Explore Xóm lồng đèn – Nơi những ký ức tuổi thơ được lưu giữ
Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài cán cao qua đầu
Em cầm đèn sao em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan
Ngày trăng đoàn viên gần kề, khắp phố phường dần ngập tràn sắc đỏ với những sạp bánh trung thu dọc đường phố, với những chị Hằng – chú Cuội trang trí trên khung cửa, và đương nhiên, không thể thiếu những chiếc đèn trung thu rực rỡ sắc màu.
Ảnh: Shutterstock
Xóm lồng đèn – Nơi lưu giữ ký ức những mùa trăng
Cuộc sống mỗi ngày một phát triển, công nghệ mang đến nhiều lựa chọn đèn lồng hiện đại hơn, không chỉ về mẫu mã mà còn về chất liệu. Có đoạn thời gian, những chiếc lồng đèn nhập khẩu chạy pin, chớp tắt đổi màu, đa dạng hình thù đã lấn át những chiếc lồng đèn Việt bằng tre, bọc kiếng, đơn giản ngày xưa.
Đã có những gia đình làm đèn lựa chọn dừng lại, không tiếp tục theo nghề. Nhưng đâu đó vẫn còn những hộ gia đình, những nghệ nhân ở lại, mải mê bên cạnh những chiếc lồng đèn tre truyền thống. Len lỏi giữa lòng thành phố, xóm lồng đèn những ngày này bao trùm trong không khí rộn ràng. Họ tất bật chuẩn bị, sẵn sàng cung cấp lồng đèn chào một mùa trăng nữa sắp đến.
Ảnh: Viết Thanh
Nổi bật phải kể đến xóm lồng đèn truyền thống Phú Bình (quận 11, TP.HCM), nơi tập trung hơn chục hộ gia đình vẫn lựa chọn theo nghề. Được biết, những người con Nam Định khi di chuyển vào thành phố đã mang theo nghề làm lồng đèn, vào đây lập nghiệp.
Những năm gần đây, đặc biệt đoạn thời gian sau dịch, các bạn trẻ có xu hướng tìm về những điều xưa cũ, những giá trị văn hóa mà trước đó họ "đã từng có giây phút" bỏ quên. Cũng nhờ vậy mà năm nay, các tuyến đường tập trung bán lồng đèn tại TP.HCM như đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Lương Nhữ Học, đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi (quận 5) và làng lồng đèn Phú Bình (quận 11)… ngập tràn sắc đỏ của đèn lồng truyền thống.
Phố lồng đèn Lương Nhữ Học, Chợ Lớn. Ảnh: Phúc Minh
Theo các chủ cửa hàng, năm nay, sức mua các mặt hàng lồng đèn chạy pin từ Trung Quốc kém hơn rất nhiều lần so với lồng đèn truyền thống. Các đơn hàng với số lượng lớn cũng chỉ tập trung phần nhiều vào lồng đèn giấy xếp và lồng đèn thủ công.
Những chiếc lồng đèn mang ký ức tuổi thơ
Mặc cho không có những tiếng nhạc vui tai, không mang dáng dấp hiện đại, những chiếc lồng đèn truyền thống vẫn khiến người ta cảm thấy vui vẻ, gợi lại ký ức về những mùa trăng ấm áp, đầy tiếng cười trẻ thơ.
Những chiếc đèn lồng làm từ khung tre, bọc giấy kiếng đỏ căng bóng, uốn lượn đa dạng hình dáng đã tồn tại trong ký ức người dân qua bao thế hệ. Những hoa văn tinh xảo, màu sắc bắt mắt đến hiện tại vẫn chiếm được cảm tình của không chỉ những trẻ nhỏ, mà cả những người trưởng thành.
Ảnh: Viết Thanh
Làm lồng đèn không khó, nhưng lại mất khá nhiều thời gian và phải trải qua nhiều công đoạn. Theo những người thợ nghề từ xóm lồng đèn Phú Bình, ngay sau Tết Nguyên Đán, họ đã rục rịch tính toán, chuẩn bị những bước thực hiện đầu tiên. Vì hoàn toàn được làm thủ công nên thợ nghề thường chuẩn bị trước Trung Thu 4 đến 5 tháng. Có như vậy thì số lượng đèn mới đạt được nhiều.
Bắt đầu từ việc chuẩn bị nguyên liệu, chẻ nứa, làm hồ, tạo hình, bọc kiếng rồi đến vẽ hình thù, hoa văn trang trí. Một chiếc lồng đèn trông thì đơn giản với giá bán vài chục ngàn, vậy mà ở đằng sau nó là cả một quá trình dài đằng đẵng. Từng công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì và đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân.
Ảnh: Viết Thanh
Ảnh: Viết Thanh
Ngày nay, đèn lồng truyền thống không chỉ dừng lại ở chiếc đèn ông sao 5 cánh nữa. Đó còn là những con gà, con cá, con rồng,… thậm chí có cả những chiếc đèn cỡ đại. Kích thước có thể to hơn, cao hơn cả một người trưởng thành.
Nỗ lực giữ lấy cái nghề truyền thống
Người dân xóm lồng đèn cho biết, vì làm đèn là cái nghề mà ông cha để lại, là giá trị văn hóa của gia đình. Vì vậy họ phải cố gắng gìn giữ và truyền lại cho con cháu sau này, không để nghề bị mai một với thời gian.
Ông Nguyễn Văn Quyền (63 tuổi) và gia đình đã theo nghề làm lồng đèn đến nay đã hơn 30 năm và vẫn đang tiếp tục. Ảnh: Viết Thanh
Mỗi sản phẩm làm ra, thợ nghề đều lựa chọn các vật liệu thuần Việt như tre, nứa, giấy bóng kính... Nhưng họa tiết, hình dáng được cải tiến, sáng tạo theo phong cách hiện đại hơn. Nhưng dù làm gì thì vẫn phải giữ được nét truyền thống. Có như vậy, đèn lồng Việt mới giữ được giá, mới đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Hơn nữa, những người làm nghề truyền thống mới có thu nhập, mới có động lực để tiếp tục giữ nghề.
Ảnh: Viết Thanh
Ông Nguyễn Đình Chiến, một nghệ nhân thuộc xóm lồng đèn Phú Bình chia sẻ:
“Nếu nói về kinh tế thì sẽ không ai theo nghề này hết. Thật sự, nếu nói về thu nhập thì cái nghề này một ngày công chẳng bằng đi làm hồ. Nhưng mà nó ở trong máu, ở trong da. Tiền bạc là một chuyện nhưng cái niềm đam mê ở đây nó lại hơn.”
Thị trường không thiếu những chiếc lồng đèn chạy pin, những sản phẩm nhập khẩu, nhưng những nghệ nhân làng nghề vẫn tự tin rằng, dẫu thời gian có chạy nhanh đến đâu, dẫu công nghệ có phát triển đến mấy thì những chiếc lồng đèn mang đậm giá trị văn hóa này vẫn sẽ không thể thay thế được.
Ảnh: Nguyệt Anh
Đương nhiên, ngày thường những nghệ nhân vẫn có nghề nghiệp của riêng họ để kiếm sống, trang trải kinh tế. Tuy nhiên, mỗi năm một lần, chỉ cần mùa trăng về, làng nghề lồng đèn sẽ “sống dậy”, mang theo những chiếc lồng đèn cùng ký ức như ngọn lửa âm ỉ cháy, qua bao năm tháng vẫn sẽ luôn tồn tại ở đó, được giữ gìn, trân trọng và nhớ đến.
Bài viết: WOWWEEKEND
Hình ảnh: Viết Thanh - Tổ Quốc (Link ảnh gốc), Nguyệt Anh, Phúc Minh, Shutterstock