share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore 48 giờ khám phá Bắc Ninh đậm đà bản sắc


ADVERTISEMENT

Từ sự bùng nổ của MV Bắc Bling, chính quyền địa phương đã tận dụng thế mạnh này để triển khai chương trình tour du lịch miễn phí mang tên “Tinh hoa văn hoá Bắc Ninh - Sắc màu di sản” (kéo dài đến hết tháng 6/2025). Theo đó, chương trình sẽ diễn ra vào 2 ngày cuối tuần và bao gồm 4 tuyến tham quan các điểm đến nổi bật tại vùng đất quan họ. 

WOWWEEKEND sẽ điểm qua 6 “toạ độ” tiêu biểu trong tour du lịch miễn phí này để bạn có thể hình dung trước về trải nghiệm khám phá Bắc Ninh đầy kỳ thú của mình nhé!

Đền Đô

Là nơi thờ phụng 8 bậc đế vương thời Lý, đền Đô đến nay vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc thuở sơ khai dẫu đã trải qua nhiều lần tôn tạo. Với diện tích hơn 31.000m2, đền Đô có 2 khu vực chính là ngoại thành (nhà Văn Chỉ, nhà Võ Chỉ, hồ bán nguyệt,…) và nội thành (cổng Ngũ Long Môn, nhà Phương Đình, Tiền tế, Hậu cung,...).

Ảnh: Vương Lộc

Các công trình tại đền Đô đều được xây dựng từ gỗ lim và đá ong với nhiều hoa văn trang trí tinh xảo. Chẳng hạn, cổng Ngũ Long Môn được chạm khắc 5 hình rồng uốn lượn, sân Rồng có các ô đá tròn tượng trưng cho mặt trống đồng cùng với lư hương hướng về nhà Phương Đình - điện thờ vua Lý Thái Tổ. Ngoài ra, chánh điện là khu vực uy nghiêm nhất trong đền Đô. Trong đó, trung tâm của chánh điện đặt tượng thờ 8 vị vua nhà Lý làm từ gỗ mít, trước mỗi tượng đều có hương án được sơn son thiếp vàng. 

Ảnh: Vương Lộc

Đặc biệt, phía bên trái chánh điện có trưng bày bản sao cuốn Chiếu dời đô, bên phải là bài thơ hào hùng Nam Quốc Sơn Hà. Bên cạnh đó, đền Đô còn có những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử vàng son như bia đá Đền Cổ Pháp, nhà Thuỷ Đình… Với giá trị nghệ thuật, lịch sử oai linh, đền Đô đã được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2014. 

Ảnh: Vương Lộc

Làng tranh dân gian Đông Hồ

Nằm bên bờ sông Đuống hiền hoà, làng tranh Đông Hồ là một biểu tượng lịch sử thiêng liêng đã tồn tại hơn 400 năm. Vào thời điểm cực thịnh, trong làng có đến 17 dòng họ theo nghề làm tranh. Tuy hiện chỉ có vài ba gia đình nghệ nhân còn bám trụ với nghề, nơi đây vẫn là một “vật báu” lịch sử của quốc gia. 

Khi đến đây, bạn sẽ có cảm giác mình đang lạc bước trong một làng quê Bắc Bộ từ ngàn xưa với những con đường lát gạch, những hàng tre xanh mát và cả tiếng giã chày giấy dó vang vọng từ các xưởng tranh. Đặc biệt, hãy ghé Bảo tàng tranh Đông Hồ ngay trong làng để chiêm ngưỡng hơn 100 bản khắc gỗ cổ được nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế gìn giữ cẩn thận, trong đó có những tác phẩm tiêu biểu như Vinh hoa - phú quý, Đám cưới chuột, Hái dứa, Đàn lợn âm dương,... 


Ảnh: Bảo Ân

Ấy là tinh hoa văn hóa được tạo tác từ chất liệu thô mộc của thiên nhiên như lá cây, than tre, gỗ vang, vỏ sò… Tuy phản ánh cuộc sống thôn dã nhưng tranh Đông Hồ lại được làm ra rất tỉ mỉ, đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề cao để thuần thục các khâu như tạo mẫu, khắc ván, in tranh. 

Ảnh: Bảo Ân

Bên cạnh trải nghiệm tự tay làm tranh Đông Hồ truyền thống, bạn còn có thể hòa mình vào lễ hội tranh tưng bừng diễn ra vào tháng 3 âm lịch hằng năm để thưởng lãm những bức tranh với “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” lẫn chứng kiến những nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh. 

Ảnh: Bảo Ân

Làng nghề gốm Phù Lãng

Làng nghề gốm cổ với tuổi đời hơn 700 năm có 3 dòng sản phẩm chính: đồ dùng trong tín ngưỡng (lư hương, đài thờ), đồ gốm gia dụng (bình vôi, chum, vại) và đồ gốm trang trí (bình hoa gốm, lọ lục bình, ấm hình thú). Gốm tại làng Phù Lãng có màu men da lươn đặc trưng và được đắp nổi theo hình thức chạm bong để tạo ra một sản phẩm mộc mạc nhưng bền bỉ, khoẻ khoắn, mang chứa dáng hình của đất và lửa. 

Ảnh: TripAdvisor

Theo đó, mỗi sản phẩm đều được chế tác theo một quy trình hết sức công phu, bao gồm các bước như dàn đất; tạo hình bằng cách “vuốt tay, be chạch” trên bàn xoay; đổ khuôn; phơi sấy và đẽo gọt để hoàn thiện; chồng lò và đốt lò nung gốm. Trong đó, đất sét được chọn phải có độ dẻo và chịu nhiệt cao để từ đó tạo nên tính bền vững cho sản phẩm. 

Ảnh: TripAdvisor

Khi đến làng Phù Lãng, ai nấy cũng sẽ ấn tượng trước những sản phẩm đủ mọi hình khối, màu sắc với đường nét tuy thô ráp nhưng lại vô cùng tinh tế, thể hiện rõ dấu ấn của kỹ thuật điêu khắc đỉnh cao. Dòng tranh gốm được sáng tác với nhiều chủ đề nhưng chung quy đều tôn vinh vẻ đẹp của cội nguồn, của quê hương xứ sở. Hiện để phát triển làng nghề, các cơ sở sản xuất gốm cũng đã và đang liên kết với những doanh nghiệp lữ hành nhằm mang đến cho du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng độc đáo tại đây. 

Ảnh: TripAdvisor

Chùa Dâu

Chùa Dâu là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất của Việt Nam. Nơi đây có sự giao thoa của nhiều nền văn hoá và tín ngưỡng, chủ yếu là Phật giáo từ Trung Quốc và Ấn Độ. Tại chùa Dâu, bạn có thể chiêm bái những pho tượng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc như Tứ Trấn, Kim Cương, Thập Điện Diêm Vương, Phật và Bồ Tát…

“Đệ nhất cổ tự trời Nam” có lối kiến trúc theo kiểu “nội Công ngoại Quốc”, khuôn viên chùa rợp cây xanh tỏa bóng mát cho lối đi. Điểm nhấn của chùa Dâu là tòa tháp Hòa Phong xây bằng gạch nung cao 17m nằm giữa sân. Tiếp đến là tiền đường với 7 gian, 2 chái  mang phong cách bố trí và đúc tượng thời Nguyễn. Phía trên cao nhất là nhà thượng điện. Khu vực này thờ Pháp Vân - 1 trong 4 vị thần thuộc hệ thống Tứ Pháp. Ngoài ra, điểm ấn tượng không kém tại chùa Dâu chính là 18 pho tượng các vị La Hán được chế tác một cách điêu luyện, kỳ công. 

Ảnh: 63stravel

Ảnh: TripAdvisor

Đặc biệt, nếu muốn tìm hiểu về tín ngưỡng truyền thống thiêng liêng, hãy ghé đến đây vào ngày 8 - 9 tháng 4 âm lịch hằng năm để trải nghiệm lễ hội rước các bà với các hình thức trò chơi đặc sắc như “mẹ đuổi con”, “cướp nước”. 

Ảnh: TripAdvisor

Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh

Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh không chỉ ru vỗ bạn bằng những làn điệu ngọt ngào mà còn mở ra thênh thang cả một không gian văn hoá Kinh Bắc vô cùng giàu đẹp, thể hiện trước hết ở kiến trúc của công trình này. Theo đó, mặt trước nhà hát là giàn mái thép uốn cong tựa như mái đình của làng quê Bắc Bộ. Bên trong nhà hát được thiết kế khá chỉn chu, hệ thống trần nhà được nhấn nhá bằng các chùm đèn có hình nón quai thao.

Ảnh: Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Tiếp đến, bạn sẽ trầm trồ trước sự tráng lệ của khán phòng nhà hát. Nội thất nơi đây sử dụng toàn bộ sản phẩm của làng nghề Đồng Kỵ. Ngoài ra, 341 hàng ghế khán giả đều được làm từ gỗ đỏ có xuất xứ ở Nam Phi. Lưng ghế còn chạm khắc hình các liền anh, liền chị một cách rất tinh tế. Bên cạnh đó, tầng 4 của nhà hát còn có khu biểu diễn ngoài trời. 

Ảnh: Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Nhiều năm qua, nhà hát không chỉ phục dựng và tổ chức nhiều chương trình biểu diễn quan họ truyền thống mà còn liên tục sáng tạo thể nghiệm để xây dựng nội dung phù hợp với xu thế phát triển của nghệ thuật đương đại; đồng thời tích cực cử các đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài cũng như giới thiệu di sản văn hoá của quê hương đến du khách trong và ngoài nước. 

Ảnh: Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Đền bà chúa Kho

Đền Bà Chúa Kho là cơ sở thờ phụng cung phi của vua Lý - người phụ nữ có công lớn trong việc khai hoang, lập ấp cũng như đóng vai trò nòng cốt trong quá trình quản lý kho lương thực giai đoạn kháng chiến chống quân Tống năm 1076. Ngôi đền này còn là biểu tượng của sự may mắn khi nơi đây nổi tiếng với tục “vay vốn âm” diễn ra vào tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Ảnh: LVTravel

Được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989, đền Bà Chúa Kho có sự hài hoà giữa nét mộc mạc của kiến trúc dân gian và vẻ uy nghiêm của không gian tâm linh. Sự bề thế của đền được thể hiện qua từng hạng mục như cổng Tam Quan, sân đền, toà Tiền Tế, cung Đệ Nhị, hậu cung. Đền có 16 ban thờ chính, bao gồm: Ban Công Đồng; Ban Tam Toà Thánh Mẫu, Cung Cấm, Ban Sơn Trang, Ban Cô Ban Cậu,... 

Ảnh: LVTravel

Lễ vật dâng đền Bà Chúa Kho được chuẩn bị khá thịnh soạn, chẳng hạn như xôi gấc, hoa quả, trầu cau, hương vòng hoa tươi,... Trong đó, quan trọng nhất chính là kim ngân tiền vàng (cành vàng lá ngọc, thỏi vàng bạc, tiền xu mã,...). Bạn có thể đến đây để cầu buôn may bán đắt hoặc một năm mới vạn sự hanh thông. 

Ảnh: LVTravel


>>Xem thêm: 3 ngày 2 đêm khám phá Sơn Trà - viên ngọc hoang sơ giữa lòng Đà Nẵng


ADVERTISEMENT