share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Đồng hồ Pop Art: Khi nghệ thuật đại chúng hiển lộ trên mặt số


ADVERTISEMENT

Mặt số đồng hồ từ lâu đã là vùng đất màu mỡ cho các thể nghiệm nghệ thuật và những hình ảnh giàu tính đại chúng như pop art càng tô điểm thêm nét màu táo bạo trong bức tranh trùng điệp thẩm mỹ thanh lịch truyền thống của ngành.

Vào thập niên 1930, Chuột Mickey của Disney không chỉ khuấy đảo khắp các màn bạc mà còn cứu vãn thương hiệu đồng hồ lâu đời của nước Mỹ - Ingersoll khỏi tình cảnh phá sản trong cơn Đại Suy Thoái tồi tệ đương thời. Dù chất lượng hoàn thiện không cao và chỉ được bán tại các trung tâm thương mại, những chiếc đồng hồ Ingersoll có mặt số lấy cảm hứng từ Chuột Mickey vẫn có một sức sống mãnh liệt, tồn tại đến ngày nay trong sự nâng niu của một bộ phận nhà sưu tầm đam mê nghệ thuật đại chúng.

Chuột Mickey không phải là đại diện duy nhất về một thời đại mà các tác phẩm pop art đổ bộ ào ạt lên không gian nhỏ bé của mặt số đồng hồ. Ngày nay vẫn còn vết tích về những mẫu "vintage" mang hình ảnh hiệp sĩ Lone Ranger, Zorro hay "ông hoàng nhạc Rock & Roll" - Elvis Presley.


Ingersoll tái bản giới hạn 900 chiếc đồng hồ nhân kỷ niệm dấu mốc thương hiệu đồng hồ đầu tiên "bắt tay" với Chuột Mickey vào năm 1933. Ảnh: Ingersoll 1892

"Gia phả" của đồng hồ pop art không thể thiếu “gã khổng lồ” Swatch với những thiết kế nhỏ bé trong bộ vỏ nhựa nhưng góp phần không nhỏ cứu rỗi ngành chế tác đồng hồ Thụy Sĩ qua cơn khủng hoảng thạch anh vào những năm 1970.

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1983, điểm nhấn của những chiếc đồng hồ này chính là khơi gợi dòng cảm xúc tích cực cho người đeo, mang đậm hơi thở nghệ thuật cùng mức giá dễ tiếp cận với đại chúng. Ở đó, các chi tiết chính của một chiếc đồng hồ - bộ vỏ nhựa và cỗ máy thạch anh (quartz) - dường như bị lu mờ trước thông điệp từ tác phẩm nghệ thuật trên mặt số. Công chúng hưởng thức nhiệt thành. Đồng hồ từ một món đồ của giới quý tộc, nay đã ngự trên cổ tay của mọi tầng lớp. Không hề hoa mỹ mà rất nghệ thuật, gần gũi với văn hóa đại chúng, đã có lúc dòng đồng hồ này được đón nhận đến mức Swatch xuất xưởng hơn một triệu chiếc như thế.


Đồng hồ Swatch mang dấu ấn nghệ thuật của Jean-Michel Basquiat, MoMA, René Magritte, Botticelli và bảo tàng Louvre Abu Dhabi. Ảnh: Swatch

Gerald Genta, huyền thoại đằng sau các thiết kế kinh điển Audemars Piguet Royal Oak và Patek Philippe Nautilus, cũng tiên phong chế tác đồng hồ mang dấu ấn Disney cho thương hiệu riêng của mình. Ông nâng tầm dòng có bộ kim “Mickey Mouse Hand” phổ biến đương thời bằng cách tích hợp với cỗ máy tự động, đồng thời ra mắt các phiên bản kim chạy ngược (retrograde).

Chiếc Gerald Genta Mickey Retro với cánh tay của Chuột Mickey là hóa thân của kim đồng hồ. Ảnh: Christie's

Một phần của văn hóa đại chúng đầy tự hào của người Mỹ, bên cạnh Chuột Mickey, là chú chó Snoopy, cũng hiện diện trên mặt số đồng hồ Thụy Sĩ, mà cụ thể của thương hiệu Omega. Giao điểm giữa Omega và Snoop chính là NASA: Omega cung cấp những chiếc đồng hồ có độ chính xác cao cho sứ mệnh không gian, còn Snoopy là linh vật tối thượng của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ. Vì vậy sự kết hợp của hai đại diện này trên những chiếc Speedmaster của Omega đến một cách tự nhiên như hơi thở.


Đồng hồ Snoopy Moonwatch "Silver Snoopy Award" phiên bản kỷ niệm 50 năm tôn vinh các cống hiến của phi hành gia cho công cuộc khám phá vũ trụ. Ảnh: Omega

Mối quan hệ này càng thăng hoa khi Snoopy đã gieo vào lòng giới mộ điệu và sưu tầm nỗi thương nhớ bất tận những chiếc Speedmaster mang hình ảnh của mình. Để rồi Omega tiếp tục bổ sung nhiều mẫu tái bản của chiếc đồng hồ, bao gồm cả phiên bản kỷ niệm 50 năm với Snoopy đang đội chiếc mũ phi hành gia trên mặt đếm giờ ở vị trí 9 giờ. 


Mẫu đồng hồ này là một "báu vật thời gian" có giá 170.000 USD, uy nghi ngự trên cổ tay những nhà sưu tầm và biểu tượng văn hóa như LeBron James và Serena Williams. Ảnh: Audemars Piguet

Hướng đến những tín đồ giàu có đam mê vũ trụ Marvel và rủng rỉnh hiện kim, Audemars Piguet đã thể hiện một ý tưởng kỳ khôi khi mời “Hoàng tử xứ Wakanda” lên mặt số của 250 chiếc đồng hồ Royal Oak Concept Black Panther Flying Tourbillon phiên bản giới hạn. Những hình khối chạm khắc tinh xảo, tính năng Flying Tourbillon phức tạp cùng sắc tím lấy cảm hứng từ thứ kim loại giả tưởng vibranium đã mang đến sự hùng mạnh cho vương quốc Wakanda - tất cả tạo nên sự bùng nổ cảm xúc khi chiêm ngắm mặt số đồng hồ, đặc biệt là với người hâm mộ Marvel nói riêng.


Những chiếc Big Bang Pop Art truyền tải thông điệp nghệ thuật táo bạo. Ảnh: Hublot

Nhắc đến pop art trên mặt số đồng hồ, Hublot là cái tên không thể bỏ qua. Hơn một thập kỷ trước, thương hiệu đã ra mắt những chiếc Big Bang Pop Art truyền tải thông điệp nghệ thuật táo bạo. Với bộ sưu tập Big Bang và Classic Fusion như những tấm canvas sáng tạo không giới hạn, dòng chảy đại chúng tiếp diễn không ngừng qua những cái bắt tay với giới làm nghệ thuật, tiêu biểu như với Romero Britto - nghệ sĩ người Brazil sở hữu studio hình xăm Sang Bleu nổi tiếng London, Anh quốc.


Hoa mặt cười của Takashi Murakami tỏa sáng trên mặt đồng hồ. Ảnh: Hublot

Nghệ sĩ đương đại Nhật Bản Takashi Murakami với bông hoa cười rạng rỡ đã tạo một cú hích thực sự trong lòng giới sưu tầm đồng hồ Hublot. Dù là bảy sắc cầu vồng trên Classic Fusion Takashi Murakami Sapphire Rainbow hay màu đen tuyền lấp lánh của Classic Fusion Takashi Murakami All Black, các tạo tác phiên bản giới hạn này đều làm những cá nhân có cơ hội trải nghiệm (trong đó có người viết) rung động trước vũ điệu của nghệ thuật và thời gian trên cổ tay.

Hành trình của tiên cá trên mặt số đồng hồ, dưới góc nhìn của nghệ sĩ Milo Manara. Ảnh: Ulysse Nardin

Ulysse Nardin cũng hợp tác với nghệ sĩ Milo Manara với loạt đồng hồ như những tác phẩm nghệ thuật tôn vinh di sản hàng hải của thương hiệu theo một cách tinh tế. Milo Manara đã vẽ nên câu chuyện về một nàng tiên cá trong hành trình trở về với đại dương, hiển lộ sống động trên những chiếc đồng hồ Ulysse Nardin cao cấp dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân vẽ tiểu họa.


"Sân khấu nhỏ" của The Rolling Stones trình diễn trên mặt đồng hồ theo phong cách pop art. Ảnh: Jaquet Droz

Mối lương duyên giữa pop art và đồng hồ xa xỉ cũng là chủ đề của triển lãm mang tên “Celebrations” của Vacheron Constantin tổ chức tại cửa hàng “flagship boutique” của thương hiệu tại Manhattan, Hoa Kỳ vào năm 2021. Một không gian sang trọng, tràn ngập “chất chơi” pop art qua những chiếc đồng hồ lưu giữ nghệ thuật theo thời gian và bộ tranh vẽ ghi dấu hợp tác giữa thương hiệu Thụy Sĩ với nghệ sĩ Jojo Anavim từ New York.


Vacheron Constantin hợp tác với nghệ sĩ Jojo Anavim tạo nên bộ ba tranh vẽ độc bản cho không gian cửa hàng flagship tại New York năm 2021.

Từ khi ra đời đến nay, ngành chế tác đồng hồ đeo tay vẫn luôn đầy ắp nghệ thuật. Và nghệ thuật luôn biết cách tìm đến nhau, giao thoa và thăng hoa, như cách những chiếc đồng hồ mang dấu ấn pop art khuấy động xúc cảm của giới mộ điệu, cũng như cách Andy Warhol đã làm say lòng đại chúng hàng thập kỷ.

>>Xem thêm: Đồng hồ Louis Vuitton đã thay đổi như thế nào dưới thời "thái tử" Jean Arnault


ADVERTISEMENT