share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Bất động sản bền vững khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2025: từ chứng chỉ xanh đến vật liệu thân thiện với môi trường


ADVERTISEMENT

Áp lực về khí hậu đang thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết đặc biệt với lĩnh vực bất động sản, khi gần 40% lượng khí thải toàn cầu đến từ bất động sản. Trong đó, 28% đến từ các hoạt động xây dựng, hệ thống sưởi ấm và điều hoà không khí, vật liệu xây dựng cũng là một trong những tác nhân chính khi đóng góp 11% lượng khí thải toàn cầu mỗi năm. 

Tiêu chuẩn bền vững bất động sản toàn cầu (GRESB) ước tính, đến nay chỉ có 15% dự án bất động sản toàn cầu đang trên đà đạt được mục tiêu để có thể hạn chế nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,5 độ C do Thỏa thuận chung Paris đưa ra. Bất động sản bền vững tuy là thuật ngữ đầy hấp dẫn, nhưng khả năng đạt được những tiêu chí này không đơn giản chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai. 

Theo các báo cáo tăng trưởng bất động sản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) vừa được công bố, tiềm năng phát triển kinh tế sẽ tiếp tục là đòn bẩy thúc đẩy bất động sản với hàng loạt dự án xây dựng ở các phân khúc khác nhau như bất động sản bán lẻ, bất động sản nhà ở hay bất động sản công nghiệp. Đặc biệt, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cũng đòi hỏi những địa điểm mới cho ngành công nghiệp này, đồng nghĩa với việc bất động sản trở thành ngành hưởng lợi chính của khu vực. 

Tiềm năng đi cùng với thách thức, nhất là ở thời điểm bất động sản đang ngày càng chịu áp lực phải phát triển bền vững để phù hợp với nhu cầu của thị trường và giảm tải những tác động xấu tới môi trường. Mối quan tâm của các nhà đầu tư và kế hoạch hành động cụ thể của các nhà đầu tư bất động sản ở thị trường APAC là một trong những xu hướng chính được nêu ra trong Báo cáo Tổng quát “Emerging Trends in Real Estate” khu vực APAC của PWC và Urban Land Institute. Đúng với tên gọi, báo cáo tập trung phân tích các xu hướng bất động sản mới nổi từ các nghiên cứu kinh tế và xã hội ở các thị trường bất động sản sôi động nhất khu vực như Úc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Singapore hay Việt Nam. 

Một trong những điểm nổi bật của báo cáo này nằm ở thực trạng phức tạp của xu hướng bền vững. Dù các khách thuê, tổ chức hay tập đoàn ngày càng đòi hỏi toà nhà họ làm việc hay sinh sống tuân thủ các nguyên tắc bền vững cơ bản, trên thực tế, chi phí thực hiện thường xuyên các chiến lược hiệu quả carbon (vốn đã đắt đỏ) khiến nhiều nhà đầu tư và chủ sở hữu phải trì hoãn việc nâng cấp các công trình của mình để tập trung vào những ưu tiên khác như lợi nhuận tài chính. Bên cạnh đó, nỗ lực giảm thiểu carbon của bất động sản khu vực cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Mỗi thị trường khác nhau tiếp cận và áp dụng các sáng kiến bền vững theo cách khác nhau, nhất là với sự phức tạp vốn có của những giải pháp công nghệ liên quan để “xanh hóa” một tòa nhà.   

Trước thách thức này, nhiều tổ chức tìm đến các chứng chỉ công trình xanh như một kim chỉ nam dẫn lối. Theo kết quả khảo sát ghi nhận từ báo cáo, trong các yếu tố định hình công trình xanh như tiết kiệm năng lượng, kiểm soát hiệu quả năng lượng, giảm thiểu khí thải carbon, mức tiêu thụ nước… các chứng chỉ xanh sẽ là yếu tố được quan tâm hàng đầu trong năm 2025. Những chứng chỉ quốc tế như BREEAM, LEED, Green Star, Green Mark hay HQE thường đến cùng các chuẩn mực cụ thể nhằm xác định mức độ bền vững của công trình, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều dự án xác định những mục tiêu “xanh” nhất định và tích hợp giải pháp trong các khâu xây dựng và vận hành. 

Ngoài việc tuân theo các chuẩn mực uy tín này, một xu hướng khác cũng sẽ được ngành bất động sản khu vực quan tâm nằm ở phương thức giải quyết khí thải sinh ra trong toàn bộ vòng đời của công trình, bao gồm cả việc khai thác, vận chuyển hay sản xuất vật liệu xây dựng, và quá trình xây dựng hay phá huỷ. Khí thải carbon từ vòng đời toà nhà hiện đang đóng góp tới 15% lượng phát thải của ngành xây dựng Mỹ, nhưng con số này có thể cao hơn ở các nước đang phát triển. Trung Quốc là ví dụ điển hình khi có tới 55% lượng phát thải đến từ vòng đời của các công trình xây dựng. 

Nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc giải quyết loại khí thải carbon này khi không có công cụ tính toán đơn vị carbon trong các vật liệu xây dựng có nguồn gốc địa phương, đặc biệt trong thép và bê tông. Thép có lượng carbon thấp cũng đang ngày càng trở nên hiếm do sự phát triển và cạnh tranh trực tiếp của ngành công nghiệp sản xuất ô tô ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Tất cả những thách thức nói trên khiến cho quá trình “xanh hoá” ngày càng trở nên phức tạp hơn với bất động sản khu vực. Vì thế, cùng với việc trong năm 2025, phát triển bền vững vẫn sẽ là trọng tâm hàng đầu với bất động sản. Tuy nhiên, đây sẽ là năm của việc tìm ra giải pháp cụ thể và áp dụng trực tiếp vào vòng đời của các công trình mới cũng như cải tạo những công trình cũ. 


ADVERTISEMENT