share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Lạc bước phố cổ Bao Vinh - Gia Hội


ADVERTISEMENT

Trái với sự sôi nổi của những khu phố cổ danh tiếng Việt Nam như Hà Nội hay Hội An, vốn thu hút rất đông khách du lịch và các hoạt động dành cho du lịch, phố cổ Bao Vinh - Gia Hội lưu giữ vẻ trầm mặc suy tư của mình như tính cách đặc trưng của xứ Huế: không ồn ào và chẳng phô trương.

Tôi lạc đến phố cổ Bao Vinh khi lang thang trên những con đường nhỏ mạn sông Hương, cách trung tâm thành phố 3km về phía Đông. Dù đã nghe nói về Bao Vinh từ lâu, nhưng mỗi lần đến Huế trước đó, những địa điểm danh tiếng của Huế như chợ Đông Ba, Lăng Khải Định hay chùa Thiên Mụ lại chiếm trọn thời gian thăm thú, khiến tôi chưa hề có cơ hội chạm đến khu phố này. Nhưng, lần lạc bước ấy mang lại nhiều hơn những bất ngờ. Bao Vinh - Gia Hội hiện lên trong sự cổ kính trầm tư, như thể thời gian hoặc đã bỏ qua nơi này, hoặc nếu có trôi cũng theo một nhịp điệu rất chậm.

Phố cổ bao Vinh - Gia Hội hình thành từ đầu thế kỷ 17, cùng sự phát triển của cảng Thanh Hà. Khu phố cổ nằm ven dòng sông Hương xinh đẹp từng một thời là trung tâm giao lưu, trao đổi hàng hoá sầm uất nhất nhì xứ Đàng Trong một thời, thu hút những tàu thương nhân từ Trung Quốc, Ma Cao, Nhật Bản, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Pháp… đến buôn bán vải vóc, hương liệu hay đồ gốm sứ. Lịch sử 200 năm của không gian này gắn với những thăng trầm của xứ Huế, từ thời kỳ thịnh vượng của xứ Đàng trong, đến những triều đại Nhà Nguyễn. Bao Vinh - Gia Hội cuốn theo những biến động này, nhưng vẫn kiên trì lưu giữ nhiều giá trị văn hoá con người Huế và lịch sử xứ Huế.

Nhiều người khi nhìn Bao Vinh - Gia Hội từ xa, sẽ không tránh khỏi việc so sánh với Hội An với dãy những ngôi nhà lợp ngói liệt cạnh sông. Nhưng thị trấn nhỏ giữa xứ Huế này thực chất từng tấp nập nhộn nhịp hơn Hội An, bởi nằm ngay tại Kinh thành Huế. Nơi đây vẫn có những nét đặc trưng của người Huế như kiểu nhà thấp ba gian hai chái với mái ngói liệt âm dương từ thời các chúa Nguyễn, hay những ô cửa sổ nhỏ trên mảng tường phủ nắng. Bao Vinh - Gia Hội cũng gắn với những phong tục và làng nghề lâu đời của Huế, khi chỉ cách làng hoa Phú Mậu, làng hoa giấy Thanh Tiên hay làng Sình với nghề làm tranh và hội vật.

Ghé chân vào những con ngõ nhỏ bé dẫn ra bờ sông Hương, bạn có khi sẽ chẳng bắt gặp ai ngoài những mảnh tường rêu phong, những đình làng, bãi chợ, bến đò ngang hay ngôi cổ tự. Bao Vinh - Gia Hội giờ đây là vùng đất lưng chừng giữa hiện tại và quá khứ, giữa những nếp nhà xưa cũ và những ngôi nhà mới xây, giữa những sắc màu chưa mai một theo thời gian của đền chùa, nhà cửa với xe hơi, xe máy và hoạt động thường ngày của người dân phố cổ.

Con phố trong tia nắng hè ngái ngủ, nhưng giữa sự tĩnh lặng ấy những nếp nhà theo kiến trúc xưa cũ dường như nổi bật thêm, thu hút sự chú ý và tò mò của người đi ngang qua bởi những sắc màu chói lọi ẩn trong nét rêu phong. Nếu như Gia Hội chứa đựng những công trình kiến trúc thú vị nằm dọc trên các con phố Chi Lăng hay Bạch Đằng, hay các di tích mang đậm phong cách kiến trúc của người Hoa như đền Chiêu Ứng, Chùa Quảng Đông, Hội quán Triều Châu, Hội quán Phúc Kiến… nhiều ngôi nhà cổ nằm khiêm nhường hơn. Đó là những nếp nhà rường có khung gỗ, mái ngói âm dương, tường sơn vàng hay xanh trời. Đâu đó, người ta cũng sẽ bắt gặp những ngôi nhà pha trộn giữa kiến trúc Pháp của thương nhân người Pháp xưa.

Tổng hòa của những ảnh hưởng đa dạng văn hoá vẽ lên Bao Vinh - Gia Hội một nét đẹp khó trộn lẫn, phản ánh kiến trúc nhà phố đặc trưng của một thương cảng. Thoáng hoài niệm không chỉ nằm ở những công trình đã không còn nguyên vẹn, mà cả ở những tiểu tiết phải để ý bạn mới nhận ra như biển hiệu viết tay tiệm cắt tóc, quán trà xưa, vv. Bao Vinh - Gia Hội là nơi càng đi chậm, càng ngắm nghía, bạn sẽ càng nhận ra những nét văn hoá ẩn mình trong từng chi tiết trang trí nhà cửa, từng mái ngói hàng hiên. Bạn sẽ phải ngước mắt lên để thấy ban công gỗ hẹp của ngôi nhà nào đó, những chấn song cửa sổ đã mòn vẹt theo thời gian, hay con đường nhỏ ra sông rợp bóng hoa, và chiếc thuyền neo bên bờ sông phẳng lặng. Ở Bao Vinh - Gia Hội có sự lãng đãng của nhịp sống miền quê thôn xưa với giếng nước, bến đò, nhưng cũng có cả dấu ấn và khơi gợi của vùng đất thương cảng một thời hiển hiện trong tầm vóc các công trình đã không còn nguyên vẹn do dấu ấn thời gian.

Huế chậm rãi thế nào, Bao Vinh - Gia Hội cũng chậm rãi như vậy. Nếu có dịp đến thăm khu phố cổ này, hãy dành thời gian cho những bước đi chậm, hãy ngắm nghía và tưởng tượng. Bởi những ngôi nhà cổ 200 năm ở Bao Vinh - Gia Hội đang ngày càng ít đi, đồng nghĩa với một phần văn hóa lịch sử và vẻ đẹp kiến trúc của xứ Huế cũng sẽ chỉ còn được lưu lại trong những tấm hình chụp.

>>Xem thêm: Uể oải như Penang


ADVERTISEMENT