Explore Rảo bước Đường Lâm trên nền sân gạch
Lần đầu lui tới làng cổ Đường Lâm thì háo hức để xem những bức tường đá ong hay những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi điển hình cho làng quê Bắc Bộ nhưng trở đi trở lại thì cái thú là được lững thững dạo trên những con đường gạch quanh co nối dài, nghe hết thảy thanh âm của đời sống làng quê mà không bị ầm lên những tiếng nói cười của hàng đoàn khách du lịch… Cứ như kiểu thuộc về nơi đây, gặp ai cũng sẵn lòng nhoẻn miệng cười hỏi, có khi thấy bà cụ ngồi nhẩn nha nhặt ngọn rau bí cũng sà vào trò chuyện chẳng dứt ra được.
Cô cháu gái tựa bên cổng tường đá ong
Tới đâu cũng gặp các cụ ông, cụ bà cao tuổi, những con người sinh ra từ làng, chứng kiến thời cuộc thay đổi và già đi theo năm tháng cùng với làng cổ. Vẫn còn nguyên đó nét hồn hậu của người dân làng quê, tất nhiên pha chút tự hào mỗi lần kể câu chuyện “nếp làng”, kể về mảnh đất hai vua, về những cao nhân, những chuyện ngày xưa hay cả về những món ngon như tương bần, bánh tẻ, gà mía, chè lam…
Đường gạch cũng là một “đặc sản” của Đường Lâm
Hãy cứ như một người nhà quê thì mới len lỏi vào từng sinh hoạt hằng ngày, không bị đối xử như một vị khách tới thưởng lãm làng cổ. Khi ấy mới thấy được hết sắc màu đời sống. Mỗi mùa Đường Lâm đều mang một cảnh sắc riêng trù phú mà rất đỗi thanh bình, màu của lúa, của những hàng cây cổ thụ tán rộng xanh mướt mát, của cây trái trĩu trịt quả hay những giàn cây dây leo nở hoa rực rỡ thơm nồng cả lối đi. Nhất là độ đầu xuân thì ấn tượng vô cùng bởi những cây đào cổ thụ đơm trạt hoa, cứ như một bức bích họa màu hồng thắm nổi giữa màu gạch đậm của tường đá ong và mái ngói phủ đầy rong rêu.
Chắc lâu lắm mới thấy lại cây lựu lúc lỉu quả
Làng quê mà, đất rộng rào thưa, cây gì cũng có, quả gì cũng sai mà mùa nào quả ấy. Cái cảm giác của đứa ở phố trồng cái gì cũng tum húm trên ban công, mỗi cây được vài quả cũng chỉ để ngắm thì về Đường Lâm mà ngắm xoài, ổi, hồng xiêm, khế, bưởi, cả những bụi cây lựu to đùng lúc lỉu quả thật thích chí. Những thứ quả quê này vẫn thường được các cụ bà nhặt nhạnh trong vườn rồi ngồi bán ngay đầu ngõ, nhìn thấy gì cũng thích, cũng muốn tha lôi về.
Mái đình làng Mông Phụ, điểm dừng chân đầu tiên khi tới Đường Lâm
Lần nào cũng thế, qua cổng là rẽ vào đình làng Mông Phụ đầu tiên, thích cái sân gạch, ngày mùa mà lúa vàng phơi đầy sân thì phải biết. Nên nhiều khi lại thèm một đêm trăng đổ đầy sân sáng vằng vặc, trải cái chiếu ngồi trà nước với các cụ thỉnh thoảng nghểnh ra xem lũ nhỏ chạy đùa vui cười sằng sặc. Rồi ra tới ngoài đầu đình là kiểu gì cũng dừng chân chén bánh tẻ, lạ cái là mùa nào ăn cũng thấy ngon, cái thứ bột gạo tẻ nguyên chất đồ bánh ăn khi còn âm ấm vừa dẻo vừa mềm. Bụng lưng lửng làm chén trà nóng rồi mới lang thang khắp làng.
Đang phóng tít, gặp gốc đa cổ thụ nên hớn hở dừng chân
Mùa đông thì đi bộ chứ mùa hè đạp xe phóng tít tha hồ hóng gió, đảo xe khắp làng rồi qua chợ sang bên lăng Ngô Quyền, Phùng Hưng. Qua làng bên này mênh mông những ruộng lúa và đặc biệt nhất là rặng ruối cổ thụ hơn 1000 năm tuổi ngay sát lăng Ngô Quyền, cây không quá khổng lồ nhưng đứng hàng thẳng tắp giữa cánh đồng lúa, quanh năm xanh tươi, đẹp đến ấn tượng, còn với người dân thì rặng ruối 18 cây như một báu vật, mang cả phần đời sống tinh thần của dân làng.
Cứ bảo về Đường Lâm để không bị quên làng quê Việt nhưng kỳ thực thì cái con người nhà quê là vốn có rồi, nên thi thoảng có trốn nửa ngày làm mà lang thang mải miết trong ngõ gạch, ngồi phệt xuống đất mà chuyện mà chơi cũng chả lấy làm lạ, cứ thế bắt vào nhau, tương giao theo nhẽ tự nhiên.