Photograph Thế giới “đa góc nhìn” qua loạt dự án nhiếp ảnh nghệ thuật
“Nghệ thuật là sự tự do biểu đạt, một cuộc phiêu lưu không giới hạn”. Hành trình kiếm tìm nguồn cảm hứng mãnh liệt, nhiều nhiếp ảnh gia đã “kịp” ghi lại những khoảnh khắc mãn nhãn đến ấn tượng trên khắp mọi miền. Ngắm nhìn thế giới “đa góc nhìn” qua loạt dự án nổi tiếng dưới đây.
Dyal Thak – Vẻ đẹp trên cao nguyên Tây Tạng
Trong suốt những chuyến thăm “mái nhà của thế giới” vào năm 2021, Kin Coedel đã lưu giữ những khoảnh khắc bình dị về con người và cuộc sống nơi đây.
Ở độ cao 3200m so với mực nước biển, Tây Tạng như tách biệt với cuộc sống đương đại. Phong cảnh thơ mộng và hoang sơ, động vật rong ruổi khắp nơi, những ngôi chùa Phật giáo… cùng nếp sống hài hoà và lạc quan của con người, tất cả đều được thể hiện qua những khung hình của nhiếp ảnh gia đến từ Trung Quốc.
Đặc biệt, anh đã dành ba tháng sống ở làng Ritoma, nơi có lịch sử làm nghề nông và dệt may lâu đời. Tại đây, Kin Coedel có cơ hội gắn bó với xưởng Norlha làm dệt, kéo sợi, đan len… những sản phẩm tập trung vào thủ công truyền thống và mang tính bền vững. Cũng vì vậy mà loạt ảnh trong Dyal Thak là về những người phụ nữ gắn bó lâu năm cùng sản phẩm độc đáo của họ.
After Dark – Màn đêm chốn thị thành
Như một cuộc hành trình xuyên màn đêm, After Dark của Nhiếp ảnh gia Liam Wong là bức tranh phố xá với những mảng màu đa sắc: ánh đèn neon, ga xe lửa, tòa cao ốc và cả con người. Song tất cả đều đối lập với sự huyên náo hằng ngày mà trở nên cô đơn và vắng lặng.
Hành trình “mất ngủ” của Liam Wong bắt đầu từ “trái tim của nước Nhật” Tokyo sang Osaka, Kyoto rồi kéo dài đến những vùng đất đậm chất điện ảnh như Luân Đôn, Paris hay Rome. Tuy có sự khác nhau về vị trí địa lý, song có lẽ vẻ đẹp màn đêm chính là điểm tương đồng của những thành phố.
Qua gam màu điện ảnh của nhiếp ảnh gia, những nơi gần gũi dường như được khoác lên một màu sắc rất khác, mang lại hiệu ứng thị giác mạnh mẽ nhưng đầy lãng mạn. Những bức hình cũng được lưu lại trong quyển sách ảnh cùng tên.
Salt Works – Công trình của muối
Bắt đầu từ năm 2018, Nhiếp ảnh gia Tom Hegen đã bay khắp các vùng từ phía tây Australia, Senegal, Pháp đến Tây Ban Nha để ghi lại những khung hình sống động của các cánh đồng sản xuất muối.
Khác với màu trắng tinh khôi thường thấy, khi bốc hơi nhiều hồ nước để lộ bề mặt đất với đủ sắc xanh, đỏ, vàng… rực rỡ đầy mê hoặc. Lý giải cho điều này: Khi làm muối, người dân thường dẫn nước biển vào những cánh đồng, sau đó mặt trời và gió giúp làm bay hơi chất lỏng để lại các khoáng chất kết tinh phía sau. Lúc này, vi khuẩn sẽ pha màu muối thành những tấm thảm màu phong phú.
Tom Hegen nổi tiếng với các dự án chụp ảnh trên không, mang đến những góc nhìn sâu sắc về sự liên kết giữa con người và thế giới tự nhiên. Hơn 160 “công trình muối” đã được nhiếp ảnh gia ghi lại và xuất bản trong cuốn sách Salt Works.
California qua góc nhìn hoài cổ
Ludwig Favre là một nhiếp ảnh gia người Pháp có niềm yêu thích đặc biệt với các thành phố lớn và phong cảnh nước Mỹ. Anh đã đi khắp nơi và ghi lại khoảnh khắc trong cuộc sống gần gũi hằng ngày từ tòa nhà, công viên, hồ bơi, trường đại học đến những bãi biển hoang sơ…
Qua ống kính của Ludwig Favre tất cả trở nên siêu thực như tranh vẽ, mang một màu sắc hoài niệm như đang sống trong những thập niên xưa. Nhiều ý kiến cho rằng, những tác phẩm đã truyền được nguồn cảm hứng đặc biệt, biến những khung cảnh quen thuộc mà chúng ta bỏ qua trở nên tuyệt đẹp và đặc biệt hơn bao giờ.
>> Xem thêm: Twinspiration: Mỗi khung hình đều chứa đựng cảm xúc đặc biệt