Du lịch không rác thải - Khi xu hướng trở thành phong cách sống
Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), mỗi năm ở Việt Nam ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra và là 1 trong 5 quốc gia thải ra biển rác thải nhựa nhiều nhất thế giới (khoảng nửa triệu tấn). Một phần trong số này đến từ hoạt động du lịch.
Với vị trí địa lý một mặt giáp biển, thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam nhiều vùng biển xinh đẹp, cảnh sắc phong phú và hệ sinh thái đa dạng. Sẽ như thế nào khi chỉ vài năm tới đây, những vùng biển xinh đẹp, những thành phố du lịch nổi tiếng bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt, lượng rác thải được sinh ra từ hoạt động du lịch? Chắc hẳn tôi, bạn và tất cả mọi người đều hiểu tầm quan trọng của môi trường, không chỉ ảnh hưởng tới cảnh quan tự nhiên mà còn ảnh hưởng tới chính sức khỏe bản thân mình nữa.
Khoảng 87.700.000 kết quả được hiển thị trên Google trong 0,41 giây - “Zero Waste Travel” không còn là TREND (xu hướng) mà đã trở thành LIFESTYLE (phong cách sống) mới của người trẻ hiện đại thế kỷ 21.
Vậy liệu rằng, một chuyến du lịch KHÔNG RÁC THẢI có khó và có thể thực hiện được hay không? Tôi có thể trả lời ngay với bạn là khó và rất khó. Một mình bạn khó có thể làm được nếu không có sự chung tay từ cộng đồng xung quanh. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có cách giải quyết. Thay vì nói “Tôi không thể” , hãy nói “Tôi sẽ cố gắng” giảm thiểu rác thải nhựa và thay đổi thói quen sinh hoạt khi đi du lịch một cách tốt nhất trong khả năng của mình.
Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ một số mẹo nhỏ giúp bạn có thể giảm thiểu rác thải nhựa, giảm ô nhiễm môi trường một cách tốt nhất khi đi du lịch.
Lời khuyên 1: Không sử dụng đồ dùng 1 lần của khách sạn
Thói quen: Thông thường khi đi du lịch một số người ít mang theo dầu gội, sữa, tắm, kem và bàn chải đánh răng,… vì những thứ ấy đã được khách sạn chuẩn bị sẵn trong tất cả các phòng, thuật ngữ khách sạn gọi là Amenities - là những đồ dùng chỉ dùng 1 lần trong khách sạn. Những đồ dùng này khá nhỏ đựng trong túi nilon (lược, bàn chải đánh răng, tăm bông, dao cạo râu,…) hay chai nhựa/tuýp nhựa (dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng,…) và sẽ được thay mới sau khi sử dụng.
Giải pháp: Hãy mang theo những thứ có sẵn ở nhà như kem, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, lược,… và sử dụng bộ dụng cụ chiết mỹ phẩm khi đi du lịch. Bộ dụng cụ này giá dao động từ 100K - 200K bao gồm nhiều lọ nhỏ khoảng 50ml đến 100ml, đựng trong túi rất gọn nhẹ và tiện lợi. Bạn hãy chiết các loại dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm,… vào những lọ ấy.
Lời khuyên 2: Hạn chế sử dụng đồ vải của khách sạn
Thói quen: Bên cạnh những đồ dùng Amenities sử dụng 1 lần. Những thói quen rất nhỏ, ít ai quan tâm đến, tưởng chừng như vô hại nhưng cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường. Đó là việc giặt tẩy bằng hoá chất nhiều lần, khách sạn thường dùng hoá chất tẩy rửa mạnh để tẩy trắng vải như khăn tắm, khăn mặt, dép lông đi trong phòng, áo choàng tắm,…
Giải pháp: Mang theo dép, khăn tắm hoặc khăn mặt khi đi du lịch và hạn chế dùng áo choàng tắm ở mức tối đa.
Lời khuyên 3: Dùng túi vải, túi nhựa tái chế dùng nhiều lần
Thói quen: Khi đi du lịch, để tiết kiệm không gian vali hay giảm khối lượng hành lý mang theo, mọi người thường mang theo nhiều vật dụng nhỏ, nhẹ ký và nhiều đồ dùng cá nhân phục vụ sinh hoạt hàng ngày như: Quần áo, phụ kiện, khăn, giày dép, thuốc men,… Quần áo có thể xếp trong vali, balo nhưng các phụ kiện nhỏ, khăn mặt, khăn tắm, giày dép, thuốc men,… thì thường đựng trong túi nilong nhỏ. Sau khi du lịch trở về thì những túi nilon ấy thường được bỏ vào thùng rác và ít khi sử dụng lại.
Giải pháp: Thay vì sử dụng túi nilon xài-xong-bỏ thì bạn hãy dùng túi vải, túi rút, túi Zipline hoặc túi phụ kiện du lịch có thể dùng lại nhiều lần. Một vài gợi ý như: Túi vải hoặc túi rút đựng giày; Túi đựng mỹ phẩm, bộ dầu gội, sữa tắm hay bàn chải đánh răng; Túi đựng quần áo giúp bạn gấp gọn quần áo, tiết kiệm diện tích vali; Túi Zipline đựng những lọ mỹ phẩm, dầu gội, thuốc men,… hoặc Túi vải rút đựng đồ dơ, khăn tắm, khăn mặt. Một số túi vải trên thị trường có thiết kế rất đẹp, bạn có thể vừa dùng làm phụ kiện thời trang vừa đựng đồ lặt vặt trong suốt chuyến đi của mình.
Lời khuyên 4: Sử dụng vật dụng thân thiện môi trường hoặc có thể tái sử dụng nhiều lần
Thói quen: Việc thay đổi nhận thức, thói quen không dùng đồ nhựa không chỉ áp dụng trong chuyến du lịch mà còn trong thói quen sinh hoạt hàng ngày của mỗi người. Ẩm thực đường phố (Street Food) luôn hấp dẫn rất nhiều du khách. Chúng ta đã quá quen thuộc trước việc mua một ly trà sữa, chai nước ép hoặc một số món ăn vặt đựng trong dĩa, hộp nhựa ở nhiều quán ăn vỉa hè ở một địa điểm du lịch nào đó. Đây cũng chính là nơi sản sinh ra rất nhiều rác thải nhựa sinh hoạt.
Giải pháp: Việc không dùng đồ nhựa sử dụng 1 lần ở những quán, xe đẩy đường phố như thế này thực sự rất khó nhưng bạn có thể hạn chế bằng cách thay đổi thói quen của mình. Hãy mang theo bình nước cá nhân để đựng thức uống. Ở một số nước tiên tiến bạn có thể lấy nước uống trực tiếp từ các vòi nước công cộng, điều đó sẽ tiết kiệm được chi phí mua nước đóng chai, chưa kể là hạn chế dùng chai nhựa. Hoặc bạn có thể mang theo bộ dụng cụ ăn uống khi du lịch như: ống hút tre, ống hút inox và bộ đũa muỗng bằng tre,…
Lời khuyên 5: Áp dụng những tiến bộ công nghệ vào cuộc sống
Thói quen: Trong mỗi chuyến du lịch có phải bạn thường làm những việc như sau: in tất cả những giấy tờ liên quan: vé máy bay, vé xe, phiếu đặt phòng khách sạn, phiếu đặt dịch vụ như sim card, vé vào cổng khu vui chơi,… Những thói quen nhỏ này cũng góp phần vào việc gây ô nhiễm môi trường đó chính là mực in và giấy in.
Lời khuyên: Hãy áp dụng những tiến bộ công nghệ vào cuộc sống, chuyến du lịch thay vì thực hiện những “thói quen truyền thống” có thể phần nào gây hại đến môi trường. Hiện nay, hầu như các đơn vị, công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển (máy bay, xe khách), lưu trú (khách sạn, homestay,…) và dịch vụ (sim card, vé vào cổng khu vui chơi,…) đều đặt qua online nên bạn không cần thiết phải in tất cả giấy tờ mà chỉ cần lưu thông tin vào điện thoại và đưa cho nhân viên xem khi bắt đầu sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, các hãng hàng không đang dần khuyến khích mọi người làm thủ tục trực tuyến (Check-in Online) trước. Việc này ngoài tiết kiệm thời gian cho bạn và còn giảm được việc in vé lên tàu (Boarding Pass).
Hy vọng mới một số lời khuyên trên sẽ giúp bạn thay đổi phần nào thói quen tưởng chừng như vô hại của mình trong mỗi chuyến du lịch. Hãy cùng chung tay kêu gọi mọi người hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường giúp môi trường sống tự nhiên ngày càng tốt đẹp hơn. Nếu có thể hãy áp dụng ngay những lời khuyên rất đơn giản này trong chuyến du lịch nhé.