share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Hà Giang - Những ngày trẻ đánh rơi ở điểm cực Bắc


ADVERTISEMENT
  • Khoa: ''Nếu được chọn một nơi trên thế giới để sống hết đời còn lại, mày sẽ chọn nơi nào?''
  • Tôi: ''Tao chọn Hà Giang. Một phần ba tuổi trẻ tao gắn liền với biển, một phần ba kia tao dành cho Sài Gòn, còn lại tao muốn sống trong đá, thế là trọn vẹn rồi''. 

Tôi không đắn đo quá nhiều cho câu trả lời. Núi rừng gần như đã là giấc mộng nằm trong tiềm thức của tôi từ những bức tranh tôi vẽ, những khung hình tôi dán khắp căn phòng và cả những câu chữ tôi viết dày đặc trong trang nhật ký. 

Lần đầu đến Hà Giang là một ngày mưa tháng 10. Không khí ảm đạm, sương khói bao trùm, cái rét buốt đặc thù của miền Bắc khiến tôi uể oải, mệt nhoài đủ điều. Lên đường từ Hà Nội, chúng tôi mất 6 tiếng trên xe khách cho đoạn đường dài 280km này. Xuất phát từ cột mốc số 0, chúng tôi sẵn sàng cho hành trình dọc miền đất Bắc. 

Tháng 10, Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch. Băng qua hết con đường đèo, chúng tôi dừng chân ở một hàng nước ven đường, tranh thủ ngắm nhìn vườn hoa rộng lớn và hít thở khí trời. Trái với hình ảnh núi đá trước đó tôi đã tìm hiểu thì lúc này, Hà Giang chẳng khác gì nàng thơ dịu hiền khoác cho mình lớp áo tím hồng đang chìm vào giấc ngủ giữa cao nguyên. 

''Nhìn mỏng manh thế thôi nhưng nó là nguồn dinh dưỡng nuôi sống bản làng người vùng cao đó. Họ mang hạt của loài này để ăn thay gạo, ngô và để làm bánh nữa. Giờ nó thành đặc sản của Hà Giang, ai đến cũng phải ăn'' - anh Tùm, vừa nói vừa bẻ đôi miếng bánh tam giác mạch cho tôi một nửa.

Tam giác mạch như món quà tạo hóa ban cho Hà Giang, vùng đất “sống trên đá, chết cũng trên đá” này. Không chỉ để ngắm đơn thuần mà chúng còn mang một phần linh hồn của người bản địa nơi đây. Gai góc nhưng mềm mại, mỏng manh nhưng đầy bản lĩnh khi sống được cả trên đất lẫn đá. Vườn hoa rộng lớn này thổi cho chúng tôi chút hồn thơ mộng, êm dịu sau quãng đường dài. 

Nghỉ mệt, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến Nhà Của Pao - thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Nấp sau ngọn núi đá cao đụng trời ấy là bản làng bé nhỏ, dung dị mang đậm chất người đồng bào Tây Bắc. 

''Ngày trước, ngôi nhà này chưa có tên Nhà Của Pao đâu mà nó là nơi ở của ông Mua Súa Páo thuộc tầng lớp quý tộc xưa của người Mông nơi này. Sau khi đoàn làm phim “Nhà Của Pao” tìm đến thì nó được mọi người gọi với tên này luôn'' - anh Tùm.

Vì có lẽ đã hơn 100 tuổi đời nên bờ tường, sàn nhà và mọi vật dụng bên trong đều nhuốm màu cũ kỹ của thời gian. Dạo quanh khu vực bên ngoài, tôi như chìm đắm hoàn toàn vào khung cảnh bình yên đang diễn ra trước mắt: người già tụ tập trước bậc thềm, trẻ con thì ríu rít chạy theo sau chúng tôi. Đứa nào cũng mang trên lưng một chiếc gùi to tướng đựng đầy hoa, thân hình nhỏ xíu xiu nhưng bước chân thì thoăn thoắt, gò má ửng hồng, bàn tay lấm bẩn đất nhưng ai ai cũng nở nụ cười tươi. Với dáng vẻ thế này, thực khó lòng người phương xa nào có thể cưỡng lại khi đặt chân đến cổng Nhà Của Pao. 

Đặc sản của Tây Bắc làm sao bỏ qua được con dốc ngoằn ngoèo thách thức những tay lái điêu luyện chứ? Tôi còn nhớ như in cảm giác tim đập mạnh khi xe liên tục uốn lượn theo những khúc cua của con dốc Thẩm Mã - nằm trên đường từ thị trấn Yên Minh đến Phố Cáo.

''Ngày xưa người ta toàn dùng ngựa để đi lại. Để biết được con nào khỏe con nào sức tốt thì người ta cho nó thồ hàng chạy từ chân dốc lên tới đỉnh. Con nào vượt qua được thì giữ lại, còn không thì đem đi làm thịt'' - anh Tùm. 

Từ trên cao nhìn xuống, dáng vẻ của con dốc hòa lẫn màu xanh của núi trời trở nên ngoạn mục hơn hẳn. Trao nhau những cái ôm lẫn tràng cười ngớ ngẩn, chúng tôi tự tung hô cho một ''chiến tích'' to đùng vừa được thực hiện: vượt qua đèo Thẩm Mã một cách an toàn. 

Nghỉ chân một lúc, chiếc xe máy lại nổ, đưa chúng tôi băng qua cung đường hiểm trở nhưng lại nhiều khoảnh khắc choáng ngợp thể xác và tâm hồn nhất, đó là cung đường đến Du Già (thuộc huyện Yên Minh).

“Cho em xin một cốc bình minh

Cho em gom vài chén mây hồng

Ngồi đong đưa trên hòn đá to

Cho em thêm một muỗng mặt trời xinh xinh”

Những ngày đi lạc - Linh Cáo.

Dọc đoạn đường, chúng tôi hát lên những câu ca này, cứ ngỡ khoảng trời trước mặt thuộc về mình. Hùng vĩ. Hoang dại. Rộng lớn. Tuyệt tác. Chẳng từ nào đủ để diễn tả cảm xúc và khung cảnh chúng tôi chứng kiến. Cảm giác đối diện với thiên nhiên, được hơi thở trần trụi của núi rừng chạm vào da thịt và len lỏi đánh thức từng giác quan bên trong, mọi thứ lúc ấy như một giấc mơ. Một giấc mơ không ai trong chúng tôi muốn tỉnh giấc. 

Đúng như cái tên của mình, Du Già như một bà lão đã dành cả tuổi trẻ của mình cho nhịp sống nhộn nhịp, về cuối đời cụ chỉ muốn được dừng chân và ôm trọn bởi thiên nhiên. Mỗi sáng thức dậy, khung cảnh trước mắt tôi là thửa ruộng ngô xanh ngát trải dài, là đường chân trời xa tít tắp, là dòng suối róc rách phía sau nhà. Hương vị đắng của tách cafe ban sớm hay hơi thở khoảng khái của miền sơn cước xa xôi này, đâu mới là gia vị đọng lại trong vị giác của tôi tới tận giờ phút này?

Bọn trẻ ở đây có phần dạn dĩ hơn. Sáng nào chúng cũng réo gọi chúng tôi nhập bọn trong những trò chơi tự chúng nghĩ ra. Cứ thế, tiếng cười sằng sặc của chúng xé toạc mảng trời tĩnh lặng, để lại một Du Già náo nhiệt khiến chúng tôi khó lòng nói lời chào tạm biệt.

Dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng, chúng tôi thấy dòng sông Nho Quế, thuộc địa phận huyện Đồng Văn. Lạ lắm, giữa hai vách núi đá cheo leo, giữa vạch thẳm sâu hoắm, giữa đường đèo uốn lượn, ấy thế mà lại có một con sông xanh biếc chảy mềm mại như kia. Vậy mới nói, ''ai đến Hà Giang mà chưa thăm sông Nho Quế là xem như chưa đến Hà Giang''. Dòng sông này dần trở thành một biểu tượng mà nhắc đến mảnh đất cao nguyên này, ai cũng nghĩ đến ngay.

Hà Giang của tôi đơn giản thế thôi. Là 7 ngày 6 đêm và hàng nghìn câu chuyện kể mà có lẽ tận hai mươi, ba mươi hay năm mươi năm sau, chúng tôi vẫn nhớ rõ mồn một từng khoảnh khắc tại mảnh đất cao nguyên đá huyền thoại này. Về những ngày tuổi trẻ máu lửa nhưng cũng đầy ắp nỗi niềm, tôi chôn kín ở đây. Để nhớ, để khao khát và để thương. 


ADVERTISEMENT