share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Automobile Tourbillon: "cơn lốc xoáy điện khí hoá" của Bugatti


ADVERTISEMENT

Mẫu xe mới của Bugatti không chỉ gây ấn tượng về cái tên giao thoa giữa siêu xe và đồng hồ cao cấp, mà còn cả lối truyền tải những kỳ quan cơ khí đó vào từng chi tiết để mở ra một kỷ nguyên điện khí hóa đầy hứa hẹn cho thương hiệu Pháp.

Bugatti, cái tên gợi đến hình ảnh những cỗ xe phá kỷ lục tốc độ, vừa khoác lên bộ cánh khí động học lộng lẫy mà ngạo nghễ. Tourbillon trong tiếng Pháp nghĩa là “lốc xoáy”, là một bộ phận đặc biệt tinh xảo và đắt giá, đóng vai trò giữ nhịp cho đồng hồ cơ luôn chính xác dưới tác động của trọng lực. Phát minh ra đời từ thế kỷ 18 đến ngày nay vẫn được suy tôn là một trong những cơ chế phức tạp bậc nhất trên một chiếc đồng hồ cơ.

Không chỉ sở hữu tên gọi đầy ẩn ý về sự trường tồn vượt thời gian và cơ khí chính xác, Bugatti Tourbillon còn là mẫu xe mới đầu tiên ra đời sau khi Bugatti sáp nhập với Rimac - hãng xe điện đến từ Croatia, mở ra kỷ nguyên giao thoa thú vị giữa những khối động cơ xăng mạnh mẽ thuần khiết của Bugatti và công nghệ điện hóa mang sắc màu của Rimac.

Bản giao hưởng của động cơ đốt trong và điện khí hóa

Để lột xác trải nghiệm một cỗ xe theo cách triệt để nhất, động cơ là thứ đầu tiên cần cân nhắc tới. Bugatti đã mạnh dạn giã từ cỗ máy W16 tăng áp vốn đã định hình nên những cỗ xe mang DNA của thương hiệu trong suốt 2 thập kỷ qua như Veyron hay Chiron, để thay thế bằng một khối động cơ V16 hiếm có. Đó là chưa kể, “trái tim” dũng mãnh đó lại được “chắp cánh” bằng những mô-tơ điện mạnh mẽ mà Rimac đã dày công chế tạo cho dự án này.

Bugatti làm giới mộ điệu đi hết từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác khi công bố sẽ trang bị cho mẫu Tourbillon một khối động cơ V16 dung tích 8.3L "hàng thửa” từ hãng Cosworth của Anh quốc. Đây là lối bố trí xi-lanh có lịch sử lâu đời, từ đầu thế kỷ 20, nổi tiếng với những chiếc xe như Cadillac V-16 (sản xuất giới hạn chỉ khoảng 4.000 chiếc trong suốt 11 năm). Trong lãnh địa xe cộ, khi nhắc đến động cơ 16 xi-lanh, sự độc tôn của các cỗ máy W16 suốt 2 thập kỷ qua hoàn toàn có cơ sở do thiết kế nhỏ gọn. Trong khi đó, V16 hầu như đã “tuyệt chủng” gần một thế kỷ qua vì chi phí đắt đỏ mà lại ngốn quá nhiều diện tích trên một không gian “tấc đất tấc vàng” như siêu xe hay xe sang. 

Hai thập kỷ trở lại đây, nhiều hãng xe đã “lăm le” hồi sinh động cơ V16, chẳng hạn như mẫu xe concept Sixteen của Cadillac ra mắt năm 2003. Một năm sau đó, Rolls-Royce cũng mạnh dạn giới thiệu concept 100EX với ý tưởng sử dụng sức mạnh động cơ V16, tương tự với nguyên mẫu BMW 7 Series Goldfisch và Bentley Mulsanne. Xứ Dubai cũng góp mặt vào cuộc chơi V16 với một cái tên đình đám đương thời là Devel Sixteen (trong tên gọi đã gợi mở về V16) song phiên bản sản xuất chính thức hóa ra lại chỉ có động cơ V8. Vì vậy, sự xuất hiện chính thức của động cơ V16 trên một chiếc xe sẽ chính thức được xuất xưởng đến tay khách hàng như Tourbillon làm giới mộ điệu phải ngả mũ trước thành tựu không tưởng và độ "chịu chơi” của Bugatti.

Sự trở lại của động cơ V16 trên một chiếc xe Bugatti, vốn đã rất thành công với các khối động cơ W16 đã khẳng định tính độc tôn “Last of its kind” trong suốt gần 2 thập kỷ, không khỏi khơi gợi tò mò trong giới mộ điệu: vì sao phải là động cơ V16, và cỗ máy này “ăn nhập gì” với cơ cấu truyền động hybrid trên Tourbillon.

Chi tiết cụ thể vẫn chưa được đại diện hãng tiết lộ, song nhìn vào trọng lượng của Tourbillon và đặt lên bàn cân với các mẫu xe tiền nhiệm, có thể nhận ra quyết định của Bugatti không chỉ là để “lấy tiếng” mà đó là một thách thức cần phải chinh phục, khi những cỗ xe mạnh mẽ của hãng tiến vào kỷ nguyên điện hóa mà không “phình to” quá mức, ảnh hưởng đến tổng thể thiết kế và hiệu suất của xe (tỉ lệ mã lực trên trọng lượng là niềm tự hào nhưng cũng là thách thức bậc nhất trong quá trình chế tạo xe hiệu suất cao).

Chỉ riêng khối pin trên Tourbillon đã nặng 200kg, chưa tính đến 3 mô-tơ điện và các hệ thống phức tạp tích hợp vào xe, trong khi Tourbillon chỉ nặng 1995 kg, ngang ngửa Chiron - mẫu xe không hề có thêm bất kỳ cơ chế lai điện nào. Sử dụng động cơ V16, Bugatti đã có thể bù đắp trọng lượng của hệ thống hybrid trên mẫu xe mới. Với cơ chế hút khí tự nhiên, động cơ này có trọng lượng vỏn vẹn 250kg, sau khi đã loại bỏ được các bộ tăng áp cùng hệ thống làm mát cồng kềnh và nặng nề như thiết kế W16 của các mẫu xe tiền nhiệm Veyron và Chiron. Xe sử dụng dẫn động bánh sau thông qua hộp số ly hợp kép tám cấp mới và bộ vi sai hạn chế trượt điện tử.

Lựa chọn động cơ V16 đã mở ra không gian quý giá cho những sáng tạo của Rimac, vốn nổi tiếng với kỹ nghệ sản xuất siêu xe thuần điện. Hãng xe đến từ Croatia đã tận dụng điểm mạnh này để biến Tourbillon trở thành chiếc plug-in hybrid Bugatti đầu tiên, và cũng theo một cách cực kỳ ấn tượng so với các mẫu xe đồng trang lứa.

Bản thân trái tim V16 này có thể sản sinh công suất lên đến 986 mã lực, ngang ngửa cấu hình W16 trên Veyron. Xét về thông số là thế, về cảm xúc, khối động cơ hút khí tự nhiên có khả năng tạo ra những trường âm thanh mang tính kích thích cao độ phát ra từ pô xe, đặc biệt khi chân ga đẩy vòng tua máy lên đến mức tới hạn 9.000 vòng/phút. Độ “phê” hứa hẹn hơn hẳn so với chất âm từ động cơ tăng áp của “đàn anh” Veyron hay Chiron.

Với động cơ V16 nạp khí tự nhiên, bản giao hưởng này sẽ kích thích người nghe bằng những tiếng gầm gừ dũng mãnh thuần chủng. Âm thanh đó không “đằm thắm” như khối động cơ W16 tăng áp, mà khuấy động một cảm giác hoang dại có lẽ rất lâu rồi người ta mới có dịp được rót vào tai. Và trong bản nhạc được cất lên bởi Bugatti Tourbillon, có cả những khoảng lặng im thanh bình, khi xe lăn bánh bằng chế độ thuần điện, đầy thân thiện với những người hàng xóm không thích ồn ào.

Khía cạnh điện hóa của Tourbillon mang nhiều dấu ấn của Rimac, tựa như hổ mọc thêm cánh, với hệ thống hybrid bao gồm 3 mô-tơ điện cùng khối pin 25kWh, đem tới cho chiếc xe thêm 789 mã lực, giúp tổng công suất tăng gần gấp đôi, đạt 1.775 mã lực, cùng phạm vi hoạt động thuần điện lên đến 60 km.

Độ “điên rồ” từ đó cũng được đẩy lên cao độ trên cỗ xe mới nhất của Bugatti, thương hiệu nổi tiếng với những cú tăng tốc ngoạn mục. Theo công bố của Bugatti, Tourbillon có thể đạt tốc độ 300km/h trong chưa đầy 10 giây, nới rộng khoảng cách 3-4 giây so với mẫu tiền nhiệm. Thậm chí xe không cần quá 25 giây để đạt tốc độ 400km/h. 

Nghệ thuật đánh thức thị giác

Động cơ là thứ hấp dẫn nhất trên cỗ xe này, nhưng không vì thế mà các khía cạnh khác bị xem nhẹ. Ngoại diện Tourbillon mang đậm DNA của Bugatti, phảng phất những nét thẩm mỹ đã quyến rũ bao người kế thừa từ Chiron hay La Voiture Noire. Từ mặt ca lăng hình móng ngựa đặc trưng đến cụm đèn pha thanh mảnh xếp bóng LED thành một hàng ngang thẳng tắp. Cửa cánh bướm là chi tiết duy nhất của riêng Tourbillon, chưa từng xuất hiện trên bất cứ “đàn anh” nào trước đây. Tính khí động học cũng được đề cao, với cánh gió chủ động đuôi xe giúp tăng lực ép xuống mặt đường khi xe di chuyển ở tốc độ cao và hỗ trợ giảm tốc khi phanh.

Giữa thời đại đề cao trải nghiệm kỹ thuật số, khi màn hình cảm ứng trở nên vô cùng phổ biến trong cabin xe (Lamborghini Revuelto thậm chí có đến 3 chiếc), nội thất của Tourbillon lại rất tối giản và thuần cơ. Đầu tiên phải kể đến cụm đồng hồ full analog được tích hợp vào trục vô-lăng rất cơ học. Tiếp theo là sự lầm tưởng thú vị khi nhìn những hình ảnh nội thất của chiếc Bugatti này: không có màn hình giải trí trung tâm! Thực ra, chi tiết này được "giấu bài” rất tinh tế bên trong yên ngựa mà người lái có thể triệu hồi nếu muốn. Khi đó, một chiếc màn hình be bé sẽ nhô ra từ bảng trung tâm, cảm giác như biểu tượng Spirit of Ecstasy vươn ra từ nắp capo của một chiếc Rolls-Royce.

Bugatti Tourbillon còn khiến người ta thèm khát hơn vì hiếm hơn cả Veyron và Chiron trước đây. Hãng xe Pháp tuyên bố chỉ xuất xưởng giới hạn 250 chiếc với giá bán khoảng 4,5 triệu USD và bắt đầu giao xe vào năm 2026.

Món phụ kiện đi cặp “đắt hơn cả siêu xe”

Như thông lệ, người sở hữu chiếc Tourbillon có thể cân nhắc tậu thêm một chiếc đồng hồ của Jacobs & Co. Giá bán cho phụ kiện này còn đắt giá hơn cả những siêu xe như Ferrari Roma hay Lamborghini Urus. Mặt đồng hồ được trang trí bằng hình ảnh khối động cơ V16 có thể chuyển động piston như thật. Jacob & Co cho biết có 10 chi tiết thiết kế lấy cảm hứng trực tiếp từ Bugatti Tourbillon. Hình dáng bộ vỏ cũng giống siêu xe mới của Bugatti, với các khe gió ở hai bên lưới tản nhiệt trước. Hai bên cạnh đồng hồ có khe mở bằng sapphire với hình dáng giống cửa sổ xe.

Tuyên ngôn điện khí hóa của Bugatti 

Tourbillon như một lời nhắc nhở về những giá trị mà các thương hiệu xe hạng sang đã làm cả thế giới mê hoặc: sức mạnh cơ bắp và âm thanh thuần chủng của những khối động cơ nạp khí tự nhiên, đặc biệt là dòng 16 xi-lanh vốn đang trên đà “tuyệt chủng” với số lượng đếm trên đầu ngón tay.

Đó còn là những đường nét khí động học uốn lượn, tinh tế mềm mại, ẩn chứa những tính toán và tinh chỉnh phức tạp như con người tạo ra những công trình kiến trúc trường tồn với thời gian; là khoang cabin vỗ về mọi giác quan của người lái lẫn hành khách. Với những tín đồ thuần túy, trải nghiệm cơ học còn được đề cao đến mức cực đoan như nút bấm hay đồng hồ analog. Dấu ấn của Tourbillon hứa hẹn sẽ khuấy động ngành công nghiệp xe hơi, như cái cách những "lốc xoáy” tourbillon vẫn đang làm khuấy đảo lãnh địa chế tác đồng hồ cơ cao cấp suốt hơn hai thế kỷ qua.


ADVERTISEMENT