Explore Sắc màu hương đồng cỏ nội của An Giang
Hiểu biết về miền Tây của tôi quanh quẩn ở những cánh đồng cò bay thẳng cách, miệt vườn trái cây ăn hoài không hết hay mùa nước nổi mang trù phú về đồng bằng. Cho đến đôi ba dịp hữu duyên ghé thăm An Giang, miền đất đậm đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ nhưng vẫn độc nhất vô nhị với địa lý và dân sinh riêng biệt.
An Giang độc nhất vô nhị với đặc điểm địa lý và dân sinh riêng biệt
Là một góc của tứ giác Long Xuyên, An Giang có đến cho mình hai thành phố trực thuộc - Long Xuyên phất lên nhưng một trung tâm kinh tế hành chính của tỉnh, còn Châu Đốc phát triển hoạt động tâm linh, du lịch quanh khu vực núi Sam và rừng tràm Trà Sư. Thế nhưng, hồi tưởng đầu tiên của tôi về vùng đất này là sắc xanh của hương đồng cỏ nội do phù sa của sông Mekong bồi đắp nên những cánh đồng lúa bạt ngàn.
Lần trước tôi ghé thăm đang là mùa gặt, hạt lúa vàng ươm khiến nhân sinh thêm phần rộn rã. Ngoài đồng phảng phất mùi khói đốt rạ, đường làng nhộn nhịp xe chở thóc. Dọc những con kênh, thuyền bè phà phà rẽ nước đưa thóc đến các nhà máy, đại lý ven kênh. Từ đây, hạt ngọc trời của người nước Nam sẽ được mang ra năm châu bốn bể, làm nên thương hiệu đã quen tai. Lần gần đây trở lại, gặp đúng mùa gieo mạ non, những cánh đồng xanh mơn mởn còn lênh láng nước, phản chiếu bầu trời, nối rộng không gian. Vẫn cung đường đó, cánh đồng đó, nhưng cảnh sắc thay đổi mang lại phong vị riêng. Bỏ qua những nhọc nhằn trên đồng ruộng, chợt thấy điểm thú vị của người nông dân ngóng đợi thành phẩm của mình qua xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng.
Những chiếc xuồng chở thóc đi muôn phương
Băng qua những con đường lọt thỏm giữa ruộng đồng, những bóng cây thốt nốt đầu tiên thấp thoáng báo hiệu đã đến địa giới của An Giang - vùng đất biên giới Campuchia. Cây thốt nốt chiếm một vị trí đặc biệt trong đời sống người dân nơi đây: ngọn thốt nốt cho ra nước ngọt để giải khát, nấu đường, trái thốt nốt giòn dai đã miệng, tương truyền cổ nhân còn dùng lá thốt nốt sắc bén làm vũ khí.
Bánh bò thốt nốt được ưa chuộng ở An Giang
Sắc xanh trong hồi ức của tôi còn có rừng tràm Trà Sư - một điểm du lịch sinh thái không thể thiếu khi đến với An Giang. Một vùng rừng nước mênh mang, trên có xanh của cây lá, dưới có xanh của rong bèo, quẩn thể chim muông, gia cầm tụ về kiếm ăn. Hết thảy hòa thành một không gian bát ngát, tràn đầy sinh khí. Đến rừng tràm, ta có thể đi xuồng máy vào trung tâm khu vực, rồi đi thuyền chèo tay thăm thú các ngóc ngách. Tuy nhiên thay vì đi xuồng máy, tôi chọn tản bộ dưới cây cầu tre dài nhất Việt Nam để vào sâu trong rừng. Bóng cây họa hoa nắng lập lòe, cò trắng chuyền cành, không gian xanh um một màu, không còn gì hơn cho một ban trưa thư thả.
Một thoáng rừng tràm xanh um
Chú cò đang săn tìm con mồi mới trong rừng tràm
Vốn không quá chú trọng giờ giấc cho những điểm đến, tôi phó mặc những cung đường của mình cho Google Maps. Nhờ vậy mà có dịp băng qua những con đường quê, len lỏi trong các thôn xóm, nhìn ngắm An Giang trong những ngóc ngách nhỏ bé như vậy. Cuộc sống ruộng đồng, gắn bó với sông nước kênh rạch nên không khó để bắt gặp những thôn xóm quy tụ quanh con kênh. Bên dòng nước mang phù sa đi muôn nẻo này, người dân tụ tập chuyện trò sau một buổi làm đồng. Thi thoảng lại bắt gặp những hộ phơi nhang, phơi nan đan lát, hay thậm chí nấu mắm.
Du lịch tâm linh phát triển khiến làng nghề làm nhang được duy trì rộng rãi
Xóm nhỏ rợp bóng ban trưa
Cũng chính cuộc sống gắn bó với sông nước làm nên nét độc đáo riêng biệt cho kiến trúc nhà nơi đây. Đến vùng rốn lũ An Giang, một trong những dấu hiệu nhận biết người dân ''sống chung với lũ'' là những ngôi nhà sàn cao chót vót, chi chít những cây cột cao lêu nghêu, gồng mình chống đỡ. Những hộ nghèo thì dùng thân tràm, bạch đàn làm trụ. Những hộ khá giả hơn thì đổ được bê tông kiên cố. Mùa nước chưa về, dưới sàn được tận dụng làm kho hay nên vui chơi của gia đình. Mùa nước nổi, nhà nâng người khỏi dòng nước mênh mang, tận dụng những nguồn lợi mà nước về mang lại, an cư lập nghiệp. Thi thoảng tôi lại bắt gặp những ngôi nhà sàn mang sắc xanh lam của người Chăm, tự hỏi về ý nghĩa sắc lam trong văn hóa tín ngưỡng dân tộc này.
Cuộc sống gắn bó với sông nước
Ở đây người Chăm chủ yếu theo đạo Hồi, không khó để bắt gặp những cô gái trùm đầu trong phục trang của tín ngưỡng. Với vị trí địa lý đặc biệt, An Giang là nơi giao thoa của nhiều dân tộc và nền văn hóa: Người Chăm theo đạo Hồi, người Khmer với tín ngưỡng Phật giáo tiểu thừa, người Hoa và người Kinh cũng xum họp trong các khu phố thành, chợ lớn…. Từ đó tạo nên hệ thống những chùa chiền, miếu mạo, đền thờ muôn hình vạn trạng, điểm xuyến lên sắc xanh bát ngát của đồng bằng.
An Giang là tỉnh duy nhất ở miền Tây có núi, với Thất Sơn đã đi vào truyền kỳ trong sách sử và lời truyền tụng của nhân gian. Tôi cũng tò mò ghé thăm ngọn Cấm Sơn cao nhất vùng Bảy Núi. Tuy nhiên cách làm du lịch tạp nham ở bản địa khiến ngọn núi thiêng mất đi nét thanh tĩnh vốn có của vùng đất tâm linh. Nếu có thời gian, có lẽ bạn nên thử leo núi hành hương để trải nghiệm tốt hơn thiên nhiên và những công trình Phật giáo nương mình trên núi. Cách Thiên Cấm Sơn không xa về thành phố Châu Đốc là núi Sam, nổi danh với Miếu Bà Chúa xứ, với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ thu hút đông đảo khách hành hương mỗi năm. Tôi ghé thăm Miếu không đúng dịp lễ, tuy vậy, người vẫn nườm nượp người, kéo theo dân sinh xung quanh phát triển nhờ du lịch tâm linh.
Cổng chùa Koh Kas mang nét đặc sắc kiến trúc của chủa Khmer
Những chuyến đi An Giang của tôi thường ngắn, chỉ khoảng 3 ngày 2 đêm. Tuy vậy rất nhiều kiến thức và trải nghiệm được đúc kết từ vùng sông nước giao thoa nhiều nền văn hóa. Mỗi nơi đi qua, lại có những đặc điểm độc nhất vô nhị từ vị thế và lịch sử từng kinh qua của riêng nó, mà phải tự mình trải nghiệm mới thẩm thấu dài lâu.