share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Huế mưa, vẻ đẹp của những lăng tẩm cố vãng


ADVERTISEMENT

Một năm chia thành bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; nhưng ở Huế, chỉ có hai mùa: nắng gắt và mưa dầm. Những cơn mưa dai dẳng ở Huế không được tính bằng ngày, bằng tuần mà kéo dài cả tháng, cả mùa. Nhưng chính những cơn mưa Huế dầm dề, buốt rét khiến du khách thường lắc đầu ngao ngán, nhưng lại làm nên nét thơ cho vùng đất cố đô trầm mặc.

Ôm lòng thiết tha với miền đất cố đô, tôi đến Huế lần này với mục đích duy nhất: trở lại những lăng tẩm cổ xưa, nơi cất giấu hồi ức các đời vua Nguyễn từng ngự trị ở xứ sở này trăm năm về trước. Đắm mình trong những rừng thông u tịch, lăng mộ lặng yên gìn giữ hình hài thuở trước, nhìn nhân gian dịch chuyển, người đời vãng lai chiêm ngưỡng mà thảng thốt trong lòng.

Bức ảnh nào cũng được chụp trong cảnh mưa giăng

Sau khi ổn định chỗ nghỉ vào lúc 3 giờ chiều, không muốn bỏ lỡ một khoảnh khắc sáng trời, chúng tôi thuê xe máy chạy về Cồn Hến để thưởng thức món đặc sản nhất định phải thử khi đến Huế - cơm hến. Cơm hến trộn gia vị vừa phải, thơm ngon, ăn với nước dùng nóng hổi quả thực làm ấm lạnh người viễn khách vừa đặt chân đến vùng đất lạnh lẽo này. Giải quyết nhanh gọn bữa chiều, chúng tôi nhanh chóng lên đường đến lăng vua Tự Đức - một trong những lăng tẩm tôi cho là có kiến trúc cầu kỳ và sơn thủy hữu tình nhất. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ với mong muốn của vị chủ nhân rằng tòa công trình sẽ trường tồn cùng năm tháng. Nhưng rồi việc xây dựng hao tài tốn của, giẫm đạp xương máu nhân dân dẫn đến loạn lạc. Để rồi sau loạn Chày Vôi, lăng được đổi thành Khiêm Cung với gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi, đến khi vua mất mới đổi lại là Khiêm Lăng.

 Ngắm mưa nhỏ giọt trên mái ngói lưu ly ở Khiêm Cung Môn

“Vạn Niên là Vạn Niên nào

Thành xây xương lính, hào đào máu dân”

Chẳng biết vua có lường được lăng mộ được xây trên đau khổ năm đó, nay đã mất đi sự yên tĩnh vốn dĩ, trở thành một điểm đến du lịch, mang giá trị kinh tế cho vùng đất từng là xứ sở của Người.

Hứng làn mưa phùn dai dẳng, tôi nán lại rất lâu trong Khiêm Cung Môn chỉ để nhìn mưa nhỏ giọt từ mái ngói lưu ly, nhìn một nhánh tùng in mình trên tường thành sơn son, vẻ đẹp của miền dĩ vãng. Trong giây khắc ấy, tôi tin mình đã đến đây vào thời gian đẹp nhất trong ngày, được ngắm nhìn cảnh quang với xúc cảm tuyệt vời nhất trong lòng. 

Ra khỏi cổng vọng lâu Khiêm Cung Môn sẽ bắt gặp sẽ bắt gặp đảo Tịnh Khiêm nơi vua từng trồng hoa và nuôi thú hiếm. Mùa này không có sen và trời tối nhanh nên chúng tôi không kịp tận hưởng cảm giác ngồi trong Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ ngắm sen nở rợp hồ.

 Cơn mưa dầm khiến lăng tẩm càng thêm u tịch

Đặt chân khu vực lăng mộ, những vị khách cuối cùng đã ra về, chỉ còn chúng tôi cố gắng vớt vát vài giọt sáng ít ỏi cuối cùng đang dần chìm nghỉm sau rặng thông. Bước vào khu mộ vua, tôi thấy mình như lọt thỏm vào một thế giới khác. Mộ phần ẩn mình sau những nhánh sứ chằng chịt trụi lá như một “kết giới” linh thiêng cổ xưa, khiến người viếng cảnh không vì gì cũng phải dâng lòng thành kính. Tối trời rất nhanh, thoáng chốc đã đêm mịt sương mờ. Vì đã là những khách cuối cùng, chúng tôi bước vội cho tới khi bắt gặp ánh đèn hộ dân mới thấy mình về lại thành phố.

  Những du khách cuối cùng đã ra về

Ra khỏi khu vực lăng mộ, chúng tôi tấp lại quán bánh kếp ven đường, hít hà mùi khói bếp, lấp vào bụng chút hơi ấm rồi lao nhanh về thành phố. Chúng tôi tận hưởng một tối mưa dầm và cơn buốt giá của Huế bằng tô cháo bò thơm ngon nóng hổi trên đường Nguyễn Công Trứ và cốc trà gừng cay ấm trong khu phố Tây.

Ngày thứ hai, chúng tôi bắt đầu một hành trình dồn dập để đi bằng hết những địa điểm trong dự định. Khởi động buổi sáng nhẹ nhàng và nhanh gọn bằng ổ bánh mì trứng nóng, chúng tôi lập tức lên đường đến Lăng Minh Mạng. Lăng Minh Mạng có bố cục kiến trúc theo lối cân bằng đối xứng, xung quanh một trục chính là đường Thần đạo, là một trong những lăng mộ có quy mô lớn nhất của nhà Nguyễn. Lăng được con trai ông là vua Thiệu Trị cho thi công xây dựng, từ một vùng đồi núi hoang sơ, qua bàn tay lao động và sức sáng tạo tuyệt vời của cổ nhân đã trở thành một lăng tẩm uy nghiêm, một di tích có giá trị về tư tưởng, thẩm mỹ.

 Lầu các sơn son thếp vàng

Trên trục dài của Thần đạo, tôi nán lại Lầu Minh Lâu dành cho mình đôi phút ngắm nhìn quang cảnh của lăng và ngẫm nghĩ về sự vi diệu trong thiết kế bố cục cũng như ý nghĩa tâm linh. Lầu Minh Lâu nghĩa là lầu sáng - nơi Nhà vua suy tư vào những đêm hè trăng thanh gió mát. Nơi đây thể hiện cách lý giải về vũ trụ và nhân sinh quan của cổ nhân; tòa nhà hình vuông, hai tầng, tám mái, là biểu trưng của triết học phương Đông. Hai bên Lầu Minh Lâu nhìn về phía sau là hai trụ biểu uy nghi dựng trên Bình Sơn và Thành Sơn mang ý nghĩa Nhà vua đã "bình thành công đức" trước khi về cõi vĩnh hằng. Từ Minh Lâu nhìn xuống sẽ thấy hồ nước hình trăng non - Tân Nguyệt ôm lấy Bửu Thành. Tất cả tượng trưng cho thế giới vô biên, hồ hình trăng non ví như Âm bao bọc, che chở lấy Dương là Bửu Thành - tượng trưng cho mặt trời. Thể hiện quan niệm của cổ nhân: “Âm Dương khắc chế cân bằng, vạn vật mới sinh hoài không ngớt”

  Đứng trên Minh Lâu thả hồn sơn thủy

Rời lăng Minh Mạng, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình khám phá lăng tẩm với điểm đến là lăng Khải Định. Lăng Khải Định còn được gọi là Ứng Lăng, nơi có mộ của vị vua thứ 12 triều Nguyễn - Vua Khải Định. Sau khi tham khảo nhiều tấu trình của các thầy phong thủy địa lý, cuối cùng ông chọn triền núi Châu Chữ làm vị trí xây cất lăng mộ. Với vị trí này, Nhà vua lấy quả đồi thấp phía trước làm tiền án, lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước làm Tả Thanh Long - Hữu Bạch Hổ; dòng Châu Ê chạy từ trái qua phải làm thủy tụ, gọi là Minh Đường. So với các lăng vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích khiêm tốn hơn rất nhiều nhưng lại cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian để xây dựng.

 Bích họa ghép từ gốm sứ trong lăng Khải Định

Trong màn mưa âm u, lăng như một bức tranh trắng đen được chạm trổ hoa văn Đông Tây kết hợp cầu kỳ. Bên trong lăng thếp vàng, được trang trí bằng những bức bích họa đối xứng bằng sành sứ tinh xảo muôn hình vạn trạng. Có vậy mới thấy được sự kỳ công tỉ mỉ đến từng đường nét của người thợ xây. Tương truyền, thuở sinh tiền vua từng nói: “Nơi ta ngồi cũng chính là nơi ta nằm”. Vậy nên thi hài Nhà vua được đưa vào dưới pho tượng đồng của ông bằng một toại đạo dài gần 30m bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặng tượng trưng cho “giấc ngủ ngàn thu” của ông.

  Chiếc nón bài thơ đặc sắc của xứ Huế

Từ Ứng Lăng trở về thành phố, chúng tôi ghé thăm làng nghề truyền thống nơi chiếc nón bài thơ và bó nhang hương được người nghệ nhân tỉ mỉ tạo nên. Cơm trưa là một bữa cơm Huế đúng điệu với cơm nóng, gà kho, măng xào. Món nấu vừa vị như bữa cơm gia đình vẫn ăn thường nhật.

Sau khi nghỉ trưa đầy đủ, chúng tôi bắt đầu đến những điểm cuối của chuyến đi ngắn ngủi lần này - chùa Thiên Mụ. Tiếng chuông Thiên Mụ bên dòng Hương Giang đã đi vào lòng người bao nhiêu năm nay:

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”

Ngôi chùa cổ tọa lạc trên ngọn Hà Khê bên tả ngạn sông Hương, được xây dựng vào đời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Tương truyền rằng, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn. Sau này dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, Nhà vua sợ chữ "Thiên" phạm đến Trời nên cho đổi từ Thiên Mụ thành Linh Mụ. Vì vậy chùa có hai tên gọi, Thiên Mụ hay Linh Mụ đều là một.

Bước vào chùa, đập ngay vào mắt là ngọn tháp Phước Duyên sừng sững trăm năm cùng năm tháng. Người ta đồn đoán nhau rằng, người yêu nhau đến đây sẽ chia lìa, người chưa duyên đến đây sẽ gặp được kỳ ngộ. Tôi chẳng rõ thực hư, nhưng chợt nghĩ đi ở là việc của lòng người, còn còn thần linh phải rẽ chia, tương trợ hay sao?

 Giọt mưa đọng lại nhành lan trong chùa Thiên Mụ

Điều khiến tôi chú ý là trong khuôn viên của chùa có cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. Ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam là Đào Tấn được đặt gần chiếc xe ô tô di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu. Cuối vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu - vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời.

Chúng tôi kết thúc lịch trình tham quan ngày hôm đó bằng một chuyến đò xuôi về thành phố trên sông Hương. Giữa sông nước mênh mang, người con gái nén hết bao lời muốn ngỏ thành chiếc liếc mắt thật dài, bỏ mặc xúc cảm rối bời lênh đênh trên dòng nước hiền lương. Buổi tuổi vẫn nhẹ nhàng với ly trà nóng ngay trước Đại Nội, ngắm mưa Huế bay bay, chẳng kịp thổn thức gì nhiều đã phải lo toan hành lý cho chuyến bay về Sài Gòn lúc khuy.

Tạm biệt Huế mưa, bao lời muốn ngỏ nén lại thành đôi ba dòng kìm nén, giá như có thể viết trọn hết vẻ đẹp của xúc cảm thành lời.


 


ADVERTISEMENT