Explore Lễ hội đền Thái Vi, Ninh Bình – Đầu Xuân xuôi dòng về miền Cố Đô
Thuỷ thức Bồng Lai nguyên bất viễn
Thung dung tuế nguyệt độn phàm trần
(Đến đây mới biết cảnh tiên chốn Bồng Lai đâu có xa;
Ngày tháng thong dong xa lánh cõi phàm trần)
Mỗi năm mỗi mùa. Mỗi mùa đều giữ từng dòng ký ức của nhân loại. Những ngày đầu của mùa Xuân, hòa chung vào dòng người tấp nập trẩy hội, tôi tìm về với danh lam thắng cảnh được xem như vịnh Hạ Long trên cạn – Tam Cốc, Bích Động (Ninh Bình).
Nhưng đậm sâu trong ký ức của tôi về chuyến hành trình đến với ngôi đền Thái Vi vẫn không thể phai nhoà. Nó như một hương vị mùa Xuân còn đọng lại trong tâm hồn người lữ khách như tôi. Tôi chọn hành trình thăm Đền Thái Vi bằng việc xuôi thuyền Tam Cốc – Bích Động từ bến thuyền Đình Các và tận hưởng cái thư thái, yên bình của vùng quê đậm chất nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đền Thái Vi ngự thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Cứ mỗi năm từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 3 (Âm lịch), lễ hội đền Thái Vi được tổ chức để nhân dân Ninh Bình và nhân dân cả nước tưởng nhớ công lao to lớn của các đời vua Trần: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Thuận Thiên, là những người đã lập ra hành cung Vũ Lâm, một cứ địa trong kháng chiến chống Nguyên Mông.
Đền nằm ở vị thế bên phải là dòng Ngô Giang, bên trái có núi Cối Lĩnh, hài hòa giao quyện từ ngàn đời nay mà làm nên huyền thoại một vùng Tam Cốc được mệnh danh là Vịnh Hạ Long cạn.
Đến đây, tôi không chỉ cảm nhận vẻ đẹp nên thơ của một vùng núi non xanh, những hang động ảo huyền mà còn được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc nghệ thuật vẫn giữ được “hơi thở” của người xưa và mang đậm bản sắc văn hóa phong phú độc đáo, giàu sức hấp dẫn du khách khi đặt chân đến đền Thái Vi.
Khi ngày lễ đã đến. Tâm trạng tôi vừa háo hức, vừa mong chờ để buổi lễ hết sức cầu kỳ và công phu của người dân nơi đây. Ngay từ chiều ngày 14 tháng 3 (Âm lịch), dân làng Văn Lâm đã làm lễ mở cửa đền rước bát hương thánh ra đình Các. Sáng 15 tháng 3 (Âm lịch) là ngày chính hội, các đồ tế khí được mang ra, lau chùi sạch sẽ, rước đặt ở sân rồng cùng các lễ vật khác.
Lễ hội gồm hai phần là phần lễ và phần hội.
Nghi thức đầu tiên trong ngày chính là lễ rước kiệu. Rước kiệu ở đền Thái Vi không chỉ có một đoàn mà tới trên dưới 30 đoàn rước kiệu của các xã trong huyện Hoa Lư và trong tỉnh. Mỗi đoàn thường rước ba cỗ kiệu là kiệu song hành dành cho quần thần, kiệu bát cống dành cho vua và kiệu võng dành cho vương mẫu hay công chúa.
Kiệu được trang hoàng lọng cắm, màu sắc rực rỡ. Sau hàng kiệu của các đoàn là hàng kiệu khiêng hương hoa lễ vật. Sau đó là phường bát âm, rồi tới ban tế do chủ tế dẫn đầu đi hàng hai, tất cả đều mặc thẩm phục. Lễ rước kiệu khởi hành từ đình hoặc đền của các làng rước đến tập trung tại đình Các, sau đó tất cả đều rước vào trong đền Thái Vi để tế vua.
Đoàn rước kiệu với kiệu sơn son thiếp vàng lộng lẫy, người dân ăn vận lễ phục, tiếng nhạc lễ vang lừng, đoàn người nối bước đi theo thành những hàng dài gợi không khí vừa náo nhiệt, sinh động, vừa linh thiêng, thành kính. Đám rước kiệu là một hình thái sinh hoạt lễ hội rất đặc trưng, là điểm nhấn trong tổng thể không gian sinh hoạt Lễ hội đền Thái Vi, tạo nên sức hút đặc biệt với du khách. Người dân đến với lễ hội, tham gia vào đoàn rước chính là được đắm mình vào không khí lễ hội, tự mình trải nghiệm nét văn hóa tâm linh độc đáo của lễ hội này.
Sau khi rước kiệu đến phần tế lễ, là nghi thức quan trọng nhất của lễ hội, được tiến hành trên sân, trước đền Thái Vi. Ban tế từ 15 đến 20 người, có một chủ tế thường là bậc cao niên, có uy tín trong cộng đồng địa phương được cử ra hành lễ; 2 Bồi tế; 1 bà đọc Văn tế; 2 bà Xướng tế và mỗi bên có 5 đến 7 bà Tiến hương, Tiến tửu. Trong không khí linh thiêng thành kính, khúc Văn tế được ngân lên, phối hợp nhịp nhàng với các động tác của ban tế.
Nội dung khúc Văn tế là những dòng ca ngợi công đức của các vị vua Trần, công lao của các vị này với dân tộc và với cộng đồng dân cư địa phương. Hoạt động tế lễ vừa thể hiện nghi thức sinh hoạt mang nặng tính tâm linh vừa là hình thức tôn vinh những nhân vật có công lao với nước theo một hình thái dân gian hóa.
Khi lễ đã kết thúc, tiếp đến là phần hội – đây thực sự là phần vui chơi giải trí rất sôi nổi của nhân dân và những người đến dự hội. Lúc này tôi mới thực sự cảm nhận được không khí của mọi người xung quanh. Không chỉ người dân địa phương mà cả khách du lịch cũng bị hấp dẫn bởi không khí sôi nổi của lễ hội này.
Tôi được chiêm ngưỡng và chung vui các trò chơi dân gian rất hấp dẫn, có thể kể đến như: trò nấu cơm thi, trò đua thuyền rồng, hội diễn chèo, tổ tôm điếm, cờ bỏi, thi đu quay, đu giật, kéo co, thi múa rồng, múa lân,…
Khi tôi ngồi nghỉ ngơi. Được trò chuyện với các cụ bà về nơi đây, cụ cho biết: Dân gian có câu đối truyền tụng về vùng đất này:
Thảo tú sơn liêm vô song thánh địa
Hoa hoàng thủy nhiễu đệ nhất thiên châu
(Đất thánh đây chỉ có một không có hai;
Sông núi quanh co, hoa thơm cỏ lạ, cảnh như cõi tiên, cũng chỉ có một không hai)
Tất cả các dòng người từ khắp nơi tụ hội, ai ai cũng đắm mình trong bầu không khí linh thiêng của lễ hội và cái huyên náo, sôi động của các trò chơi dân gian thú vị. Tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng hòa, cùng những làn điệu ca trù mượt mà khiến ai đã từng đặt chân đến đất này sẽ không thể quên được một vùng non nước hữu tình cũng như là một lễ hội cổ truyền vô cùng đặc sắc trên dải đất Cố đô.