share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Phan Thiết đâu chỉ có biển


ADVERTISEMENT

Có lẽ, tôi đã đến Phan Thiết đúng mùa biển động, hoặc vốn dĩ thành phố này luôn tồn tại thứ “signature” như thế. Những làn gió, mang hơi ẩm của nước, theo nhịp thở của biển cả mà thổi vào ngoại ô thành phố. Chúng làm dịu đi phần nào cái nóng hừng hực của mặt đường nhựa như đổ lửa ngày hè. 12 giờ trưa, xe máy của chúng tôi bon bon trên cung đường biển từ thị xã La Gi tiến thẳng đến Bàu Trắng, Phan Thiết. Một hành trình thú vị cứ thế mà bắt đầu.

Trường Dục Thanh – nơi kiến trúc xưa còn nguyên bản

Chúng tôi chọn Trường Dục Thanh làm điểm dừng chân đầu tiên của chuyến đi. Khu di tích tuổi đời hơn 100 năm tọa lạc ở mé hữu ngạn sông Cà Ty, số 39 Trưng Nhị, Thành phố Phan Thiết. Dường như, chỉ có thời gian là trôi đi, mọi thứ vẫn giữ được vẻ nguyên bản như ngày xưa, từ các gian nhà đến vườn cây, giếng nước.

Ngôi trường từng là nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học vào năm 20 tuổi. Trong gian nhà lớn, tôi như mường tượng được hình ảnh người thầy đang dạy chữ Quốc ngữ trên tấm bảng đen. Và bên dưới bục giảng là ba dãy bàn ghế ngay ngắn, nơi một thế hệ học sinh được giáo dục và hun đúc lòng yêu nước.

Khuôn viên trường được bao phủ bởi rất nhiều cây xanh, với các lối đi bộ lát gạch tàu đỏ. Trong đó, có cây khế trăm tuổi, từng được chính tay Bác chăm sóc, và một vài cây ăn quả khác như xoài, lựu... nay đã phát triển sum suê.

Đi về khoảng sân bên trái đằng sau gian nhà lớn, là nơi trưng bày hình ảnh và tư liệu về Bác cũng như lịch sử thành phố. Mỗi bức hình là một câu chuyện được kể, là một mảnh ký ức về vùng đất nắng gió này. Nếu kiên nhẫn lắp từng lát ghép, bạn sẽ không khó để nhận ra một bức tranh lớn theo cả chiều dài của thời gian và không gian. Qua hàng thập kỷ, một xứ biển từng nổi tiếng về tài nghệ đóng thuyền và sản xuất nước mắm, nay đã vươn mình phát triển mạnh mẽ cả về du lịch.

Với diện tích khoảng 147 m2, không mất nhiều thời gian để tham quan toàn bộ khu di tích. Sau khi dạo quanh một vòng, chúng tôi ngồi xuống ở bậc thềm Nhà Ngư nằm bên phải phòng học lớn. Gian nhà từng là nơi cư ngụ của gia đình cụ Nguyễn Thông, nhưng từ năm 1908 trở đi, nó được trưng dụng thành nơi nội trú cho học sinh và giáo viên trong trường. Lúc này, mặt trời còn trên đỉnh đầu, nắng hắt bóng hàng cau rợp cả một góc hiên và gió vẫn thổi miên man trên những tán lá. Tất cả khơi gợi một sự hoài niệm và bình yên đến lạ kỳ.

Văn hóa Chăm Pa huyền bí Tháp Po Sah Inư

Mất khoảng 15 phút đi xe máy từ trường Dục Thanh, chúng tôi đến Tháp Po Sah Inư. Quần thể đền thờ này nổi tiếng là một địa danh mang tính biểu tượng của Phan Thiết. Không chỉ vì nét kiến trúc Hòa Lai độc đáo kết tinh từ tinh hoa nghệ thuật của người Chăm xưa, mà còn vì truyền thuyết đằng sau nó được người Chăm Pa lưu truyền qua bao thế hệ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết khu di tích hiện chỉ còn 3 tháp nằm trên đồi Bà Nài. Tháp lớn nhất thờ thần Shiva, hai tháp nhỏ gần đó thờ thần Lửa và Bò Thần Nandin. Ngoài ra, công trình này còn mang ý nghĩa tưởng nhớ công chúa đức hạnh và tài năng – Po Sah Inư. Cô cũng là người đã dạy cho nhân dân Chăm Pa nghề trồng lúa nước, dệt vải thổ cẩm và chăn nuôi.

Ngày nay, những nghề truyền thống ấy vẫn được duy trì và phát triển. Chúng tôi đã có dịp xem người Chăm dệt thảm, may túi xách thổ cẩm hay mua các vật phẩm tâm linh bằng đất nung. Đặc biệt là váy áo truyền thống, trang sức độc đáo của một nền văn hóa lâu đời.

Tháng 5 không phải dịp lễ hội Kate, nhưng thời điểm chúng tôi ghé thăm cũng may mắn trùng với một buổi biểu diễn và lễ cầu nguyện nhỏ. Những người đàn ông mặc “aw tah” (áo dài) trắng thổi kèn Saranai và gõ trống Ginăng. Hòa theo nhịp điệu của nhạc cụ dân gian, những người phụ nữ với đôi tay khéo léo dùng quạt múa vũ điệu truyền thống của người Chăm.

Tiểu sa mạcBàu Trắng giữa lòng Phan Thiết

Từ trung tâm thành phố, chúng tôi đi thêm khoảng 50 km nữa để đến Bàu Trắng. Nơi đây chẳng khác nào sa mạc mênh mông, hút mắt với nhiều cồn cát trắng nối đuôi nhau trải dài. So với đồi Cát Đỏ ở Mũi Né, Bàu Trắng rộng lớn hơn với điểm nhấn là hai hồ nước trong vắt: Bàu Ông và Bàu Bà, soi tỏ nền trời cùng những thảm cỏ xanh mướt.

Hai bên bờ được bao phủ bởi những rặng phi lao dài, tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên độc đáo như ở trời Tây. Bàu Trắng mùa này sen trong hồ chưa nở nhiều và chỉ lác đác có vài người đi câu. Thay vì thuê xe jeep, khám phá Bàu Trắng thật chậm rãi trên lối đi bộ và trên cát cũng mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ. Đứng từ đây phóng tầm mắt, có thể thấy được những chiếc quạt gió khổng lồ, một hình ảnh đặc trưng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Người ta thường nhớ đến Phan Thiết như một thành phố biển hay danh xưng “thủ phủ biển xanh”. Nhưng nhiều hơn những mỹ từ diễm lệ, đây còn là vùng đất của lịch sử lâu đời, của nhiều nền văn hóa gặp gỡ và giao thoa.


ADVERTISEMENT