share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore 3 ngày 2 đêm rong ruổi Nam Định – Từ biển cả đến làng nghề trăm năm


ADVERTISEMENT

Khi nhắc đến biển, người ta thường nghĩ đến Nha Trang, Đà Nẵng hay Vũng Tàu – những điểm đến quen thuộc trên bản đồ du lịch Việt Nam. Thế nhưng, ít ai biết rằng ở một vùng đất yên bình thuộc miền Bắc – Nam Định, cũng có một bãi biển trải dài, sóng êm, cát mịn và khí hậu mát lành quanh năm.

Không chỉ có biển, Nam Định còn là vùng đất mang đậm chiều sâu văn hóa và lịch sử. Từ những làng cổ mang kiến trúc Pháp đầu thế kỷ 20, cánh đồng muối trắng, đến các làng nghề trăm năm vẫn bền bỉ giữ lửa – tất cả tạo nên một Nam Định vừa mộc mạc, vừa đầy chất sống.

Bảo tàng Dệt Nam Định – Nơi ký ức thành phố dệt được đánh thức

Giữa lòng Nam Định, Bảo tàng Dệt như một nốt trầm gợi nhớ thời kỳ rực rỡ của "thành phố dệt" vang bóng. Không gian trưng bày tối giản, hiện đại nhưng thấm đẫm hơi thở hoài cổ, dẫn lối du khách bước vào hành trình xuyên qua lịch sử. 

Bảo tàng được xây dựng trên nền tảng kiến trúc của Nhà máy Sợi Nam Định – biểu tượng của công nghiệp Đông Dương do người Pháp xây dựng năm 1898. Nơi đây trưng bày nhiều hiện vật từng được sử dụng trong sản xuất suốt cả thế kỷ trước. Bảo tàng còn mang đến những thước phim tư liệu sống động, kể lại câu chuyện hình thành và phát triển của ngành dệt Nam Định qua từng thời kỳ. Đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử và văn hóa lao động của vùng đất này.

Ảnh: Crystal Bay

Ảnh: Crystal Bay

Chùa Cổ Lễ – Giao thoa Đông Tây trong kiến trúc Phật giáo

Dưới bàn tay của Hòa thượng Phạm Quang Tịnh, chùa Cổ Lễ đầu thế kỷ 20 đã khoác lên mình kiến trúc độc đáo, kết hợp giữa tinh thần Phật giáo Á Đông và hơi thở phương Tây đương đại.

Điểm nhấn ấn tượng nhất của Chùa Cổ Lễ là tòa tháp chuông cao vút, sừng sững như một pháo đài Gothic giữa lòng chùa. Kiến trúc độc đáo này gợi nhớ đến những công trình cổ kính của châu Âu, tạo nên sự tương phản thú vị với mái chùa cong mềm, mang đậm hồn Á Đông. Bên cạnh đó, chiếc cầu dây treo bắc qua hồ nước trong khuôn viên cũng là một chi tiết hiếm thấy trong kiến trúc Phật giáo. Đặc biệt, chùa còn sở hữu quả Đại Hồng Chung khổng lồ – một trong những quả chuông lớn nhất Việt Nam.

Ảnh: Bình Giang

Ảnh: Bình Giang

Đền Thánh Hưng Nghĩa – Lâu đài Gothic giữa làng quê

Với lối kiến trúc Gothic, mái vòm nhọn và những ô cửa kính màu, Đền Thánh Hưng Nghĩa hiện lên như một tòa lâu đài châu Âu giữa miền quê Nam Định. Mặt tiền đền được thiết kế với hai tháp chuông sừng sững, cửa chính lớn ở trung tâm, phía trên là các tượng Đức Thánh Tâm Chúa và Đức Mẹ La Vang. 

Điều khiến đền thánh này trở nên đặc biệt không chỉ nằm ở kiến trúc "Tây" hiếm có, mà còn ở sự tương giữa vẻ trang nghiêm, cổ kính của công trình với khung cảnh đồng quê mộc mạc xung quanh. Nơi đây còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng giáo dân địa phương. Dù chưa quá nổi tiếng trên bản đồ du lịch, Hưng Nghĩa lại là “tọa độ vàng” cho những ai đam mê kiến trúc và tìm kiếm không gian tĩnh lặng để chiêm nghiệm.

Ảnh: Long Trịnh, Thanh Bình

Ảnh: Long Trịnh, Thanh Bình

Làng nhà cổ Hải Anh – Nơi kiến trúc Pháp lưu dấu

Không ồn ào, náo nhiệt, làng nhà cổ Hải Anh lặng lẽ lưu giữ một kho tàng kiến trúc độc đáo, nơi những biệt thự Pháp cổ kính được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 vẫn sừng sững giữa khung cảnh làng quê thanh bình. Các ngôi nhà ở đây thường là nhà hai tầng, sơn màu vàng nhạt, với cửa gỗ màu xanh, mái ngói đỏ và ban công hình bán nguyệt. Nội thất bên trong được làm từ gỗ lim, với hệ thống cột, kèo, rui mè chắc chắn. Đặc biệt, nhiều ngôi nhà vẫn được các gia đình sử dụng và bảo tồn nguyên trạng qua nhiều thế hệ.

Ngoài ra, làng còn nổi tiếng với cây cầu ngói chợ Lương - một công trình kiến trúc có tuổi đời hơn 500 năm. Cầu được xây dựng theo kiểu "thượng gia hạ kiều" (trên là nhà, dưới là cầu), với mái ngói cong, bắc qua sông Trung Giang, tạo nên một khung cảnh thơ mộng và yên bình.​ Đến với làng nhà cổ Hải Anh, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc mà còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của người dân nơi đây. 

Ảnh: Ngôi nhà Di sản Quần Anh

Ảnh: Nam Định có gì

Làng đúc đồng Tống Xá – Di sản thủ công 900 năm 

Nằm cách thành phố Nam Định khoảng 20km, làng Tống Xá huyện Ý Yên là một trong những cái nôi lâu đời nhất của nghề đúc đồng Việt Nam, với lịch sử phát triển gần 900 năm. Hiện nay, làng có hơn 150 xưởng sản xuất, với đa dạng các sản phẩm từ lư hương, đỉnh đồng,...đến các công trình lớn như tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ cao 16,2m, tượng vua Lý Thái Tổ nặng 45 tấn.

Đến Tống Xá, du khách sẽ được trải nghiệm quy trình đúc đồng truyền thống gồm các công đoạn: tạo mẫu, làm khuôn, nấu chảy đồng, rót khuôn và hoàn thiện sản phẩm. Hàng năm, vào giữa tháng 2 âm lịch, làng tổ chức lễ hội tưởng nhớ Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không – người đã có công truyền nghề đúc đồng cho dân làng.

Ảnh: Về Làng

Ảnh: Về Làng

Cánh đồng muối Bạch Long –  Nét đẹp mộc mạc của nghề làm muối

Cánh đồng muối Bạch Long là một trong những vựa muối lớn nhất miền Bắc với diện tích lên đến 230 ha.  Không chỉ nổi tiếng về sản lượng, nơi đây còn hấp dẫn bởi vẻ đẹp mộc mạc và kỹ thuật phơi cát làm muối có một không hai. Tận dụng vị trí gần cửa sông, diêm dân nơi đây từ sáng sớm đã cần mẫn ngâm cát biển, phơi mình dưới nắng để "chắt lọc" những hạt muối trắng tinh túy.

Vẻ đẹp của Bạch Long càng trở nên quyến rũ vào khoảnh khắc bình minh hay hoàng hôn, ánh sáng phản chiếu lên những ô ruộng muối như tấm gương khổng lồ. Du khách đến đây vừa được chiêm ngưỡng khung cảnh thanh bình vừa có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của diêm dân và hiểu thêm về làng nghề truyền thống.

Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Biển Thịnh Long - Điểm đến hoang sơ giữa đất trời 

Biển Thịnh Long là điểm đến lý tưởng dành cho những ai mong muốn tìm về một không gian biển hoang sơ và thanh bình. Bãi biển trải dài khoảng 3km, với bờ cát mịn, làn nước trong và được chia thành ba khu vực tắm riêng biệt. Thịnh Long còn có khí hậu mát mẻ quanh năm, không bị ảnh hưởng bởi gió Lào. Thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm là từ tháng 4 đến tháng 6, khi thời tiết khô ráo, nắng nhẹ và bầu không khí trong lành.

Tại đây, du khách có thể tắm biển hoặc thưởng thức hải sản tươi ngay tại làng chài ven biển. Đặc biệt, đừng quên thử món nem nắm Giao Thủy – một đặc sản đậm vị của vùng đất này.

Ảnh: Đình Huy

Ảnh: Bùi Thuỷ


>>Xem thêm: 3 ngày 2 đêm khám phá Sơn Trà - viên ngọc hoang sơ giữa lòng Đà Nẵng

 

 

 


ADVERTISEMENT