Watches L’Epée Space Clock: Hành trình vươn đến vũ trụ
Vài nét về L’epee 1839
L’Epée là một nhà chế tạo đồng đồ Thuỵ Sĩ lâu đời có tên tuổi trong hơn 180 năm. Được thành lập vào năm 1839 bởi ngài Auguste L’Epée, công ty ban đầu tập trung vào sản xuất hộp nhạc và linh kiện đồng hồ. Ngay từ những giai đoạn đầu tiên, công ty đã định hình đường hướng phát triển với toàn bộ sản phẩm làm ra đều được chế tạo thủ công. Theo dòng lịch sử của mình, L’Epée 1839 đã phát triển một bộ sưu tập đồng hồ để bàn đặc biệt, bao gồm một loạt những chiếc đồng hồ treo xe ngựa cổ điển đầy tinh xảo, những chiếc đồng hồ thiết kế đương đại và đại diện cho sự tiên phong trong ngành đồng hồ nhằm tạo nên sự bất ngờ, khơi gợi và truyền cảm hứng cho mọi người.
Ngày nay, khi được dẫn dắt bởi giám đốc điều hành Arnaud Nicolas – một cựu kỹ sư từng làm việc tại ESA: European Space Agency (Cơ Quan Vũ Trụ Châu Âu), L’Epée đã thay đổi hướng tiếp cận của mình một cách gần gũi và độc đáo hơn. Là một người mà công việc hầu hết chỉ tiếp xúc với kỹ thuật và công nghệ, Arnaud Nicolas khó có thể bộc lộ được bản chất nghệ sĩ và yêu cái đẹp của mình. Vì vậy, ông đã quyết định “chuyển ngành” từ công nghệ vũ trụ đến với cơ khí đồng hồ - một lĩnh vực còn khá mới mẻ và đầy thách thức đối với ông.
Arnaud chia sẻ:
“Thử thách! Từ những ngày còn bé, tôi luôn thích thú với những thách thức đến với mình. Công việc tại ESA thực sự thú vị và tôi nhận thấy mình rất phù hợp tiếp xúc và phát triển những công nghệ tiên tiến. Nhưng tôi luôn cảm thấy bản thân bị thiếu mất một mảnh ghép. Và mảnh ghép đó chính là vẻ đẹp của mỹ thuật. Tôi là một con người của kỹ thuật và công nghệ nhưng tôi cũng có một tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật. Tôi yêu nghệ thuật theo hai cách. Một là khía cạnh nguyên bản của nó, xuất phát từ chữ “Ars” của tiếng Latin cổ (cũng là nguồn gốc của từ “Art” trong tiếng Anh – nghĩa là Nghệ Thuật), có nghĩa nguyên thủy là kỹ năng, kiến thức và sự khéo léo. Hai là, khía cạnh hiện đại, những tác phẩm của bàn tay con người có thể chạm đến những giác quan và cảm xúc của công chúng. Với tôi, thế giới của ngành chế tác đồng hồ hoàn toàn trọn vẹn cả hai khía cạnh đó, một bộ môn mỹ thuật hoàn hảo. Vì vậy, khi cơ hội từ L’Epée đến với tôi, tôi “nhảy” vào “cuộc chơi” ngay lập tức”.
Arnaud Nicolas (bên trái) cùng mẫu thiết kế Pistol của L’epee
Là một kỹ sư vũ trụ, Arnaud Nicolas hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của việc giữ gìn và theo đuổi ước mơ, vì chỉ gần một thế kỷ trước, con người chúng ta còn đang loay hoay tìm cách chế tạo chiếc máy bay đầu tiên. Vậy mà bây giờ, chúng ta đã bay ra ngoài vũ trụ và thậm chí đặt những bước chân lịch sử đầu tiên lên mặt trăng – một thành quả của sự nỗ lực và cố gắng không ngừng. Không phải ai cũng may mắn có đủ điều kiện để sống trọn với niềm đam mê của mình, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc buông bỏ, vì không bao giờ là quá trễ để bắt đầu cả. Và Arnaud Nicolas chính là một tấm gương điển hình.
Thời gian trôi qua, Arnaud Nicolas vẫn luôn giữ những hoài bão lớn lao về việc thay đổi thế giới bằng chính tài năng của mình, đồng thời mong muốn tạo ra niềm cảm hứng và động lực cho tất cả những ai đang theo đuổi ước mơ của họ. Đó cũng có thể là lý do tại sao mà những thiết kế của L’Epée đều ngầm mang một ý nghĩa tích cực, ngoài những thông số về kỹ thuật và công năng.
L’Epée Space Clock
Từ lâu, con người chúng ta đã bị quyến rũ bởi những cuộc thám hiểm không gian và mạnh dạn đi đến những nơi mà trước đây chưa từng ai đặt chân đến. L’Epée 1839 đã tái hiện chân thực niềm đam mê đó thông qua mẫu thiết kế Space Clock mới của thương hiệu. Lấy cảm hứng từ kiểu dáng của những con tàu NASA lịch sử đã đổ bộ lên mặt trăng, phần thân nhôm của Space Clock chứa một bộ chuyển động với năng lượng dự trữ kéo dài tám ngày, tạo ra hoạt ảnh cơ học bên dưới mái vòm của con tàu. Tượng trưng cho ước mơ khám phá vũ trụ nói riêng và những hoài bão của con người nói chung, Space Clock còn mang sứ mệnh giúp chúng ta nhìn nhận lại những khát vọng của bản thân, từ đó phấn đấu để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
L’epee Space Clock với 3 phiên bản khác nhau
Chi tiết hai phi hành gia đang chơi bập bênh với nhau ở phần đầu con tàu đã tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ dám ước mơ và theo đuổi đam mê của mình. Nhu cầu được kết nối của con người được thể hiện rõ nét với một cặp gồm phi hành gia và người ngoài hành tinh đang ngồi bập bênh, nhưng chúng ta cũng sẵn sàng đấu tranh nếu bị đe dọa với hình ảnh máy bay chiến đấu đang đối mặt với đĩa bay ở phiên bản cuối cùng.
Tách biệt với chỉ báo thời gian, những hoạt ảnh về người ngoài hành tinh và phi hành gia đưa chúng ta trở lại tuổi thơ với những cuộc phiêu lưu thú vị tìm kiếm các dạng sống kỳ lạ. Bên dưới thân chính được gắn ba động cơ đẩy để di chuyển đến những hành tinh mới, một thiết bị có thể đo áp suất gió của bất kỳ bầu khí quyển nào, một đĩa liên lạc vệ tinh và một vật tượng trưng cho những thành tựu khám phá của con người – lá cờ.
Cận cảnh những chi tiết ở phần dưới của Space Clock: ba động cơ đẩy để di chuyển đến những hành tinh mới, một máy đo áp suất gió của bất kỳ bầu khí quyển nào, một đĩa liên lạc vệ tinh và một vật tượng trưng cho những thành tựu khám phá của con người – lá cờ.
Chiếc đồng hồ nằm trên ba chân rầm chìa hoàn hảo để đứng vững ở địa hình mềm hoặc đá, trong khi thân đồng hồ có nhiều cửa sổ để quan sát trong quá trình khám phá không gian. Cài đặt thời gian và lên dây cót được thực hiện thông qua hai cửa sổ đối diện với lối vào bộ máy 1853BAS.
Cấu trúc mặt bên của Space Clock
Chinh phục không gian vẫn luôn là ước mơ của rất nhiều những bạn trẻ, song không phải ai cũng có cơ hội để theo đuổi. Tuy nhiên, Space Clock muốn chúng ta giữ lại sự ngây thơ và hồn nhiên đó khi lớn lên và luôn tự nhủ rằng mình có thể hoàn thành những điều lớn lao hơn. Đơn giản vì những tên tuổi lớn trong lĩnh vực vũ trụ cũng đã từng là những đứa bé với tính tò mò, lòng trắc ẩn và niềm tin mãnh liệt.
Thiết kế và nguồn cảm hứng
Space Clock tôn vinh sự ngây thơ, khả năng sáng tạo và gợi nhớ lại khát vọng luôn vươn xa nhất có thể của nhân loại; đồng thời, chiếc đồng hồ cũng không quên nhắc đến tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật đối với khám phá không gian. Toàn bộ phần thân và cấu trúc chân của tàu được làm bằng nhôm – tương tự như con tàu thực tế. Để duy trì độ nhẹ và tính di động, các nghệ nhân đã áp dụng kỹ thuật từ hàng không vũ trụ, đồng thời sử dụng kết cấu nhẹ ở chân ngoài.
Những ô “cửa sổ” lấy cảm hứng từ cửa sổ tàu bay vũ trụ để lộ bộ máy phức tạp của Space Clock
Chiếc đồng hồ được hoàn thiện bởi nhiều kỹ thuật bao gồm chải satin, đánh bóng, sơn và anod hóa. Anod hóa là quá trình hóa cứng cho nhôm bằng phương pháp điện hóa, nhằm tạo ra một lớp oxit cực bền một cách chủ động trên nhôm và hợp kim của nó. Độ bền của lớp oxit này lớn gấp hàng trăm lần so với lớp oxit nhôm hình thành theo cách tự nhiên và có thể xếp độ cứng của nó sau kim cương.
Các chi tiết phi hành gia, người ngoài hành tinh, UFO và máy bay chiến đầu đều được chế tác thủ công một cách tỉ mỉ để tăng tính sinh động.
Ở phía dưới thân tàu là các thiết bị khoa học và động cơ đẩy với vòi phun động cơ bằng thép không gỉ, đĩa vệ tinh được anod hóa và máy đo áp suất, cũng như lá cờ “L’epee 1839” được phủ PVD màu đen. Bên trong thân máy là bộ máy 1853.BAS được thiết kế để phù hợp với Space Clock và được phát triển để thúc đẩy tính hoạt cảnh cơ học của chiếc đồng hồ.
Thời gian hiển thị trên hai trục hình trụ nằm ngang được anod hóa và khắc laser, với trục ở trên hiển thị số phút và trục bên dưới báo hiệu giờ. Khi thời gian thay đổi, toàn bộ chi tiết bập bênh quay ngược chiều kim đồng hồ dọc theo trục trung tâm, cứ 10 phút lại hoàn thành một vòng.
Hai trục số nằm ngang được khắc laser và anod hóa hiển thị giờ và phút
Chi tiết bập bênh đặc trưng của Space Clock
Space Clock là sự tổng hòa giữa hai yếu tố của phiêu lưu và tinh thần đoàn kết, vì không gian là biên giới cuối cùng nơi con người chúng ta phải hợp tác để cùng nhau vượt qua. Dù đôi lúc chúng ta sẽ có những khoảnh khắc hoang mang và sợ hãi, nhưng với thông điệp tích cực mà các nghệ nhân của L’epee cố gắng truyền tải với thiết kế của Space Clock, một tương lai tươi sáng đang ở phía trước!