Net Zero: Lợi thế cạnh tranh "đáng gờm" của các dự án bất động sản
Kiến tạo các dự án Bất động sản (BĐS) và tòa căn hộ "Net Zero" đang trở thành một xu hướng được quan tâm trên thị trường, không chỉ về khía cạnh bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội thúc đẩy uy tín và hình ảnh của các nhà đầu tư.
Theo nghiên cứu của JLL Vietnam, 75% khách hàng Việt Nam quan tâm đến các dự án BĐS có tiêu chuẩn bền vững và xanh. Phát triển các dự án Net Zero là một phương thức hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng cường sự tin cậy từ phía khách hàng và cộng đồng.
Bosco Verticale được mệnh danh là "khu rừng thẳng đứng" có tổng diện tích cây xanh lên đến 20,000m2. Ảnh: Stefano Boeri Architetti
Công trình Net Zero là khái niệm dành cho các kiến trúc được thiết kế và vận hành sao cho tổng năng lượng tiêu thụ trong một năm là bằng hoặc nhỏ hơn tổng lượng năng lượng mà tòa nhà sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, một công trình Net Zero hoạt động dựa trên nguyên tắc tiết kiệm năng lượng và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, nhiệt đất hay nước để cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày mà không phụ thuộc vào các nguồn năng lượng phát thải và ô nhiễm môi trường.
Cam kết bền vững
Một trong những lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn Net Zero là thể hiện cam kết của doanh nghiệp đối với bảo vệ môi trường. Các tòa nhà này sử dụng các công nghệ và thiết kế tiên tiến để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, từ việc tiết kiệm năng lượng đến việc sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo.
Năm 2024 ghi nhận sự gia tăng đáng kể về mức độ quan tâm đến bảo vệ môi trường từ phía cộng đồng. Công chúng ngày càng nhận thức về tác động của hoạt động con người đến môi trường và khí hậu. Đây là lúc để các doanh nghiệp và dự án bất động sản ghi điểm trong mắt khách hàng bằng cách đóng góp vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực này.
Không chỉ ở phía người dân và doanh nghiệp, nhiều chính phủ trên thế giới đang thúc đẩy việc xây dựng các dự án bất động sản Net Zero thông qua các chính sách và quy định khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng. Các dự án này thường được ưu tiên trong việc cấp phép và hỗ trợ tài chính, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Tòa nhà One Central Park tích hợp các khu vườn dọc tường cùng hệ thống cảnh quan xanh mát trên các tầng. Ảnh: Wikipedia
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), đại diện Việt Nam đã nêu rõ cam kết mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống 43,5% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) và đạt 8-10% tỷ lệ tiết kiệm năng lượng so với tổng mức tiêu thụ năng lượng giai đoạn 2025-2030. Đồng thời, Việt Nam sẽ triển khai các chương trình chiến lược nhằm giảm phát thải khí nhà kính theo Cam kết cân bằng lượng phát thải vào năm 2050.
Giá trị dài hạn
Hàng năm, lĩnh vực xây dựng tiêu thụ khoảng 40% năng lượng, theo thống kê trên quy mô toàn cầu. Sự xuất hiện của các toà nhà cân bằng năng lượng sẽ là giải pháp giảm thiểu con số này. Các tòa nhà Net Zero áp dụng công nghệ tiên tiến như hệ thống năng lượng mặt trời, thông gió thông minh, cải tiến về cách nhiệt và cách âm, cũng như quản lý nước sạch và nước thải hiệu quả. Sự kết hợp của những công nghệ này không chỉ giúp giảm tác động đến môi trường mà còn tạo ra một một điểm nhấn tích cực trong hình ảnh thương hiệu của các nhà phát triển.
Một hình ảnh thương hiệu thân thiện với môi trường góp phần gia tăng đáng kể sự tin cậy từ phía khách hàng và cộng đồng. Giá trị dài hạn của một công trình Net Zero không chỉ ở mặt tài chính mà còn ở khía cạnh xã hội và môi trường. Những ngôi nhà này có thể tăng giá trị và thu hút nhiều người mua nhà hơn trong tương lai, đồng thời giữ vững và nâng cao uy tín của các dự án xây dựng.
Có nhiều dữ liệu thống kê và nghiên cứu đã chứng minh các tòa nhà Net Zero không chỉ giảm được chi phí vận hành mà còn mang lại lợi ích kinh tế dài hạn. Nếu có sự chuẩn bị từ sớm, doanh nghiệp có cơ hội trở thành những nhà tiên phong trong xu hướng xây dựng xanh này tại thị trường trong nước, thu hút được các tài năng và đối tác cùng tầm nhìn và giá trị cam kết với môi trường.
Thành phố Masdar (Abu Dhabi, UAE) là hình mẫu đô thị phát triển bền vững. Ảnh: Masdar City
Một số dự án bất động sản hướng đến mục tiêu Net Zero
Masdar City, Abu Dhabi, UAE: Là hình mẫu đô thị phát triển bền vững, thiết kế của thành phố được tối ưu để giảm thiểu năng lượng tiêu thụ và khí thải, đồng thời sản sinh năng lượng tái tạo từ các nguồn như mặt trời và gió. Các tòa nhà được quy hoạch sát nhau, đường hẹp, cửa sổ nhỏ, mang lại không gian mát mẻ nhưng vẫn đủ thông thoáng tự nhiên thay cho điều hòa. Thành phố Masdar có hệ thống tái chế và xử lý chất thải, với lượng điện và lượng nước sử dụng ít hơn lần lượt là 70% và 40% so với chuẩn thông thường.
One Central Park, Sydney, Úc: Tòa nhà tích hợp các khu vườn dọc tường cùng hệ thống cảnh quan xanh mát trên các tầng. Các loại cây được tuyển chọn có khả năng để phản chiếu ánh sáng mặt trời và cung cấp bóng mát, giúp giảm nhiệt độ bề mặt và tiết kiệm năng lượng cho hệ thống làm mát. Pin mặt trời được lắp đặt trên mái để tích năng lượng và cung cấp điện cho tòa nhà. Hệ thống cách nhiệt và cách âm tiên tiến giúp giảm tiêu thụ năng lượng cho hệ thống làm lạnh và sưởi ấm. One Central Park có hệ thống thu gom nước mưa và xử lý nước thải để tái sử dụng trong việc tưới cây và cung cấp nước cho các khu vườn xanh. Việc sử dụng nước tái chế giúp giảm áp lực lên nguồn nước ngầm và môi trường nước, giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng cho hệ thống cấp nước của dự án.
Bosco Verticale (Vertical Forest), Milan, Ý: Dự án bao gồm hai tòa nhà chọc trời, được mệnh danh là "khu rừng thẳng đứng" có tổng diện tích cây xanh lên đến 20,000 m2. Các cây xanh này không chỉ cải thiện chất lượng không khí mà còn giúp cách nhiệt cho các tòa nhà, giảm tiêu thụ năng lượng. Đạt chứng chỉ LEED Gold về công trình xanh vào năm 2016, đây là một trong những tòa nhà tiêu biểu nhất trong thập kỷ qua, thường xuyên làm hình mẫu truyền cảm hứng cho các công trình xanh.
Ảnh: Frasers Property
Các nhà phát triển bất động sản đặt mục tiêu Net Zero
Bên cạnh các công trình xanh nổi bật, một số nhà phát triển bất động sản cũng thu hút sự quan tâm của công chúng với những mục tiêu hướng đến Net Zero ấn tượng.
Frasers Property: Sở hữu danh mục đa dạng và mang tính toàn cầu gồm các dự án nhà ở, bán lẻ, văn phòng, công viên kinh doanh, khách sạn và các dự án công nghiệp và logistics, Frasers Property đã cam kết đạt chuẩn net-zero vào năm 2050 cũng như đặt mục tiêu 80% tài sản thược quyền sở hữu và quản lý sở hữu chứng nhận xanh vào năm 2024.
Skanska: Nhà phát triển mong muốn trở thành một trong những đại diện đi đầu trong việc định hình một tương lai cân bằng carbon với mục tiêu phát thải ròng "zero" vào năm 2045. Để hiện thức hóa tham vọng đó, Skanska tiến hành phân tích kịch bản và triển vọng thị trường để hiểu nhu cầu của cộng đồng và khách hàng, cũng như dữ liệu, kế hoạch và mục tiêu cụ thể theo thị trường.
Lendlease: Hướng đến mục tiêu đạt Net Zero vào 2025 và không carbon tuyệt đối vào năm 2040, Lendlease tập trung sử dụng năng lượng tái tạo và triển khai các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và khí thải carbon, cũng như sự hỗ trợ từ đối tác, khách hàng, chuỗi cung ứng.
>>Xem thêm: Thị trường cần thay đổi thói quen để phát triển bền vững