vẻ đẹp đó theo thời gian. Ngoài ra, các phụ kiện như dây da cũng hiếm khi nằm trong danh mục được bảo hành. Vì vậy, sử dụng và bảo dưỡng đúng cách sẽ giúp kéo dài “tuổi thọ” của bộ dây trước khi cần được thay thế. Theo Patek Philippe, dây da thường xuyên tiếp xúc với nước hoặc ánh sáng mặt trời có thể bị lão hóa sớm, vì vậy rõ ràng bạn nên tránh các yếu tố này. Ngoài ra bạn cũng nên tháo đồng hồ vào ban đêm để bộ dây da được “thở”.

Bạn nên tránh tiếp xúc thường xuyên với nước, dầu hoặc mỹ phẩm - các tác nhân có thể đẩy nhanh quá trình hao mòn sớm của dây da. Đổ mồ hôi quá nhiều hoặc tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời có thể làm thay đổi vẻ đồng nhất về mặt thẩm mỹ và màu sắc của da, theo Vacheron Constantin. Với dây đeo cao su, bạn thậm chí nên hạn chế tiếp xúc sơn móng tay.

Đồng hồ cũng cần không gian riêng trên cổ tay

Theo Audemars Piguet, bạn nên đeo đồng hồ vừa vặn trên cổ tay để cải thiện hiệu quả của hệ thống lên dây cót, đồng thời hạn chế tình trạng mắt xích bị mòn nhanh trên dây kim loại. Không nên đeo nhiều đồng hồ hoặc đeo đồng hồ với đồ trang sức trên cùng một cổ tay - có thể tăng nguy cơ làm xước đồng hồ và các mắt dây đeo kim loại.


Nếu đồng hồ không chống nước, hãy vệ sinh bằng vải sạch mềm thay vì rửa với nước sạch. Ảnh: Piaget

Khi nào bạn cần "rửa" đồng hồ?

Khi sử dụng đồng hồ, hãy chú ý đến thông số chống nước, thường được dập khắc ở mặt sau. Bạn có thể thoải mái rửa tay, đi dưới trời mưa nhỏ với chiếc đồng hồ có mức chống nước từ 3 ATM. Theo Piaget, bạn thậm chí có thể chơi té nước hoặc đi bơi ở khu vực nước nông với đồng hồ có thiết kế đáp ứng mức 5 ATM. Một chiếc đồng hồ có thông số 10 ATM sẽ giúp bạn thoải mái khi đi bơi lội (thường là các mẫu đồng hồ lặn). Hạn chế đeo đồng hồ trải nghiệm dưới nước nóng (tắm vòi sen hoặc spa) vì nhiệt độ cao có thể làm thay đổi miếng đệm chống nước. Nếu thấy dấu hiệu ngưng tụ hơi nước trong đồng hồ, rất có thể bộ máy đã tiếp xúc với nước và cần bảo dưỡng ngay và thay mới các chi tiết chống nước.

Theo Patek Philippe, người đeo cần đảm bảo các núm điều chỉnh và nút bấm được trả về vị trí ban đầu sau mỗi lần sử dụng và vặn chặt nếu có thể. Không nên bấm nút kích hoạt chức năng hoặc hiệu chỉnh khi đồng hồ còn ướt hoặc đang ở dưới nước.

Sau mỗi lần tiếp xúc với nước muối biển hoặc nước hồ bơi có chứa clo bạn cũng nên rửa đồng hồ bằng nước sạch. Với những chiếc Rolex có dây đeo bằng kim loại có chống nước ở mức 100 mét (với các mẫu Oyster Perpetual) và 50 mét (Perpetual 1908), việc vệ sinh đơn giản hơn rất nhiều: bạn chỉ cần đeo đồng hồ khi tắm là có thể rửa sạch mọi cặn muối và cát sau khi đi lặn hoặc dạo bãi biển.

Hãy để núm điều chỉnh và nút bấm về vị trí ban đầu sau mỗi lần sử dụng. Ảnh: Vacheron Constantin

Hãy "nhẹ tay" với chiếc đồng hồ của bạn

Theo Patek Philippe, bạn nên tránh các hoạt động khiến đồng hồ thường xuyên phải hấp thụ những rung động mạnh không cần thiết, đặc biệt là những "cú sốc" nghiêm trọng.

Một ngoại lệ là những chiếc đồng hồ thể thao được chế tạo đặc biệt để hấp thụ các xung lực và đảm bảo bộ máy hoạt động bình thương trong các điều kiện khắc nghiệt. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm "xương máu" của Michael Friedberg, một nhà sưu tầm đồng hồ IWC Schaffhausen, bạn cũng không nên thử thách chiếc đồng hồ của mình trong những tình huống tột độ để rồi có ngày nhận "quả đắng" không đáng có.

Tốt nhất hãy tháo đồng hồ trước khi tham gia các hoạt động tiềm ẩn những tác động lực mạnh (như các môn thể thao như quần vợt hoặc golf...), hoặc vào phòng xông hơi khô & ướt dễ gây "sốc nhiệt" cho đồng hồ, theo Piaget.


Bạn có thể đến cửa hàng trang bị máy chuyên dụng để kiểm tra, khử từ cho đồng hồ. Ảnh: Audemars Piguet

Bảo vệ đồng hồ khỏi “kẻ thù vô hình” - Từ trường

Khi các thiết bị điện tử ngày càng hiện hữu trong cuộc sống hiện đại, từ trường cũng xuất hiện khắp nơi xung quanh chúng ta, từ bộ phát sóng wifi, cho đến chiếc laptop hay điện thoại di động của bạn. Dù là bộ máy lên cót thủ công hay tự động, hoạt động của đồng hồ cơ sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều khi thường xuyên tiếp xúc với từ trường, không làm hỏng các chi tiết trong bộ máy nhưng lại làm ảnh hưởng đến độ chính xác. Vì vậy tránh xa các nguồn từ trường sẽ giúp đồng hồ đo đếm thời gian chuẩn xác.

Nếu nghi ngờ đồng hồ bị nhiễm từ, bạn có thể đến các cửa hàng được trang bị máy chuyên dụng để kiểm tra và khử từ. Các mẫu đồng hồ thạch anh chỉ bị ảnh hưởng khi được đặt trực tiếp trên thiết bị có từ tính: Độ chính xác sẽ được khôi phục ngay khi đồng hồ nằm ngoài vùng từ trường.


Bạn có thể yêu cầu đánh bóng bộ vỏ khi bảo dưỡng. Ảnh: Audemars Piguet

Bảo dưỡng định kỳ: Liệu pháp "thần dược" cho những chiếc đồng hồ

Có rất nhiều lưu ý cho từng mẫu đồng hồ vì vậy bạn nên đọc kỹ hướng dẫn đi kèm và tham khảo các gợi ý về bảo dưỡng. Tuy nhiên, theo Patek Philippe, việc bảo dưỡng thường xuyên tại gia dù rất cần thiết để đảm bảo độ bền của đồng hồ song vẫn sẽ đến lúc những cỗ máy cần được đại tu, sửa chữa hay phục chế. Với các mẫu đồng hồ quartz, mỗi viên pin thường thì đủ cung cấp năng lượng trong thời gian từ hai đến ba năm, vì vậy bạn cần thay pin trước các mốc này. Patek Philippe gọi ý nên bảo dưỡng đồng hồ của hãng theo chu kỳ 5 năm một lần, còn Piaget khuyến nghị bảo dưỡng 8 năm một lần.


Đồng hồ sẽ hoạt động tốt theo thời gian nếu được bảo dưỡng. Ảnh: Vacheron Constantin 

Để duy trì vẻ thẩm mỹ và phom dáng nguyên bản của đồng hồ, bạn có thể yêu cầu đánh bóng bộ vỏ và dây đeo khi bảo dưỡng toàn bộ, nhưng không nên lạm dụng kỹ thuật này, theo Audemars Piguet. Đánh bóng sẽ không loại bỏ hoàn toàn lớp gỉ tự nhiên mang đến vẻ đẹp nhuốm màu thời gian của đồng hồ.

>>Xem thêm: Chọn đồng hồ xa xỉ cho phái đẹp cũng lắm công phu


ADVERTISEMENT