share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Lang thang làng bích họa Tam Thanh


ADVERTISEMENT

Kỳ lạ là, một trong những kỷ niệm du lịch tuyệt vời nhất của tôi lại gắn với một một địa điểm không quá đặc biệt. Trong tâm tưởng luôn có một mảnh ký ức bình yên về làng chài nhỏ Tam Thanh. Nơi đó, sông đổ ra biển, bên biển có làng, trong lòng có nhà, tường nhà có tranh, bé nhỏ mà duyên dáng.

 Trong tâm tưởng luôn có một mảnh ký ức bình yên về làng chài Tam Thanh

Thường những chuyến đi của tôi đến rất vội vã, không có dự tính xa dài trước đó, chỉ một lời hẹn là xách gói lên đường. Đáp sân bay Đà Nẵng lúc 10h tối, trời se lạnh. Chúng tôi di chuyển đến nhà bạn quen, trú lại một đêm và ở đây chơi một ngày trước khi leo xe buýt về Tam Thanh.

 Ngôi làng nổi tiếng với những bức tranh tường rực rỡ sắc màu

Ngôi làng này hẳn không quá xa lạ với những bạn trẻ ưa thích check in nhờ những bức bích họa sống động, mô tả cuộc sống, con người, quang cảnh nơi đây. Những cậu bé tung người đánh bóng, gánh hàng rong cô chủ nhà, nàng thiếu nữ áo dài trắng cầm sen,... tất thảy đều sống động hệt như có thể bước ra khỏi tranh trong câu chuyện cổ xa xưa. Bàn tay nghệ sĩ tài hoa đã khoác lên làng chài nghèo một tấm áo mới. Những bức tranh chứa đầy hy vọng về một cuộc sống ấm no, sóng yên biển lặng, mang đến sinh khí cho ngôi làng nghèo.

 Những bức tranh lấy đề tài đời sống thường nhật, ước vọng ấm no

 Mang sinh khí đến cho làng quê nghèo

Nhưng làng bích họa không chỉ có bích họa. Với tôi, làng quê nhỏ Tam Thanh vẫn bình đạm và thân tình như chính quê ngoại vậy. Cả làng không đến 100 hộ gia đình, lại nằm lọt thỏm giữa biển và sông nên thêm phần lẻ loi bé nhỏ. Cũng như bao làng quê khác, thanh niên đã xuôi ngược phương xa lập nghiệp, chỉ còn lại phần nhiều người già, phụ nữ và trẻ em. 

 Người trẻ trong làng đều đã đi lập nghiệp phương xa

Đến đây vào những ngày biển động, cả ngôi làng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ba người chúng tôi là du khách. Đa số khách du lịch đến đây đều là các bạn trẻ, thỉnh thoảng có vài người Tây lai vãng, đến - đi trong ngày, chưa từng thấy ngủ lại. Người dân ngoại trừ phục vụ một ít đặc sản khô vùng biển, bữa cơm gia đình cho khách du lịch thì vẫn giữ sinh hoạt thường nhật như một làng chài. 

 Người dân vẫn giữ những thói quen mưu sinh thường nhật của một làng chài 

Căn nhà dân chúng tôi ở là một homestay chính hiệu. Cô chú chủ nhà là ngư dân, hai cậu con trai đã lên phố học hành, để lại hai căn phòng trống cho khách vãng lai trụ lại. Ngôi nhà nhỏ hướng đầu về sông, sau nhà xây cả một sân rộng để ngóng biển. Bình thường cô chú chủ nhà sẽ tận dụng khoảng sân này để làm quán ăn. Biển động, cả làng vắng thưa khách, khoảng không gian tuyệt vời đó cứ vậy mà để chúng tôi độc chiếm.

 Biển và chiếc thuyền của chú chủ nhà nhìn từ khoảng sân chúng tôi độc chiếm

Đêm đêm, xách dép dạo biển, gió cuốn tóc bay bay, vạt áo cũng bay bay, thấy mình nhỏ nhoi nhường nào giữa bao la sóng vỗ. Trong lòng phảng phất nỗi sợ sẽ chìm vào đêm đen bất cứ lúc nào. Nhưng càng sợ hãi lại càng kích thích. Chúng tôi trải tấm vải bố trông ra biển, uống đôi ba chai bia kể chuyện đời nhau, thả hồn vào thăm thẳm. Có lẽ vì làng quê ngủ sớm, nên cả một vùng đất trời ngoài dăm ba ngôi sao cứ cố lòng lấp lánh thì cũng chẳng còn một chút ánh sáng nào.

Sáng hôm sau tờ mờ sáng đã nghe tiếng rôm rả ngoài phòng. Tôi tò mò ra xem, thấy thuyền nhà chủ ra khơi đêm qua đã mang về một mẻ cá tươi đầy ụ. Vảy cá lấp lánh ánh bạc vẫy gọi mặt trời thức giấc, một ngày mới ở làng chài sắp sửa bắt đầu. Và trưa nay chúng tôi sẽ có nồi canh chua cá thanh ngọt để ăn rồi.

 Dưa kiệu cô chủ nhà phơi

Vẫn giữ thói quen ngày ở phố, sáng trời, chúng tôi ra đường tìm chút cà phê thanh tỉnh đầu óc. Cả làng cũng chỉ có một quán cà phê nhỏ kiêm tạp hóa, cảm giác thân quen như quán cà phê vợt đầu ngõ. Không bài bố cầu kì, ghế bàn, ly tách đều là những vật thông dụng nhất, nhưng cà phê động đà, tình người nồng hậu. Những ngày ở lại, sáng nào chúng tôi cũng ghé đây nhâm nhi cà phê, bàn luận phim ảnh, đến giờ cơm trưa mới rời đi. 

Cơm trưa của cô chủ nhà lúc nào nào cũng đầy những món hải sản tươi ngon. Cách chế biến không cầu kỳ như nhà hàng, nhưng hương vị đủ đầy như bữa cơm của mẹ vậy. Chúng tôi thường sẽ nghỉ trưa một lát trước khi lao mình xuống biển. Tất nhiên rồi, đi biển sao có thể không tắm biển. Những ngày này hơi lạnh, nên giữa trưa có lẽ là lúc tắm biển thích hợp nhất, bất chấp da sẽ đi đi không ít. Từ biển lên, tôi thích ngồi giữa nắng hanh phơi mình, để nắng sấy ráo hết những ướt át trong người. Bật khúc “Biển tình” lang thang nhặt vỏ ốc vỏ sò. Dù đi đâu tôi cũng giữ thói quen nhặt nhạnh lá khô, hạt thông, ốc sò,... chúng đượm hơi thở đất trời địa phương tôi đặt chân tới, cảm tưởng như mang chúng về là có thể lưu giữ mãi mãi nơi đó bên người. Có lúc ước ao nhặt hết cái thế giới này, nhưng tôi biết là mình không thể. 

 Chiều chiều ngồi nghe nhạc ngắm biển

Buổi chiều chúng tôi thường sẽ ngồi nghe nhạc, bàn chuyện cho dự án tiếp theo hay đôi khi chỉ ngơ ngác nhìn bộ đồ ướt trên dây phơi bay bay trong gió. Có lẽ không đâu hợp để suy nghĩ như chốn sông nước. Giữa một vùng mênh mang, sóng sau xô sóng trước, cứ vậy đẩy đưa dòng suy nghĩ chạy đi. Người ngồi ngóng biển, lại nhấp một ngụm cà phê, tiến lên một bước là đường dài không đích, lùi lại một bước là biển rộng trời cao. Cứ ngẩn ngơ như vậy đến khi khói lam chiều quẩn quanh đầu mũi, sẽ thấy các em nhỏ tan trường về nhà dọc con đường biển. Chúng đạp xe chuyện trò, thi thoảng lại ngoảnh đầu nhìn biển, như thể bao năm qua, bao ngày qua đều nhìn ngắm như vậy. Nỗi nhớ nhung quê nhà của những năm tháng sau này có lẽ bắt đầu từ những buổi chiều bình lặng vậy thôi.

 Các em học sinh tan trường về nhà

Trong đám nhóc của làng, chúng tôi kết bạn với cậu bé nhà bên kia đường. Cậu đang thay răng, cười lên trống huếch, lúc nào cũng tủm tỉm, có năng khiếu hội họa. Cậu cho chúng tôi xem những bức họa anh hùng và làng biển của mình. Trẻ con rất dễ làm quen, chiều đến sẽ qua rủ chúng tôi đi chơi. Cậu dẫn chúng tôi ra sau làng, đi dọc bờ sông, nhìn thuyền thúng được họa đủ sắc màu, đi qua làng nghề bánh tráng tìm những đền miếu hoang lạnh. 

 Chúng tôi được cậu nhóc mới quen dẫn đi dạo quanh làng...

 ...và tình cờ phát hiện làng nghề bánh tráng

Như bao làng chài khác, vì cả đời thuận theo ý biển nên người dân vẫn còn giữ nhiều tập tục thờ cúng, kiêng cữ, không khó để tìm thấy đền miếu ở đây. Cậu bé dẫn chúng tôi tìm đến miếu Ông cũ kỹ, nơi chôn xác cá ông, cả ngôi miếu như một nấm mồ hoang không người chăm chút. Ngoài ra còn có ngôi miếu thờ người tử nạn vì bom đạn trong chiến tranh, miếu cô hồn, đền thờ gia tổ của làng này.

 Miếu Ông như nấm mồ hoang lạnh

Có hôm tinh nghịch, chúng tôi còn mượn ghe chèo ra giữa sông, lênh đênh trên nước nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Giữa sông nước thênh thang, thấy mình thật tự do, mơ màng đánh một giấc trưa, đến khi tỉnh dậy mới loay hoay chèo về.

 Mượn thuyền chèo ra giữa sông chơi

Ngày về, chúng tôi được chú chủ nhà đưa ra đầu làng bắt xe buýt về Đà Nẵng. Trời chiều buông một màu xanh ảm đạm, tàn tích của những đám mây phảng phất. Tiết trời vẫn buồn buồn như những ngày tôi ghé đến. Nghĩ lại những ngày lưu lại đây, không vội vã đến điểm này chỗ kia, vẫn có thể tận hưởng thiên nhiên tuyệt vời và kết thành cảm xúc tốt đẹp. Tôi tin rằng bản chất của mỗi chuyến đi là thế, không nhất thiết là thắng cảnh danh lam tuyệt vời, chỉ cần thả mình và chìm đắm, trong tầm mắt đều là cái đẹp. Ngày đẹp, cứ dạt dào trôi qua như thế.


 


ADVERTISEMENT