share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Về Tiền Giang thăm làng Cổ đông Hòa Hiệp


ADVERTISEMENT

Trưa nắng tháng Ba hanh hao màu áo, trong nhà máy lạnh mở hết cỡ, cảm giác ngột ngạt giữa phố phường khiến tôi nhớ đến những ngày được sống trong ngôi nhà cổ với giường tre, gió lùa qua song. Sáng thức dậy nghe tiếng chim ríu rít, tiếng chó sủa ngoài đầu ngõ, tiếng xuồng máy rì rì ngoài kênh. Những ký ức ấy cứ vương vương trong những ngày như thế này.

Tôi đến làng cổ Đông Hòa Hiệp ở Cái Bè khi những đóa hoa osaka cam nở rực ở bến sông. Ấn tượng đầu tiên của tôi là con đường nhỏ bên bờ kênh quá xinh. Thiệt không quá khi dùng từ “ngất ngây” cho lối đi nhỏ ấy. Con đường nhỏ trải bê tông sạch sẽ, hai bên người dân trồng hoa và rau trái xanh mát, tạo nên cái hồn của miền quê. Vẻ đẹp dân dã thôn quê ấy, cộng thêm nét thơ mộng của con sông Cái Bè và những con kênh uốn mình trước cửa những ngôi nhà cổ, càng khiến nơi này thu hút du khách quốc tế về thăm và trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng sông nước Tiền Giang.

    Con đường bên bờ sông, rau trái xanh mát

                            Con đường lãng mạn khiến bao người ngẩn ngơ                    

Trước khi đến Đông Hòa Hiệp, Tiền Giang trong suy nghĩ của tôi chỉ là những cù lao giữa mênh mông sông nước, những vườn trái cây trĩu quả. Khi đến rồi thì những ngôi nhà cổ đậm chất Nam bộ khuất trong tán lá, bình yên, mộc mạc theo năm tháng lại là một điểm nhấn đặc biệt nữa để tôi thêm yêu miền đất yên ả này. Gọi là làng cổ, nhưng không giống như bất cứ làng cổ nào ở Việt Nam với các ngôi nhà trăm tuổi san sát nhau, với giếng nước cây đa, sân đình và không phải ngôi nhà nào ở đây cũng là nhà cổ. Ở Đông Hòa Hiệp, giữa những ngôi nhà mới xây hiện đại là những căn nhà cổ hàng trăm tuổi mang đậm phong cách nhà vườn Nam bộ đan xen giữa những vườn cây ăn trái xum xuê.

Những căn nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp nằm xen giữa những vườn cây xum xuê

Trong số 7 căn nhà cổ từ 150-220 năm và 29 ngôi nhà từ 80-100 năm, nhà ông Kiệt, ông Ba Đức, ông Võ, ông Tòng, ông Xoát… là những ngôi nhà mà tôi thích đến nhất. Và những ngôi nhà này dù đều là nhà cổ Nam bộ nhưng lại mang đến cho tôi những cái nhìn hoàn toàn khác nhau.

Thăm những căn nhà cổ tuổi gần 200 năm ở đây cho tôi cảm xúc rất đặc biệt

Mải mê ngắm hoa, ngắm thuyền ghe qua lại, chút xíu nữa là tôi đi qua cổng vào nhà ông Kiệt. Nếu nhìn từ ngoài, nhà ông Kiệt cũng như bao căn nhà khác nằm trong một khu vườn mênh mông. Phía trước ngôi nhà là khoảng sân rộng đặt bàn đá, ghế, võng đong đưa dưới bóng cây. Tôi muốn thả lưng ngay xuống chiếc võng mà ngủ một giấc thật ngọt, nhưng ngôi nhà cổ như có một sức hút vô hình.

Khoảnh sân với chiếc võng đung đưa ở nhà cổ của ông Kiệt

Ngôi nhà có tuổi đời gần 200 năm này có kiến trúc kiểu chữ Đinh với 5 gian rộng rãi. Ở trong nhà, các kèo, ô cửa, bao lan bằng gỗ có chạm khắc tinh xảo các hoa văn và nhiều họa tiết đặc trưng văn hóa Nam bộ. Phía trước nhà được thiết kế theo kiểu song hồng, vừa tạo sự thoáng mát vừa giúp ngôi nhà đón ánh sáng mặt trời. Đây là nơi gia chủ thường ngồi thưởng trà, hóng mát.

Căn nhà cổ gần 200 tuổi của ông Kiệt

Căn nhà có thiết kế thuần Nam bộ

Những vật dụng trong nhà cũng đều là những món đồ cổ quý giá như bộ liễn đối khảm xà cừ, bộ bàn ghế với các hoa văn tinh tế và nhiều vật dụng bằng sứ quý hiếm khác. Tất cả những vật dụng này đều in dấu thời gian và gắn với những câu chuyện “xưa rất xưa”.

Nội thất trong căn nhà đều là đồ cổ quý giá

Nội thất bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo

Phía sau gian nhà chính là khu phòng dành cho khách du lịch tới nghỉ qua đêm theo kiểu homestay và khu nhà ăn rộng rãi sạch sẽ. Nhà cổ của ông Kiệt thường đón những vị khách phương Tây muốn trải nghiệm cảm giác sống trong không gian cổ xưa của đất nước phương Đông khi ngủ trong những chiếc giường tre gỗ cũ kỹ. Ban ngày, họ sẽ thuê xe đạp chạy trên những con đường nhỏ thăm thú các thôn xóm, học nấu ăn hoặc chỉ đơn giản là ngồi uống trà, nghe ca cổ.

Nếu ngôi nhà của ông Kiệt đậm chất phương Đông, thì ngôi nhà cổ của ông Ba Đức lại mang phong cách Đông – Tây kết hợp, giao thoa giữa văn hóa Nam bộ và kiến trúc thuộc địa Đông Dương. Trước nhà có một hành lang rộng, thông thoáng. Mặt tiền của ngôi nhà được xây theo kiểu Pháp với những hàng cột tròn, mái vòm uốn cong. Kiến trúc hiện đại nhưng nội thất bên trong nhà lại thuần Việt với những đồ vật cổ trang trí đẹp mắt. Những bộ tủ thờ, hộp gỗ, bàn ghế, bộ liễn đối… được cẩn ốc xà cừ óng ánh càng làm tô điểm thêm vẻ cổ kính của ngôi nhà.

Căn nhà cổ có thiết kế giao thoa Đông - Tây của ông Ba Đức

Dù có kiến trúc thuộc địa Đông Dương, nhưng nội thất trong nhà rất thuần Việt

Điều tôi thích ở nhà cổ của ông Ba Đức chính là không gian rộng rãi. Ngoài vườn trái cây khách có thể tham quan thưởng thức, phía trước nhà còn có những chậu hoa, cây bonsai rất đẹp. Thơ mộng, đáng yêu hơn nữa chính là bến đò trước cửa nhà tiện lợi cho du khách tham quan bằng đường thủy, quanh năm hoa giấy nở rực rỡ. Tôi thích đứng ở bến đò vào buổi chiều nắng đã hạ, ngắm ngôi nhà cổ xinh đẹp bên bến sông lộng gió.

Nếu căn nhà của ông Kiệt, ông Đức luôn tấp nập du khách tới thăm vì tiện cả đường thủy và đường bộ thì những căn nhà gần 200 tuổi của ông Võ, ông Tòng, ông Xoát lại mang tới vẻ thư tịch. Ở đây, không gian yên ắng cảm giác có thể nghe được cả tiếng lá rơi, tiếng hơi thở của chính mình. Tôi thích tới thăm những ngôi nhà này, vì không gian yên lành và vì tôi có thể cảm nhận rất rõ dấu thời gian. Thời gian dường như cũng trôi đi thật chậm khi tôi được ngồi nghe những câu chuyện “muôn năm cũ” của người chủ nhà hào sảng hiếu khách.

Căn nhà cổ của ông Tòng yên ắng trong một chiều tháng Ba

Trong không gian yên tĩnh và xinh đẹp này, thời gian trôi đi thật chậm

Về làng cổ Đông Hòa Hiệp còn nhiều điều thú vị khác khiến tôi mê mẩn. Đó là được tản bộ trên những con đường nhỏ len lỏi dưới những vườn cây ăn trái, tận hưởng không gian trong lành của làng quê Nam bộ. Đó là được thưởng thức các món ăn dân dã như cá lóc đồng nướng than củi, bông bí nhồi thịt chiên bột… ngay tại khuôn viên sân vườn, vừa ăn vừa nghe những lời ca cổ thắm đượm tình quê. Đó là được thấm cái tình của người miền quê, nhiệt tình từ lúc đón khách, quyến luyến khi tiễn khách với chút quà quê. Cái tình ấy khiến tôi thấy nơi này “bỗng hóa tâm hồn”, nên cứ lưu luyến nhớ nhung!

 

 

 


ADVERTISEMENT