Explore Yên bình một thoáng… Gia Lai
Giữa vẻ đẹp nên thơ xanh mát cùng không khí trong lành, ngày ở Gia Lai như ru chúng tôi vào những điều an yên nhất.
Thẩn thơ giữa nước non hữu tình
Sáng sớm, trong tiết trời hơn 20 độ C, chúng tôi di chuyển từ trung tâm TP. Pleiku đến Đập Tân Sơn thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Đập nước trong xanh được bao quanh bởi đồi núi, bên hông là rừng thông... cảnh sắc bình yên, không khí trong lành làm chúng tôi ai nấy cũng xao xuyến.
Ảnh: Thu Nguyên
Nằm ngay dưới chân ngọn Tiên Sơn hùng vĩ, chính vì vậy đập Tân Sơn được hứng trọn những nguồn nước quý giá từ hàng trăm con rạch, sông suối từ trên núi chảy về. Chúng tôi dựng xe máy, thong thả đi bộ từ dải đất phía rừng thông, nghe rõ mồn một tiếng gió mát rượi và bầy chim ríu rít trong lá.
Cây cối xung quanh đập phát triển tươi tốt. Có lẽ nhờ vậy mà thời tiết ở đây lúc nào cũng mát mẻ và dễ chịu. Người ta đến đây không chỉ để vãn cảnh, chụp hình mà còn picnic, chèo sup… Còn chúng tôi, cũng tranh thủ nằm xuống bên đập, ngửa mặt ngắm nhìn bầu trời trong xanh, thả quên đi những bộn bề phố thị.
>> Xem thêm: Thả lòng mình giữa những bình yên của đất và người Gia Lai
Ảnh: Thu Nguyên
Trên những nương chè bát ngát xanh
Sau bữa trưa, chúng tôi ghé qua Biển Hồ chè. Nằm trên con đường đến đập Tân Sơn, Biển Hồ chè chỉ cách Pleiku khoảng 13km. Theo lời kể của người bản địa, Biển Hồ chè có tên gọi như vậy là bởi những đồi chè xanh mướt bao quanh một hồ nước lớn. Đây cũng chính là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp tại Gia Lai từ thế kỷ trước.
Đập vào mắt chúng tôi là nương chè mơn mởn trải dài. Những búp chè tươi vươn mình dưới ánh nắng, đâu đó còn nghe trong gió hương thơm thoang thoảng. Khung cảnh này vô cùng dễ chịu, cảm giác như được thiên nhiên ôm ấp và chữa lành.
Ảnh: Bùi Văn Hải
Trên con đường dẫn vào Biển Hồ chè, có hai hàng thông lá kim trăm năm tuổi, đứng sừng sững như đang chào đón chúng tôi đến vùng đất bình yên này. Người dân Gia Lai còn gọi đây là “con đường Hàn Quốc”, bởi nó mang vẻ đẹp thơ mộng và lãng mạn, mùa thông rụng, con đường phủ kín một màu nâu sẫm.
Khi mặt trời xuống núi
Mải mê một hồi cũng đã gần chiều tối. Chúng tôi quyết định chạy xe ngược về thành phố để ghé núi Đá ngắm hoàng hôn. Gọi là núi nhưng núi Đá lại có địa hình thoai thoải, dễ lên nhưng cũng nên cẩn thận vì có nhiều sỏi nhỏ nên khá trơn. Từ đỉnh của núi có thể ngắm toàn cảnh Pleiku, rừng thông trải dài đến huyện Ia Grai, hồ nước giữa hai ngọn đồi và xa xa là cánh đồng điện gió đầy thơ mộng.
Ảnh: Thu Nguyên
Hôm ấy, chúng tôi may mắn gặp một đoàn người Jrai đang chơi cồng chiêng và nhảy múa trên núi. Cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác phi vật thể nhân loại được UNESCO công nhận. Chiều muộn, ngắm mặt trời xuống núi, nghe tiếng cồng chiêng ngân vang hòa quyện với âm hưởng từ núi rừng... một trải nghiệm trọn vẹn khó mà quên được.
Ảnh: Thu Nguyên
Chúng tôi mang theo trà ấm, mua một ít ngô và đồ nướng từ quảng trường Đại Đoàn Kết đem lên ăn cùng. Nhâm nhi đến khi mặt trời gần tắt hẳn, cả đám nhóm một đống lửa để ngồi cùng nhau tỉ tê bao chuyện. Chỉ còn cảm nhận được khoảng thời gian tuyệt vời ở hiện tại, cùng tiếng nói cười của bạn bè. Bao muộn phiền nơi thành phố như được đám lửa ấy thiêu trụi đi.
>> Xem thêm: Sống chậm lại giữa núi rừng Tây Nguyên