share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Penang: Những góc phố dịu dàng


ADVERTISEMENT

Ngày dần buông trên con đường dẫn về George Town (thủ phủ của đảo Penang, Malaysia). Nắng chiều đổ bóng lên những ngõ phố rợp cây xanh và những nếp nhà nằm nép mình bên nhau trong màu sơn đậm nhạt. Chiếc radio trong xe taxi vút cao một giai điệu yêu đời của thập niên 90. Penang bình yên trong buổi chạng vạng, trái ngược với bầu không khí ngột ngạt ở thủ đô Kuala Lumpur cách đó chỉ một giờ bay. 

Thế giới của những bức tranh tường 

Cũng là phố cổ, nhà cổ nhưng điều khiến George Town trở nên khác biệt là sự xuất hiện của vô số bức tranh tường đáng yêu ở khắp mọi ngóc ngách. Dự án “Mirrors George Town” do chính quyền tài trợ năm 2012 đã phủ sắc màu sặc sỡ lên các mảng tường cũ kỹ, làm bừng sáng những đường nét cổ kính, và giúp Penang ghi dấu trên bản đồ nghệ thuật đường phố của thế giới. Vốn yêu thích nghệ thuật nên tôi đã dành cả ngày trời “săn tìm” những bức tranh ngộ nghĩnh: hai đứa trẻ thích thú “phóng” đi trên chiếc xe đạp, một chú gà trống “cất” tiếng gáy bên hông tòa nhà, hay một ông lão “chèo” mãi chiếc thuyền độc mộc trên tường… 

Các nghệ sĩ đã thực sự sáng tạo khi vận dụng hài hòa những bức vẽ với hình khối, màu sắc tự nhiên của những mảng tường, đồng thời kết hợp cùng các vật dụng thật như xe đạp, chiếc ghế, xích đu…, mang lại vẻ sống động cho tác phẩm. Họ cũng luôn dành khoảng trống để người xem tương tác và trở thành một phần của tranh. Tôi cũng như nhiều du khách khác cố gắng tạo dáng độc đáo nhất có thể, mang dấu ấn của riêng mình. Chính vì vậy, các bức tranh không bao giờ cũ mà luôn tươi mới và thú vị. Hiện nay, những sáng tác trên tường vẫn tiếp tục được thực hiện, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách.  

Mỗi góc phố một câu chuyện 

Nhưng đừng quá mải mê với những bức tranh tường mà quên mất những giá trị lâu đời của Penang. Bên cạnh những bức tranh tường ngộ nghĩnh, trên một số con phố chính còn đặt các tác phẩm tạo hình và chữ bằng sắt uốn – thành quả của dự án “Marking George Town” năm 2009 – giới thiệu về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán nơi đây. Vẫn tận dụng sức hút của nghệ thuật thị giác nhưng lần này các tác phẩm lại đưa người xem đi suốt dọc dài tháng năm của Penang. 

Năm 1786, nhà hàng hải Francis Light đã thuyết phục Quốc vương Kedah nhượng quyền quản lý đảo Penang cho công ty Đông Ấn Anh. Francis đặt tên cho thị trấn chính ở phía đông bắc đảo là George Town theo tên vua George đệ tam của nước Anh, đồng thời xây dựng pháo đài Cornwallis nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ. 

Nhờ vị trí địa lý thuận lợi và chính sách thương cảng tự do, Penang nhanh chóng trở thành điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến hàng hải Á – Âu. Mậu dịch tăng trưởng theo cấp số nhân, số lượng tàu thuyền cập bến Penang tăng từ 85 vào năm 1786 lên 3.569 vào năm 1802. Francis Light cũng áp dụng chính sách nhập cư cởi mở, cho phép người nhập cư sở hữu đất đai mà họ khai hoang được. Điều này đã thu hút đông đảo thương nhân và lao động từ châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập…, biến Penang thành vùng đất đa sắc tộc với dân số năm 1804 lên đến 12.000 người. 

Penang đã chứng kiến sự thịnh vượng trong suốt thế kỷ 18 – 19 cho đến khi mất dần lợi thế do trung tâm phát triển kinh tế dịch chuyển về phía Singapore và Kuala Lumpur. Bến cảng, đường phố, nhà cửa bị bỏ hoang và rơi vào tình trạng tiêu điều. Đến thập niên 60 của thế kỷ 20, Penang được đánh thức từ lớp bụi thời gian. Với sự quản lý nghiêm ngặt của chính quyền sở tại và sự ủng hộ hết mình của cư dân địa phương, những ngôi nhà và dãy phố đã được phục hồi và bảo tồn gần như nguyên trạng. Các chương trình truyền thông cũng được thực hiện nhằm quảng bá rộng rãi về giá trị di sản của nơi này. 

Giờ đây, Penang hệt như một bảo tàng ngoài trời sống động, nơi mỗi góc phố, mỗi khúc quanh, mỗi khung cửa lại mở ra một câu chuyện khác nhau. Những nghệ sĩ đã khéo léo dẫn dắt người xem đi tìm các tác phẩm nghệ thuật để rồi họ thấy mình đứng giữa Jalan Masjid Kapitan Keling hay còn gọi là “con đường hòa thuận”. Bởi con đường này có sự hiện diện của thánh đường Hồi giáo Kapitan Keling, ngôi đền Hindu giáo Sri Maha Mariamman, nhà thờ Anh giáo St. George’s, và ngôi chùa Phật giáo Kuan Im Teng. Hay con phố Love Lane có tên như vậy do đây là nơi ở của những cô bồ nhí của các ông chồng giàu có trăng hoa. Hay con phố Seck Chuan Lane từng nổi tiếng với món kẹo cứng Ting Ting Thong, làm từ đường và các loại hạt, rất được trẻ em yêu thích. 

Để hiểu hơn về cuộc sống của những dân tộc hình thành nên Penang, tôi ghé thăm biệt thự Pinang Peranakan. Biệt thự được xây dựng từ thế kỷ 19 bởi Chung Keng Kwee, một quan chức địa phương giàu có. Ông Chung thuộc nhóm những người Hoa di cư đến Penang sinh sống, lập nghiệp và kết hôn với người bản địa, hình thành nên cộng đồng Peranakan. Người Peranakan có phong cách sống độc đáo giao thoa giữa văn hóa Trung Quốc, Mã Lai và châu Âu, để lại dấu ấn đậm nét trên ngôn ngữ, ẩm thực, kiến trúc… Vào những năm 1990, một nhà phát triển bất động sản đã mua lại dinh thự của nhà họ Chung, tu sửa và biến nó thành bảo tàng dành riêng cho văn hóa Peranakan. 

Biệt thự Pinang Peranakan gồm bốn dãy nhà khép kín với khoảng sân rộng ở chính giữa được dùng làm không gian sinh hoạt chung của đại gia đình. Không khó để nhận ra sự pha trộn giữa lối kiến trúc Á và Âu: những cánh cửa gỗ chạm trổ cầu kỳ theo phong cách Trung Hoa trên nền gạch lát sàn Anh quốc và họa tiết sắt uốn của Scotland. Từ sảnh đường rộng lớn đầy ắp rương, tráp sơn mài đến phòng ăn sang trọng với chiếc đèn chùm pha lê hay phòng ngủ còn nguyên vẹn bộ trải giường bằng lụa, tất cả đều toát lên vẻ xa hoa, lộng lẫy. Sự hưng thịnh của gia chủ còn thể hiện ở bộ sưu tập hơn một nghìn đồ tạo tác từ đa dạng chất liệu như gốm, sứ, gỗ, đồng, thủy tinh… Các hiện vật được trưng bày chân thực trong các không gian sống đặc trưng, khiến tôi có cảm giác như thực sự trở về Penang của những ngày xưa cũ. 

Rồi để biết hòn đảo lớn rộng thế nào, tôi đón một chuyến tàu dây kéo lên đồi Penang. Từ độ cao hơn 800m trên mực nước biển, tôi hít căng đầy thứ không khí mát lành trong khi bao quát tầm mắt xuống thành phố bên dưới. Phương Đông và phương Tây, cũ xưa và tân thời, truyền thống và hiện đại, những sắc màu tương phản ấy hòa quyện và đan dệt nên bức tranh Penang rực rỡ đầy mê hoặc. 

Thiên đường ẩm thực đường phố 

Một người “sống để ăn” như tôi hẳn sẽ tìm thấy thiên đường ở Penang bởi nơi đây sở hữu nền ẩm thực phong phú và đặc sắc. Chỉ cần bước ra đường chính là bắt gặp ngay cả một khu phố ăn uống đông vui nhộn nhịp. Còn gì thú vị hơn khi được trực tiếp quan sát các đầu bếp trổ tài nấu nướng trong bầu không khí thơm nức mùi thức ăn và lao xao tiếng trò chuyện. 

Điều “khó khăn” duy nhất là lựa chọn món nào để thưởng thức trong vô số món ngon. Char Kway Teow, hủ tiếu xào nước tương, tôm tươi, trứng vịt, giá đỗ và hành lá, thường được đặt trên một mảnh lá chuối. Cơm cà ri Nasi Kandar cay nồng các gia vị đặc trưng của người Hồi gốc Ấn. Rồi cả Assam Laksa – món mì tiêu biểu cho văn hóa Peranakan với nước dùng đậm đà nấu từ cá thu, mắm tôm, hành tây, bạc hà, me, sả và ớt. Tráng miệng đã có chè Cendol ngọt lịm với đá bào, bánh lọt, đậu đỏ, sữa dừa, đường thốt nốt. Hay bánh Apom Manis giòn rụm ở phần rìa và mềm mịn ở bên trong, vẫn được làm theo phương pháp truyền thống trên than củi. Và rất nhiều cái tên gây kích thích vị giác khác như súp Kway Chiap, mì hoành thánh Wonton Mee, trứng tráng hàu Oh Chien, salad trái cây Rojak, bánh gạo cuốn Chee Cheong Fun… 

Một buổi sáng cuối tuần, tôi tình cờ tìm thấy bức tranh mình đã mua khi đang dạo chơi ở Penang. Bức tranh vẫn còn tươi màu, hệt như ký ức của tôi về những con phố nhỏ cổ kính và êm đằm. 

  • Từ Việt Nam có các chuyến bay thẳng đến Penang. 
  • Khí hậu tại Penang nóng ẩm quanh năm. Mùa mưa kéo dài từ tháng Chín đến tháng Mười một. Mùa khô từ tháng Mười hai đến tháng Ba. 
  • Nếu bạn muốn có chuyến đi thú vị thì tháng Ba với lễ hội âm nhạc thế giới, tháng Năm với lễ hội hoa, tháng Sáu với lễ hội George Town và tháng Mười hai với lễ hội nhạc Jazz là những khoảng thời gian phù hợp nhất. 
  • Ringgit là đơn vị tiền tệ của Malaysia. Một ringgit tương đương khoảng 5.500 đồng. 
  • Bạn có thể thuê xe đạp (10 ringgit/ngày) hoặc xe máy (25 ringgit/ngày, đặt cọc tối thiểu 100 ringgit) để tham quan Penang. Ngoài ra, xích lô, xe bus và taxi cũng là những phương tiện di chuyển thuận tiện. 

>>Xem thêm: Vì sao Monaco trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất thế giới?


ADVERTISEMENT