Explore Lên Tây Bắc dạo chợ phiên mùa thu
Thu sang, khắp Tây Bắc khoác lên mình sắc áo vàng óng ánh của lúa chín. Đây cũng là "mùa vàng" hay mùa gặt của đồng bào dân tộc Mường, Tày, Dao... Mỗi năm một lần, Khắp Y Tý (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang)... lại nô nức lữ khách. Không chỉ khiến bao người mê đắm bởi nét đẹp thơ mộng của ruộng bậc thang mùa lúa chín, các phiên chợ giàu bản sắc văn hóa vùng cao cũng là điểm níu giữ chân họ lại vùng đất này.
Ảnh: Unsplash
Gánh hàng đơn sơ “đơm” đầy nét đẹp
Chợ phiên không giống như chợ truyền thống ở miền xuôi. Muốn đi chợ phiên phải canh thời điểm thích hợp vì chợ chỉ họp cố định, có nơi là thứ ba mỗi tuần, có nơi là ngày Dần, Thân hoặc Tỵ, Hợi hàng tháng.
Chỉ với tấm bạt cũ, giỏ đặt trên mặt đất, cầu kỳ hơn chút là chiếc lán nhỏ dựng bằng tre, nứa, những sạp hàng đơn sơ có đủ thứ của ngon vật lạ nơi núi rừng cứ thế góp thành chợ. Từ gà vịt, rau quả nhà trồng đến những chiếc váy thổ cẩm tinh xảo rực rỡ màu sắc... Hầu hết những sản phẩm này là kết tinh từ thành quả lao động cần cù của người dân địa phương.
Ảnh: Võ Minh Thiên
Đặc sắc nhất tại những phiên chợ là ẩm thực. Tuy chưa đến gần nhưng đã nghe mùi thơm nức mũi nghi ngút, lan xa như gọi mời: nào là phở, cháo bình dân, nào là “thắng cố ngựa”, “mèn mén” độc đáo. Giữa tiết trời se lạnh, nhâm nhi thêm chén rượu ngô thơm nồng lại thêm phần ấm bụng.
Xa xa, tiếng khèn sáo vang vọng, hòa lẫn giữa những câu chuyện thăm hỏi ruộng nương, dựng vợ gả chồng... càng khắc họa rõ nét văn hóa cộng đồng của đồng bào vùng cao Tây Bắc.
>> Xem thêm: Đi dọc Mường Hoa, nghe lúa vàng hát ca
Ảnh: Võ Minh Thiên
Những phiên chợ đặc sắc nhất
Nếu muốn dạo chơi và tìm mua các sản vật địa phương về làm quà, đừng bỏ lỡ những phiên chợ đặc sắc dưới đây.
Chợ phiên Bắc Hà: Chỉ cách thành phố Lào Cai khoảng 65 km, khu chợ lớn bậc nhất Tây Bắc này từng được tạp chí Serendib bình chọn là một trong 10 chợ phiên độc đáo nhất Đông Nam Á. Chợ phiên Bắc Hà thường họp vào mỗi chủ nhật hàng tuần, nơi đây tập trung những nét văn hóa tinh túy của người Mông, Tày, Nùng.
Ảnh: Unsplash
Chợ phiên Cán Cấu: Không giống nhiều khu chợ khác, người Giáy, Mông – Hoa chia chợ Cán Cấu thành nhiều khu buôn bán riêng biệt. Nổi bật trong chợ có các nông sản như mật ong, mía, ngô… và trang phục thổ cẩm truyền thống sặc sỡ.
Chợ “tình” Sapa: Nếu muốn tìm dư vị “phong lưu” cho chuyến đi Tây Bắc, chợ “tình” Sapa chắc chắn là lựa chọn thú vị. Mỗi tối thứ 7 hàng tuần, các nam thanh nữ tú từ những bản làng xa xôi lại tụ họp về quảng trường thị trấn Sa Pa. Thông qua các hoạt động văn nghệ, mua bán sôi nổi, những chàng trai, cô gái nhân dịp này thổ lộ tình cảm và hò hẹn nhau. Ghé chợ “tình” để sống lại thanh xuân, thử khoác lên mình bộ trang phục dân tộc, hòa vào dòng người trẩy hội nô nức và thưởng thức những điệu múa, câu ca đầy tình tứ.
Ảnh: Unsplash
Chợ Đồng Văn: Điểm đặc biệt của chợ Đồng Văn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa riêng của người vùng cao như trình diễn dệt thổ cẩm truyền thống, cuộc thi chọi chim… vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch hàng tháng. Tuy nhiên, chợ cũng họp vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần với đủ kiểu trang phục độc đáo của người H'mông, Lô Lô, Dao, Tày… và các sản vật tự trồng, hoặc làm thủ công của họ.
Ảnh: Võ Minh Thiên
“Chiều chợ Phiên màu thổ cẩm lượt là
Cô gái Dao miệng cười duyên bên suối
Đêm chợ tình sơn nữ đẹp như hoa…”
(Trần Đức Phổ)
Ảnh: Unsplash
Sau những phiên chợ, ta có thể rảo bước thăm các bản làng xinh đẹp, ngắm mùa hoa đỗ quyên nở rộ nơi chân đồi. Hay về bản Lao Chải, Nậm Đăm, Sin Suối Hồ... để tận hưởng những ngày bình yên, hòa vào cuộc sống của người dân bản địa nơi thôn dã.
>> Xem thêm: Tây Bắc chưa đi đã thương, chưa về đã nhớ