Explore Làng người Cơ Tu: Bảo tồn giá trị văn hóa – Phát triển du lịch vùng cao
Nép mình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ tại Quảng Nam là một cộng đồng người Cơ Tu với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo đa dạng. Dân tộc Cơ Tu tại Quảng Nam chiếm đến 74,2% tổng số người Cơ Tu tại Việt Nam. Họ sử dụng ngôn ngữ Cơ Tu riêng và sống quây quần bên nhau tại những ngôi nhà xếp vòng thành hình bầu dục, gọi là nhà Gươl.
Nguồn ảnh: Tiêu Dao
Kiến trúc nhà Gươl
Nhà Gươl là trung tâm sinh hoạt của người dân và được dựng ngay chính giữa làng. Đây cũng được coi là “linh hồn” của làng người Cơ Tu. Nhà Gươl là lãnh địa thiêng liêng thờ cúng thần linh và là nơi tụ họp của dân làng mỗi dịp lễ hội. Ngoài ra, nhìn vào quy mô của nhà Gươl mà có thể đoán được uy quyền và sức mạnh của cả ngôi làng đó.
Cấu trúc nhà Gươl mái tròn của người Cơ Tu ở Quảng Nam. Nguồn ảnh: Văn Sơn
Theo tập tục truyền thống, thiếu nữ chưa chồng không được đến nhà Gươl. Tuyệt đối không được ẩu đả hay cãi vã nhau tại nơi này. Gươl trong tiếng Cơ Tu có nghĩa là cộng đồng. Vì vậy, nhà Gươl có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của làng người Cơ Tu.
Nhà Gươl cũng gần giống nhà sàn thông thường nhưng được chạm khắc công phu hơn. Có một cột cái trụ ở giữa và 8 cột con xung quanh. Mái nhà được lợp bằng lá, sàn nhà lát bằng tre cật chẻ mỏng, giữa các thanh tre có một độ hở nhất định để mang lại sự thông thoáng cho công trình.
Nguồn ảnh: Tấn Vịnh
Bên trong nhà Gươl là hàng loạt những hình ảnh chạm khắc nghệ thuật sinh động mang đậm bản chất văn hóa của người dân tộc Cơ Tu. Đặc biệt, hình ảnh ở hai đầu nhà thường là hai chú gà trống với tư thế vươn mình gáy vang mạnh mẽ. Trên cột khắc những biểu tượng như mặt trời, mặt trăng,… Các biểu tượng này phản ánh quan niệm về âm - dương, dấu ấn tín ngưỡng về nước - lửa trong vũ trụ quan của người Đông Sơn cổ đại.
Nguồn ảnh: Tấn Vịnh
Bảo tồn giá trị văn hóa
Có thể nói, những dấu ấn văn hóa đặc sắc của dân tộc Cơ Tu rất cần được quan tâm, bảo toàn và phát triển. Chẳng hạn việc chế tác, trình diễn các nhạc cụ độc đáo như sáo 3 lỗ, đàn cò, đan lát, dệt thổ cẩm…
Điêu khắc cũng là một trong những ngành nghề đặc trưng truyền thống của người Cơ Tu. Nguồn ảnh: Tiên Sa
Nét hấp dẫn ẩm thực truyền thống của họ cũng cần được gìn giữ và bảo tồn. Đến với làng Cơ Tu thì không thể bỏ qua những món ăn dân dã đặc trưng. Như hương nếp thơm từ chiếc bánh sừng trâu trộn lẫn với mùi thơm từ lá đót. Bạn đã từng nghe đến món ăn gọi là Za-rá hay chưa? Vị cay nồng của tiêu rừng hòa quyện với hương thịt thơm lừng, mùi hanh từ lá trà trộn với vị đắng của đọt mây rừng. Và đương nhiên, thực phẩm nơi đây đều được chế biến hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên.
Màn đêm hạ xuống là lúc người dân nơi đây thả hồn vào mây trời, tập trung dưới nhà Gươl, cùng nhau nhảy múa. Dân làng hòa mình vào vũ điệu sôi nổi của Rum cây, vũ điệu dâng trời biểu tượng. Già làng, trai làng, gái làng và cả trẻ em quây quần bên củi lửa, nhảy múa hát ca.
Vũ điệu dâng trời của người Cơ Tu. Nguồn ảnh: Trung Hiếu
Nếu có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng người dân tộc anh em Cơ Tu, hiểu thêm về nét đẹp văn hóa họ đang ra sức gìn giữ, thưởng thức những món ăn đặc trưng mà chẳng biết phải tìm nơi nào khi trở về thành phố phồn hoa. Dưới bầu trời đầy sao, lắng nghe tiếng vọng của rừng núi, nhâm nhi tí rượu Tà vạt, rượu cần,… thì còn gì tuyệt vời hơn?
Phát triển du lịch vùng cao
Hiện nay, yêu cầu “dịch chuyển” đang ngày càng tăng cao, đặc biệt là hình thức du lịch trải nghiệm hướng đến giới trẻ. Đây cũng là một cơ hội lớn đáng tận dụng để đưa nét đẹp văn hóa của những làng Cơ Tu lan tỏa rộng rãi hơn đến người dân toàn quốc. Đồng thời, có thể phát triển những tour du lịch trải nghiệm thực tế, thu hút du khách đến tìm hiểu về cuộc sống của người bản địa, khám phá ẩm thực bản làng, nghiên cứu nghề thêu dệt thổ cẩm hay những câu chuyện, những tín ngưỡng ẩn đằng sau kiến trúc nhà Gươl biểu trưng của họ.
Tác phẩm "Phù điêu dệt vải". Nguồn ảnh: Tấn Vịnh
Làng Cơ Tu là địa bàn sở hữu tiềm năng phát triển hình thức du lịch sinh thái và cộng đồng rất lớn. Nghề nghiệp chủ yếu của người dân nơi đây là làm nương, làm rẫy, chăn nuôi,… những ngành nghề với công cụ đã quá lạc hậu so với mức độ phát triển của xã hội ngày nay. Đương nhiên thu nhập của họ rất thấp. Từ khi các khu du lịch được xây dựng, tiềm năng được khai phá thì người dân cũng có được cuộc sống ổn định hơn.
“Khi vừa tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế thì tôi được nhận vào Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang để làm việc. Cuộc sống của tôi dần được cải thiện hơn. Một phần nữa, khi được làm việc trên chính quê hương của mình, tôi thấy rất tự hào vì đã góp một phần công sức vào việc phát triển du lịch ở quê hương của mình”, chị BRơn chia sẻ.
Nghệ nhân Bh’riu Pố giới thiệu tác phẩm “Mẹ rừng” do anh sáng tác. Nguồn ảnh: Tiên Sa
Du lịch phát triển sẽ đồng thời lan tỏa được những tạo phẩm cổ truyền của người dân Cơ Tu. Cụ thể là ngành nghề thêu dệt và đan lát. Những người thợ dệt, thợ đan gùi,… sẽ có cơ hội để phát huy tay nghề của mình. Các nhà thiết kế thời trang, những nhãn hiệu cao cấp cũng có thể đến đây tìm hiểu, trải nghiệm và có lẽ là… hợp tác cùng thợ thủ công nơi này.
Theo ông B”hLinh Bloó, người dân Cơ Tu đang nỗ lực giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, chia sẻ:
“Đây là nghề truyền thống từ lâu đời rồi. Chúng tôi tiếp tục hướng dẫn cho các cháu. Đan lát vừa sử dụng, vừa bán ra cho khách hàng, vừa bảo tồn vừa tăng thu nhập cho gia đình”.
Việt Nam chúng ta rất đẹp, giá trị văn hóa đất nước ta rất phong phú nhưng vẫn chưa được khai thác một cách tốt nhất. Đặc biệt là đối với những cộng đồng dân tộc anh em. Nếu có cơ hội, đừng ngại ngần chia sẻ, tìm hiểu, thậm chí là vác ba lô lên và đi trải nghiệm. Để có thể hiểu hơn về đất nước, về dân tộc, về vùng đất mà chúng ta luôn tự hào.
>> Xem thêm: Du lịch trải nghiệm – xu hướng khám phá mới của giới trẻ