The Art Corner Tia-Thuỷ Nguyễn giới thiệu tác phẩm sắp đặt “Hồi Sinh” tại Hà Nội
Cơn bão Yagi đã quật đổ và làm gãy hơn 25.000 cây xanh ở nội đô Hà Nội. Trong số đó có một cây xà cừ khoảng 70 năm tuổi, cao hơn 20m, thuộc khuôn viên vườn hoa Cổ Tân, quận Hoàn Kiếm. Cây xà cừ này thuộc nhóm cây được người Pháp du nhập từ châu Phi để trồng thí điểm thành cây xanh đô thị (quá trình này bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX).
Nhận thấy sự hiện diện của thế hệ cây mang tính đại diện cho một thời kỳ lịch sử của Thủ đô, nữ nghệ sĩ Tia-Thuỷ Nguyễn đã chuyển hoá đời sống của cây xà cừ ấy, mang lại cho nó một hình hài mới, một cuộc sống mới.
Vừa là khung, vừa là hình
Tia-Thuỷ Nguyễn nương theo hình thái ban đầu của thân cây để tạo hình, hàn liên kết nhiều lá thép lên trên theo lối khảm hoạ tiết. Sau nhiều nghiên cứu, tính toán và kinh nghiệm, cô và các cộng sự đã hoàn thiện được kỹ thuật cũng như tính thẩm mỹ để làm nên tác phẩm “Hồi Sinh” trong hơn 6.000 giờ.
Đầu tiên, các tấm thép không gỉ dày 5mm được gò thủ công, ôm theo hình dáng của thân cây. Sau đó, những người thợ sẽ hàn kín, đồng thời tạo ra những nốt và rãnh xù xí bám vào lớp vỏ cây gồ ghề để tạo nên lớp vỏ bọc ánh kim ngũ sắc, phản chiếu khi ánh sáng chiếu vào. Lớp kim loại bên ngoài này vừa là khung tác phẩm, vừa là lớp trang sức đầy sức hút. Cành cây được tạo hình mô phỏng sự khúc khuỷu tự nhiên và hàng nghìn chiếc lá được tạo ra bằng thép óng ánh.
Toàn bộ quá trình mạ kim mất hơn 6.000 giờ công, sử dụng hơn 6 tấn kim loại. Với sự tính toán chi ly từng góc cạnh, Tia-Thuỷ Nguyễn và cộng sự của mình thể hiện nỗ lực đẩy lùi đi vẻ hoang tàn của cái chết. Cô mong muốn ‘bắt’ được những hiện tượng khác nhau diễn ra quanh tác phẩm, liên kết giữa hủy diệt và tái thiết, tan rã và hòa hợp, cái chết và tái sinh.
Chơi đùa cùng ánh sáng
Tác phẩm “Hồi sinh” được đặt tại chính địa điểm cũ nơi nó từng sống một kiếp trước xanh tươi. Cây xà cừ nay trở nên sống động hơn, ứng biến với từng giọt nắng chạm vào cơ thể. Sự sống và năng lượng của “Hồi Sinh” không chỉ nằm ở chính nó, mà còn ở sự tiếp xúc của nó với thế giới xung quanh. Ánh sáng đã bị “bẫy” vào cuộc chơi của Tia-Thủy Nguyễn – từng chiếc lá thép, từng bông “hoa” thạch anh phản chiếu lấp lánh mỗi khi có tia nắng rơi vào.
Cuộc chơi với ánh sáng như một vòng lặp liên tục, ngày này qua ngày khác, bạn sẽ chẳng bao giờ xem lại được hai hoạt cảnh hoàn toàn giống nhau. Bằng sự sáng tạo tài tình, Tia-Thuỷ Nguyễn đã tạo ra một màn trình diễn của tự nhiên.
Tia-Thuỷ Nguyễn đã dung hòa được sự nguy nga, phóng khoáng của một sắp đặt cỡ lớn và sự cá nhân trong từng trải nghiệm xem của khán giả. Tác phẩm trở thành sợi dây kết nối, không chỉ giữa người thưởng lãm và ánh sáng tự nhiên, mà còn chính họ với từng nỗi nhớ đang hiện diện bên trong.
Nét độc đáo của tác phẩm không phải ở sự choáng ngợp về kích thước mà chính là những chi tiết điểm xuyết tạo nên sức sống. “Hồi Sinh” gợi cho người xem nhiều sự tò mò về hình dạng (form), xuất xứ (origin) một tác phẩm, đồng thời cũng đề xuất nhiều khả năng tiếp cận khác nhau cho cùng một tác phẩm nghệ thuật.
Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm đã ủng hộ và phê duyệt đề xuất này hướng tới mục đích phục hồi và làm đẹp không gian công cộng sau bão Yagi, tạo điểm nhấn nghệ thuật và văn hóa cho quận, phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, đồng thời phát huy giá trị lịch sử và di sản của cây xanh đô thị.
>>Xem thêm: Triển lãm "Sound of Colors Trio" – nơi ba góc nhìn hội họa cùng hòa nhịp