Hospitality Business News Hàng không châu Á Thái Bình Dương chứng kiến nhu cầu tăng trưởng mạnh mùa hè 2024
Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA) nhấn mạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ về lưu lượng xuất phát từ nhu cầu di chuyển tăng vọt của hành khách quốc tế. Đặc biệt trong ba tháng hè 6-7-8, tỉ lệ tăng trưởng vượt bậc tỷ lệ thuận với chất lượng dịch vụ được nâng cấp hứa hẹn những sự tăng trưởng ổn định trong các tháng cuối năm 2024.
Song song với hoạt động mở rộng kinh tế toàn cầu và cải thiện kết nối trong khu vực và trên thế giới, trong nửa đầu năm 2024, các hãng hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương vận chuyển tổng cộng 173 triệu khách quốc tế, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Các tháng mùa hè cũng ghi nhận con số đáng kinh ngạc, phần lớn nhờ vào nhu cầu đi lại trong mùa nghỉ lễ cao điểm.
Cụ thể trong tháng 6, số lượng hành khách quốc tế tăng 21,0% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 28,9 triệu hành khách với lưu lượng trung bình đạt 90,2 % so với thời điểm trước đại dịch. Trong tháng 7, hàng không khu vực này chào đón 31,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức được AAPA nhấn mạnh như “sự tăng trưởng lành mạnh", với sự tăng trưởng đồng đều ở các hãng hàng không, xuất phát từ sáng kiến khu vực nhằm khuyến khích du lịch cũng như chính sách thị thực được nới lỏng hỗ trợ cho lượng khách du lịch nghỉ lễ cao điểm mùa hè.
Trong tháng 8, nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực, các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục chào đón lượng khách tăng vượt trội so với các tháng trước đó, với 32,3 triệu lượt hành khách quốc tế bay cùng các hãng này và tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lưu lượng giao thông trong khu vực đã gần như trở lại mức trước đại dịch, đạt 96,1% so với khối lượng năm 2019. Với đà tăng trưởng này, dự đoán trong năm 2014, lưu lượng hàng không khu vực sẽ trở về mức trước đại dịch, đồng nghĩa với việc hàng không châu Á - Thái Bình Dương sẽ chứng kiến sự phục hồi hoàn toàn từ giai đoạn khó khăn của đại dịch.
Tuy nhiên, hàng không khu vực vẫn gặp phải những khó khăn nhất định do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị bất ổn trên thế giới. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn đến những chậm trễ trong quá trình giao máy bay, tình trạng thiếu phụ tùng hay lao động lành nghề khiến tăng áp lực hoạt động, gây gián đoạn các chuyến bay và tăng chi phí vận hành. Những thách thức này đòi hỏi các hãng hàng không cần quản lý cẩn thận tần suất và lịch trình chuyến bay, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn bay.
Với mùa lễ hội cao điểm cuối năm, ngành hàng không châu Á - Thái Bình Dương có đủ tiềm năng để tiếp tục ghi nhận những số liệu ấn tượng. Với tình trạng gián đoán trong hậu cần vận tải đường biển, nhu cầu vận tải cũng sẽ tăng cao hơn với đường hàng không, bên cạnh sự phát triển mạnh của lĩnh vực thương mại điện tử.
Trong nỗ lực phát triển kết nối hàng không, dịch vụ mặt đất tại các sân bay ở khu vực này cũng là yếu tố quan trọng. Trong khi sân bay lớn nhất châu Á Changi ở Singapore liên tục mang đến những trải nghiệm sân bay mới cho số lượng hành khách lưu thông khổng lồ, các sân bay lớn khác như Sân bay quốc tế Hồng Kông (HKIA), Sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) hay Delhi Aerotropolis (Ấn Độ) cũng đang tích cực đẩy mạnh các dịch vụ mặt đất và phát triển theo mô hình tiểu đô thị nơi bố cục, cơ sở hạ tầng, và nền kinh tế tập trung xung quanh một sân bay.
Tại Việt Nam, một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới trong năm 2024, việc mở rộng và phát triển dịch vụ hàng không cũng là phần quan trọng của chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với sự ra mắt của nhà ga quốc tế T3 tại Sân bay Tân Sơn Nhất và Dự án hàng không quy mô nhất Việt Nam - Sân bay Long Thành tới đây, Việt Nam hứa hẹn mang đến năng lực cạnh tranh lành mạnh trong ngành hàng không khu vực.
>> Xem thêm: Khám phá những khoang thương gia hiện đại vừa được nâng cấp 2024